Công an ‘cướp công’ người cứu bé sơ sinh vì thành tích?

Diễm Thi, RFA
2020.08.20
117435845_1567264000150501_8024187672787620338_n.jpg Ảnh cho tin công an giải cứu em bé của công an huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Photo: Facebook Công an thành phố Hà Nội

Bản tin 141 ngày 19 tháng 8 năm 2020 do xướng ngôn viên Tiến Đức đọc, được đăng tải trên trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, có nội dung nguyên văn như sau:

“Chiều qua, người dân ngõ 174 Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm đã phát hiện bé sơ sinh bị mắc kẹt tại khe tường giữa hai ngôi nhà. Ngay sau khi nhận được thông tin, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Gia Lâm cùng Công an thị trấn Trâu Quỳ đã khẩn trương có mặt tại hiện trường tìm cách giải cứu cháu bé. Do khe tường này hẹp, lực lượng cứu hộ đã phải đục tường để đưa cháu bé ra ngoài an toàn.

Đến 18 giờ cùng ngày, công an huyện Gia Lâm đã giải cứu thành công và đưa cháu bé đến trạm y tế thị trấn để chăm sóc sức khỏe. Sau đó, do nhịp tim của cháu hơi yếu nên các bác sĩ đã chuyển lên Bệnh viện đa khoa Saint Paul. Hiện sức khỏe của cháu bé bị bỏ rơi đã bình thường. Lực lượng chức năng cũng đang xác minh, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.”

Bản tin không có hình ảnh hay video nào cho thấy công an đang thực hiện việc giải cứu em bé tại hiện trường.

Trong phần comment, một người dân đặt câu hỏi “Thực sự ai cứu cháu bé?” kèm đường link một bài báo cho thấy chính người dân trong khu vực đã khoan tường để giải cứu em bé. Trên mạng xã hội, rất nhiều người dân tố cáo công an đã ‘cướp công’ của người dân.

Sau khi bị tố cáo việc “cướp công” của dân, phía công an đã lên tiếng phản hồi trên báo chí nhà nước. Một đại diện cơ quan công an huyện Gia Lâm khẳng định là thông tin chính xác, chính thống đã được đăng tải trên trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội.

Chế độ xã hội chủ nghĩa thì đề cao chỉ tiêu, thành tích. Xét duyệt khen thưởng là căn cứ vào thành tích. Do đó họ phải báo cáo lếu láo để có thành tích. Mặc dù nó giả và cấp trên họ biết giả nhưng họ vẫn nói. Đó là xảo thuật tuyên truyền của họ. - Anh Linh

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngày 20 tháng 8, anh Phạm Thành Công, người đã tham gia giải cứu em bé, nói: "Đục tường gần xong rồi thì lực lượng chức năng mới đến. Công an với phòng cháy chữa cháy đứng nhìn thôi chứ lúc đó chúng tôi đang tập trung đục tường…”

Anh Linh, từ Sài Gòn, người lên tiếng rất sớm về vụ việc này trên mạng xã hội cho biết, chuyện công an báo cáo để lấy thành tích là chuyện xảy ra thường xuyên nhưng người dân không muốn lên tiếng. Nay sự việc này được nhiều người chứng kiến và có video clip rõ ràng nên người dân không thể im lặng. Anh nói:

“Đó là bệnh thành tích xưa giờ của công an mà. Họ chụp tấm hình đem về báo cáo thành tích để được khen thưởng này nọ. Thành tích nó có quyền lợi thực tế chứ đâu phải chỉ là hư danh không đâu. Chế độ xã hội chủ nghĩa thì đề cao chỉ tiêu, thành tích. Xét duyệt khen thưởng là căn cứ vào thành tích. Do đó họ phải báo cáo lếu láo để có thành tích. Mặc dù nó giả và cấp trên họ biết giả nhưng họ vẫn nói. Đó là xảo thuật tuyên truyền của họ.”

