Suy nghĩ của một số dân Đà nẵng về ông Nguyễn Bá Thanh

RFA-04-01-2015
2015.01.04
Ông Nguyễn Bá Thanh Ông Nguyễn Bá Thanh
RFA files photos

Tình trạng của ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và nguyên bí thư thành ủy Đà Nẵng, trong những ngày qua được cả báo chí chính thống của Nhà nước và các trang mạng loan tải.

Đối với một số người dân thành phố Đà Nẵng thì quan điểm của họ đối với ông Nguyễn Bá Thanh ra sao?

Cầu an/ Nghĩa tử- Nghĩa tận/Trời có mắt

Ngay sau khi những trang mạng như ‘Chân Dung Quyền Lực’… loan tin về tình trạng ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc phải sang Hoa Kỳ chạy chữa, thế nhưng các bệnh viện tại Hoa Kỳ không thể làm gì hơn đã khuyên gia đình đưa bệnh nhân về nhà tại Đà Nẵng; một số tờ báo trong nước như Lao Động, Thanh Niên… đều có tin chính quyền Đà Nẵng bác bỏ thông tin bị cho là đồn thổi như thế. Ngoài ra theo các báo trong nước, cơ quan an ninh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng cho tăng cường biện pháp kiểm soát tại nơi đó.

Tờ Lao Động trên mạng trong bài đăng ngày 2 tháng giêng năm 2015 còn loan tin nói rằng nhiều người dân tại Đà Nẵng sau khi nghe tin xấu về người cựu bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã đến các chùa đọc kinh Dược Sư để cầu an cho ông ngày được mạnh khỏe và qua cơn bạo bệnh.

Tôi cầu nguyện là cầu nguyện cho ‘quốc thái- dân an’, cầu nguyện cho những ai phục vụ lợi ích cho dân, chứ còn những người hại dân, làm khổ dân tôi không cầu nguyện làm gì. Cũng có thể có những người cầu nguyện là người mang ơn ông Thanh đã cho họ năm- ba lô đất, họ nịnh bợ nên họ đi (cầu nguyện) cũng đúng thôi!

Một cựu chiến binh

Một cựu chiến binh từng trải qua hai cuộc chiến tại Việt Nam nói lên quan điểm của bản thân về tin có người đi cầu an cho ông Nguyễn Bá Thanh như sau:

Điều đó nói về tự do tín ngưỡng là quyền của họ mà thôi, không nên nhận xét đến làm gì. Riêng tôi, tôi không bao giờ làm điều đó. Tôi cầu nguyện là cầu nguyện cho ‘quốc thái- dân an’, cầu nguyện cho những ai phục vụ lợi ích cho dân, chứ còn những người hại dân, làm khổ dân tôi không cầu nguyện làm gì. Cũng có thể có những người cầu nguyện là người mang ơn ông Thanh đã cho họ năm- ba lô đất, họ nịnh bợ nên họ đi ( cầu nguyện)  cũng đúng thôi!

Một người khác từng có đơn tố cáo những việc làm của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong thời gian ông Nguyễn Bá Thanh còn là lãnh đạo tại đó cho biết mức độ quan tâm của bản thân về tin ông cựu bí thư thành phố bị bệnh nặng và có thể không qua khỏi:

Đó là việc của bản thân và gia đình của ông ta. Việc ông ta đau và đi chữa rồi về sống với gia đình thì chẳng có quan hệ gì ( với tôi). Tôi thấy ông cũng đóng góp xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng cũng tốt. Việc ông đau ốm cũng là tổn thất cho bản thân ông ta, gia đình và phần nào đó cho xã hội. Còn việc đời tư của ông thế này thế khác thì tôi không có ý gì cả!

Một người dân Đà Nẵng khác tự nhận là nạn nhân của chính quyền khiến cho cuộc sống gia đình ông phải lao đao suốt bao lâu nay lại nhắc đến truyền thống của người Việt trong cử xử với những người ‘sa cơ, thất thế’ khác như trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh hiện nay như sau:

Trước nay thì tôi hơn- thiệt, bực bội nhưng bây giờ ‘nghĩa tử là nghĩa tận’, bây giờ ông cũng bệnh tình sắp chết rồi thì thôi mình không nói làm gì. Còn cái gì ‘có vay, có trả’, cái nợ đời mà. Tôi cũng là một trong những nạn nhân, nhưng bây giờ thôi.

Trước nay thì tôi hơn- thiệt, bực bội nhưng bây giờ ‘nghĩa tử là nghĩa tận’, bây giờ ông cũng bệnh tình sắp chết rồi thì thôi mình không nói làm gì. Còn cái gì ‘có vay, có trả’, cái nợ đời mà. Tôi cũng là một trong những nạn nhân, nhưng bây giờ thôi

Một người dân Đà Nẵng

Công- tội

Nhiều người đến thành phố Đà Nẵng hiện nay đều cho rằng nơi này có nhiều thay đổi trở nên khang trang, sạch đẹp với nhiều cây cầu bắc qua Sông Hàn, cũng như nhiều cảnh chủa với tượng Phật lớn như tượng Phật ở chùa trên bán đảo Sơn Trà, Phật trên đỉnh Bà Nà… Tất cả những thay đổi đó được cho là do sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh khi còn làm lãnh đạo Đà Nẵng.

