Nếu cải lương tổ chức như gánh hát Tàu ở Thái Lan

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2013.10.05
conhacvn.com-305.jpg Vở Con gái chị Hằng của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, với Tám Vân - Thanh Nga - Hữu Phước.
Photo courtesy of conhacvietnam.com

 

Trong chúng ta, những người thuộc lớp tuổi từ trung niên trở lên, yêu thích cổ nhạc cải lương hằng quan tâm đến sự tồn tại, theo dõi hoạt động của bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc này, chắc cũng đều nhận thấy có lúc cải lương lên đến đỉnh cao, đó là thời điểm những năm của thập niên 1960. Sự kiện tốt đẹp ấy đã khiến cho các ca sĩ tân nhạc cũng tìm đến lò cổ nhạc để học ca vọng cổ, với hy vọng trở thành đào kép cải lương, kiếm tiền dễ hơn. Các tài tử chiếu bóng nổi tiếng như Thẩm Thủy Hằng, cũng thọ giáo Má Bảy Phùng Há để lên sân khấu làm đào cải lương.

Thế mà sau cái Tết Mậu Thân, cải lương khủng hoảng trầm trọng, xuống dốc thê thảm, ngày một bi đát thêm lên, và cho đến ngày nay thì đang đi vào ngỏ cụt. Nếu như không có biện pháp nào để cứu vản tình hình, không biết tương lai rồi sẽ ra sao?

Có điều là người yêu thích cổ nhạc cải lương vẫn còn nhiều, ở đâu cũng có, mà điển hình là ở các tụ điểm có đờn ca tài tử là có người bỏ thì giờ đến ngồi nghe. Các buổi tập tuồng, quay phim ngoài trời, thiên hạ bao quanh coi rất đông. Tóm lại trong xã hội hiện nay số người ham mê cải lương cổ nhạc rất nhiều, mà giới hành nghề sân khấu lai nghẹt thở, sống dở chết dở thì nghĩa làm sao chớ? Sao lại mâu thuẫn như vậy?

Uyển chuyển theo tình thế

Buổi nói chuyện hôm nay tôi xin đề cập đến các gánh hát Tàu ở Thái Lan, để chúng ta suy nghiệm xem cái mô hình này có thể đem áp dụng với các gánh cải lương của ta trong tương lai, hầu mở ngỏ cho bộ môn nghệ thuật này được sống trở lại.

Nếu như nghệ thuật cải lương của ta mà có lề lối tổ chức như các gánh hát Tàu ở Thái Lan, thì người ta nghĩ bộ môn này sẽ không bệ rạc như hiện thời. Thật vậy, có lắm người am hiểu đã nói như thế, bởi căn cứ vào cách tổ chức, hình thức hoạt động, cũng như linh động uyển chuyển theo tình thế của các đoàn hát Tàu ở Thái Lan thì rất khó mà bị rã gánh.

Vậy chớ các gánh hát của người Hoa ở Thái Lan đã tổ chức, hoạt động như thế nào mà lại tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác? Sau đây mời quí vị đi xem hoạt động các gánh hát người Hoa ở Thái Lan:

Ở Thái Lan xem các đoàn hát dạo Tàu biểu diễn là một trong những món ăn tinh thần của cộng đồng người Hoa tại nước này, cũng tỷ như cải lương là món ăn tinh thần của bà con ta ở thôn quê vậy. Cộng đồng người Hoa ở Thái Lan không đông đảo như các Chú Ba ở Chợ Lớn. Vậy mà vào các dịp lễ hội truyền thống dân tộc, từng nhóm vài chục người, hay nhiều khi đông hơn, là các hội tương tế với hàng trăm, hàng ngàn hội viên, thì người Hoa thường tìm mời các đoàn hát dạo quen thuộc với họ về hát và chung vui với nhau.

Tuy nói là hát dạo chớ thật ra là đi lưu diễn như các đoàn cải lương ở nước ta thôi. Mỗi đoàn hát như vậy thường chỉ gồm có 5, 6 người, mà đông nhất cũng không quá 10 người, có thể hát diễn ở bất cứ nơi nào, đình chùa hay xóm chợ v.v… miễn sao có đồng bào người Hoa tập trung là có thể hát được.

Gánh hát rong nghèo ở miền Bắc Việt Nam, thập niên 1930-1940. File photo.
Gánh hát rong nghèo ở miền Bắc Việt Nam, thập niên 1930-1940. File photo.

Cũng giống như những gánh hát cải lương ở nước ta, họ trình diễn vừa để phục vụ, vừa để nuôi thân nên rất chịu đi lưu diễn. Chỉ có những lúc quá ế, ít được mời diễn, họ mới tạm rã gánh để làm việc khác, nhưng vẫn giữ các mối liên lạc với nhau, để chờ dịp hội tụ đi diễn tiếp. Họ rất tôn trọng kỷ luật, tuân theo sự chỉ huy của bầu gánh, tập trung là có ngay. Đây là điều rất khó khăn đối với đào kép cải lương của ta, do cái máu làm eo, làm khó, của những kẻ mà xưa kia thiên hạ gọi là “con hát”.