Blogger Điếu Cày, ông Nguyễn Văn Hải cũng có cùng quan điểm là vì thành tích mà phải ‘báo cáo láo’. Ông nhận định về vụ công an bị cho là cướp công của dân:

“Theo tôi đó là chuyện có thật vì nó cũng đã từng có mấy vụ tương tự như vậy từng xảy ra. Tức là người dân phát hiện, thực hiện còn công an chỉ đến khi mọi sự đã xong. Ngay cả những vụ đánh nhau mà người dân gọi công an cũng vậy. Họ chỉ đến khi mọi sự đã xong. Đến để cướp công, cướp thành tích của người ta.

Cái xu hướng bệnh thành tích nó nặng lắm. Nó ảnh hưởng cả luôn đến việc an ninh trật tự nữa. Ví dụ những vụ mất xe trong khu vực mà người dân lên báo thì họ không báo những sự việc đó vào báo cáo tổng kết cuối năm. Đó là một trong những triệu chứng của bệnh thành tích.”

Lâu nay, việc thổi phồng thành tích đã trở thành căn bệnh của không ít cá nhân và các ban ngành trong mọi lĩnh vực. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu…

Những năm gần đây, nhiều trường hợp công an bị tù do vi phạm pháp luật, công an bắn dân đã ít nhiều làm mất uy tín của ngành công an.

Có thể nêu ví dụ, chiều ngày 29 tháng 1 năm 2020, tức Mùng 5 Tết Canh Tý, khi không khí vui Xuân còn chưa dứt thì báo chí loan tin một nghi phạm là công an, công tác tại nhà tạm giữ Công an quận 11, thành phố Hồ Chí Minh xả súng AK giết chết 4 người tại sòng bạc ở huyện Củ Chi.

Cùng ngày, Tòa án Nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tuyên phạt ba công an phường Thanh Xuân Nam mỗi người 7 năm tù với tội nhận hối lộ, trả lại ma túy cho người nghiện. Trong đó ông Nguyễn Thế Biết từng là Phó trưởng Công an phường, ông Trần Văn Trọng và ông Nguyễn Minh Tuấn là cán bộ thuộc Tổ Cảnh sát hình sự phường.

Cho dù có giáo dục tư tưởng chính trị bao nhiêu chăng nữa mà luật pháp không nghiêm thì người ta vẫn coi thường kỷ luật và dẫn đến tình trạng mất hiệu nghiệm. - Ông Nguyễn Đăng Quang

Trong một lần trao đổi với RFA về ứng xử của công an không theo những nguyên tắc được đề ra, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho biết, ông thấy buồn vì những ứng xử như vậy nhưng ông không thấy lạ. Ông giải thích:

“Việc làm của những chiến sĩ công an trong ngành như vậy làm tôi trước hết thấy buồn và sốc. Điều này sẽ xảy ra không sớm thì muộn đối với một số cá nhân thôi vì công tác giáo dục chính trị tư tưởng không được chu toàn cho lắm. Cho dù có giáo dục tư tưởng chính trị bao nhiêu chăng nữa mà luật pháp không nghiêm thì người ta vẫn coi thường kỷ luật và dẫn đến tình trạng mất hiệu nghiệm.”

Mặc dù nhiệm vụ của công an luôn được tuyên truyền là ‘bảo vệ dân, lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân, bảo vệ an ninh khu phố’; nhưng đa số người dân khi trao đổi với RFA đều nhận định rằng, khi có sự việc không an toàn đến tính mạng người dân xảy ra, người dân gọi công an thì không thấy đến hoặc đến rất chậm. Khi người dân giải quyết xong rồi công an mới đến rồi báo cáo thành tích đó của mình, công của mình.

Blogger Điếu Cày nói thêm rằng, đó là chuyện bình thường ở Việt Nam. Có những vụ nhỏ họ cũng thổi phồng lên như những vụ an ninh quốc gia. Hơn nữa, mỗi một công an khu vực đều muốn giữ trong sạch địa bàn của mình, vì thế khi có sự việc không hay, không an toàn xảy ra thì thường họ có xu hướng dìm sự việc đi, không muốn giải quyết. Hoặc giải quyết sao cho ổn thỏa chứ không báo cáo lên. Nếu báo cáo lên thì địa bàn không trong sạch, họ mất thành tích.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.