Ngành May Mặc Việt Nam có nâng tỷ lệ nội địa hóa kịp theo qui định EVFTA?

Thanh Trúc
2019.08.06
000_1GZ029 Các công nhân tại một xưởng may ở Hà Nội ngày 24/5/2019.
AFP

Thống kê mới nhất cho thấy Trung Quốc là nguồn cung cấp vải lớn nhất của Việt Nam, chiếm 60% tổng lượng vải nhập vào thị trường may mặc trong nước. Sau Trung Quốc là Hàn Quốc, Đài Loan, và Nhật Bản.

Tỷ lệ vải nhập lớn như vậy khiến ngành may mặc Việt Nam khó được hưởng mức thuế ưu đãi, được cam kết cắt giảm rất sâu, trong Hiệp định Thương Mại Tự Do mà Hà Nội ký kết với Liên Minh Châu Âu EVFTA vào cuối tháng Sáu vừa qua, lý do là không bảo đảm tiêu chuẩn xuất xứ của nguyên vật liệu sử dụng để sản xuất.

Số liệu gây tranh cãi!

Ông Nguyễn Đình Trường, thành viên Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, cho rằng 60% nguồn vải Trung Quốc vào thị trường may mặc Việt Nam là số liệu đúng:

Kể ra cũng gần đúng, bọn tôi mới họp sơ kết 6 tháng mà, trước đó còn 70% chứ chả cứ, bây giờ mới xuống 60% đấy. Lý do là Việt Nam không đầu tư sản xuất nguyên liệu vải với lại trồng bông với sợi, nên là phải nhập vải nhiều của Trung Quốc, của Đài Loan và của các nước khác. Mỗi một năm trong nước chỉ sản xuất có một tỷ mét vải thôi, còn trong đó là nhập rất nhiều tỷ mét vải nên 60 đến 70% báo người ta đưa là chính xác. Vấn đề bây giờ Hiệp Định EVFTA yêu cầu muốn xuất đi EU phải có  xuất xứ ở Việt Nam mới được ưu đãi thuế quan.

Riêng đối với ngành dệt phải nói là Trung Quốc hiện nay về đầu tư trong ngành nguyên liệu và nhuộm là đứng đầu trong các nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Sản lượng của nó ra rất lớn, còn Việt Nam mình rất bị hạn chế vì sự phát triển của mình so với Trung Quốc làm sao cạnh tranh nỗi, rất khó. Ăn thua là doanh nghiệp của mình phải biết tính toán biết đầu tư cho đúng.
-
Ông Nguyễn Thành Sang

Trong khi đó Ông Diệp Thành Kiệt, nguyên phó chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Thêu Đan, chuyên gia ngành dệt may và da giày Việt Nam, giải thích đây là vấn đề nội địa hóa nguyên vật liệu trong ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam:

Có nghĩa là tỷ lệ nội địa hóa phải cao, phải sản xuất trong nước để chính người dân của anh được thụ hưởng điều này. Cho nên vấn đề còn lại là phải làm sao đạt tỷ lệ đó. Theo một số báo cáo tôi có dịp đọc thì tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đã cao rồi, do đó tôi tin rằng Việt Nam hiện nay nhập ít hơn số 60% vải của nước ngoài.

Dù thừa nhận hay không tỷ lệ nguồn vải từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam như vừa nêu, điều quan trọng là nếu không tự chủ được nguồn nguyên vật liệu thì ngành may mặc Việt Nam ít có hy vọng được miễn giảm thuế quan thông qua Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Trường nói:

Không ai tuyên bố là hạn chế mua hàng Trung Quốc mà chỉ nói là mình chủ động được bao nhiêu sản xuất trong nước để được hưởng thuế quan, được hưởng cái gọi là “ chuỗi giá trị kép” như ông Vũ Đức Giang (Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam) nói, thì chúng ta phải độc lập tự chủ bằng nội lực của mình, đồng thời yêu cầu  các doanh nghiệp trong nước liên kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tạo thị trường vải vóc cho ngành may mặc Việt Nam bớt phụ thuộc vào nước ngoài.

Đầu tư Nước ngoài vào ngành dệt

Ông Nguyễn Thành Sang, nguyên tổng giám đốc công ty dệt may Phước Thịnh, cho biết:

Riêng đối với ngành dệt phải nói là Trung Quốc hiện nay về đầu tư trong ngành nguyên liệu và nhuộm là đứng đầu trong các nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Sản lượng của nó ra rất lớn, còn Việt Nam mình rất bị hạn chế vì sự phát triển của mình so với Trung Quốc làm sao cạnh tranh nổi, rất khó. Ăn thua là doanh nghiệp của mình phải biết tính toán biết đầu tư cho đúng.

Một công nhân đang làm việc tại một xưởng may quần áo, ngoại thành Hà Nội. 2013.
Một công nhân đang làm việc tại một xưởng may quần áo, ngoại thành Hà Nội. 2013.
AFP

Thực tế từ hai ba năm nay, ông Nguyễn Đình Trường nói tiếp, nhiều nhà máy Trung Quốc và Đài Loan đã đầu tư hoạt động sản xuất vải trong nội địa Việt Nam:

Đầu tư ở Việt Nam thì họ mua bông và kéo vải ở đây thôi và mình không phải mua vải của Trung Quốc. Hai ba năm nay các nhà máy Trung Quốc về sản xuất vải họ đầu tư rất nhanh, cho nên dần dần đến lúc nào đó thì nó sẽ rút xuống còn 50% và hơn nữa là sản xuất tại Việt Nam.

