Những chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài tới VN năm 2013

Việt Hà, phóng viên RFA
2013.12.24
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt hàng quân danh dự trong một buổi lễ chào đón tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội vào ngày 13 Tháng 10 năm 2013 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt hàng quân danh dự trong một buổi lễ chào đón tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội vào ngày 13 Tháng 10 năm 2013
AFP

Nghe bài này

Năm 2013 là năm Việt Nam bận rộn đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo nước ngoài tới thăm, trong đó có những chuyến thăm đáng chú ý từ các cường quốc như  Mỹ, Nga, và Trung Quốc. Nhân dịp cuối năm 2013 và đón năm mới 2014, Việt Hà nhìn lại những điểm đáng chú ý trong các chuyến thăm này.

Đối tác chiến lược với thành viên ASEAN

Có thể nói năm 2013 không chỉ là năm của những chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam mà còn là năm của những chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam với nhiều hứa hẹn và đi cùng là những thách thức.

Vào tháng 9, Việt Nam đón tiếp lãnh đạo của một nước thành viên ASEAN đến Việt Nam trong một chuyến thăm cấp nhà nước, đó là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ông đến Việt Nam lần này nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nhân chuyến thăm này, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược. Thỏa thuận này cho phép hai nước thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng. Về thương mại, hai nước đồng ý đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, công nghệ thông tin, ngan hàng và tài chính. Về quốc phòng và an ninh, Singapore và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trong đào tạo.

Chúng tôi tin tự do hàng hải là điều quan trọng và phải được đảm bảo bất luận kết quả thế nào của những thảo luận về vấn đề biển Đông. Chúng tôi tin vào việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC)

Thủ tướng Singapore

Cũng trong chuyến thăm này, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đề cập đến vấn đề căng thẳng biển Đông giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc. Singapore là một nước thành viên ASEAN nhưng hiện không có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông. Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm được đăng tải trên trang web của đại sứ quán Singapore tại Việt Nam, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định lập trường của Singapore về vấn đề này:

Lý Hiển Long: về vấn đề biển Đông, mà hai bên (Việt Nam – Singapore) bàn thảo, Singapore nói lên quan điểm của mình rằng đây là một vấn đề nên được giải quyết có kiềm chế và hòa bình theo đúng luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS). Chúng tôi tin tự do hàng hải là điều quan trọng và phải được đảm bảo bất luận kết quả thế nào của những thảo luận về vấn đề biển Đông. Chúng tôi tin vào việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) và đồng thời những thảo luận để đạt được Bột quy tắc về ứng xử (COC) là thiết yếu trong việc kiểm soát các vấn đề này trong tương lai.

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh họp báo chí sau cuộc hội đàm chính thức của họ tại Hà Nội vào ngày 16 tháng mười hai năm 2013. AFP
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh họp báo chí sau cuộc hội đàm chính thức của họ tại Hà Nội vào ngày 16 tháng mười hai năm 2013. AFP
AFP

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh ASEAN phải đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra các giải pháp ở biển Đông vì đây là vấn đề xảy ra ngay trong khu vực của ASEAN.

Khẳng định quan hệ hữu nghị với Trung Quốc

Giữa tháng 10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Việt Nam nhân chuyến công du các nước Đông Nam Á nhằm cải thiện hình ảnh của Trung Quốc với các nước ASEAN. Đây cũng là chuyến thăm nhằm khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam đối với các vấn đề trong khu vực. Mặt khác, vì hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm được coi là nằm trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai bên bao gồm các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước.

Tại Việt Nam, ông Lý Khắc Cường đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tuyên bố chung kết thúc chuyến đi của hai nước tiếp tục khẳng định hợp tác theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt.

Tuyên bố chung kết thúc chuyến đi của hai nước (Việt Nam - Trung Quốc) tiếp tục khẳng định hợp tác theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực kinh tế thương mại, hai bên cam kết thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều tăng lên 60 tỷ đô la trước thời hạn 2015. Trung Quốc hứa khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh của Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc mở rộng thị trường. Về phần mình, Việt Nam hứa tạo thuận lợi, hỗ trợ sớm hoàn thành khu công nghiệp Long Giang, khu công nghiệp An Dương. Hai bên cũng cam kết đẩy nhanh thi công và thúc đẩy sớm hoàn thành dự án cung Hữu nghị Việt Trung.

Trong lĩnh vực hợp tác trên biển, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phứ tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa hai Bộ Ngoại giao, và đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước.

Về vấn đề biển Đông, tuyên bố chung hai nước cũng cho thấy hai bên nhất trí cam kết thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới thông qua COC.

Putin sẽ gây sức ép lên VN để mở cửa một loạt các khu vực hiện đang gây khó khăn về mặt pháp lý cho đầu tư từ Nga. Và cũng bởi vì cuối cùng thì VN sẽ phải trả tiền cho các vũ khí quân sự mua từ Nga, và cho khoản vay mà Nga cung cấp cho nhà máy điện hạt nhân

Ông Carl Thayer

‘Gấu Nga’ quay trở lại

Năm 2013 cũng là năm đánh dấu sự trở lại châu Á của con ‘Gấu Nga’ với chuyến thăm của Tổng Thống Nga Putin tới một số nước châu Á trong đó có Việt Nam vào tháng 11. Đánh giá trước chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc nhận định.

