Nạn kẹt xe ở Sài Gòn

Những ngày gần đây, ở Sài Gòn, giao thông lại bị tắc nghẽn trầm trọng, nhất là vào thời điểm này, nhà nước đang có kế hoạch đào đường, lắp đặt hệ thống thoát nước mới để chống ngập lụt.
Phương Anh, phóng viên đài RFA
2008.09.16
Saigon-Ketxe-305.jpg Kẹt xe kinh hoàng vào giờ cao điểm trên đường Đinh Tiên Hoàng. Thậm chí nhiều người còn băng qua đường ngược chiều để tìm lồi ra.
Photo courtesy of VNExpress

Trên những con đường huyết mạch, ngày nào cũng diễn ra cảnh kẹt xe vào giờ cao điểm, có khi kéo dài đến 3, 4 tiếng đồng hồ.

Tình trạng kẹt xe đã kéo dài rất nhiều năm, nay lại thêm các công trình đang đào xới và các lô cốt được dựng lên khắp mọi ngả đường khiến cho chuyện giao thông càng tệ hơn.

Ùn tắc do đào đường

Theo thông tin trên các báo điện tử ở trong nước, ở TPHCM, hiện nay, có hơn 200 tuyến đường bị đào xới với các rào chắn đang ngày càng tăng về số lượng, đồng thời vị trí án ngữ của các rào chắn ngày càng được mở rộng tại những đường chính yếu của thành phố.

Về điều này, anh Trung, một người dân ở khu vực đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, nơi xảy ra nạn kẹt xe thường xuyên cho biết rằng nhiều đoạn đường chừng 1 km mà lại có đến 3 lô cốt bự chắn ngang. Đó là chưa kể đường chính có nhiều xe buýt mà đào đường thì chỉ chưà lại 10 mét tính cả lề đường. Do vậy, việc đi lại hết sức khó khăn, anh nói:     

“Cải tạo lại hệ thống thoát nước của toàn thành phố từ nhiều năm qua bị lụt lội lớn… Nhà nước cho đào lên, nhưng không phải đào hết mà chỉ đào từ từ. Nói chung mục đích thì tốt, nhưng khi làm xong thì có được hay không thì chưa biết, thì cứ hy vọng…

Những giờ cao điểm thì lúc đó khổ lắm… khổ lắm… Có nơi, lô cốt dựng lên, chỉ chừa hai bên đường chút xíu... thậm chí có những đường chỉ có một bên, còn lại đóng lô cốt hết... Người ta phải tìm cách tránh, đi đường hẻm, nhưng cũng khó tránh vì đường nào cũng có lô cốt hết.

Cô giáo Thanh Hằng

Khổ một cái là có những con đường có mật độ xe đi lại đông, dân số ở thành phố lại quá nhiều nên những giờ cao điểm thì hầu như ngày nào cũng bị…

Có nhiều khúc đường, thí dụ nhà nước để 1-8 phải xong nhưng đến 1 tháng 9 cũng chẳng xong… có những chỗ kéo dài tới mấy tháng. Có hôm kẹt từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều!”

Trả lời báo VNExpress, đại úy Trương Trần Minh Tuấn, phó đội trưởng cảnh sát giao thông số 4, công an TPHCM vào ngày 10 tháng 9 thì nguyên nhân chính là do các công trình đào đường, cùng với lưu lượng giao thông quá lớn nên đã xảy ra ùn tắc. 

Cùng với ý kiến này, người dân thành phố cũng bất bình với chuyện các công trình thi công chậm, hoặc làm rào chắn nhưng lại để đó.  Cô giáo Thanh Hằng, cư ngụ tại khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình, than thở:       

“Những giờ cao điểm thì lúc đó khổ lắm…những lô cốt để cả năm, có những chỗ thì làm nhanh…Tùy theo, chỗ nào công ty thầu làm đàng hoàng thì nhanh. Nhiều chỗ, đóng hàng rào lên nhưng chẳng làm gì hết…

Saigon-Ketxe-250.jpg
Cảnh thường thấy trên đường phố Sài Gòn: xe cộ chen chúc, lộn xộn không lối ra. Photo courtesy of VNExpress
Photo courtesy of VNExpress
Khổ lắm… có nơi, lô cốt dựng lên, chỉ chừa hai bên đường chút xíu... thậm chí có những đường chỉ có một bên, còn lại đóng lô cốt hết... Người ta phải tìm cách tránh, đi đường hẻm, nhưng cũng khó tránh vì đường nào cũng có lô cốt hết.”

