Việt Nam không có tự do internet: hệ lụy của chế độ độc đảng?

RFA
2019.11.05
1105f2.jpg Ảnh minh họa: Người dùng internet.
RFA

Trong báo cáo về tự do internet năm 2019 với nhan đề “Khủng hoảng mạng xã hội” được Freedom House công bố vào ngày 5 tháng 11, Việt Nam chỉ được 24/100 điểm, thuộc nhóm 0-39 điểm, là quốc gia không có tự do internet.

Vi phạm quyền người dùng

Cụ thể, ở phần Trở ngại để truy cập Việt Nam được 12/25 điểm, phần Giới hạn đối với nội dung được 7/35 điểm và 5/40 điểm trong phần Vi phạm quyền người dùng.

Nhận xét về việc này, nhà hoạt động xã hội dân sự, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng việc giới hạn quyền sử dụng internet đã có từ lâu chứ không phải mới đây, tuy nhiên:

Số lượng thí dụ 60-70 triệu người sử dụng internet mà có nhiều triệu người cứ sử dụng đúng quyền của mình thì họ cũng không có sức đâu mà bắt cả triệu người. - TS. Nguyễn Quang A

“Gọi là không có tự do hoàn toàn hay không có tự do ở mức trung bình hay mức cao thì đúng. Nhưng nếu nói không có tự do internet thì không phải hoàn toàn đúng. Nó có bị hạn chế nhưng bảo không có tự do thì nó hơi quá lên một chút.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho biết thêm chi tiết về sự giới hạn internet trên dải đất chữ S hiện nay:

“Liên quan đến tự do nhân quyền, dân chủ thì đấy là lĩnh vực bị siết chặt nhiều nhất. Tức là những người dùng internet, nhất là mạng xã hội để cất lên tiếng nói của mình có thể bị đàn áp, thậm chí bắt bớ tù nếu làm những việc chính quyền cho là không được phép.”

Bản báo cáo của tổ chức Freedom House chỉ ra từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2018, hơn 1.500 nội dung đã bị Facebook xóa theo yêu cầu của chính phủ Hà Nội, tăng gấp ba lần so với sáu tháng trước đó. Những nội dung từ các nhà hoạt động, tổ chức xã hội dân sự và người dùng thông thường cũng bị xóa.

Trong tháng 10/2018, các nhà chức trách Việt Nam tuyên bố rằng chính phủ đã thành lập một đơn vị quốc gia mới để giám sát phương tiện truyền thông xã hội và nội dung trên các trang web. Chính phủ Hà Nội khẳng định rằng trung tâm được trang bị phần mềm có thể phân tích, đánh giá và phân loại hàng triệu bài đăng.

Xác nhận thưc tế này, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng hiện đang sinh sống ở Hà Nội đánh giá rằng đây là tình trạng phổ biến từ xưa đến nay:

Việt Nam trong bảng xếp hạng Tự do Internet.
Việt Nam trong bảng xếp hạng Tự do Internet.
Ảnh chụp màn hình Freedom House

“Ngay cả bản thân tôi thường xuyên bị tấn công như trang Facebook của tôi chẳng hạn cũng rất nhiều lần bị hack, phải liên tục làm những trang mới. Theo tôi nghĩ ngoài chuyện đấu tranh trên mạng internet để kết nối đưa thông tin lên, chúng ta cũng rất cần có sự đoàn kết, cơ chế tự vệ thì chúng ta – những người bất đồng chính kiến, mong muốn đất nước có sự dân chủ cần tìm phương pháp bảo vệ lẫn nhau. Còn khi đã dấn thân thì chấp nhận hệ lụy bị đàn áp, gây khó khăn bắt bớ là chuyện tất nhiên, ai cũng coi đấy như một cái giá phải trả.”

