Tái cấu trúc nông nghiệp: Chưa bấm đúng huyệt
2017.01.05
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ý kiến là trong những năm tới chỉ nên xuất khẩu khoảng 2-3 triệu tấn gạo, thay vì 7-8 triệu tấn gạo mỗi năm như trước. Vấn đề đặt ra là giảm lúa thì phải có kế hoạch cho nông dân chuyển đổi, trong khi tái cơ cấu nông nghiệp hầu như chưa có những bước đi thích hợp.
Ba thách thức lớn
Xuất khẩu gạo năm 2016 của Việt Nam chỉ đạt 4,9 triệu tấn, giảm 1,6 triệu tấn, không đạt mục tiêu dự báo 6,5 triệu tấn. Vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long năm vừa qua bị giảm sản lượng, đồng thời các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam cũng đang bị thu hẹp dần. Các chuyên gia còn đề cập tới tác động của hạn hán xâm nhập mặn trong bối cảnh song Mê Kông thượng nguồn bị chặn dòng chảy vì các đập thủy điện, làm giảm lưu lượng nước về đồng bằng Cửu Long.
Chính phủ nhiệm kỳ trước đề ra kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp nhưng không thấy công bố một chương trình nào cụ thể. Chính phủ nhiệm kỳ mới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành, tiếp tục đề cập tái cơ cấu nông nghiệp, hứa hẹn sửa luật dỡ bỏ hạn điền cho phép tích tụ ruộng đất để có thể sản xuất tập trung. Đó là chưa kể thông tin nóng trên báo chí, về việc dành gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, từ Saigon nhận định:
“Việc tái cấu trúc này không đơn giản chút nào. Nông nghiệp mình có ba thách thức. Thách thức thứ nhất sản xuất quá nhỏ bé, nông trại quá hẹp; thứ hai đang hội nhập quốc tế lớn, mình phải thực hiện các cam kết FTA và thứ ba trong hai năm 2015-2016 liên tục cái El Nino ảnh hưởng quá lớn làm cho cả trồng trọt, chăn nuôi, cả cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu đều bị ảnh hưởng, năng suất năm nay giảm. Ba thách thức đó ảnh hưởng tái cấu trúc trong khi mình không có nhiều nghiên cứu chiều sâu về kinh tế, xã hội tất cả mọi thứ…cho nên cần thiết nhất là dành ngân sách đầu tư cho nghiên cứu những factors, những chìa khóa để giải quyết vấn đề. Chúng ta cần bấm đúng cái huyệt nào đó, nhưng cái huyệt này chưa được tìm thấy.”
Việc tái cấu trúc này không đơn giản chút nào...Chúng ta cần bấm đúng cái huyệt nào đó, nhưng cái huyệt này chưa được tìm thấy.
- Giáo sư Bùi Chí Bửu
Theo ghi nhận của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Phát triển Nông thôn Đại học Cần Thơ, phổ biến trên báo chí vào cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của nông dân làm lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 3,8 triệu đồng người/năm, tức 317.000đ/người/tháng, dưới cả ngưỡng nghèo qui định là 400.000 đồng.
Vào những ngày đầu năm 2017, người nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tiếp tục sống trầy trật với cây lúa như những năm vừa qua. Thực tế từ đồng ruộng được nông dân mô tả:
“Ở nông thôn thì làm theo kiểu ăn trước trả sau, nông dân gọi là lấy lúa mới đổi lúa cũ…làm để có dư thì khó lắm, làm chỉ đủ gói ghém cuộc sống trong một năm thôi…người làm lúa từ 10 héc-ta trở lên thì có dư, chứ còn làm 5-6 héc-ta thì đâu cũng vào đấy hết…”
Theo các ghi nhận chính thức, hàng triệu nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long canh tác trên các thửa ruộng nhỏ hơn một héc-ta. Như vậy những nông dân này có cuộc sống như thế nào. Người nông dân nhiều trải nghiệm ở vùng tứ giác Long Xuyên phát biểu:
“Người ta vẫn cứ sống lây lất, nợ ngân hàng cũng vẫn còn đó, cứ làm hoài và sống lây lất ngoài thời gian họ đi làm thuê làm mướn cho những người có đất nhiều…những nông dất mà đất ít người ta đi làm thuê cho mấy người có máy cày hoặc là máy liên hợp…họ làm thuê làm mướn từ vùng này qua vùng khác để kiếm sống…”
Chính phủ Việt Nam hứa hẹn tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng hoặc phát triển nuôi thủy sản, nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như ở các vùng khác. Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, từ Saigon nhận định:
“Nhiều người cứ nói đưa con tôm thay cây lúa. Nhưng mà nuôi tôm cũng có những mặt trái của nó, chứ không phải chỉ toàn mặt phải. Nó rất phức tạp, đặc biệt hệ thống thủy lợi cho nuôi thủy sản và cây ăn trái đang còn rất bất cập. Chỉ thủy lợi phục vụ sản xuất lúa thì rất tốt, còn chuyển đổi thành công cho các đối tượng khác thì cần phải có đầu tư và phải thay đổi nhiều. Tôi nghĩ rằng trong 5 năm qua đặc biệt từ 2013 tới nay việc chuyển đổi có nhiều chỉ tiêu chưa đạt…và trong những kết quả của nó nhìn vào tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tính theo tốc độ tăng GDP, thì năm nay chỉ có 1,2% là quá thấp. Đó là hậu quả do chuyển đổi mà còn cần thay đổi rất nhiều…”
Có thị trường mới chuyển đổi
Được biết, ông Huỳnh thế Năng Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từng phát biểu tại hội thảo “Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam” tổ chức ở Saigon hồi trung tuần tháng 12/2016, là cần định hướng lại việc trồng lúa, chỉ chọn các giống lúa ngon giá cao, giảm các loại lúa cao sản ngắn ngày và chuyển sang các loại hoa màu khác. Nguyên văn lời ông Chủ tịch VFA: “Trong những năm sắp tới Việt Nam chỉ cần xuất khẩu mỗi năm 2-3 triệu tấn gạo thay vì 7-8 triệu tấn như thời gian trước.”
Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nông học nổi tiếng hiện là Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, hướng trồng lúa bớt đi, để thay thế bằng những cây trồng cao cấp có giá trị hơn đã được nêu ra từ 1990. Nhưng Nhà nước cứ sợ thiếu gạo, trong giai đoạn đó nhóm lợi ích lớn là nhóm những công ty làm thủy lợi, họ muốn làm thủy lợi để trồng lúa và họ chỉ chạy theo hướng này. Vì thế cấp đất chỗ này chỗ kia làm đập thủy lợi ngăn mặn và trồng lúa.
Theo thời gian tư duy này bây giờ đang thay đổi, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, chìa khóa của vấn đề chuyển đổi cây lúa ở những vùng thiếu nước, hoặc xâm nhập mặn nằm trong tay các doanh nghiệp và vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm khác với lúa gạo. Giáo sư Võ Tòng Xuân tiếp lời:
Nhiệm vụ của các nhà doanh nghiệp bây giờ là phải đi tìm thị trường cho những cây trồng gì mà nó sẽ thay thế cây lúa, khi đó mới dám bỏ cây lúa thì người dân không bị ảnh hưởng gì cả…
- Giáo sư Võ Tòng Xuân
“Không có đâm đầu vô cây lúa ‘hoảng’ như trước nữa, phải trồng theo đúng sự thích nghi của đất đai. Nhiệm vụ của các nhà doanh nghiệp bây giờ là phải đi tìm thị trường cho những cây trồng gì mà nó sẽ thay thế cây lúa, khi đó mới dám bỏ cây lúa thì người dân không bị ảnh hưởng gì cả…không trồng lúa nữa người ta lên liếp trồng xoài, lên liếp trồng măng cụt, hoặc là có mương tưới, mương tiêu, đem nước mặn vô, đưa nước thải ra, chứa nước mưa lại để nuôi tôm ..v..v..”
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam đã chia nhỏ ruộng đất để phân chia cho nông dân theo khẩu hiệu người cày có ruộng. Từ chủ trương đó, trong ba mươi năm đổi mới lại chạy theo cây lúa ngắn ngày năng suất cao, sản xuất ra những loại gạo ít giá trị với khối lượng khổng lồ. Thành tích xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo mỗi năm và từng có năm đứng thứ nhì thế giới. Trên thực tế người nông dân trồng lúa rất nghèo gần như ở thang bậc thấp nhất trong xã hội.
Đến nay trên báo chí, cả quản lý nhà nước lẫn chuyên gia đều giật mình khi thấy hướng đi của láng giềng Campuchia. Nông dân Xứ Chùa Tháp phát triển thương hiệu gạo thơm quốc gia Phka Romdoul, được đánh gía là gạo ngon nhất thế giới với giá bán tới 1.475 USD/tấn so với mức giá gạo thơm bình quân trên thị trường là 890 USD/tấn. Để có được loại gạo nhiều giá trị đó, nông dân phải tuân thủ kỹ thuật canh tác, mỗi năm chỉ làm một vụ và với năng suất thấp.