Trong khi đó, anh Hiển, một chuyên viên xây dựng đang làm cho một trong các công trình thi công đào đường tại TPHCM thì phát biểu rằng:

“Tôi làm bên công trình, mình làm mé bên nào thì cũng chừa một bên cho dân người ta đi… Nội đô của TPHCM hiện có công trình thoát nước để chống ngập, nên làm như vậy thì có nhiều vấn đề mà quan trọng nhất là vấn đề tài chính. 

Người ta thầu nhưng vật tư cái gì cũng lên, về tài chính, nhà nước chưa rót tiền kịp thì làm sao chạy theo công trình nổi.

Thí dụ đang nhận công trình, đem xe “lu” tới, trong năm, giá dầu chỉ có mấy nghìn một lít, bây giờ 15000 một lít, tính trượt giá quá lâu nên công trình đình trệ là do tài chính thôi. Do thời tiết nữa, mưa liên tục, trời mưa thì không thể đào được, sợ sập.”

Các yếu tố khác

Liên quan đến chuyện kẹt xe, anh Hiển cho rằng không thể đổ lỗi cho bên công trình, vì:

Càng ngày càng kẹt nhiều, vì dân số càng ngày càng tăng. Ngành giao thông thì không cải thiện được bao nhiêu mặc dù có mở thêm đường này đường kia, và ý thức của người dân thì yếu lắm.

Anh Trung, Bình Thạnh

“Tắc nghẽn giao thông, là do ý thức của người dân quá kém. Đúng ra là không ùn tắc mạnh đâu, nếu chịu đi theo sự hướng dẫn hoặc chúng ta đi đúng phần đường của mình. Nhưng, ai cũng muốn đi trước hết, cảnh sát giao thông cũng phải đầu hàng luôn.

Thay vì phần đường của mình thì mình không đi, cứ đi vào phần đường của bên kia, tức là nghịch chiều lại, thành ra nó bị tắc nghẽn. Khi nó tắc nghẽn thì đổ thừa là tại công trình. Thậm chí còn dở hàng rào ra mà đi.

Lượng cảnh sát giao thông rất ít, áp lực thì nhiều, ý thức của người dân chưa cao…sẵn thấy như vậy thì đổ thừa cho giao thông là tốt nhất. Bản thân tôi trước khi về, tôi phải suy nghĩ đi đoạn đường nào thuận tiện cho tôi nhất, có thể xa hơn 15 cây số nhưng tôi không bị đứng để hít khói xe. Đó là mình phải tránh đoạn đường đó.

Trước khi đi làm thì đọc báo để biết chỗ nào đào đường, chỗ nào làm cống để sắp xếp đường mình sẽ đi. Nhưng nhiều người đều muốn đi đường gần nhất, nhưng lại không nghĩ đến người khác. Cảnh sát giao thông thì quá áp lực nên đổ thừa cho bên xây dựng.

Đồng ý là có một số diện tích chiếm dụng nhưng không thể nói được. Thí dụ, ngày mai được thông báo là đào đọan đường đó, tối nay phải rào chắn lại để sáng ra đưa xe cơ giới vô.  Nhưng, đến khi rào chắn dựng lên, chuẩn bị đưa xe cơ giới vào thì có lệnh đình chỉ thi công. Chuyện này là do Bộ Công Thương hay Ban Quản lý các dự án có tạo điều kiện cho nhà thầu làm việc hay không…”

Anh Trung, cư dân ở Bình Thạnh cũng đồng quan điểm, nhưng không tin tưởng lắm vào các công trình này, nhất là chuyện đào đường để chống ngập lụt, anh nói:

Kẹt cũng nhiều nguyên nhân, về cả ý thức giao thông nữa, thí dụ kẹt một bên, nhưng thấy trống là dành qua đi, thế là đối ngược chiều nhau và dính luôn. Nhiều khi đang bị như vậy mà gặp xe hơi vào thì “thua” chắc…

Càng ngày càng kẹt nhiều, vì dân số càng ngày càng tăng. Ngành giao thông thì không cải thiện được bao nhiêu mặc dù có mở thêm đường này đường kia, và ý thức của người dân thì yếu lắm.