Gần như đúng với cái tên của mình, các đoàn hát dạo người Tàu khi diễn không cần phông màn, tranh cảnh hay đạo cụ sân khấu chi cho lỉnh kỉnh, nhưng không vì vậy mà nghệ thuật diễn của họ kém. Cách phục trang, hóa trang và diễn của những diễn viên đoàn hát dạo, nhiều khi rất đúng theo nghệ thuật sân khấu. Điều này chứng tỏ họ dày công nghiên cứu, tập luyện về về nghệ thuật ca diễn.

Khi diễn, nhưng diễn viên các đoàn hát dạo thường trích đoạn từ các câu chuyện truyền thuyết dân gian, cũng giống như các truyện của ta như: Trương Chi Mỵ Nương, Con Tấm Con Cám, Thạch Sanh Chém Chằng, Phạm Công Cúc Hoa v.v… Các truyện xưa tích cũ được mang ra để phóng tác thành những làn điệu ca diễn.

Do mang tính chất ít người nên các diễn viên đoàn hát dạo, họ thường ca nhiều trong buổi diễn hơn là diễn xuất, và cũng do vậy mà họ phải có giọng ca hay. Đây cũng là thể hiện năng lực câu khách của từng đoàn, do bởi tuy là những đoàn hát dạo, nhưng giữa họ với nhau vẫn mang tính cạnh tranh gay gắt, như các đoàn sân khấu chuyên nghiệp.

Nghệ sĩ cần yêu nghề

Cải lương ở nước ta, đào kép các đoàn nhỏ nếu tài nghệ giỏi, nổi tiếng sẽ được các đoàn lớn mời về với giao kèo cao giá, mà lương đêm cũng nhiều hơn gấp bội. Đào kép các đoàn hát dạo người Tàu ở Thái Lan cũng na ná, nếu được nổi tiếng thì những người trong một đoàn hát dạo sẽ được mời ca diễn thường xuyên, tại các nhà hàng sang trọng của người Hoa với tiền thù lao khá hơn. Lúc đó, dĩ nhiên cuộc sống của họ sẽ được nâng cao, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Với phương cách tổ chức hoạt động như trên của gánh hát Tàu, đã cho chúng ta thấy rằng muốn cho một gánh hát tồn tại là đoàn hát phải có ít người, chớ không đông đảo như các gánh cải lương của ta (nhân số đông gấp 3, 4 lần trở lên), và phông màn cũng đơn giản, rất dễ dàng mỗi khi đi lưu diễn.

Thứ đến là ca nhiều hơn diễn xuất, hình thức này rất thích hợp với khán giả bình dân, nhiều người đi coi hát chỉ cốt nghe ca vọng cổ với tiếng ca của Út Trà Ôn, Bảy Cao, Năm Nghĩa, Tấn Tài, Minh Cảnh, Út Bạch Lan, Thanh Hương v.v… Tôi từng nghe nhiều khán giả nói rằng, nếu không có Út Trà Ôn ca vọng cổ thì đi coi hát làm chi, cho tốn tiền mua vé.

Cô Bảy Phùng Há, một đại danh lừng lẫy của nền cải lương Việt Nam. File photo.
Cô Bảy Phùng Há, một đại danh lừng lẫy của nền cải lương Việt Nam. File photo.

Dù thế, họ cũng phải thường xuyên tập luyện để nâng cao nghệ thuật, lúc không hát là họ tập luyện. Không như đào kép cải lương của ta (phần nhiều là kép chánh), họ thường hay bỏ tập tuồng, lại cũng không học tuồng, để khi lên sân khấu thì trông cậy vào người nhắc tuồng đứng sau tấm màn cảnh. Người ta từng biết có những gánh hát, trong lúc mọi người có mặt tập tuồng theo quy định, thì anh kép chánh đang binh xập xám, đi đánh bi da, thậm chí đang ở mâm đèn… Phải chấm dứt tệ trạng này thì nghệ thuật cải lương mới làm ăn nên nỗi được.

Còn một vấn đề nữa là phải dễ dàng tập trung, khi hát ế có thể sống tạm bằng nghề khác, nhưng nếu có hát thì tập trung huy động nhanh, không để cho bầu gánh bị mất uy tín. Gánh hát ít người dĩ nhiên dễ dàng tập trung hơn. Qua hiện thực trên người ta thấy rằng, muốn cho cải lương sống trở lại cũng không khó gì mấy, miễn là nam nữ đào kép phải là những nghệ sĩ yêu nghề, yêu mến thực sự bộ môn nghệ thuật cải lương.

