Có hay không định kiến với phụ nữ, nhìn từ vụ ép hôn trong thang máy?

RFA
2019.03.21
Cuong-Hon-Trong-Than.jpg Hình ảnh người đàn ông cưỡng ép hôn một phụ nữ trong thang máy tại Hà Nội.
Screen Capture

Dư luận Việt Nam mấy ngày nay bức xúc về việc một người đàn ông ép một người phụ nữ không quen biết hôn ngay trong thang máy nhưng chỉ bị phạt hành chính có 200.000 đồng.

Mức xử phạt này đã làm dư luận bức xúc và lên tiếng cho rằng vì sao lại xử phạt hành vi có thể gọi là quấy rồi tình dục và xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ lại phạt nhẹ như vậy.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh nói rằng mức xử phạt thì không sai vì theo quy định là như vậy nhưng ông cho rằng, vụ việc này cho thấy đây là một sự nhạo báng.

“Việc cưỡng hôn trong thang máy ở Hà Nội nếu chung cư không có camera thì chắc hẳn sự ấm ức của nạn nhân còn nhiều nữa nhưng những vụ 2 rõ 10 như thế này chúng tôi chứng kiến cũng nhiều nhưng dường như việc đánh giá hậu quả hành vi thì cơ quan công quyền nhìn vào hành vi của đương sự và bỏ qua cảm xúc của nạn nhân, quá chú trọng thương tích ngoài da mà bỏ đi tổn thương khủng khiếp về tâm lý tinh thần danh dự vốn là đặc trưng của việc xâm phạm tình dục này.”

Còn đối với chuyên gia tâm lý, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, đây không phải là vấn đề mức phạt nhẹ bao nhiêu mà là do cách nhìn nhận vấn đề của xã hội như thế nào.

Chính vì những quy định của pháp luật Việt Nam về những tội danh này không đáp ứng được và không giải quyết được thực tế xã hội hiện nay vốn đã phức tạp hơn rất là nhiều.
-TS. Khuất Thu Hồng

“Có thể nó xuất phát ngay trong văn hóa Nho giáo từ ngày xưa để lại nên thành thử ra những cái nhận định, những cái trừng phạt, xử trí liên quan đến hành vi, những tội danh loại này nếu như ở xã hội phương Tây thì người ta rất là quyết liệt và mạnh mẽ, thì ở tại Việt Nam họ vẫn chưa xem xét nó một cách gay gắt, và trong rất nhiều trường hợp người ta cứ nghĩ rằng việc đấy chỉ cần rút kinh nghiệm và xử phạt mang tính chất nếu gọi tượng trưng thì cũng không hẳn mà nó không được xét vào khung hình phạt nặng.”

Ngoài ra, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình còn cho biết thêm Việt Nam chủ trương xưa nay nhìn nhận hành vi đó không quá nặng nề nên điều này đã dẫn đến một làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng. Ông nhấn mạnh rằng đây là cách nhìn nhận và nhận thức sự việc.

Đồng ý với điều này, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết vụ việc vừa rồi đã phản ánh một thực tế là nhận thức về vấn đề tấn công quấy rối tình dục tại Việt Nam còn thiếu, và những quy định xử phạt đối với hành vi này đã quá lạc hậu so với xã hội hiện nay.

“Tôi cho rằng mặc dù là nhận thức xã hội nói chung cũng như những người làm luật về vai trò vị thế của người phụ nữ Việt Nam hiện nay đã thay đổi rất nhiều, tức là nhiều tiến bộ tuy nhiên những quan niệm về phẩm hạnh của người phụ nữ rồi những hiểu biết về các tội danh liên quan đến tình dục thì còn rất là thiếu. Chính vì thế những quy định của pháp luật Việt Nam về những tội danh này không đáp ứng được và không giải quyết được thực tế xã hội nó hiện nay, vốn đã phức tạp hơn rất là nhiều. Tôi cho rằng đây là vấn đề nhận thức rất là yếu và chính vì thế nó thật sự cần phải thay đổi.”

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp hiếm hoi phụ nữ bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và người phạm tội chưa được xử nghiêm minh. Theo truyền thông trong nước vào tháng 6/2018 một cán bộ Đảng viên tại Quảng Trị là ông Nguyễn Bình Triệu đã có hành vi tấn công quấy rối tình dục nữ đồng nghiệp và mức xử phạt đối với ông Triệu là 200.000 vì có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác đồng thời khai trừ khỏi Đảng đối với ông.

Câu hỏi đặt ra là liệu người làm luật có nhận thức được vai trò của người phụ nữ trong xã hội?

Thế giới lên án hành vi quấy rối tình dục. (Ảnh minh họa)
Thế giới lên án hành vi quấy rối tình dục. (Ảnh minh họa)
AFP

Phó giáo sư tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng không phải là người ta nhận thức vai trò phụ nữ quan trọng hay không, không phải người phụ nữ đang bị coi thường mà cái quan trọng là người ta chưa bóc tách và chưa nhìn nhận rõ ràng những hành vi, mà nếu nhận thức ra được thì chắc chắn mức độ xử phạt sẽ mạnh hơn nhiều.

“Tuy nhiên có những vấn đề tôi không nói là truyền thống rất là lâu dài chẳng hạn trong văn hóa cũ truyền thống của người Việt dường như vấn đề chung thủy không đặt ra đối với người đàn ông mà chỉ với phụ nữ, rồi tam tòng tứ đức… để người phụ nữ phụ thuộc đàn ông thì nếu xem xét ở phương diện đó thì cũng có thể là điều cần phải tính đến, có nghĩa rằng ở trên chưa nhìn nhận đầy đủ những vấn đề bình đẳng giới, vị thế, vai trò của người phụ nữ trong cái xã hội đương đại hiện nay.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, ban đầu khi xây dựng quy định này người ta không lường trước được sự việc và điều đáng buồn cười là nó đang xảy ra trong xã hội đang phát triển.

“Tôi nghĩ rằng sự việc xảy ra rồi thì ta mới rào đầu, tôi nghĩ cần truy cứu trách nhiệm của những cơ quan công quyền, phạt kiểu này là không đúng và không phù hợp và ngay cả những cơ quan đưa ra hình phạt cũng phải được sử lý thích hợp nữa, mức phạt này dư luận cho là nó giống như khôi hài vậy đó. Cái việc xâm phạm tình dục và quấy rối tình dục trong thời gian vừa qua nó rất là phổ biến do đó phải quy định không chỉ phạt hành chính mà phải xác định đây là hành vi dâm ô và xử lý hình sự.”

Đồng quan điểm này tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho hay, qua những vụ việc liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy khoảng trống rất lớn trong những quy định pháp luật của Việt Nam và các nhà làm luật Việt Nam còn thiếu nhiều kiến thức về vấn đề này. Do đó, bà tin tưởng rằng qua làn sóng phẩn nộ của dư luận chắc chắn những quy định đối với những hành vi này sẽ phải được thay đổi một cách rõ ràng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.