Thị trường gia cầm Tết Nguyên Đán 2009

Mãi lực trên thị trường tiêu thụ mùa Tết được ghi nhận là giảm đáng kể, ngoại trừ các loại thịt gà. Nam Nguyên cập nhật thông tin thị trường, qua phỏng vấn ông Phạm Văn Minh, Giám Đốc Công Ty Phú An Sinh.
Nam Nguyên, phóng viên RFA

Vietnam-market-200.jpg
Kinh tế suy giảm, thị trường Tết Việt Nam không còn được nhộn nhịp như những năm trước. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam
AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam
Những ngày trước Tết

Được đánh giá là một trong ba nhà cung cấp thịt gà lớn nhất TP.HCM, ông Minh đưa ra một số nhận định:

“Sức mua nhìn chung thì vẫn chậm hơn mọi năm do tình hình năm nay vừa suy giảm về kinh tế và đồng thời lương thưởng đến giờ phút này công nhân cũng chưa có dồi dào, do đó nhìn chung thì sức mua năm nay giảm hơn mọi năm từ 10 tới 20%.

Cái mặt hàng gia cầm nó hơi cá biệt so với tình hình chung đó, do mặt hàng gia cầm là một mặt hàng vừa là thực phẩm vừa là mang yếu tố tâm linh thì trong những ngày vừa qua nó được tiêu thụ cũng khá tốt, nhứt là những ngày cúng kiến, do đó thì  trong những ngày vừa qua sức mua có tăng lên.

Nó hơi khác biệt với sức mua mà tôi nghe nói là chậm từ 10 tới 20%. Sức mua gia cầm, đặc biệt là con gà ta, thì có tăng lên, và như vậy thì cái giá cũng có tăng lên do nguồn cung cũng hơi bị thiếu vì vừa qua nhiều trang trại đã bỏ nuôi.

Như vậy hiện nay giá gà thả vườn với gà ta đang có cái mức khá cao và mức tiêu thụ cũng có tăng lên khoảng từ 30 tới 50% so với ngày thường.”

Như vậy thị trường thành phố trong dịp Tết này thì dự kiến có khoảng từ 2 ngàn tới 3 ngàn tấn gà, không kể những nguồn nhỏ lẻ và những nguồn từ một số tỉnh đưa lên, cho nên dự ước khoảng 5 ngàn tấn trong dịp Tết Kỷ Sửu này.

Ô. Phạm Văn Minh

Nam Nguyên : Thưa, như thế có khả năng là sẽ thiếu thịt gà vào những ngày cận Tết và cả sau Tết nữa hay không?

Ông Phạm Văn Minh: Cũng có thể là sẽ thiếu, nhưng mà cái đó mang tính chất cục bộ thôi, tại vì vừa qua thì trong cái chương trình bình ổn của thành phố thì các doanh nghiệp chuẩn bị cũng khá chu đáo; tổng thể thì cũng đảm bảo được gà thả vườn với gà ta cũng như một số mặt hàng thiết yếu. Thịt heo và những mặt hàng chế biến thì đảm bảo là không bị thiếu hụt.

Nam Nguyên : Thưa ông, như vậy TP.HCM sẽ được cung cấp tổng lượng gia cầm và sản phẩm gia cầm như thế nào?

Ông Phạm Van Minh : Riêng các đơn vị bình ổn thì cũng đã khoảng hơn một ngàn tấn, chiếm khoảng 40% tới 50% của thị trường. Như vậy thị trường thành phố trong dịp Tết này thì dự kiến có khoảng từ 2 ngàn tới 3 ngàn tấn gà, không kể những nguồn nhỏ lẻ và những nguồn từ một số tỉnh đưa lên, cho nên dự ước khoảng 5 ngàn tấn trong dịp Tết Kỷ Sửu này.

Nam Nguyên :  Một số thông tin nói là phải cần tới 8 triệu con gà thả vườn và gà ta vì người dân thành phố sẽ cúng 4 lần, kế từ 23 Tháng Chạp tới Mùng 3 Tết.

Ông Phạm Văn Minh : Vâng, thưa anh, cái đó là một con số về lý thuyết, tức là thành phố có 2 triệu hộ, nếu mỗi hộ chỉ có một con gà trong những ngày cúng ông bà, cúng ông táo, thì mình làm một bài toán nhân lên thì sẽ có khoảng 8 triệu con.

8 triệu con như hồi nãy mình phân tích thì nó sẽ có khoảng 5 ngàn tấn tức là tương đương hơn 4 triệu con, số còn lại là các hộ nhỏ lẻ và các nguồn từ các địa phương, các tỉnh đưa về.

Thực trạng chăn nuôi

Nam Nguyên : Thông tin về có người nhiễm H5N1 ở Thanh Hoá cũng như dịch bệnh có thể tái phát thì liệu vấn đề này có ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ gia cầm hay không ạ?

