Danh mục hàng thiết yếu - Tại sao mỗi nơi ‘sáng tác’ phạt mỗi kiểu?

RFA
2021.08.02
Danh mục hàng thiết yếu - Tại sao mỗi nơi ‘sáng tác’ phạt mỗi kiểu? Một người dân đưa phiếu kiểm soát để được đi chợ hôm 29/7 tại Hà Nội.
AFP PHOTO

Những kiểu phạt “cười ra nước mắt”

Thời gian qua, tại nhiều địa phương ở Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - nhằm mục đích ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 - đã khá lúng túng trong việc “cấm-cho” lưu thông hàng hóa - hay nói một cách dễ mườn tượng hơn là người dân đi mua thực phẩm cũng bị phạt vì thiếu quy định cụ thể thế nào là ‘hàng hóa thiết yếu’.

Đơn cử như vào tháng 7 năm 2021, dư luận mạng xã hội bức xúc khi một thanh niên ở Nha Trang bị lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ phương tiện xe máy, giấy tờ do ra đường nhưng không có nhu cầu thiết yếu, và cho rằng túi đựng bánh mì của anh không phải hàng thiết yếu.

Hay nhiều vụ dở khóc, dở cười khác như việc phản phối, vận chuyển băng vệ sinh, tã, bỉm tại TPHCM và nhiều tỉnh miền Nam gặp khó khăn vì những hàng hoá này cũng bị “liệt” vào danh sách “không phải hàng thiết yếu”. Hoặc như tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở Ninh Thuận đã yêu cầu xe ngân hàng quay đầu vì 'tiền không phải hàng cấp thiết'...

Anh Thiệu, một người dân TPHCM khi trả lời RFA hôm 2/8, cho biết về những khó khăn trong quy định hàng thiết yếu, vì mỗi nơi mỗi kiểu:

“Quy định hàng thiết yếu thì họ đưa ra, nhưng những người cấp dưới lại chủ quan áp đặt theo suy nghĩ cá nhân, kém phần suy luận... vì vậy chốt này thì cho đó là hàng thiết yếu, nhưng chốt khác lại không cho. Mà những vụ đó xảy ra rất nhiều, làm cho người dân dở khóc dở cười... Thậm chí nhân viên đến bệnh viện làm việc mà họ nói là công việc không thiết yếu... và bị chốt chặn lại. Có những điều rất buồn cười và nghịch lý, đâm ra gây khó cho người dân, đi cứ nơm nớm lo không biết mình có bị phạt hay không? Như tôi hết đồ ăn phải đi mua mà cũng sợ bị phạt, vì bây giờ dịch không có tiền mà còn bị phạt thì lại càng khổ nữa, phạt một lần hai ba triệu bạc chứ đâu phải là ít đâu?”

Quy định hàng thiết yếu thì họ đưa ra, nhưng những người cấp dưới lại chủ quan áp đặt theo suy nghĩ cá nhân, kém phần suy luận... vì vậy chốt này thì cho đó là hàng thiết yếu, nhưng chốt khác lại không cho. Mà những vụ đó xảy ra rất nhiều, làm cho người dân dở khóc dở cười...
-Anh Thiệu

Sự tù mù trong chấp pháp?

Trước phản ứng của dư luận, một số tỉnh đã ra văn bản quy định tương đối cụ thể về danh mục hàng thiết yếu, dù danh sách liệt kê vẫn là mỗi tỉnh một loại. Tuy vậy, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, sự thay đổi của một vài chốt chặn không khơi thông được ách tắc về cả hàng hóa và sự di chuyển của người dân trên diện rộng. Nguyên nhân mà giáo sư Hùng Võ đưa ra là do sự tù mù trong chấp pháp tại cấp địa phương, hay cách diễn giải pháp luật tự phát của cán bộ cơ sở vẫn đang gây khó khăn cho người dân.

Giáo sư Đặng Hùng Võ khi trao đổi với RFA hôm 2/8, nhận định:

“Vừa rồi thể hiện tính chia cắt nhiều quá, do không có sự phối hợp giữa các địa phương. Mỗi địa phương hiểu pháp luật, hiểu cách thức mình phải làm rất khác nhau, không có tư duy thống nhất theo một đường lối rõ ràng. Chính vì vậy vừa rồi các địa phương lo ngại dịch bệnh nên tìm mọi cách, mỗi địa phương hiểu một khác, kể cả chuyện giữa các tỉnh với nhau, giữa các huyện trong một tỉnh, rồi giữa các xã phường.... thể hiện cái đấy khá rõ. Chính vì vậy có những tỉnh giúp đỡ bà con tỉnh mình trở lại quê hương né dịch rất tốt. Nhưng có tỉnh ngăn không cho đi ví dụ như Long An cương quyết không cho đi từ đông nam bộ qua tây nam bộ.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên nhân chính vẫn là do không có sự nhất quán giữa các địa phương, thiếu sự vào cuộc của các Bộ ngành ở Trung ương... Ông giải thích:

