Có nên để địa phương giữ lại 50% tiền xử phạt về môi trường?

RFA
2020.05.26
2019-10-07T115650Z_527217855_RC1B85DAF0E0_RTRMADP_3_VIETNAM-POLLUTION-AIRVISUAL Những tòa nhà ở Hà Nội trong màn bụi vì ô nhiễm không khí hôm 2/10/2019.
Reuters

Trong buổi họp Quốc hội ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.

Trong đó, quy định sử dụng 50% tiền xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý được cho là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường của Quốc hội đề nghị cân nhắc thêm về quy định vừa nêu vì trái với Luật Ngân sách nhà nước.

Giải thích rõ hơn về Luật Ngân sách nhà nước, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho hay:

“Trong lãnh vực môi trường thì Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có quy định chi trong vấn đề môi trường phải nằm trong quỹ ngân sách nhà nước, toàn bộ khoản tiền của nhà nước kể cả các khoản khác tại thời điểm đó, trong phạm vi ngân sách thì phải thu chi ngân sách trong hệ thống ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương. Cho nên trong lãnh vực môi trường là lãnh vực mà có những chi tiêu mà tất cả phải nộp vào ngân sách nhà nước. Trước đây do sai phạm môi trường nhiều nên để khuyến khích phát hiện những hành vi vi phạm giống lĩnh vực giao thông thì trích lại để thưởng cho các đơn vị. Nhưng khi có Luật Ngân sách sửa đôi, bổ sung thì tất cả phải nộp vào ngân sách nhà nước.”

Với kinh nghiệm là nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng việc trích một nửa tiền phí phạt về vi phạm môi trường để lại cho cơ quan có trách nhiệm xử lý, phát hiện để giải quyết thì cơ quan nhận trách nhiệm này tích cực hơn, về mặt xã hội như thế có vẻ có lý. Tuy nhiên, ông lại không đồng tình với nghị định này vì lý do sau:

“Nhưng về mặt khác thì chính phủ đã có một tỉ lệ ngân sách chi cho môi trường đã được xác định trong luật, nói cách khác là từ ngân sách từng ấy tiền hàng năm chi ra phục vụ việc giải quyết môi trường. Điều thứ 2 là nếu xã hội công bằng thì không nên dùng giải pháp khuyến khích bằng tiền. Nó sẽ có tính động viên nhất định nhưng cũng có những tiêu cực nhất định. Tôi ủng hộ việc không dùng giải pháp khuyến khích bằng tiền từ người vi phạm nộp phạt mà nên có một khung được quy định trong pháp luật về chuyện xử lý môi trường và sử dụng tiền đấy như thế nào, kể cả có một phần phục hồi môi trường, một phần tính vào chi phí hàng năm mà theo luật quy định với tỉ lệ theo tôi nhớ là 2% GDP để giải quyết vấn đề môi trường.”

Dưới góc nhìn cá nhân, Luật sư Ngô Anh Tuấn bày tỏ quan điểm không ủng hộ nghị định này:

“Vấn đề này sẽ bất hợp lý nếu như việc này áp dụng rộng rãi vì nếu cơ quan này áp dụng thì cơ quan khác, các đơn vị tài chính hay những đơn vị có thể thu được một khoản tiền nhất định thì chắc chắn họ có thể áp dụng chính sách này để họ chi trả cho một số hoạt động trong khi họ đã hưởng từ ngân sách nhà nước rồi. Điều này dấn đến tình trạng bất bình đẳng ở một số cơ quan không có nguồn thu. Vậy thì thay vì có chính sách này thì nên xem hỗ trợ cho một số đơn vị, cá nhân mà trích ngân sách nhà nước chứ không thể có chuyện lấy từ nguồn thu này để chi trả trực tiếp. Như vậy không phù hợp.”

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người bày tỏ ý kiến cho rằng lâu nay cơ quan chức năng đã tiến hành thu nhiều khoản phí với lý do bảo vệ môi trường; nhưng thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn.

