Giới chuyên gia Trung Quốc về Biển Đông dưới cái nhìn của một nhà nghiên cứu Việt Nam

Kính Hòa RFA
2018.04.24
000_13J5M3 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 1/4/2018.
AFP

Tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam không chỉ giới hạn trên biển với những va chạm xung quan việc đánh cá, khoan dầu, mà nó còn mở rộng vào phòng làm việc của các học giả hai bên.

Người ta biết gì về học giả Trung Quốc nghiên cứu Biển Đông và quan hệ Việt Trung?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng Khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh trình bày vấn đề này.

Ông Nguyễn Thành Trung có bằng Tiến sĩ quan hệ quốc tế tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ, và cũng là cựu sinh viên Đại học Phúc Đán, ở Thượng Hải. Ông thông thạo tiếng Trung Quốc và có quan hệ nhiều với giới học giả nước này.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Theo tôi được biết thì giới học giả nghiên cứu về quan hệ Việt Trung hiện nay cũng không có nhiều, bởi vì đa số học giả Trung Quốc vẫn tập trung vào các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc Nhật Bản, Trung Quốc với Nga hay là EU (Cộng đồng Châu Âu), đó là các mối quan tâm chính của các học giả Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số ít nghiên cứu nhiều về mối quan hệ Việt Trung và tình hình Biển Đông.

Thậm chí là Trung Quốc còn thành lập một trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc mà trước đây báo chí Mỹ nói rất nhiều, đặt tại Virginia, Mỹ. Đây là cái cách mà Trung Quốc gây sức ép, gây ảnh hưởng lên giới học giả của Mỹ, ngay tại nước Mỹ.
-Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung.

Về mối quan hệ Việt Trung thì đa số lạc quan, có nghĩa là họ hy vọng về sự tốt dần lên của mối quan hệ hai nước. Nhưng đối với vấn đề Biển Đông thì họ đều giữ một quan điểm, cũng không lạ, là nhất quán với quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, tức là Biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Và họ cố gắng tiến hành các tranh luận khoa học để cố gắng chứng minh quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông.

Kính Hòa: Nếu chúng ta đứng ở một góc nhìn của phương Tây, Mỹ hay Châu Âu, khi nói về các quan hệ quốc tế, chúng ta hay phân chia những quan điểm như là diều hâu, hay bồ câu, vậy giới học giả Trung Quốc có thế không khi nhìn quan hệ Việt Trung và Biển Đông?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Theo tôi biết thì phần lớn học giả Trung Quốc, khi họ ở Trung Quốc thì họ vẫn phải chịu ảnh hưởng của Chính quyền Trung Quốc. Tất nhiên là cũng có một số ủng hộ việc Trung Quốc giải quyết chuyện Biển Đông bằng con đường luật pháp quốc tế. Số này lại không nhiều.

Kính Hòa: Sự nghiên cứu về Biển Đông của họ trong thời gian vừa qua để đưa ra những chứng liệu gọi là lịch sử, có tiến triển nào hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Hiện tại họ sử dụng tranh luận là nhiều hơn là các chứng cứ lịch sử. Tôi thấy một khuynh hướng hiện nay ở Trung Quốc là họ cũng không chú trọng những chứng cứ lịch sử để ủng hộ vị thế của họ ở Biển Đông, mà họ sử dụng các học giả Trung Quốc học ở nước ngoài cũng như những học giả tại Đại lục, các giáo sư chuyên nghiên cứu về luật, các giáo sư chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế, chính trị quốc tế, thậm chí họ mời cả những giáo sư nước ngoài tới làm việc ở những viện nghiên cứu của họ ở khu vực phía Nam Trung Quốc để tạo ra một sự tranh luận, để chứng minh rằng Biển Đông là một vùng lãnh hải của Trung Quốc. Chúng ta cũng biết có một ông nổi tiếng người Mỹ là Mark Valencia, ông này ủng hộ quan điểm của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Kính Hòa: Chúng ta có thể kể một số học giả Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông và quan hệ Việt Trung?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Về quan hệ Việt Trung, ở khu vực Quảng Tây có một ông chuyên nghiên cứu về mậu dịch biên giới Việt Nam Trung Quốc là ông Cổ Tiểu Tùng, và các ông Trâu Khắc Nguyên, Ngô Sĩ Tồn, Trương Kiệt, Chu Hoa Hữu, bà Nông Hồng. Đó là một số vị chuyên nghiên cứu về Biển Đông người Trung Quốc.

