Việt Nam có mức tăng cao nhất về chi trả di động

Thanh Trúc
2019.04.25
000_Hkg10255693 Màn hình hiển thị Apple pay cũng như các cách thức thanh toán qua mạng khác tại một cửa hàng Apple tại Thượng Hải hôm 18/2/2016.
AFP

Việt Nam là nước có mức tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ sử dụng m-payment hay online payment, tức thanh toán điện tử hoặc chi trả di động năm 2019.

Đây là kết quả thăm dò của PwC, mạng lưới uy tín chuyên tư vấn về kinh doanh, dịch vụ và thuế cho doanh nghiệp, được đăng trên trang Telecom Asia ngày 24 tháng Tư. Thông qua 21.000 người từ 27 quốc gia được PwC phỏng vấn, số lượng người sử dụng các phương tiện mua bán online, nghĩa là thanh toán điện tử ở Việt Nam tăng 24% năm 2019.

Nói một cách khác, từ 37% năm 2018, đến năm 2019  tỷ lệ phần trăm người sử dụng m-payment chi trả online ở Việt Nam chiếm 61% trong các loại hình thanh toán.

Vẫn theo mạng lưới tư vấn  kinh doanh, dịch vụ và thuế PwC, khoản tăng 24% chi trả online của Việt Nam năm 2019 được coi là mức tăng cao nhất trong 6 nước Đông Nam Á tính theo thứ tự là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia. Mặt khác, tỷ lệ người tiêu thụ sử dụng dịch vụ mua bán chi trả online sở dĩ tăng một phần cũng nhờ vào sự khuyến khích của chính phủ.

Ở Việt Nam trước nay không có thanh toán bằng thẻ tín dụng nhiều và có khả năng sẽ tiến tới thanh toán điện tử.
-Ông Nguyễn Tử Quảng

Ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc công ty phần mềm BKAV ở Hà Nội, nhận xét:

Đầu năm nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có họp với Bộ Thông Tin Và Truyền Thông, có nói là cho phép thí nghiệm  việc sử dụng các cái tài khoản của mạng di động để thanh toán điện tử các khoản thanh toán nhỏ. Tức là người dân Việt Nam mà sử dụng điện thoại đi động thì ai cũng có, thế thì bây giờ chính phủ đang khuyến khích cho phép việc sử dụng luôn cái tài khoản tiền đó trên điện thoại để trả cho khoản thanh toán  điện tử nhỏ.

Về kết quả thăm dò của PwC, ông Nguyễn Tự Quảng cho là khá chính xác bởi nhiều yếu tố trong đó có giới trẻ:

Thứ nhất thị trường Việt Nam là một thị trường rất năng động, có giới trẻ tham gia vào Internet rất nhiều. Thứ hai ở Việt Nam trước nay không có thanh toán bằng thẻ tín dụng nhiều và có khả năng sẽ tiến tới thanh toán điện tử. Thứ ba nữa là đang có sự canh tranh của các Startup và các quĩ đầu tư rất lớn ở Việt Nam trong lãnh vực này cho nên nó tạo ra sự tăng trưởng như vậy.

Số liệu từ Cục Thống Kê cho thấy năm 2017 Việt Nam có 50 triệu 200 ngàn người sử dụng Internet. Năm 2019, con số này tăng thành 59 triệu 200 ngàn.

Theo dự kiến, số người sử dụng Internet trong nước sẽ tăng lên 75 triệu 700 ngàn tính đến 2023.

Một cụ bà sử dụng điện thoại di động ở Hà Giang hôm 28/10/2018.
Một cụ bà sử dụng điện thoại di động ở Hà Giang hôm 28/10/2018.
AFP

Tại Việt Nam, việc chi trả m-payment thông dụng nhất là qua ba mạng Vinaphone, Mobiphone và Viettel. Điều này tạo sự thử thách cũng như cạnh tranh không nhỏ theo như lời giám đốc công ty phần mềm BKAV ở Hà Nội.  Cô Hoàng Anh, làm việc trong một công ty kinh doanh thời trang, mỹ phẩm và hàng miễn thuế có nhiều chi nhánh ở Sải Gòn, giải thích về việc thanh toán điện tử m-payment khi mua hàng mà cô đã quá quen thuộc:

Thực ra những năm gần đây hình thức thanh toán online rất được các ngân hàng khuyến khích khách hàng của mình sử dụng, do đó mà họ đã tạo nhiều điều kiện thuận tiện để cho các đơn vị phát hành những phần mềm trên điện thoại di động được liên kết với các cổng thanh toán của họ. Cái này là mối liên kết vừa có lợi cho khách hàng về mặt mua bán trao đổi hàng hóa không mất thời gian để làm thủ tục bàn giấy như trước đây nữa. Mình có thể ngồi tại nhà, tại văn phòng, thực hiện một vài thao tác digital ứng dụng điện thoại di động để có thể thực hiện.