Vụ đào đường theo dự định của nhà nước mà trong vòng khoảng hơn 1 năm xong thì có thể tốt hơn, nhưng hy vọng vậy thôi, chứ còn tin tưởng là đạt kết quả mỹ mãn thì không chắc lắm vì từ trước đến giờ, nhiều công trình làm xong thì chỉ tốt đẹp được năm đầu, qua năm thứ hai trở đi thì xấu vẫn hoàn xấu…

Dân tình than vãn

Hiện vẫn còn quá sớm để có thể biết được kết quả của việc đào đường chống thoát nước sẽ ra sao, trước mắt, nạn kẹt xe kéo theo nhiều hệ quả xấu của xã hội, và ảnh hưởng đến đời sống của người dân không ít. Chị Huệ, một nữ tài xế taxi ở TPHCM than rằng:    

“Chỉ vì kẹt xe và cái đào đường, bản thân tôi, chạy được 803 ngàn, ngày hôm sau, đổ xăng và trừ hết mọi khoản thì còn được mấy chục ngàn. Bây giờ họ làm như thế để chống ngập lụt, họ đặt đường ống cống lớn hơn, với tương lai sang năm thì không ngập lụt nữa… thì mình tin thôi!”

Mật độ dân số ở TPHCM tăng nhiều lắm, vì tất cả bao nhiêu tỉnh thành của Việt Nam vẫn đổ về, nhưng ý thức của người dân chưa tốt. Tôi mong nhất là tất cả người dân của mình học luật giao thông và có ý thức trong giao thông hơn thì cảnh kẹt xe sẽ đỡ hơn nhiều.

Chị Huệ, tài xế taxi

Nhân đây, theo lời chị, nạn kẹt xe chính là do ý thức của người dân, chứ không thể đổ lỗi hết cho các công trình đào đường, chị phát biểu: 

“Mật độ dân số ở TPHCM tăng nhiều lắm, vì tất cả bao nhiêu tỉnh thành của Việt Nam vẫn đổ về, nên mật độ dân số thì tăng, nhưng ý thức của người dân chưa tốt. Tôi mong nhất là tất cả người dân của mình học luật giao thông và có ý thức trong giao thông hơn thì cảnh kẹt xe sẽ đỡ hơn nhiều. Bây giờ đèn xanh đèn đỏ tính bằng giây, thế nhưng, chỉ cần nhanh mấy giây thì lại vượt  lên trên nữa…”

Cô giáo Thanh Hằng cũng đồng quan điểm:

“TPHCM bây giờ đông dân và đông xe nữa… đường sá thì đâu có nới rộng đâu. Chỉ có một ít đường mở rộng thôi, thành ra kẹt xe liên tục, nhất là giờ cao điểm…”

Chuyện kẹt xe ở TPHCM xảy ra như cơm bữa, và tình trạng này kéo dài từ năm này qua năm khác, nay lại thêm chuyện đaò đường thì việc này còn tệ hơn nữa.

Theo cô giáo Thanh Hằng, điều ngạc nhiên là hầu như ai cũng biết rằng phải có ý thức trong giao thông, nhưng việc thi hành nghiêm chỉnh thì lại là một chuyện khác:

“Khó lắm, chỉ có chờ giáo dục thế hệ mới thôi, kêu gọi cả phụ huynh phối hợp… nhưng điều này thì khó lắm!” 

Và trả lời cho câu hỏi bao giờ hết nạn ùn tắc giao thông ở TPHCM thì vẫn còn thật xa vời! Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin kết thúc nơi đây. Phương Anh hẹn gặp qúi vị vào kỳ sau.
Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.