Báo trong nước dẫn lời Bộ Tài chính cho biết theo quy định tại Luật phí và lệ phí, có 2 khoản phí bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Hiện trường vụ đổ các thùng hoá chất xuống sông Hồng ngày 13/3/2020 và ông Phạm Văn Hùng, người khai nhận là thủ phạm vụ việc.
Hiện trường vụ đổ các thùng hoá chất xuống sông Hồng ngày 13/3/2020 và ông Phạm Văn Hùng, người khai nhận là thủ phạm vụ việc.
Courtesy of Daidoanket

Cụ thể, Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được thi hành theo Điều 8 Nghị định số 164/2016 của Chính phủ thì khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước. Vẫn theo luật, phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.

Theo số liệu thống kê năm 2017, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thu được hơn 2.450 tỉ đồng.

Trong khi đó, Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được thực hiện theo Điều 9 Nghị định số 154/2016 của Chính phủ.

Đối với nước thải sinh hoạt: Để lại 10% cho đơn vị cung cấp nước sạch và 25% cho UBND xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí... Phần còn lại sau khi trừ số tiền phí được trích để lại nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng theo quy định.

Đối với nước thải công nghiệp: Để lại 25% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí; trang trải chi phí đo đạc, đánh giá, lấy mẫu, phân tích mẫu nước thải phục vụ cho việc thẩm định tờ khai phí, quản lý phí; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp. Phần còn lại được nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng theo quy định.

Số liệu của Bộ Tài chính công bố cho thấy tổng tiền thu phí bảo vệ môi trường từ nước thải cả về sinh hoạt và công nghiệp năm 2017 là hơn 2.100 tỉ đồng.

Tuy nhiên, mức phí thu cho công tác bảo vệ môi trường từ nước thải sẽ được thay đổi bắt đầu từ ngày 1/7 tới đây theo Nghị định số 53/2020 của Chính phủ ký ngày 5/5 vừa qua.

Theo đó, mức phí sẽ tính theo cấp mét khối nước xả ra, ngoài ra còn phụ thuộc và thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải được tính bằng kilogram.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường trong nước vẫn đang tăng lên vì lý do chính phủ khuyến khích đầu tư công nghiệp, khuyến khích khu vực tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tại nơi người dân sinh sống nhằm phát triển kinh tế.

Mặc dù vây, Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng nếu Việt Nam có những giải pháp tốt thì ô nhiễm sẽ giảm đi khi đặt ra những chủ trương ví dụ như không đánh đổi kinh tế bằng môi trường rồi bằng những vấn đề xã hội…

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng chính phủ Hà Nội cần chính sách đổi mới hoặc chỉ cần thực hiện theo những biện pháp mà thế giới hiện đại đã đưa vào sử dụng là áp dụng biện pháp quản trị tốt. Giáo sư Võ giải thích:

Bản chất quản trị tốt là công khai toàn bộ dữ liệu trong quản lý cũng như dữ liệu phát hiện từ nhiều phía khác nhau như các tổ chức xã hội, từ người dân. Điều thứ hai là động viên người dân tham gia giám sát và có những hình thức giám sát hiệu quả. Thứ ba là trách nhiệm của các cơ quan gây ô nhiễm môi trường, các tổ chức kinh tế gây ô nhiễm môi trường, các hoạt động bình thường cũng có thể gây ô nhiễm môi trường, không phải vì lợi ích kinh tế cũng như cách thức quản lý của cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thì phải có trách nhiệm giải trình, tức khi người dân hỏi thì phải trả lời.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng nhấn mạnh nếu Việt Nam áp dụng biện pháp quản trị tốt với vai trò quan trọng của người dân tham gia quản lý và giám sát là chìa khóa cơ bản giải quyết tình trạng ô nhiễm tại dải đất chữ S hiện nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.