Hiện nay ở trong nước hầu như tỉnh nào, huyện nào cũng có những nhóm đờn ca tài tử, họ rất muốn trở thành nghệ sĩ trên sân khấu, nhưng ngặt nỗi là không có gánh hát để thu dụng họ. Bởi người ta luôn nghĩ rằng gánh hát là phải nhiều người, nhiều tranh cảnh, chứ thật ra những thứ đó chẳng cần thiết chi lắm. Đa số khán giả bình dân, nếu có gánh hát, dù nhỏ, nhưng ca hay, diễn khá, mà gần nhà là họ đi coi.

Những giọng ca tài tử ở cùng khắp là những kho tàng hết sức phong phú, chưa được khai thác. Nếu như ở các địa phương có người yêu thích cải lương, có phương tiện tài chánh tương đối khá, chứ không nhứt thiết phải giàu có, cũng có thể hội tụ các ca sĩ tài tử ngay tại địa phương mình, rồi thành lập gánh hát nhỏ (chỉ 5, 7 người thôi) là có thể hoạt động được. Cũng như điều cần yếu là phải có kịch bản thích hợp với nhân số ít người của đoàn hát, và vấn đề trước hết phải tận dụng những người có năng khiếu ở địa phương chớ không cần phải nhờ soạn giả tên tuổi. Về nhạc sĩ thì chỉ cần 1 người đờn là đủ, nhưng nếu hát ở chỗ nào có tay đờn thì họ sẽ tham gia ngay, có khi rất nhiều tay đờn mà không phải trả tiền, hoặc chỉ trả chút ít tiền cà phê cà pháo tượng trưng mà thôi.

Tôi còn nhớ năm Mậu Thân gánh hát rã gần hết, còn lại một số ít đoàn hoạt động cầm chừng, một đêm hát, 5, 6 đêm nghỉ, trung bình mỗi tuần chỉ hát có một đêm. Thế mà đến đầu năm 1969, một gánh hát nhỏ thuộc loại “bỏ túi” được ra đời tại Tây Ninh, vẫn sống được, sống dài dài cho đến năm 1975 vẫn con thấy hát. Đó là gánh hát có tên trên bảng hiệu là Hương Dạ Lý (mới nghe qua xin đừng hiểu lầm Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân), phông màn, tranh cảnh toàn là đồ cũ phai màu, mua lại của các đoàn hát bị rã gánh, và đào kép thì chẳng ai tên tuổi.

Hai năm đầu, đoàn chỉ hát quanh quẩn các quận, xã, ấp thuộc tỉnh Tây Ninh, sau đó mới bắt đầu đi lưu diễn ở Bình Dương, Biên Hòa. Hễ gặp đình thì hát đình, gặp miễu thì hát miễu, gặp chợ thì hát chợ, chớ chưa từng vô một rạp hát nào.

Có lần tôi có dịp đi Biên Hòa, ngang qua Tân Vạn, cạnh xa lộ Biên Hòa, bên hương lộ băng qua Chợ Đồn, bỗng thấy treo tấm bảng Hương Dạ Lý treo ở một căn nhà rộng lợp tôn giống như cái kho. Tôi dừng lại, thì đây là một cái ga ra xe hơi, hỏi ra thì gánh hát đến đây không tìm được đình, miễu hay chợ. May nhờ một nhà hào phú trong vùng cho gánh hát chui vô ga ra hát tạm, miễn phí. Vậy mà đêm qua vẫn có nhiều khán giả, nên bầu gánh, đào kép bữa nay có tiền, họ đang ăn điểm tâm với hủ tiếu, cà phê. Tôi vào ngồi chung bàn với ông bầu, và cho biết tôi ở Tây Ninh, thấy gánh hát lưu diễn ở đây nên ghé lại thăm. Tâm sự với ông bầu tôi được biết thành phần nghệ sĩ của đoàn khoảng 10 người, đều là người thân, bà con nội ngoại với nhau, không có lương hướng cố định, hát nhiều tiền thì chia nhiều, ít tiền thì chia ít. Cô đào trẻ tên Mộng Nghi mới 15 tuổi được khán giả nông thôn tặng cho biệt danh “Mỹ Châu 2”, bởi cô có giọng ca giống Mỹ Châu. Khoảng tháng 3 – 1975 tôi còn thấy gánh hát bỏ túi này, đang hát ở một ngôi chợ vùng Bến Cầu, Gò Dầu Hạ, Tây Ninh, sau đó thì chẳng biết ra sao.

Các hình ảnh, sự kiện như trên đã cho người ta có cái nhìn, nếu giờ đây nếu cải lương có vài đoàn hát kiểu bỏ túi như vậy, chắc nhiều đoàn khác sẽ ra đời, và cũng áp dụng đường lối hoạt động như Hương Dạ Lý khi xưa. Theo tôi nghĩ, cải lương sẽ dần dần sống trở lại. Coi như làm nhỏ mà chắc ăn, hơn là làm lớn rồi đổ nợ, rã gánh…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.