Liệu Việt Nam làm được gì khi lại nhận chức Chủ Tịch Luân Phiên ASEAN?

Thanh Trúc
2019.09.05
000_1J88SU_960.jpg Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ở hội nghị ASEAN và Nhật tại Bangkok, Thái Lan hôm 1/8/2019
AFP

Năm 2020 Việt Nam sẽ đảm nhiệm trở lại vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) trong bối cảnh toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng mà giới quan sát đánh giá là khá phức tạp từ chính trị, kinh tế lẫn thương mại.

Phát biểu tại buổi gặp và làm việc với tổng thứ ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi hôm 26 tháng Tám vừa qua tại Hà Nội, với chủ đề ‘ASEAN Gắn Kết Và Chủ Động Thích Ứng’, bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định trong cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 Việt Nam sẽ thực hiện vai trò củng cố khối đoàn kết, thống nhất và sức mạnh nội tại của ASEAN, gắn bó với người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Tôi nghĩ  rằng đây là quan điểm  được nhiều nước chia sẻ, nói chung hiện nay mọi nước đều lấy lợi ích của người dân làm cái xuyên suốt và mục tiêu chủ yếu. Với cương vị chủ tich ASEAN Việt Nam cũng sẽ như vậy thôi.
-Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Trao đổi với đài Á Chậu Tự Do từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong,  nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Xã Hội, cho rằng theo ông hiểu thì câu nói của bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn An xuất phát từ quan điểm rất cơ bản của Việt Nam là trong phát triển kinh tế xã hội nói chung thì dân vừa là động lực vừa là mục tiêu xuyên suốt trong toàn bộ đường hướng, chính sách, chiến lược và quá trình phát triển:

Thế thì khi làm chủ tịch ASEAN thì Việt Nam cũng sẽ lấy người dân, theo nghĩa là công dân của các nước ASEAN, lợi ích của người dân các nước ASEAN, là cái để hướng tới việc phục vụ phát triển chính sách của khu vực ASEAN này chứ không vì cái lợi ích của một chính phủ hoặc chính trị nào đó hoặc riêng biệt của một nhóm hay một nhóm nước nào cả.  Tôi nghĩ rằng đây là quan điểm được nhiều nước chia sẻ. Nói chung hiện nay mọi nước đều lấy lợi ích của người dân làm cái xuyên suốt và mục tiêu chủ yếu. Với cương vị chủ tich ASEAN Việt Nam cũng sẽ như vậy thôi.

Nhà nghiên cứu độc lập, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói rằng ông không hiểu và không tin lắm về câu từ “lấy người dân làm trung tâm” mà ông bộ trưởng Trần Tuấn Anh tuyên bố:

Đáng tiếc vì ông không giải thích kỹ. Lấy người dân làm trung tâm là một điều rất tốt nhưng tôi e rằng có thể ông ấy chỉ nói kiểu gọi là rhetoric tức là nói lấy được. Tôi sợ rằng câu nói của ông Trần Tuấn Anh chỉ ở dạng như vậy mà thôi.

Việt Nam gia nhập ASEAN từ 1995, từng làm chủ tich luân phiên của tổ chức năm 2010. Sau 25 năm, nay Việt Nam chuẩn bị quay lại vai trò chủ tịch ASEAN lần thứ hai trong bối cảnh thế giới mà bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá là có nhiều thay đổi với cục diện mới.

Với cương vị là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã kêu gọi Myanmar cần tổ chức bầu cử công bằng, có sự tham gia của nhiều đảng phái. Nguồn chinhphu.vn
Với cương vị là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã kêu gọi Myanmar cần tổ chức bầu cử công bằng, có sự tham gia của nhiều đảng phái. Nguồn chinhphu.vn
Nguồn chinhphu.vn

Sau 30 năm đổi mới và hội nhập, vẫn lời ông Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã đạt tới những thành tựu to lớn, toàn diện về kinh tế, xã hội, vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, được nâng cao đáng kể.

