Thu hồi ngân sách cho đi du học nước ngoài và ở lại: vẫn còn rẻ so với kinh phí định cư!

RFA
2019.12.09
000_B52QU Ảnh minh họa.
AFP

Tỉnh Quảng Ngãi gần đây thừa nhận có 4 trường hợp là con của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ban, ngành cấp tỉnh Quảng Ngãi được cử đi du học bằng tiền ngân sách tỉnh; nhưng sau khi tốt nghiệp có 3 trường hợp không về tỉnh làm việc như cam kết, 1 trường hợp về tỉnh làm việc nhưng được vài tháng rồi cũng bỏ đi.

Cụ thể, 4 trường hợp vi phạm, gồm con của nguyên và đương kim Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Giám đốc Sở Tài chính tỉnh và Chủ tịch TP Quảng Ngãi. 4 trường hợp này đi theo diện đề án thu hút nhân tài của tỉnh Quảng Ngãi với số tiền lên tới 150 tỷ đồng.

Ông Đoàn Dụng, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi khẳng định với truyền thông trong nước rằng, ngoài việc bồi thường hoàn toàn chi phí mà ngân sách đã chi trả trong quá trình học tập tại nước ngoài, các trường hợp vi phạm sau khi tốt nghiệp nhưng không chịu về tỉnh làm việc sẽ phải trả thêm 1 khoản với mức tương đương theo quy định đã ký cam kết trước đó. Khoản bồi thường mà tỉnh thu hồi được từ 4 trường hợp vừa nêu được gần 9 tỷ đồng.

Hồi tháng 3/2019 cũng có trường hợp tương tự diễn ra tại Đà Nẵng, bà Hồ Thị Như M được Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng cử đi học đại học tại Vương Quốc Anh theo đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố với thời gian học 3 năm và học bổng là 20.000 đô la/năm, như vậy tổng chi phí từ ngân sách dành cho đào tạo lến tới 958 triệu đồng. Sau khi học xong người này về nước và làm việc tại Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế-xã hội nhưng sau đó người này xin nghỉ phép để đi thăm gia đình bên Anh và từ đó đến nay biệt vô âm tín.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 12 năm 2019, Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, hiện đã về hưu, nhận xét rằng, chuyện được cho đi du học bằng tiền Nhà nước nhưng ở lại, không về phục vụ trong nước xảy ra từ hàng chục năm rồi; trước đây có một số người đi học tại Liên Xô, Đức, Ba lan và Tiệp sau đó họ cũng không về nước nhưng họ phải nộp một số tiền cho sứ quán tại nước sở tại hay gọi là tiền hoàn lại tiền nhà nước đã chi cho đi đào tạo mà không về phục vụ cho đất nước.

Tuy nhiên theo tiến sĩ Mạc Văn Trang biện pháp thu tiền bồi hoàn như thế hoàn toàn không có tác dụng gì. Ông lý giải

“…bởi vì khi đào tạo xong người ta ở lại nước ngoài để làm việc, tìm được việc làm tốt lương cao thì số tiền phải trả lại thì không đáng là bao nhiêu, khoảng vài trăm triệu đối với người ta không quan trọng bởi vì để tìm cách đi nước ngoài để định cư được thì người ta cũng mất tiền tỷ và thậm chí còn đi chui đi lủi nhưng người ta vẫn đi. Giờ nhân dịp được đi học rồi định cư ở lại một cách chính thức mà chỉ đền một số tiền vài trăm triệu đến cả tỷ đồng thì người ta vẫn thấy đó là điều tốt hơn là đi chui lủi nên cho dù nhà nước có bắt trả lại tiền như thế thì không ngăn được chuyện người ta ở lại đâu, bởi vì so ra người ta vẫn lãi hơn là tự bỏ tiền ra để đi chui lủi.

Tiến sĩ Trang nhấn mạnh rằng, vấn đề chính là những người được đi du học về không thấy triển vọng, việc làm, đãi ngộ không được tương xứng nên họ tìm cách “ở lại”.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội chia sẻ nhận định của ông đối với biện pháp xử phạt bồi thường của tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc thông báo bồi thường chỉ xảy ra khi các trường hợp không thể che giấu được nữa, bị báo chí phanh phui chứ từ trước đến nay họ vẫn đều lấp liếm được hết.

“Bởi vì chỉ quan chức với nhau thì họ mới biết chứ người dân mấy người biết con em họ đi học bằng tiền nào. Đó là chuyện rất phổ biến nên có đưa ra quy định bồi thường thì nên quy định cả nước chứ không thể chỉ một vài địa phương được. bất cứ cơ quan nhà nước nào sau này cứ coi  đó như là dịch vụ, tự bồi dưỡng kiến thức khả năng của mình để làm việc phục vụ có lương cao. Chứ chất xám cứ đào tạo bằng ngân sách nhà nước mà chất xám đó là của con quan thì người dân chẳng ai tin.”

Thầy Khoa còn thẳng thắn chia sẻ rằng, chính phủ VN nên kiên quyết xóa bỏ dùng tiền ngân sách nhà nước cho các trường hợp đi học bất cứ đâu kể các quan chức.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng thừa nhận thực trạng đa số con em quan chức từ rất lâu đã lợi dụng vào ngân sách để đi định cư tại nước ngoài cho nên muốn triệt để xóa bỏ vấn nạn này là điều không hề đơn giản.

“Tại Việt Nam để đấu tranh bắt được hệ thống quan chức như vậy, chuyện minh bạch con cái đi nước ngoài thì tốt nhất mọi trường hợp con em của bất kỳ ai đi nước ngoài thì tự lo tiền, không có chuyện dùng ngân sách đi nước ngoài, nghiên cứu tiến sĩ cũng dùng ngân sách, 100% các nghiên cứu tiến sĩ đều dùng ngân sách nhà nước vài trăm triệu một trường hợp. Lâu nay thì ngân sách nhà nước nó giống như một con bò sữa mà các quan chức thông đồng để chia ngân sách nhà nước ra nên rất bất hợp lý, ai có tiền thì tự bỏ tiền ra mà đi học không nên dùng ngân sách nhà nước để ưu ái cho các trường hợp con ông cháu cha.”

Còn tiến sĩ Mạc Văn Trang thì cho rằng, nhà nước không cần thiết phải bỏ tiền ra để đưa đi đào tạo:

“…bởi vì khi người ta đã không tha thiết, không thật lòng để đi học về và làm công việc yêu thích thì nhà nước bỏ tiền ra cũng chẳng ít lợi gì. Cái quạn trọng là chế độ sử dụng nhân tài trong nước như thế nào. Nếu mình trọng dụng nhân tài trong nước thì tự nhiên những người ở nước ngoài, Việt Kiều, nhiều học sinh đi học về sẽ tự nguyện về phục vụ đất nước mà thôi. Một khi người tài đi học về không được trọng dụng, trả lương thấp, không được dân chủ, tự do, học thuật… thì người ta chán người ta bỏ đi thôi.”

Do đó, tiến sĩ khẳng định thêm lần nữa, vấn đề ở đây không phải cho tiền người ta đi đào tạo là có nhân tài mà chính sách sử dụng nhân tài như thế nào để họ thấy được trọng dụng, tôn trọng, phát huy sáng tạo, đóng góp cho dân tộc đất nước thì đó là điều quan trọng cần sự thay đổi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.