Nghệ An bỏ tiền tỉ xây tượng Lenin, nhưng nói không có tiền tu bổ mộ liệt sĩ!

RFA
2020.04.07
Tượng đài Lenin tại Hà Nội. Tượng đài Lenin tại Hà Nội.
Reuters

Vào tháng 2 vừa qua, tỉnh Nghệ An vừa lên kế hoạch hợp tác với tỉnh Ulyanovsk của Nga để xây quảng trường và dựng tượng đài Lenin với kinh phí hơn 8 tỉ đồng ở thành phố Vinh. Thời gian thi công dự kiến sẽ mất 50 ngày sau việc tượng Lenin được chuyển từ Nga về thành phố Vinh vào tháng 4.

Đó là một dự án lớn với kinh phí cao mà tỉnh Nghệ An đã bắt đầu bắt tay thực hiện. Tuy vậy, khi dư luận phản ánh vấn đề nghĩa trang liệt sĩ Cồn Triên ở xã Thanh Kê, huyện Thanh Chương, cũng thuộc tỉnh Nghệ An, bị xuống cấp với những ngôi mộ bị nứt, sụt lún, UBND huyện này giải thích rằng nguồn vốn để tu sửa và nâng cấp nghĩa trang có phần eo hẹp, không đủ để sửa chữa cho tất cả ngôi mộ tại đây.

Anh Nam, một người dân tại Nghệ An, vào ngày 7 tháng 4 nói với RFA về sự mâu thuẫn giữa việc không có tiền tu sữa, bảo trì cho nghĩa trang liệt sĩ Cồn Triên nhưng lại có thể chi cho một dự án tượng đài Lenin tiêu tốn gần chục tỉ đồng:

“Đang có khuyến cáo là vấn đề đó (tu sửa nghĩa trang liệt sĩ) với tượng đài Lenin là có mâu thuẫn với nhau đó. Mâu thuẫn ở chỗ kinh phí, cái kinh phí thì không có, mà nếu không có kinh phí thì làm sao làm cái tượng đài Lenin được; (đối với) nghĩa trang liệt sĩ lại không có. Nó gây cho dư luận bất xúc thật sự không tốt lành đâu. Dư luận dân chúng phản ứng không được tốt lắm, cho nên người ta đang có bức xúc đó.”

Luật sư Đặng Hùng Dũng, từng công tác tại Sở Lao động-Thương binh & Xã hội TP. HCM cho biết việc phân bổ ngân sách trùng tu, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ và việc xây tượng đài thuộc về thẩm quyền của UBND tỉnh Nghệ An:

“Về việc phân bổ ngân sách, điều này thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. Việc đang thiếu để xây dựng ở một nơi như thế, mà lại giành tiền để xây dựng những chuyện khác mà không quan trọng bằng, rõ ràng là điều đó là điều không thể chấp nhận được. Do đó, bên hội đồng tỉnh đó phải xem xét xem những hạng mục nào là ưu tiên, để cấp vốn cho công trình, dự án nào đó cần thiết.

Đối với người dân ở các tỉnh phía Bắc, tượng đài đã quá nhiều rồi, mà giờ xây dựng hết tượng đài này đến tượng đài khác thì tôi nghĩ rằng nó không có một tác dụng gì hết. Trong khi những nghĩa trang xuống cấp, tôi nghĩ phần ưu tiên để sửa chữa nghĩa trang là cần thiết hơn là phần xây dựng tượng đài.”