Dưới mắt tiền sĩ Nguyễn Minh Phong Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Xã Hội ở Hà Nội,  2020 là một năm Việt Nam đội cùng lúc nhiều chiếc nón với nhiều thách thức trước mắt. Liệu đây có là cơ hội để Việt Nam góp phần củng cố và thúc đẩy ASEAN đi theo định hướng đã lựa chọn, đặc biệt theo Tuyên Bố Hà Nội cách đây mấy năm:

Năm 2020 Việt Nam trở thành chủ tich luân phiên ASEAN cũng như làm thành viên không thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và kể cả chủ tich Nghị Viện Châu Á IPA. Tất cả những điều đó giúp Việt Nam có thêm cơ hội khẳng định mình, đặc biệt để tuyên truyền và tìm sự đồng thuận trong phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.

Việt Nam có đủ cơ sở để đủ tự tin để gánh vác vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, là khẳng định của  giáo sư Phạm Quang Minh, hiệu trưởng Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, chuyên ngành Quan Hệ Quốc Tế thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội:

Năm 1995 khi mới gia nhập ASEAN thì Việt Nam còn bỡ ngỡ, còn chưa biết gì nhiều về ASEAN cũng như các tổ chức quốc tế. Nhưng trong quá trình 33 năm đổi mới tính từ 1986 đến nay thì Việt Nam đã có những tiến bộ về mặt chính trị, mô hình kinh tế từ tập trung và kế hoạch hóa sang mô hình kinh tế thị trường, GDP bình quân đầu người từ 200 USD bây giờ lên hơn 2.000 USD/ đầu người, Với kinh tế và thương mại 6,2 tới 6,7% Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao  nhất.

Trong lãnh vực đối ngoại, rõ ràng Việt Nam đã tham gia nhiểu tổ chức quốc tế từ WTO. ASEAN đến Diễn Đàn Á Âu hay APEC, đặc biệt tham gia vào Lực Lượng Gìn Giữ Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc ở Châu Phi chẳng hạn. Sắp tới đây Việt Nam còn tham gia vào cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và các nước ASEAN.

Tạo được sự đồng thuận trong ASEAN là quan trọng bởi cho đến nay những quan điểm trong ASEAN vẫn khác nhau. Thách thức của ASEAN là thu  hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước. Về mặt đối ngoại ASEAN cũng có những cái không đồng thuận về những vấn đề quốc tế.
-Giáo sư Phạm Quang Minh

Theo ông đó là những biểu hiện rõ ràng sự hợp tác và hội nhập của Việt Nam với quốc tế. Cùng lúc giữ vai trò chủ tịch ASEAN 2020 rồi là thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và cả chủ tịch luân phiên IPA tức Diễn Đàn Quốc Hội các nước, giáo sư Phạm Quang Minh nói ông tin rằng uy tín của Việt Nam trong mắt quốc tế sẽ tăng lên:

Anh không thể nào gọi là có uy tín quốc tế nếu không có thành công ở bên trong, và cái thanh công ở bên trong có được thì cũng nhờ vào việc hộp nhập quốc tế tốt.

Đó không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức cho Việt Nam cả bên trong lẫn bên ngoài. Thách thức là nguyên nhân khiến viễn ảnh củng cố khối đoàn kết, thống nhất mà bộ trưởng Trần Tuấn Anh vạch ra xem chừng khó khả thi. Tiến sĩ Nguyễn Quang A:

Khi đã là chủ tịch ASEAN thì chắc chắn Việt Nam có sự chủ động nhất đinh tốt hơn nước chủ tịch ASEAN như Kampuchia, nhất nhất Trung Quốc  nói gì thì chủ tịch ASEAN là Kampuchia lúc ấy đều theo hết bất kể ai nói gì khác. Trong trường hợp Việt Nam làm chủ tịch chắc chắn việc ấy không xảy ra.