Tổng thống Vladimir Putin (trái) bắt tay với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi họ gặp nhau tại văn phòng nội các của ông Dũng tại Hà Nội ngày 12 Tháng Mười Một 2013.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) bắt tay với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi họ gặp nhau tại văn phòng nội các của ông Dũng tại Hà Nội ngày 12 Tháng Mười Một 2013.
AFP

Carl Thayer: Tôi nghĩ là Putin sẽ gây sức ép lên Việt Nam để mở cửa một loạt các khu vực hiện đang gây khó khăn về mặt pháp lý cho đầu tư từ Nga. Và cũng bởi vì cuối cùng thì Việt Nam sẽ phải trả tiền cho các vũ khí quân sự mua từ Nga, và cho khoản vay mà Nga cung cấp cho nhà máy điện hạt nhân, nên theo tôi thì cái lớn hơn là Nga sẽ gây sức ép với Việt Nam để gia nhập Customs Union với Nga và Kazakhstan và Belarus và diễn đàn kinh tế Eurasia để Việt Nam tham gia một cách tích cực hơn về kinh tế vào khối mà Nga là chủ đạo. Bên cạnh đó cũng sẽ có một loạt các doanh nhân Nga đi cùng với ông Putin lần này và sẽ có một loạt các thỏa thuận và ghi nhớ được ký kết giữa hai nước

Trong chuyến thăm này, ông Putin đã hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết thúc chuyên thăm, hai bên công bố đã ký kết được 17 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Tuyên bố chung kết thúc chuyến thăm cũng đề cập đến thỏa thuận mới đạt được giữa hai nước trong hợp tác quốc phòng, mặc dù không đi vào chi tiết cụ thể. Hiện Việt Nam là nước nhập nhiều trang thiết bị quốc phòng từ Nga, trong đó đáng chú ý là hợp đồng mua 6 tàu ngầm hạng kilo được ký vào năm 2009. Theo đánh giá của giáo sư Carl Thayer thì doanh thu mua vũ khí lớn của Việt Nam với Nga đã nhanh chóng giúp nâng quan hệ hai nước lên tầm chiến lược. Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga vào năm 2001.

Mặc dù quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã có những bước phát triển đáng kể trong các năm qua, tiềm năng thương mại giữa hai nước hiện vẫn còn ở mức khiêm tốn là 2,7 tỷ đô la. Tuyên bố chung hai nước cam kết sẽ phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỷ đô la vào năm 2015 và 10 tỷ đô la vào năm 2020.

Kết thúc chuyến thăm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố cam kết trợ giúp 32,5 triệu đô la để tăng cường khả năng bảo vệ an ninh biển cho vùng ĐNÁ, trong đó Mỹ sẽ giúp VN 18 triệu đô la để mua 5 chiếc tàu tốc độ nhanh cho lực lượng tuần duyên

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ

Kết thúc năm 2013, Việt Nam tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, người đã từng tham chiến ở Việt Nam và có nhiều đóng góp trong việc hàn gắn quan hệ hai nước sau chiến tranh.

Trong đoạn video dài khoảng 2 phút được Bộ Ngoại Giao Mỹ đăng trên trang web của mình trước chuyến đi, Ngoại trưởng Mỹ đã nói đến Việt Nam mà ông từng biết và Việt Nam của thời đổi mới với tình cảm của một người đã có nhiều gắn bó với đất nước này. Ông cũng nói đến lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước về môi trường khu vực sông Mekong.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ trước chuyến đi cho biết chuyến đi của ông Kerry tới Việt Nam lần này là để thúc đẩy quan hệ hai nước sau thỏa thuận về quan hệ đối tác toàn diện đạt được giữa hai nước vào hồi tháng 7 trong chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Mỹ.

Kết thúc chuyến thăm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố cam kết trợ giúp 32,5 triệu đô la để tăng cường khả năng bảo vệ an ninh biển cho vùng Đông Nam Á, trong đó Mỹ sẽ giúp Việt nam 18 triệu đô la để mua 5 chiếc tàu tốc độ nhanh cho lực lượng tuần duyên.

Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố cam kết trợ giúp 17 triệu đô la cho chương trình Đồng bằng và rừng Việt Nam của USAID hiện đang hoạt động tại 4 tỉnh dồng bằng sông Cửu Long.

Vấn đề nhân quyền cũng được đề cập trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ. Trong cuộc họp báo kết thúc chuyến đi, ông Kerry cho biết hai bên đã thẳng thắng thảo luận các vấn đề về nhân quyền, bao gồm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do hội họp và tự do bày tỏ quan điểm. Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết ông đã nêu một số trường hợp cụ thể với phía Việt Nam nhưng không cho báo chí biết đó là các trường hợp nào.

Các chuyến thăm tấp nập của lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam trong năm qua phần nào cho thấy đường lối ngoại giao đa phương, đa diện mà Việt Nam đang theo đuổi. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì chính sách ngoại giao này giúp Việt Nam cân bằng các mối quan hệ và không bị lệ thuộc quá mức vào một nước nào. Nhưng làm thế nào để duy trì sự cân bằng này để có lợi cho mình cũng là một thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong thời gian tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.