Đại sứ Mỹ tại Việt Nam gặp cộng đồng Việt ở Little Saigon

Ngọc Lan, thông tín viên RFA, California
2015.07.13
Ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Bảy, 2015 Ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Bảy, 2015
Photo Ngọc Lan, RFA

Ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, vừa có cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Bảy, 2015.

Buổi gặp gỡ, được tổ chức tại Trung Tâm Le-Jao Center của trường đại học cộng đồng Coastline, Westminster, còn có sự tham dự của bốn dân biểu liên bang Ed Royce (chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện), Alan Lowenthal, Loretta Sanchez, và Dana Rohrabacher, cùng nhiều vị dân cử địa phương của Westminster, Garden Grove, và Fountain Valley, ba thành phố có đông đảo người Việt cư ngụ.

So với các cuộc gặp đại sứ Mỹ lần trước, lần này có lẽ là đông nhất. Cả hội trường của trường đại học không còn một chỗ trống.

Sau phần phát biểu của bốn vị dân biểu liên bang là phần phát biểu của Đại Sứ Ted Osius, qua nhiều đề tài từ nhân quyền, thương mại, giáo dục, an ninh và bang giao giữa hai nước. Ông đại sứ cũng đã trả lời khoảng 20 câu hỏi của cử tọa, về nhiều vấn đề như nhân quyền, chiến tranh Việt Nam, nghĩa trang quân đội Biên Hòa, tài sản của người Mỹ gốc Việt bị CSVN tịch thu, tự do tôn giáo,...

Nhân dịp này, Đại sứ Ted Osius cũng trả lời một số câu hỏi do thông tín viên Đài Á Châu Tự Do đặt ra.

Ngọc Lan: Thưa ngài Đại sứ, theo như ông nói, kim ngạch xuất nhập cảng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong năm nay là 36 tỉ đô la và năm tới là 40 tỉ đô la. Tôi cũng được biết là Việt Nam xuất siêu qua Mỹ nhiều hơn, Việt Nam bán hàng qua Mỹ nhiều hơn là Mỹ bán hàng qua Việt Nam. Như vậy làm thế nào để Mỹ có thể làm giảm sự thâm thủng mậu dịch này giữa hai quốc gia?

Đại sứ Ted Osius: Mới tuần trước Hoa Kỳ đã làm giảm sự thâm thụt mậu dịch với Việt Nam qua việc Hoa Kỳ đã ký hai hợp đồng bán máy bay Boeing trị giá 7 tỉ đô la cho Việt Nam Airline và hợp đồng thứ nhì trị giá 6 tỉ đô la bán máy bay Boeing cho VietJet Airline. Đó là những cách mà Hoa Kỳ đã làm để làm giảm thâm thụt mậu dịch với Việt Nam. Theo tính toán của tôi thì với 13 tỉ đô la đó sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho người Mỹ. Đó là hai thỏa thuận mới đạt được và sẽ được hoàn tất trong thời gian tới. Tôi tin rằng khi thỏa thuận này hoàn tất thì nó sẽ có lợi cho Hoa Kỳ.

Tôi có nói chuyện với một số nhà lãnh đạo Việt Nam và tôi nói rất là rõ ràng với họ rằng nếu không có sự cải thiện nhân quyền một cách đáng kể thì không thể có chuyện tháo bỏ toàn bộ lệnh cấm vận bán võ khí giết người cho Việt Nam

Đại sứ Ted Osius

Ngoài ra Hoa Kỳ cũng xuất cảng qua Việt Nam nhiều sản phẩm nông nghiệp từ khắp nơi trên nước Mỹ như đậu nành, gia súc, thịt gà, thịt, nói chung là khắp nơi trên nước Mỹ đều có sản phẩm xuất cảng sang Việt Nam.

Đôi khi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng có giảm bớt  buôn bán, nhưng đa số là về phía Việt Nam như có một số hàng hóa không đạt tiêu chuẩn Hoa Kỳ chấp nhận nên làm giảm bớt sự buôn bán giữa hai bên. Công việc chúng tôi làm hàng ngày là làm sao làm cho thương mại hai bên được trôi chảy. Nếu trôi chảy như vậy thì hai bên cùng có lợi và bên Hoa kỳ cũng bán được hàng hóa qua bên Việt Nam và hai bên có sự trao đổi mua bán một cách công bằng hơn. Đó cũng có liên quan đến vấn đề TPP. Tôi tin rằng khi TPP thành hình thì công việc buôn bán này sẽ phát triển nhiều hơn nữa.

Có nhiều cách để gia tăng sự buôn bán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho nên chúng ta phải chuẩn bị để có những phương cách đó và tôi tin là TPP sẽ là cách làm cho hàng hóa thông thương giữa hai quốc gia ngày càng gia tăng hơn nữa.