Về khía cạnh kết nối, khả năng đoàn kết các nước để có một tiếng nói nào đó nhưng nên lưu ý rằng ASEAN là một khối mà nó chia rẽ rất nhiều. Kỳ vọng quá cao mà không đạt được thì chỉ có thất vọng thôi.

Dưới mắt tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, có những thách thức tồn tại xuất phát từ hoạt động của ASEAN bao lâu. Đó là nguyên tắc đồng thuận, nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ của nhau, tất cả những gì thuộc về nội bộ là không có sự can thiệp.

Nguyên tắc đồng thuận này và mỗi nước một phiếu này là một trong những cái nhằm đảm bảo cho ASEAN thành công từ trước đến nay nhưng đồng thời cũng là thách thức, theo nghĩa chỉ cần một nước trái ý, không đồng thuận là lập tức có thể tạo khó khăn trong việc tạo ra một khối liên kết thống nhất. Chúng ta đã biết có lúc ASEAN không ra được tuyên bố chung về một vài vấn đề.  Ý thứ hai, ASEAN là một cộng đồng các nước có những trình độ phát triển khác nhau, có những lợi ích quốc gia cũng không phải giống nhau hoàn toàn và có những quan hệ đối tác với các nước trong khu vực cũng khác nhau. Do đó để tìm ra được tiếng nói chung lại càng khó.  Đây là hai thách thức từ trước đến nay và cả về sau này mà Việt Nam phải tự hiểu để chuẩn bị cho kịch bản tốt nhất.

Bên cạnh những ý kiến tương đối lạc quan và tích cực cho một Việt Nam chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhận định thách thức lớn nhất là những bất ổn về kinh tế, tài chính và tiền tệ, rằng sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gây khó khăm đối với quá trình phát triển trong quan hệ đối ngoại cũng như đoàn kết nội khối và vai trò dẫn đắt của ASEAN.

Đây là những điểm bắt buộc phải nhìn thấy trong thời đại mà kinh tế quyết định tất cả, là góp ý của nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Quang A:

Tình hình sang năm như thế nào? Sự bất trắc, sự không chắc chắn còn đầy ở đó. Khi ông Trần Tuấn Anh nói là chuyện phát triển rồi hòa bình rồi ổn định, rồi trong thương mại vẫn chủ nghĩa đa biên là chính… thì tôi nghĩ chắc ông cũng học theo bài từ muôn thưở của Việt Nam. Thực sự với sự bất trắc từ cuộc thương chiến Mỹ Trung như bây giờ, thế giới đi theo một hướng rất đáng tiếc là không còn đa phương nữa. Thực sự là Mỹ bây giờ chỉ muốn những hiệp định song phương thôi chứ không còn chuyện đa phương nữa, vân vân và vân vân… Với lại những biến động lớn của thế giới, cả tình hình kinh tế lẫn tình hình chính trị thì có lẽ ông Trần Tuấn Anh không thể không nhìn thấy được. Những xu hướng đó thách thức nền kinh tế Việt Nam, xã hội Việt Nam và cả bản thân của hệ thống này.

Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh tại Thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok hôm 23/6/2019
Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh tại Thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok hôm 23/6/2019
AFP

Theo giáo sư Phạm Quang Minh, khoa quan hệ quốc tế Đại Học Quốc Gia Hà Nội, đồng thuận là điểm khó nhất trong ASEAN mà Việt Nam phải đối diện:

Tạo được sự đồng thuận trong ASEAN là quan trọng bởi cho đến nay những quan điểm trong ASEAN vẫn khác nhau. Những thách thức của ASEAN là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước. Trong ASEAN có ASEAN-6 và ASEAN-4, nhóm những nước phát triển hơn và những nước kém phát triển hơn. Thứ hai là cái kết nối của ASEAN vẫn rất là kém. Kết nối ở đây thể hiện là hợp tác kinh tế nội khối của ASEAN vẫn chưa nhiều, chỉ chiếm ¼ tổng giá trị thương mại hay đầu tư thôi bởi các đối tác kinh tế của ASEQAN vẫn là bên ngoài, là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc … chứ không phải bên trong. Một khi không có sự kết dính, kết nối ở bên trong về mặt hợp tác kinh tế thì làm sao mà ASEAN có thể trở thành một tổ chức vững mạnh được. Về mặt đối ngoại ASEAN cũng có những cái không đồng thuận về những vấn đề quốc tế, đứng trước sự canh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thì rõ ràng ASEAN cũng không có sự thống nhất.

Cho nên tôi nghĩ làm sao tạo đồng thuận trong ASEAN trong tất cả các lãnh vực từ chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng đến văn hóa xã hội thì Việt Nam phải tạo ra được.

Khi đã là chủ tịch ASEAN thì chắc chắn Việt Nam có sự chủ động nhất đinh tốt hơn nước chủ tịch ASEAN như Kampuchia, nhất nhất Trung Quốc  nói gì thì chủ tịch ASEAN là Kampuchia lúc ấy đều theo hết bất kể ai nói gì khác. Trong trường hợp Việt Nam làm chủ tịch chắc chắn việc ấy không xảy ra.
-T
iến sĩ Nguyễn Quang A

Từ điểm này, chuyên gia còn đề cập đến một vấn đề lớn khác của Việt Nam, trong cương vị chủ tịch ASEAN 2020 phải thực hiện, là tình hình Biển Đông mà Trung Quốc đã và đang làm cho  căng thẳng dâng cao. Phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là góp ý của giáo sư Phạm Quang Minh:

Phải thuyết phục các nước ASEAN rằng Biển Đông không chỉ là vấn đề của Việt Nam. Biển Đông không chỉ là vấn đề tranh chấp giữa các nước mà là vấn đề của toàn bộ khu vực, của tất cả ASEAN. Bởi vì khu vực này cần hòa bình và ổn định, nếu xung đột xảy ra thì không chỉ những nước có tranh chấp mà toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng. Việt Nam phải thuyết phục các nước đặt lợi ích khu vực lên trên lợi ích quốc gia. Việc của Việt Nam là phải thuyết phục, phải khẳng định, phải giải thích rằng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không phải là vấn đề song phương mà là vấn đề đa phương và là vấn đề của toàn bọ khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng Biển Đông là vấn đề cực kỳ phức tạp:

Việt Nam là một trong những nước trực diện với sự phức tạp này, sự phức tạp gắn liền với tham vọng cũng như mục tiêu chiến lược của Trung Quốc về khu vực Biển Đông cũng như trên thế giới. Năm 2020 với tư cách chủ tịch luân phiên chắc chắn Việt Nam cũng sẽ tìm kiếm những giải pháp hòa bình ở Biển Đông. Tuy nhiên được đến đâu còn tùy thuộc vào thái độ nhận thức của các nước cũng như sự ủng hộ của các nước lớn trên thế giới. Rất khó nói sẽ như thế nào nhưng hy vọng bằng sự kiên nhẫn, sự khôn khéo trong quan hệ đối ngoại Việt Nam có thể vượt qua căng thẳng một cách hòa bình với chi phí thấp nhất.

Theo tin được báo chí trong nước loan tải, trước khi chính thức lãnh nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN lần thứ nhì vào năm tới, Bộ Công Thương đang lập kế hoạch xây dựng những ưu tiên kinh tế 2020 trong các lãnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Cụ thể, như bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông báo, là đánh giá kế hoạch Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN AEC 2025 và tầm nhìn 2035. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh kết thúc đàm phán, ký kết Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RECP), chưa kể còn hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng tuần hoàn ASEAN trong mục đích tạo một nền kinh tế bền vững.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.