Ông Phạm Văn Minh : Hiện nay người dân thành phố cũng đã tương đối tin tưởng vào cái hệ thống giết mổ tập trung cũng như là hệ thống phân phối của những đơn vị đã có thương hiệu, vẫn tiêu thụ bình thường trong hệ thống siêu thị, trong những hệ thống cửa hàng có uy tín thì họ vẫn tiêu thụ tốt.

Riêng cái thông tin về cúm thì nó cũng mang tính chất nhỏ lẻ và nó không có trên diện rộng cũng như không có những nguy cơ lớn lắm, do đó người tiêu dùng cũng không có lo ngại nhiều.

Đặc biệt cái thông tin đó cũng giúp cho các ngành chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại những hệ thống tiêu thụ không chính thức, tức là ở đây tôi nói về những hệ thống giết mổ không có qua kiểm soát hoặc là tiêu thụ gà lông là vấn đề thành phố đang cấm.

Như vậy người tiêu dùng cũng sẽ tập trung vào những hệ thống giết mổ, phân phối mà họ đã sử dụng từ trước tới giờ mà nó đảm bảo vấn đề an toàn dịch bệnh.

Nam Nguyên : Thực trạng chăn nuôi gia cầm hiện nay ra sao, sau khi thuế nhập khẩu sản phẩm gia cầm được tăng lên  cũng như các chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi cũng giảm?

Ông Phạm Văn Minh : Về cái việc tăng thuế nhập khẩu thì cũng vẫn chưa hạn chế được vấn đề nhập khẩu, lý do là cái gà nhập khẩu trong những tháng trước đều có nhiều, do đó trong những tháng cuối năm nó có về chậm lại để giải quyết hết những hàng nhập trước đây.

Khi thấy có lợi nhuận thì nông dân lại đổ xô nuôi cho đến chu kỳ con giống sẽ tăng lên, rồi thức ăn chăn nuôi lại tăng lên, giá thành giá bán lại giảm xuống thì người nông dân lại lỗ thế là họ nghỉ nuôi. Cứ lẩn quẩn cái vòng đó.

Ô. Phạm Văn Minh

Về cái giá thực tế hiện nay thì do sự khan hiếm trong dịp cuối năm và việc ngưng nuôi trong thời gian trước đây 2-3 tháng nó làm cho nguồn cung hơi giảm đi và như vậy giá thành nó có tăng lên. Trên thực tế hiện nay giá bán đã cách biệt khá cao với giá thành.

Tôi nói thí dụ như con gà thả vườn giá thành khoảng từ 23 tới 25 ngàn, còn giá  bán hiện nay khoảng từ 45 ngàn, như vậy là người nông dân đâng có lợi nhuận ở mức từ 40 tới 50% trên một kilôgam thịt gà. Gà công nghiệp cũng vậy, hiện nay giá thành khoảng 20 ngàn tới 21 ngàn, được bán ra ở mức 25 tới 26 ngàn. Có vấn đề rõ ràng là vừa qua giá thức ăn gia súc giảm nhanh do đó dẫn tới giá thành giảm.

Chế biến riêng, cái bất ổn của ngành chăn nuôi VN do nó manh mún và nó chịu nhiều tác động của thị trường bên ngoài. Tức là khi mà giá thức ăn gia súc tăng thì người ta lại không có lời, giá bán lại thấp hơn giá thành, do đó người ta lại nghỉ nuôi. Nghỉ nuôi mãi thì thị trường lại diễn biến theo chiều ngược lại, tức là giá thức ăn xuống, giá con giống xuống, và đồng thời do người ta nghỉ nuôi thì giá bán lại cao hơn giá thành.

Hiện nay thì người nông dân có lời nhưng chỉ có số ít có lời tại vì có nhiều người nghỉ nuôi rồi. Và khi mà thấy có lợi nhuận như vậy thì nông dân lại đổ xô nuôi cho đến chu kỳ con giống sẽ tăng lên, rồi thức ăn chăn nuôi lại tăng lên, giá thành giá bán lại giảm xuống thì người nông dân lại lỗ thế là họ nghỉ nuôi. Cứ lẩn quẩn cái vòng đó.

Vấn đề ở đây là nếu mà có những cái điều tiết, có những cái hỗ trợ thì người nông dân sẽ có cái giá bình ổn hơn, sẽ có lợi nhuận thấp hơn nhưng mà ổn định, và người tiêu dùng cũng có được cái giá tiêu dùng tốt hơn, thì cái điều đó là điều mà mọi người mong muốn được như vậy.

Nam Nguyên : Cảm ơn ông Phạm Văn Minh về các thông tin ông dành cho đài chúng tôi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.