Cải cách hay là chết

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.06.03
000_Hkg8252530-305.jpg Một người bán chuối dạo trên đường phố Hà Nội.
AFP photo

 

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013, tổ chức ngày 3 tháng 6 tại Hà Nội với sự tham gia của 6 phòng Thương mại các nước đã phát đi thông điệp: Chính phủ Việt Nam cần phải hành động, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đưa nền kinh tế quay lại quĩ đạo phát triển.

Nam Nguyên Phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương về vấn đề liên quan.

Phải đẩy mạnh hơn nữa

Từ Hà Nội, trước hết TS Lê Đăng Doanh nhận định:

Tôi thấy diễn đàn doanh nghiệp đã có các ý kiến khá thẳng thắn, đề nghị Việt Nam tiếp tục cải cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước hoạt động. Họ cũng có chỉ ra một viễn cảnh: nếu như Myanmar sắp tới đây không những chỉ được bỏ cấm vận mà còn tham gia vào các hiệp định tự do và được qui chế tối huệ quốc, thì khả năng là môi trường đầu tư của Myanmar sẽ còn tốt hơn môi trường đầu tư của Việt Nam. Đấy cũng là một điều đáng chú ý, họ cũng đề nghị là phải cải cách thể chế, điều này được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lên tiếng. Tức là phải làm sao để giảm bớt được tham nhũng, giảm bớt được lãng phí, giảm bớt được thời gian và tiền bạc trong kinh doanh và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với cam kết của chính phủ Việt Nam, chỉ có điều là chưa được thực thi bao nhiêu.

Nam Nguyên: Thưa, trong các thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp đưa ra, họ nhận định là những biện pháp ngắn hạn đã gây ra hậu quả trái chiều, tuy ổn định kinh tế vĩ mô nhưng lại gây tắc nghẽn dòng vốn cho doanh nghiệp, rồi doanh nghiệp ngừng hoạt động rất nhiều. Đồng thời tái cơ cấu nên kinh tế, tức trong dài hạn cũng chưa mang lại kết quả gì. Nói chung nó đã gây ra tình trạng rất là bế tắc. Thưa Tiến sĩ nhận định gì về thong điệp này?

TS lê Đăng Doanh: Họ nhận định rằng, các biện pháp ngắn hạn thì đã được thực hiện một cách quá mức, cho nên dẫn đến tín dụng bị tắc nghẽn. Đây là họ muốn đề cập đến tình hình là chính phủ đã siết một cách quá mạnh tay cung tín dụng, vì vậy cho nên tín dụng của Việt nam năm 2007 tăng đến 54% so với năm trước thì đến năm 2012 chỉ tăng khoảng 7% và trong 5 tháng đầu năm nay chỉ tăng khoảng 3%  mà thôi, vì vậy các doanh nghiệp thiếu vốn và họ không thể kinh doanh được. Các biện pháp ngắn hạn như vậy đều giúp chính phủ kềm chế lạm phát, nhưng lại làm cho các doanh nghiệp phải trả giá và rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản đóng cửa và đặc biệt là tổng mức đầu tư xã hội cũng đã giảm từ mức 47% năm 2008 cho đến bây giờ còn độ 29%. Như vậy nó đã giảm 17%-18% GDP, tức là giảm một nửa so với 2007-2008 và làm mức cầu của toàn xã hội đã bị giảm sút rất nhiều. Vì vậy cũng có ý kiến là cần nâng cao trần nợ công, nâng cao mức nợ cho phép và cho phép chính phủ ban hành trái phiếu của mình để tăng đầu tư.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ việc này có thể có rủi ro và cũng đã có nhiều ý kiến phản bác?


Tôi thấy diễn đàn doanh nghiệp đã có các ý kiến khá thẳng thắn, đề nghị Việt Nam tiếp tục cải cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước hoạt động.
-TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh: Tôi đề nghị là, việc tăng mức đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ chỉ có thể được thực hiện, nếu như có phương án tái cấu trúc đầu tư công. Nhưng trong các phương án được ban hành cho đến nay, người ta thấy thiếu vắng phương án tái cấu trúc đầu tư công mà Hội nghị 3 của Ban Chấp hành Trung ương ngày 15/10/2011 đã yêu cầu là phải ban hành. Cho đến nay chỉ có qui định là cắt giảm các công trình đầu tư, giảm bớt dàn trải, rồi thì những công trình nào chưa thu xếp được vốn sẽ phải đình chỉ ...v…v. Thế nhưng những điều này không bao gồm việc cải cách cơ bản giám sát đầu tư công, chế độ trách nhiệm giải trình đối với đầu tư công và những điểm tương tự. Cho nên, tôi nghĩ đây là những giải pháp dài hạn phải được thực hiện.

Một trong nhưng biện pháp dài hạn nữa phải được thực hiện là, Việt Nam hiện nay chỉ nhằm giải quyết cái cục nợ xấu rất lớn, nhưng không có biện pháp đồng bộ để cải cách toàn bộ hệ thống pháp luật, hệ thống giám sát và sự quản trị các ngân hàng. Nếu như không làm những biện pháp đồng bộ như vậy thì giải quyết cục nợ xấu này, sau một thời gian có thể từ 3 đến 5 năm thì không có gì bảo đảm rằng lại sẽ không xuất hiện một cục nợ xấu khác nữa và như vậy sẽ trở nên rất là phức tạp.

Vấn nạn nợ xấu

Sở Giao Dịch Chứng Khóan TPHCM. AFP photo
Sở Giao Dịch Chứng Khóan TPHCM. AFP photo
Sở Giao Dịch Chứng Khóan TPHCM. AFP photo

Nam Nguyên: Tiến sĩ vừa đề cập đến nợ xấu, các ý kiến đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp VBF thì coi việc hoãn thực hiện 1 năm Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro là một tin xấu, như vậy là chậm giải quyết nợ xấu. Nhưng họ nhận định việc ra đời Công ty Quản lý Tài sản VAMC để xử lý nợ là một tin tốt. Tiến sĩ nhận định gì?

TS Lê Đăng Doanh: Việc ra đời VAMC là một tin tốt, vốn đưa ra thông điệp là chính phủ có quyết tâm xử lý nợ xấu. Nhưng tôi đã nói, xử lý nợ xấu là một việc nhưng phải xử lý để loại bỏ, ngăn chặn những nguyên nhân dẫn đến cục nợ xấu ấy, thì hiện nay tôi chưa thấy có các biện pháp cần thiết như vậy và tôi thấy đấy là điều cần phải bổ sung thêm. Còn thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi phải siết chặt các điều kiện trong thời gian quá ngắn, thì các ngân hàng thương mại đã có phản ánh là có thể nó sẽ đẩy tỷ lệ nợ xấu lên rất cao và như vậy gây khó khăn lớn. Tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước đã có thông cảm trước tình hình đó và đã trì hoãn, tôi thấy việc trì hoãn này dĩ nhiên là nhân nhượng đối với các ngân hàng thương mại, nhưng tôi nghĩ nên có các biện pháp để từ nay cho đến khi thực hiện thông tư đó, thì phải cố gắng để làm sao có các biện pháp để cải cách và thực hiện những cải cách về thể chế và cải cách về quản trị ngân hàng.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành thời gian trả lời Đài RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.