Hiện người ta nói là còn quốc hội của 28 nước phê duyệt thì ít nhất một năm nữa chưa chắc phê duyệt xong, trong thời gian ấy thì các nước chưa áp dụng qui tắc xuất xứ vì Hiệp Định chưa có hiệu lực thì Việt Nam vẫn còn cơ hội. Chính vì vậy chính phủ khuyến cáo các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài hợp tác với nhau để cung cấp cho vải xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tôi được biết Trung Quốc rồi Hồng Kông rồi Đài Loan đầu tư sản xuất vải ở Việt Nam nói chung hai năm nay tăng rất nhiều.

Tăng tốc phát triển

Cũng tại Diễn Đàn Thương Mại Việt Nam –EU cuối tháng trước, Bộ Công Thương Việt Nam cho rằng để có thể tận dụng mọi cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thì chính phủ và các địa phương của Việt Nam cần hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp nhằm bù đắp cho phần cung bị thiếu hụt.

Nói về chiến lược phát triển ngành may mặc xuất khẩu thì 3 năm nay một số dự án dệt nhuộm công nghệ cao từ Châu Âu và Mỹ đã vào Việt Nam. Đó là Đức với nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Dà Lạt, Israel và Mỹ với nhà máy dệt tại Bình Định, nhà máy nhuộm ở Nam Định.

Theo chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Vũ Đức Giang, đây là những yếu tố giúp doanh nghiệp trong nước chủ động hơn về mặt nguyên phụ liệu đầu vào. Thế nhưng một thách thức gay go cho ngành dệt may nội địa, ông Vũ Đức Giang phân tích tiếp, là các địa phương không mặn mà lắm, thậm chí từ chối những dự án dệt nhuộm vì e ngại ô nhiễm môi trường.

Chúng ta phải độc lập tự chủ bằng nội lực của mình, đồng thời yêu cầu  các doanh nghiệp trong nước liên kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tạo thị trường vải vóc cho ngành may mặc Việt Nam bớt phụ thuộc vào nước ngoài.
-
Ông Nguyễn Đình Trường

Ông nói không nên để mất cơ hội tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu bằng quan niệm dự án dệt nhuộm gây ô nhiễm môi trường vì nhiều nhà máy đầu tư đã xử lý nước thải từ dệt nhuộm bằng công nghệ tiên tiến và an toàn.

Được hỏi về điều này, chuyên gia ngành dệt may và da giày Việt Nam là ông Diệp Thành Kiệt trả lời:

Thực ra thì Bộ Công Thương đã có kế hoạch phát triển cho ngành dệt may và ngành da giày rồi, trong đó đã qui hoạch một số nơi để làm các khu công nghiệp, mình gọi là công nghiệp nhiểm mà thực chất là những khu để nhuộm và thuộc da. Đương nhiên địa phương nào nằm trong phạm vi cho phép thì người ta làm, còn những địa phương mà người ta không cho phép hoặc địa phương nằm gần nguồn nước cung cấp thì người ta đâu có dám làm và việc đó thì không nên trách móc các địa phương.

Vấn đề trở ngại mà tôi có thể phân tích được là các địa phương qui hoạch các khu công nghiệp dành cho nhuộm và thuộc da đôi lúc không thuận lợi cho việc vận chuyển

Đó là điểm mâu thuẫn mà các doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày đang kiến nghị và Bộ Công Thương đang xem xét, ông Diệp Thanh Kiệt cho biết:

Nếu triệt để bảo vệ môi trường thì thường người ta đưa những khu này ra những nơi không ảnh hưởng đến nguồn nước của người dân. Không ảnh hưởng tức là phải xa khu dân cư thì lại bất lợi trong việc vận chuyển.

Còn ở từng địa phương thì thiệt tình mà nói qua những sự cố môi trường lớn trước đó như đối với Vedan hay đối với Formosa hay một số trường hợp khác thì hầu hết các địa phương Việt Nam hiện nay người ta đều rất ngại trong chuyện cho phép đầu tư vào những lãnh vực có nước thải lớn như nhuộm, thuộc da, xi mạ. Mât trái của nó là khi đầu tư vào thì hứa hẹn sẽ bảo vệ thế này thế kia, sau đó vì chi phí đưa nước thải thanh nước sạch rất cao nên người ta né tránh không làm.

Từ tháng Giêng đến tháng Sáu vừa qua tổng lượng vải may mặc mà Việt Nam mua vào trị giá 6 tỷ 560 triệu USD, chiếm 5,4% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước.

Theo Bộ Công Thương, giảm phụ thuộc vào nguồn vải cung lớn nhất từ Trung Quốc thì ngành may mặc sẽ thu lợi và mang về cho Việt Nam thêm hàng tỷ đô la Mỹ một năm.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam khi lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thực tế này khiến lợi nhuận thu được trên sản phẩm làm ra rất thấp vì chỉ chủ yếu từ sức lao động của người công nhân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.