Tuy nhiên, người dân Đà Nẵng tự nhận là nạn nhân của chính quyền trình bày:

Đẹp, sạch cũng chỉ dăm ba con đường vậy thôi, chứ còn đi sâu vào một chút thì cũng nhếch nhác chẳng ra gì hết.

Qua câu chuyện có thể đánh giá một con người rồi, chỉ có những người không biết họ ca ngợi thôi. Họ thấy mặt nổi họ tưởng là (do) ông ta; nhưng không phải thế! Nhiều người ở xa họ không biết, nhưng chúng tôi ở trong Đà Nẵng thì quá rành rồi. Những người hiểu biết thì rành, còn những người tối ngày chỉ lo áo cơm không thì chỉ biết một chiều. Mình đi sâu vào mới biết được.

Người hiện còn phải khiếu kiện các cơ quan chức năng vì quyền lợi chính đáng của bản thân, gia đình bị xâm hại lâu nay không muốn nhắc đến những điều được cho là công trạng của ông Nguyễn Bá Thanh mà truyền thông trong nước từng nhắc đến lâu nay:

Điều đó báo chí nói rồi, thanh tra chính phủ nói rồi. Việc đó mình không đào xới những chuyện đó ra, nó phức tạp. Còn xã hội tất nhiên không có người này thì có người khác. Thế giới bao giờ cũng có những điều mới theo lịch sử phát triển của con người. Cha ông của chúng mình ngày xưa cũng tài giỏi, nay cũng tài giỏi, người này mất đi thì người khác lên thôi.

Qua câu chuyện có thể đánh giá một con người rồi, chỉ có những người không biết họ ca ngợi thôi. Họ thấy mặt nổi họ tưởng là (do) ông ta; nhưng không phải thế! Nhiều người ở xa họ không biết, nhưng chúng tôi ở trong Đà Nẵng thì quá rành rồi

Một người dân Đà Nẵng

Người cựu chiến binh lão thành trên 80 tuổi từng tham gia 2 cuộc chiến Việt nam nói lên những điều mà theo ông này là những việc làm ‘khổ dân’ trong thời ông Nguyễn Bá Thanh làm lãnh đạo Đà Nẵng:

Đối với ông Thanh, ai không biết chứ tôi tôi thấy thành phố Đà Nẵng vừa qua truy tìm ra 16.400 lô đất mà lúc đó một ngàn mấy hộ dân không có đất tái định cư. Tôi nói có chứng cứ là họ bỏ ngoài sổ sách 16.400 lô đất. Lúc đó nội bộ của họ nói với nhau rồi: đất để ra là do tham vọng của ông Nguyễn Bá Thanh. Đất để đó mà cả ngàn hộ dân không có đất tái định cư, phải sống lang thang.

Như trường hợp đất của tôi đang làm ăn, họ lấy khiến ‘tan thành khói lửa’. Tôi phải ra văn phòng chính phủ nằm cả tháng ngoài đó, vào yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải giải quyết, cuối cùng họ phải giải quyết.

Theo tôi nghĩ những kẻ tham nhũng, đồng tình ăn đất thì nói ông Nguyễn Bá Thanh đúng. Còn những người mất đất, mất nhà phải đi kiện như chúng tôi thì ông Nguyễn Bá Thanh chẳng qua là kẻ làm khổ dân.

Ông này cũng có đánh giá về cách thức mà ông Nguyễn Bá Thanh áp dụng nhằm chỉnh trang đô thị Đà Nẵng:

Về sự phát triển Đà Nẵng, trước đây khi ông Thanh tiếp dân tôi phát biểu trước ông ta rằng nếu tôi được cho quyền như ông: lấy đất của dân đền 19 nghìn 300 đồng rồi đem bán 7 triệu đồng một mét (vuông) thì tôi làm cũng được chứ không đợi gì ông Thanh. Tôi già hơn 80 tuổi vẫn làm được chuyện đó chứ có gì khó đâu. Lúc đó tôi nói trước mặt ông Thanh chứ có nói sau lưng ông ta đâu và ông làm thinh.

Thành phố Đà Nẵng nay khang trang, đẹp đẽ hơn trước năm 75 nhưng của là của ai? Dân bây giờ còn gì đâu: bao nhiêu người thất nghiệp, bao nhiêu người không có công ăn việc làm, bao nhiêu người không có mảnh đất cắm dùi như tôi. Nếu đừng lấy 3000 mét đất khai hoang phục hóa của tôi thì tôi có đầy đủ chứ có phải đi xin ăn đâu!

Sự quan tâm của dư luận tại Việt Nam hiện nay đối với một cá nhân lãnh đạo như ông Nguyễn Bá Thanh cho thấy nhiều người dân đang mong mỏi có được những vị lãnh đạo đủ năng lực và biết vì dân vì nước chứ không phải vì lợi ích riêng cá nhân, gia đình, hay phe nhóm đảng phái mà bất chấp đạo lý làm người và an nguy của tổ quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.