Ngọc Lan: Thưa ông, điều gì sẽ phải diễn ra, sẽ phải giải quyết trước khi Mỹ quyết định bán vũ khí sát thương cho Việt Nam?

Đại sứ Ted Osius: Hồi Tháng Mười vừa qua, Mỹ coi như đã tháo dở một phần lệnh cấm vận vũ khí giết người, bây giờ phía Việt Nam muốn tháo dỡ toàn bộ, thì bên phía Mỹ luôn luôn nói với Việt Nam rằng điều kiện để Mỹ tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí toàn bộ thì Việt Nam phải có sự cải thiện nhân quyền một cách đáng kể. Tôi có nói chuyện với một số nhà lãnh đạo Việt Nam và tôi nói rất là rõ ràng với họ rằng nếu không có sự cải thiện nhân quyền một cách đáng kể thì không thể có chuyện tháo bỏ toàn bộ lệnh cấm vận bán võ khí giết người cho Việt Nam. Và người đồng nhiệm của tôi hiểu rất rõ điều tôi muốn nói là gì.

Trong thời gian qua tôi cũng đưa ra một số dự luật cho đài Á Châu Tự Do được phát thanh thoải mái sang Việt Nam. Nếu Việt Nam chấp nhận điều này thì coi như những thông tin về tư tưởng đều có thể vào Việt Nam

Đại sứ Ted Osius

Ngọc Lan: Theo ý ông, điều cụ thể mà người Việt hải ngoại có thể làm để giúp cho người dân trong nước là gì?

Đại sứ Ted Osius: Theo tôi thì không có gì quan trọng hơn là phối hợp gia tăng giáo dục tại Việt Nam. Nếu chúng ta muốn có quan hệ ngoại giao giữa hai bên tốt hơn và muốn cho thế hệ trẻ Việt Nam hiểu biết hơn và khá hơn thì không có cách nào khác hơn là giúp cho họ đi học. Trong 20 năm qua, chúng ta thấy sự đầu tư về giáo dục là điều quan trọng nhất, đặc biệt qua chương trình Fulbright mà người Mỹ đã thực hiện. qua chương trình này người Mỹ đã dạy về kinh tế, cách nghĩ về kinh tế như thế nào, ngoài ra chính phủ Hoa Kỳ không chỉ dạy thôi mà còn kết hợp với các tổ chức tư nhân để làm sao làm cho suy nghĩ của sinh viên Việt nam năng động hơn. Ngoài ra thì chúng tôi cũng hợp tác với công ty khác như Intel của Hoa Kỳ, trong thời tới sẽ có 3 cơ sở của trường đại học Fulbright tại Sài Gòn và đây là cách đầu tư tốt nhất trong tương lai, lần đầu tiên có một đại học của Mỹ tại Việt Nam. Chỉ có qua giáo dục là cách tốt nhất mà người dân có thể đóng góp cho sự thăng tiến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Cũng xin thưa thêm là trong buổi gặp gỡ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi có nêu một câu hỏi với Dân Biểu Ed Royce, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Liên Bang Mỹ, về chuyện Việt Nam vẫn còn cấm nhiều sản phẩm văn hóa từ Hoa Kỳ về Việt Nam, bán ở Việt Nam, như các sản phẩm của trung tâm Thúy Nga, các báo chí truyền thông truyền hình của Việt Nam… Vậy làm sao Hoa Kỳ có thể giải quyết được chuyện này trong những ngày tới, đặc biệt là bao gồm trong Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP? Câu hỏi này được Dân biểu Liên Bang Ed Royce trả lời như sau:

Dân Biểu Ed Royce: Về các sản phẩm Hoa Kỳ tại Việt Nam, điều tôi muốn nói là làm sao có thị trường tự do hơn. Đặc biệt là trong vấn đề internet, dụng cụ tìm kiếm trên internet, nếu mà Việt Nam không ngăn cản điều  này thì thị trường mới được mở ra và mọi thứ khác sẽ được mở ra.

Đây là điều rất quan trọng trong việc thương thuyết với Việt Nam để có thể mở thị trường Việt Nam cho tất cả các sản phẩm thì các sản phẩm báo chí văn hóa cũng sẽ được bán theo luôn. Tôi đã từng đưa ra một số dự luật liên quan đến vấn đề này trong mấy năm qua và tôi thấy đây là điểu rất quan trọng. Trong thời gian qua tôi cũng đưa ra một số dự luật cho đài Á Châu Tự Do được phát thanh thoải mái sang Việt Nam. Nếu Việt Nam chấp nhận điều này thì coi như những thông tin về tư tưởng đều có thể vào Việt Nam. Phát thanh rất là quan trọng đối với vấn đề Việt Nam thành ra tôi nghĩ nếu được quyền phát thanh về Việt Nam, không bị cản trở trong sự thỏa thuận giữa Mỹ và Hoa Kỳ thì tôi nghĩ các chương trình hát thanh sẽ làm cho Việt Nam thay đổi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.