Siêu ủy ban có thể dẫn tới siêu tham nhũng

Kính Hòa RFA
2018.10.02
000_191331 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, Hà Nội, 9/2018. Siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước nằm dưới quyền Thủ tướng.
AFP

Ngày 30/9/2018, một ủy ban quản lý vốn nhà nước của Việt Nam chính thức ra đời. Ủy ban này sẽ quản lý vốn ở 19 doanh nghiệp nhà nước, với tổng số vốn lên đến hơn 1 triệu tỉ đồng.

Với qui mô đó, báo chí nhà nước đặt tên cho ủy ban này là “siêu” ủy ban, với thẩm quyền ngang bộ và chịu trách nhiệm trực tiếp từ Thủ tướng Việt Nam.

Các nhà quan sát kinh tế và chính sách trong và ngoài nước nhìn nhận sự kiện này ra sao?

Ông Huỳnh Bửu Sơn, một chuyên viên ngân hàng tại Sài Gòn giải thích lý do tại sao Chính phủ Việt Nam lại thành lập “siêu” ủy ban quản lý vốn nhà nước, đó là vì các bộ trước đây vừa nhận vốn, vừa thành lập các dự án để đầu tư vốn đó, dẫn tới những hậu quả không tốt.

“Có nhiều người họ cho rằng làm như thế không khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi, sẽ không có tính khách quan, từ đó dẫn đến việc quản lý nguồn vốn không hiệu quả, tham nhũng, tiêu cực,… Bây giờ tập trung tất cả nguồn vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước đó, về một nơi quản lý thôi, đó là ủy ban quản lý tài sản nhà nước, trực thuộc thủ tướng chính phủ, thì đương nhiên các bộ sẽ không thể là có một can thiệp gì.”

Tuy nhiên Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từ Hoa Kỳ, dựa vào nghị định thành lập của Ủy ban quản lý vốn này thì cho rằng thực chất không có gì khác, thay vì trước đây các bộ quản lý nay là một cơ quan ngang bộ quản lý, chỉ khác đi là các bộ không còn quyền bổ nhiệm người quản lý các dự án. Nhưng theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, đây lại chính là một điều mâu thuẫn trong sự thành lập của Ủy ban quản lý vốn, vì một mặt qui định Ủy ban sẽ bổ nhiệm người quản lý, nhưng mặt khác lại nói rằng ủy ban không can thiệp vào chuyện quản lý của các dự án.

Ông Huỳnh Bửu Sơn cũng đồng ý ở điều mâu thuẫn này, vì nếu ủy ban phải chịu trách nhiệm về lời và lỗ, thì tại sao không được quyền điều hành?

Nhưng lo ngại lớn nhất đối với tất cả các nhà quan sát mà chúng tôi tiếp xúc chính là ở qui mô “siêu” của ủy ban này.

Việc làm thế nào để cho việc quản lý đó vừa hiệu quả vừa minh bạch, trong sạch, thì đây là cần một sự kiểm tra chéo, rồi một sự giám sát thường xuyên của chính phủ đối với ủy ban này.
_Ông Huỳnh Bửu Sơn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từng là một nhà kinh doanh ngân hàng, nói với RFA từ Hà Nội:

Những nước từng là xã hội chủ nghĩa trước kia, cũng thành lập cơ quan tương tự như ủy ban quản lý vốn nhà nước như thế này, để cai quản toàn bộ tài sản của nhà nước, thu về một mối, tập trung. Cái việc ấy tôi nghĩ là tốt, nhưng đúng là nó có một nguy cơ, bởi vì nó tập trung. Nó tập trung tài sản như thế thì nó trở thành một cơ quan rất nhiều quyền lực về mặt kinh tế. Nếu không được giám sát cẩn thận thì nguy cơ tham nhũng là rất, rất cao.”

