Tết kiệm ước trong mùa suy thoái

Đại đa số người dân Việt Nam đón Tết Quý Tỵ một cách dè sẻn nhất do ảnh hưởng kinh tế suy trầm. Tuy vậy Hà Nội-Saigon vẫn không kém vẻ phù hoa phố thị mùa xuân.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.02.06
000_Hkg8233678-305.jpg Trang trí mặt tiền nhà đón năm mới Quý Tỵ tại Hà Nội
AFP photo

Sức mua kém

Miền Bắc với cái rét quen thuộc đáng yêu đã đưa hơi thở mùa xuân về từ giữa tháng Chạp. Còn Saigon phải đến tối ngày 26 Tết, khi Đường Hoa Nguyễn Huệ khai trương với 120.000 chậu hoa cây kiểng, thì mới thấy có phần rộn rã hẳn lên.

Điểm ghi nhận đầu tiên, hàng hóa thực phẩm phục vụ Tết được cho là dư thừa dồi dào vì tình hình tồn kho lớn của doanh nghiệp nói chung. Trên một khía cạnh khác, hàng hóa đầy các siêu thị, chợ búa còn thể hiện sức tiêu thụ chậm kéo dài suốt năm qua cho đến mùa tiêu xài Tết Quy tỵ này. Một phụ nữ cư dân Saigon phát biểu:

“Rộn ràng thì cũng có, chợ Tết chỗ này chỗ kia có đủ, trên trung tâm Quận 1 kết đèn kết hoa, chợ Hoa Xuân đẹp lắm…nói chung rầm rộ hình thức thì đẹp lắm. Nhưng sức mua bán của người dân thì kém lắm, nhiều hãng xưởng không phát lương, chẳng có tiền thưởng nên người ta không có tiền mua sắm. Từ những năm phục hồi lại thì chưa có cái Tết nào thê thảm như tết này.”

Không ai muốn Tết chỉ có mình vui hoặc gia đình mình đầy đủ còn bao nhiêu người khác thiếu thốn thì cũng cứ cảm thấy áy náy không yên lòng…Đấy là cách chúng tôi đón Tết.
Bà Phạm Chi Lan

Ở quê hương miền Trung, người dân Phú Yên chuẩn bị đón xuân như thế nào. Bác Hai một gia đình nông dân bốn người canh tác trên diện tích 4 sào Trung bộ, vỏn vẹn 2.000 mét vuông cho biết đời sống quá khó khăn nhưng ngày Tết vẫn là những ngày phải trân trọng.

“Chỉ có một số người làm trong nhà nước có lương thưởng, Tết có lương tháng 13 thì cuộc sống tương đối hơn. Còn phần đông dân lao động rất vất vả cực nhọc nhưng cũng cố gắng rất nhiều để có được một cái Tết. Một số người ngày Tết vì quan hệ xã giao cũng chạy theo hình thức ghê lắm, cho nên nhiều người cố gắng vay mượn để có một cái Tết mở mày mở mặt với xóm làng.”

Trên toàn quốc con số 50.000 doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động, ngừng đóng thuế trong năm 2012 với 1 triệu người thất nghiệp, cho thấy tình hình rất khó khăn của rất nhiều hộ gia đình.

Công nghiệp dệt may và da giày, lĩnh vực thu hút hàng triệu công nhân, những năm trước các công ty lớn trả thưởng cho công nhân làm việc lâu năm thêm hai hoặc ba tháng lương, gọi là lương tháng thứ 14-15. Nhưng năm nay những nơi duy trì lương tháng thứ 14 là hiếm, thậm chí nhiều nơi chỉ được tháng thứ 13 hoặc một số tiền khiêm tốn hơn.

Cách biệt giàu nghèo cao

Một phụ nữ bán dạo nghỉ chân dưới biểu tượng năm Quý Tị trên đường phố Hà Nội. AFP photo
Một phụ nữ bán dạo nghỉ chân dưới biểu tượng năm Quý Tị trên đường phố Hà Nội. AFP photo
Một phụ nữ bán dạo nghỉ chân dưới biểu tượng năm Quý Tị trên đường phố Hà Nội. AFP photo
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam phân tích:

“Hiện nay một số ngành khác thì có dấu hiệu thiếu việc nhưng đối dệt may da giày thì không như vậy, đặc biệt với những doanh nghiệp làm ăn có định hướng có chiến lược tốt thì vẫn tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó một số những doanh nghiệp chuyên làm gia công hoặc qui mô quá nhỏ, không có định hướng thì hiện nay đang gặp khó khăn. Tại một số khu công nghiệp ở Đồng Nai Bình dương, những doanh nghiệp có đơn hàng tuyển dụng lao động tương đối dễ dàng, hay nói cách khác có một lượng người lao động từ các ngành khác đang bị mất việc và thải ra, đặc biệt là đối với những ngành tiêu thụ nội địa bị ảnh hưởng thị trường nội địa hiện nay gặp khó khăn.”

Vui Tết ở Việt Nam cũng có nhiều khoảng cách, đặc biệt khi thu nhập giữa nguời nghèo và người giàu cách nhau hơn 9 lần, theo các số liệu chính thức. Cũng vậy một cây mai tứ quí có thể có giá vài trăm triệu tới cả tỷ đồng, trong khi những chậu hoa bán chạy chợ vào trưa giao thừa chỉ vài chục ngàn đồng.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập trung bình năm 2012 của cư dân TP.HCM là 300 USD/tháng tức cao gấp 10 lần mức thu nhập trung bình 30 USD/tháng của nhóm cư dân có thu nhập thấp. Đó là chưa nói đến những vùng ở nông thôn hay miền núi.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải hiện đang sống ở Hà Nội, mô tả phong cách đón xuân mang nhiều ý nghĩa.

Sức mua bán của người dân thì kém lắm, nhiều hãng xưởng không phát lương, chẳng có tiền thưởng nên người ta không có tiền mua sắm. Từ những năm phục hồi lại thì chưa có cái Tết nào thê thảm như tết này.
Một phụ nữ Saigon

“Đối với người Việt Nam thì bao giờ cái Tết cũng rất thiêng liêng theo ý nghĩa là theo qui luật của đất trời, ai cũng hy vọng mùa xuân mới sẽ mang lại điều gì mới tốt đẹp hơn cho mọi người. Dù năm mới là năm rồng hay rắn hay năm gì đi chăng nữa thì ai cũng kỳ vọng ở năm mới là nó sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn thì chúng tôi cũng mong mỏi như vậy.

Bản thân tôi cũng như nhiều anh chị em quen biết, nhân dịp này cũng làm nhiều việc để cố gắng chia sẻ một phần với những người nghèo, người dân khó khăn hơn, nhất là ở các vùng miền núi hay vùng quê người ta thực sự khó khăn, khi mà nền kinh tế của đất nước đang ở trong giai đoạn như thế này. Vì vậy chúng tôi cũng tận dụng mọi cách để có thể chia sẻ với họ một phần nào đó. Vì cũng không ai muốn Tết chỉ có mình vui hoặc gia đình mình đầy đủ còn bao nhiêu người khác thiếu thốn thì cũng cứ cảm thấy áy náy không yên lòng…Đấy là cách chúng tôi đón Tết.”

Chúng tôi xin mượn những lời đầy ý nghĩa của bà Phạm Chi Lan để kết thúc ghi nhận mùa xuân Quý tỵ này.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.