Vòng xoay giữa 5 con đường lớn tại trung tâm TP Vinh.
Vòng xoay giữa 5 con đường lớn tại trung tâm TP Vinh.
nongnghiep.vn

Ông Đặng Hùng Dũng cho biết, việc phân bổ ngân sách cho dự án của các tỉnh luôn luôn có các phần như tu bổ, sửa chữa và phần xây dựng các dự án mới. Ông Dũng cho biết mỗi hạng mục ưu tiên cho dự án thường được chia ra riêng biệt dựa vào tính quan trọng và cần thiết của dự án đó:

“Thứ nhất về phân bổ ngân sách dự án, nó luôn luôn có các phần tung bổ, sửa chữa và phần xây dựng mới. Trong những hạng mục về tính ưu tiên của hạng, mục xây dựng nào đó, cái phần nào liên quan đến cái quần chúng, hoặc những cái quan trọng sẽ được đưa lên hạn mục ưu tiên hơn. Còn những phần xây dựng mới, như xây dựng tượng đài hoặc xây dựng những hạng mục mà có cũng được, không có cũng được thì chắc chắn nó sẽ thấp hơn những hạn mục đó.”

Cũng theo luật sư Dũng, chức năng của phần phân bổ ngân sách về dự án nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và xây tượng đài Lenin hoàn toàn thuộc về chính quyền địa phương của tỉnh Nghệ An:

“Chức năng của phần phân bổ ngân sách, phần này thuộc về tỉnh khi họp họ sẽ quyết định. Còn nếu Bộ muốn có tiếng nói trong vấn đề này, dĩ nhiên giới chức ở địa phương phải lên tiếng đối với Bộ và từ Bộ tác động lại địa phương, vì tính địa phương ở đất nước này rất quan trọng, thành ra tiếng nói của Bộ phải tôn trọng quyết định của địa phương.”

Cùng ngày, RFA đã liên lạc với bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ Trưởng Ủy viên thuộc Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, qua điện thoại để tìm hiểu thêm về vấn đề trên. Tuy nhiên, bà Chuyên từ chối trả lời phỏng vấn.

Luật sư Đặng Hùng Dũng cho biết, tuy việc phân bổ ngân sách chi tiền cho các dự án trong nước mang tính địa phương cao, nhưng thực chất quyết định hoàn toàn nằm trong tay của các lãnh đạo. Còn tiếng nói người dân vùng đó thật sự không được xem mạnh:

“Có nhiều người dân muốn có vấn đề này, nhưng lãnh đạo họ lại muốn một vấn đề khác. Thành ra tiếng nói của người dân thực sự không có tiếng nói quyết định lắm đâu. Tiếng nói của giàn lãnh đạo, cầm quyền của Ủy ban tỉnh hoặc thành phố nào đó có quyết định hơn là tiếng nói của người dân.”

Đối với anh Nam, việc xây dựng tượng đài Lenin là việc không cần thiết, nhất là khi nghĩa trang liệt sĩ lại không được trùng tu tốt. Theo anh Nam, những người dân Nghệ An như anh đa phần đều nhận thấy được có sự mâu thuẫn trong việc phân bổ kinh phí cho các dự án của tỉnh.

Anh Chương, một người dân khác cư ngụ tại Nghệ An, cũng cho RFA biết ý kiến của mình về việc tỉnh Nghệ An chi tiền vào xây tượng đài Lenin ở thành phố Vinh là không hợp lý:

“Việc xây tượng của ông Lenin ở thành phố Vinh rõ ràng thì dân không đồng ý đâu. Còn tôi thấy cái đó không có hợp lý, vì dân thì đang đói mà chi cho việc đó cần rất nhiều tiền. Tại sao không để cái tiền đó để hỗ trợ người dân nghèo mà lại xây tượng đó? Nó vô nghĩa, không cần thiết gì cả.”

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào cuối năm 2019, tỉnh Nghệ An có tỉ lệ hộ nghèo ở mức 4%; huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất chiếm trên 44%. Trong khi đó, kinh phí dự kiến cho công trình tượng đài Lê Nin và quảng trường là 8 tỷ đồng. Tượng đài Lenin bằng đồng, cao 3 mét và quảng trường sẽ được xây trên diện tích 3.040 m2 cùng với đài phun nước nằm tại vòng xoay giao giữa 5 tuyến đường lớn, được cho là vị trí đắc địa của thành phố Vinh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.