Ông nói thêm là các ủy ban như vậy ở các nước cựu cộng sản Đông Âu cũ đã không còn tồn tại sau khi các nước này hoàn thành việc tư hữu hóa các xí nghiệp nhà nước trước kia, và trong quá trình đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc tập trung nguồn vốn khổng lồ đã tạo ra không ít các vụ bê bối tham nhũng, chủ yếu là bán rẻ tài sản của quốc gia cho giới tư nhân.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ, đang sống là làm việc ở Na Uy lo ngại chính môi trường xã hội và chính trị hiện nay của Việt Nam:

Trong một cơ chế mà thiếu sự giải trình, thiếu minh bạch, thiếu sự giải trình, chuyện đưa tất cả nguồn vốn tập trung về một nơi cũng không tránh được sự thất thoát. Chuyện thứ hai là tập trung tất cả dự án vào một siêu ủy ban, để siêu ủy ban đó kiểm soát tất cả các nguồn vốn, đó sẽ là một công cụ chính trị cho những người nào nắm giữ quyền kiểm soát ủy ban đó.”

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn cũng bày tỏ sự lo lắng trong việc kiểm soát sự vận hành của Ủy ban quản lý vốn, mặc dù ông cho rằng việc thành lập nó là một điều tích cực:

“Việc tập trung này thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng chính phủ, thì đó là tốt. Tuy nhiên năng lực quản lý của ủy ban đó như thế nào, cũng như cái việc làm thế nào để cho việc quản lý đó vừa hiệu quả vừa minh bạch, trong sạch, thì đây là cần một sự kiểm tra chéo, rồi một sự giám sát thường xuyên của chính phủ đối với ủy ban này.”

Trong các quốc gia đã phát triển theo nền kinh tế thị trường lâu đời, cũng có những đồng vốn do nhà nước quản lý, mà theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đó là những mô hình mà Việt Nam nên noi theo. Ông nêu ví dụ như Tập đoàn quản lý vốn nhà nước Temasak ở Singapore.

Tập đoàn Vinashin làm thất thoát rất nhiều vốn nhà nước.
Tập đoàn Vinashin làm thất thoát rất nhiều vốn nhà nước.
AFP

Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng mô hình Temasak và mô hình “siêu” ủy ban của Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Ông đưa ra phân tích với RFA như sau:

Cách làm này khác hẳn Temasak Holdings của Singapore, là công ty thuộc nhà nước nhưng độc lập, có toàn quyền với việc mua bán vốn của các công ty có cổ phần nhà nước (kể cả cổ phần 100%) và hiện nay có vốn sở hữu (equity) trên 300 tỷ US. Các công ty phải trả cổ tức, lãi cho Temasak và Temasak cũng phải trả thuế cho chính phủ. Như vậy đánh giá loại công ty Temasak sẽ dễ dàng, dựa trên đánh giá giá trị phần vốn equity của nó, lãi hàng năm và tỷ lệ lãi.

Ông đặt câu hỏi đối với “siêu” ủy ban của Việt Nam thì lấy điều gì để đánh giá hiệu năng của nó.

Ông Nguyễn Huy Vũ đưa ra một mô hình quản lý vốn nhà nước khác có thể tham khảo là mô hình Na Uy:

“Đó thực chất là một công ty đầu tư chuyên nghiệp, những giám đốc, quản lý công ty là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ đầu tư ra tất cả các quốc gia khác nhau để cuối cùng là đem về lợi nhuận, phục vụ cho sự phát triển của Na Uy. Họ phải giải trình với chính phủ và với quốc hội.”

Và điều quan trọng là công ty này là một công ty độc lập và minh bạch, mỗi người dân có thể vào web site của công ty này để theo dõi tình hình kinh doanh của nó.

Trong một cơ chế mà thiếu sự giải trình, thiếu minh bạch, thiếu sự giải trình, chuyện đưa tất cả nguồn vốn tập trung về một nơi cũng không tránh được sự thất thoát.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ.

Kết thúc buổi nói chuyện với đài RFA, ông Huỳnh Bửu Sơn mong rằng “siêu” ủy ban tránh được vết xe đổ của một cơ cấu tương tự ở Malaysia, với những vụ bê bối tài chính rất lớn dẫn đến việc bắt giữ viên chức từng giữ chức vụ cao nhất nước là cựu Thủ tướng Najib Razak với cáo buộc tham nhũng.

Theo thông tin từ báo chí nhà nước Việt Nam, người được bổ nhiệm đứng đầu “siêu” ủy ban quản lý vốn nhà nước hiện nay là ông Nguyễn Hoàng Anh, một viên chức có bằng cử nhân lý luận chính trị, thạc sĩ kinh tế, và trước khi đảm nhiệm chức vụ mới ông giữ những chức vụ đảng và chính quyền tại tỉnh miền núi biên giới Cao Bằng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.