Vẫn theo lời cô Hoàng Anh, tỷ lệ tăng như khảo sát mới nhất của PwC cũng là có cơ sở mà chủ yếu đối tượng tiêu thụ và sử dụng rơi vào những nhóm khách hàng trẻ:

Từ 22 cho đến 38 là độ tuổi thành thạo về công nghệ thông tin, thành thạo về thiết bị điện thoại di động và sẵn sàng muốn thử cái dịch vụ vừa tiện lợi vừa cộng hưởng này.

Riêng đối với khách hàng truyền thống từ độ tuổi 38 trở lên thì vẫn trung thành với hình thức chi trả bằng tiền mặt. Ngoài ra con số tăng vọt đến từ việc các ngân hàng và các công ty liên kết phần mềm tung ra rất nhiều chương trình khuyến mãi và khuyến khích khách hàng sử dụng việc thanh toán online. Sau khi trải nghiệm hình thức này và cảm thấy tiện lợi thì họ sẽ giới thiệu với người thân và bạn bè để cùng sử dụng, vì thế tỷ lệ người sử dụng m-payment ở Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Miễn sao tiện lợi, an toàn và minh bạch về mặt tài chính là người ta sẽ sử dụng.
-Bạn trẻ Nguyễn Quốc Thịnh

Như vậy, qua truyền thông, Internet, đặc biệt qua các mạng xã hội như Instagram, Facebook, người mua tìm đến với những dịch vụ m-payment vừa tiện ích vừa đỡ tốn thời gian như bạn trẻ Nguyễn Quốc Thịnh, một nhà thiết kế thời trang thường sử dụng App của VMoMo mà theo bạn là rất phổ biến và đang được giới trẻ cập nhật rộng rãi:

Em đang xài Mobiphone, thanh toán di động em thấy rất nhanh và quá tiện lợi, ví dụ bây giờ nạp tiền điện thoại thì em cũng nạp bằng VMoMo, khi shopping em cũng thanh toán bằng điện thoại di động trên VMoMo đang phổ biến, không phải check ngân hàng check tiền mặt này kia lu bu. Miễn sao tiện lợi, an toàn và minh bạch về mặt tài chính là người ta sẽ sử dụng.

Khoản tăng thêm về lượng người sử dụng thanh toán di động của nước này hơn nước khác không có nghĩa là quốc gia tăng nhiều mạnh hơn nước có khoản tăng kém hơn. Năm 2018 số người Singapore sử dụng m-payment ở Singapore là 34%, đến năm 2019 thì tăng lên 46%, như vậy khoản tăng thêm là 12% năm trước và năm sau.

Một chi tiết đáng chú ý khác mà bản thăm dò của PwC nói đến là người tiêu thụ Châu Á tiếp cận và tham gia hình thức chi trả di động hay thanh toán điện tử xem ra mạnh hơn giới tiêu thụ các nước Châu Âu và nước Mỹ.  Điển hình như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là 3 nước mà nhiều người được PwC hỏi đều trả lời rằng họ đã nhanh chóng tham gia trực tiếp mua bán thanh toán m-payment ngay từ đầu.

Anh Nguyễn Tự Quảng, giám đốc công ty phần mềm BKAV, phân tích như sau:

Châu Âu hay Châu Mỹ là những xã hội đã phát triển, tức là mọi thứ hạ tầng rồi thanh toán cùng rất nhiều thứ khác trong xã hội nó đã chuẩn rồi. Đôi khi chuẩn như vậy thì sự năng động của nó lại kém. Việt Nam là một nước đang phát triển, nhiều thứ hãy còn chưa chuẩn, như vậy tôi nói là Việt Nam có thể sẽ bỏ qua cái thanh  toán sử dụng thẻ và tiến tới thanh toán điện tử luôn, tiến thẳng đến cái mới luôn. Châu Âu thì họ vận hành mọi thứ nó qui củ cả rồi, đôi khi tiếp cận cái mới lại chậm hơn.

Báo cáo Global Consumer Insight Survey 2019 còn cho thấy sau Việt Nam thì Trung Đông là nơi tiếp theo có khoản tăng nhanh, từ 20% năm 2018 đến 45% năm 2019 về số người sử dụng thanh toán điện tử.

Trong khi đó tỷ lệ thanh toán điện tử ở Trung Quốc không tăng với 86%. Trung bình tỷ lệ toàn cầu về thanh toán điện tử năm 2019 tăng đều trong khoản 24% so với năm trước đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.