“Vì các Bộ ngành chính là mắc xích của chính phủ, mà thống nhất được tư duy của các địa phương. Các Bộ ngành lao vào cuộc chống COVID-19 này có vẻ chưa tốt, trừ Bộ y tế có những kế hoạch cụ thể. Thứ hai là có thể là Bộ Công thương chịu trách nhiệm vực doanh nghiệp... Còn lại là rất im ắng, không có sự chỉ đạo, không đưa ra thảo luận thống nhất như một cuộc họp online trực tuyến của một Bộ ngành với các địa phương để thống nhất cách hiểu. Theo tôi, nên tìm hiểu bàn bạc để tìm cách ứng phó trong tình hình đang tăng lên như hiện nay.”

Liên quan vấn đề xử phạt vi phạm giãn cách xã hội của các địa phương được nói là căn cứ theo chỉ thị 15, 16 của chính phủ... Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, theo luật pháp Việt Nam, chỉ thị là văn bản điều hành, không phải văn bản quy phạm pháp luật, nên không thể có quy định nào về mức phạt với các chỉ thị? Vậy mà nhiều địa phương, các cán bộ vẫn ngăn, vẫn phạt...

000_9H68KL.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 29/7/2021. AFP PHOTO.

Cần hiểu đúng về Chỉ thị

Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật, RFA hôm 2/8 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, và được ông giải thích:

“Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, thì ‘chỉ thị’ không nằm trong văn bản quy phạm pháp luật. Thế thì chỉ thị là gì, dưới góc độ xã hội, chỉ thị mang tính chất truyền đạt các chủ trương chính sách, và biện pháp quản lý để chỉ đạo... ví dụ, chỉ thị đó căn cứ theo nghị định nào đó...nhắc lại cho người ta hiểu để tránh vi phạm. Trước đây chỉ thị là một văn bản quy phạm pháp luật, nhưng bây giờ thì không phải, nên chỉ thị mang tính chất đôn đốc thực hiện...”

Thực sự mà nói theo tư duy của tôi là không nên đặt ra vấn đề hàng thiết yếu. Vì thị trường cần thì hàng nào chả thiết yếu, nhất là Việt Nam đặt ra mục tiêu kép, tức là vẫn hoạt động kinh tế và vẫn chống dịch.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Điều 4 Luật Giá năm 2012 có giải thích cụm từ “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng - an ninh, gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng...

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải phối hợp đưa ra hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về danh mục ‘hàng hóa, dịch vụ thiết yếu’ cho người dân và cả lực lượng thực thi công vụ hiểu đúng, để tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu, xử phạt tùy tiện gây khó khăn cho người dân.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết thêm:

“Thực sự mà nói theo tư duy của tôi là không nên đặt ra vấn đề hàng thiết yếu. Vì thị trường cần thì hàng nào chả thiết yếu, nhất là Việt Nam đặt ra mục tiêu kép, tức là vẫn hoạt động kinh tế và vẫn chống dịch. Thế thì vẫn hoạt động kinh tế thì người dân phải có công việc, rồi việc vận chuyển nhìn vào có vẻ chưa thiết yếu... ví dụ xe chở than đá đến một nhà máy nhiệt điện nào đó, thì muốn mục tiêu kép thì nhà máy đó phải có than. Thế thì tất cả những cái đó đều là thiết yếu cả, tôi cho rằng đừng quan niệm thế nào là thiết yếu nữa, mà tổ chức vận chuyển +5K như thế nào cho tốt nhất để phòng tránh dịch. Ví dụ như Hà Nội tổ chức hai luồng Nam ra Bắc và Bắc vô Nam khác nhau... Xe nào đến Hà Nội thì có giấy tờ rõ ràng, thì tôi cho rằng cuộc sống vẫn đảm bảo và vẫn ngăn dịch bằng 5K.”

Dù vậy, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng vẫn cần phải có những biện pháp để đảm bảo an toàn hơn nữa cho việc vận chuyển hàng hóa, chứ không nên coi cái gì là thiết yếu thì được làm, cái gì không thiết yếu thì không được phép. Theo ông Võ, dù có khắc khe hơn nhưng vẫn phải được vận chuyển thì mới đảm bảo mục tiêu kép.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.