Kính Hòa: Những trung tâm nghiên cứu Biển Đông, Việt Nam, quan hệ Việt Trung thì tập trung ở khu vực nào, đại học nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Nằm ở khu vực tỉnh Quảng Tây. Có một trung tâm nghiên cứu về Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Biển Hoa Nam, đặt tại Đảo Hải Nam. Thậm chí là Trung Quốc còn thành lập một trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc mà trước đây báo chí Mỹ nói rất nhiều, đặt tại Virginia, Mỹ, do bà Nông Hồng làm giám đốc trung tâm. Đây là cái cách mà Trung Quốc gây sức ép, gây ảnh hưởng lên giới học giả của Mỹ, ngay tại nước Mỹ.

Số lượng học giả Trung Quốc ở nước ngoài ngày càng đông đảo hơn, cả về luật quốc tế, chính trị quốc tế, quan hệ quốc tế, họ đang tạo ra một bình diện mới về tranh luận học thuật về chủ quyền Biển Đông.
-Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung.

Kính Hòa: Đối với giới học giả Việt Nam nghiên cứu về Biển Đông, quan hệ Việt Trung, thì ông nghĩ rằng có cách quan hệ như thế nào, tranh luận như thế nào với học giả Trung Quốc?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Đối với giới học giả Việt Nam, mặc dù đã có một số học giả trẻ, có khả năng về ngoại ngữ, nhưng so với Trung Quốc thì vẫn còn ít, chưa kể là chúng ta không có kinh phí để thực hiện những nghiên cứu của chúng ta, vì vậy chúng ta cũng khó mời được các học giả nước ngoài, nghiên cứu cùng chúng ta để nghiên cứu về Biển Đông, cũng như là tranh thủ sự ủng hộ của họ về chủ quyền của ta ở Biển Đông. Nhân vật lực, tất cả mọi thứ, chúng ta thua sút rất nhiều so với Trung Quốc. Chính phủ nên xem vấn đề này để tạo nên sự chuyển biến mới trong thời gian tới. Số lượng học giả Trung Quốc ở nước ngoài ngày càng đông đảo hơn, cả về luật quốc tế, chính trị quốc tế, quan hệ quốc tế, họ đang tạo ra một bình diện mới về tranh luận học thuật về chủ quyền Biển Đông.

Kính Hòa: Đa số học giả Trung Quốc nhìn quan hệ Việt Trung với cái nhìn tích cực, lý do nào để họ dựa vào đó mà cho rằng quan hệ này sẽ tích cực, mà họ không thấy rằng vấn đề Biển Đông sẽ là một trở ngại cho quan hệ này hay sao?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung: Họ cũng biết vấn đề Biển Đông là một trở ngại cho mối quan hệ, họ nghĩ rằng là kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1991 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập được điều gọi là thể chế hóa rất nhiều kênh, về mặt ngoại giao. Có nghĩa là giữa hai nước có nhiều kênh liên lạc với nhau nhiều hơn. Không chỉ về mặt đảng mà còn về mặt chính quyền. Các bộ cũng có sự kết nối với nhau, nhiều kênh liên lạc hơn. Mỗi năm đều có hội đàm cấp cao giữa hai chính phủ, một là Việt Nam sang thăm Trung Quốc, hay Trung Quốc sang Việt Nam. Việc này tạo kênh liên lạc thường xuyên giữa hai nước, có thể tránh được những rủi ro hay sự leo thang không đáng có giữa hai bên.

Các học giả Trung Quốc đều hiểu rằng vấn đề Biển Đông không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng họ tin rằng là chính quyền hai quốc gia biết cách để tránh, để các vấn đề này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai quốc gia.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.