Nhiều công cụ hạn chế quyền tự do

Vào tháng 10 năm 2018, một tòa án phúc thẩm ở Hà Nội đã bác bỏ kháng cáo của nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Lê Đình Lượng, giữ nguyên bản án tù 20 năm đối với ông. Đây được xem là một trong những bản án khắc nghiệt nhất đối với một nhà hoạt động trực tuyến trong những năm gần đây với cáo buộc tiến hành các hoạt động nhằm để lật đổ chính quyền nhân dân.

Vẫn theo Freedom House, khi bản báo cáo này đang được thực hiện, vẫn có nhiều nhà báo và nhà hoạt động dân chủ bị bắt bỏ tù vì đưa ra tiếng nói đối lập trên mạng xã hội.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Hà Huy Sơn nhận định:

“Tự do internet ở Việt Nam bị hạn chế bởi mấy điều luật trong Bộ luật Hình sự 2015 như tội tuyên truyền chống nhà nước, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ và một tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Mấy cái đấy rất mơ hồ, định tính, không có gì là định lượng để cân đong đo được nên nhà nước hay chính quyền có thể dựa vào tội đấy để nguời ta bắt bớ hay bỏ tù những nguời có quan điểm trái ngược với Đảng, với nhà nước. Tôi cho rằng đấy là những công cụ làm cho internet bị hạn chế tự do.”

Bên cạnh đó, việc Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cũng góp phần củng cố sức mạnh kiểm duyệt nội dung internet và lấy dữ liệu người dùng, tiếp tục hạn chế quyền người dùng internet của Chính phủ Việt Nam.

Giải thích rõ hơn về tính chất của Luật An ninh mạng có liên quan đến báo cáo của Freedom House hay không, Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho biết như sau:

“Luật an ninh mạng hầu như là một biện pháp bịt miệng mọi người và cái phạm trù để nói là phát biểu ý kiến cá nhân hoặc có ý xúc phạm, bôi nhọ cơ quan nhà nước thật ra ranh giới của nó rất mù mờ, không có gì để xác định vấn đề này. Nếu trong tường hợp cơ quan nhà nước nào đó muốn xử lý người dân thì họ chỉ việc đẩy qua khía cạnh có sự xúc phạm, lập tức người phát biểu trở thành người vi phạm.”

Tự do internet ở Việt Nam bị hạn chế bởi mấy điều luật trong Bộ luật Hình sự 2015 như tội tuyên truyền chống nhà nước, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ và một tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. - LS. Hà Huy Sơn

Quốc hội hiện đang có những phiên thảo luận về những dự án Luật sửa đổi, nhưng đến nay, chưa một đại biểu nào nhắc đến những bất cập về điều luật hạn chế quyền công dân như vừa nêu. Luật sư Hà Huy Sơn lý giải:

“Đương nhiên ở Việt Nam do đảng lãnh đạo thì làm gì có đối lập. Nó không lợi cho sự độc quyền lãnh đạo của đảng thì Quốc hội làm gì có ai dám nêu ý kiến.

Với quan điểm như trên, nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định rằng khi chính quyền đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến về tình hình đất nước, con người như vậy, chỉ thể hiện việc chính phủ thực sự không có sức mạnh và đang suy yếu.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, tự do internet tại Việt Nam dù đã bị hạn chế từ bao lâu nay, nhưng ông cho rằng nếu mỗi người dân biết đứng lên đòi hỏi đầy đủ các quyền của mình có lẽ sẽ phần nào giải quyết được vấn đề:

Bởi vì số lượng thí dụ 60-70 triệu người sử dụng internet mà có nhiều triệu người cứ sử dụng đúng quyền của mình thì họ cũng không có sức đâu mà bắt cả triệu người.

Trong báo cáo công bố ngày 5/11, Freedom House nhận xét Việt Nam là một quốc gia độc đảng, bị chi phối trong nhiều thập kỷ bởi Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Mặc dù một số ứng cử viên độc lập về mặt kỹ thuật được phép tham gia các cuộc bầu cử lập pháp, hầu hết đều bị cấm trong thực tế. Tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và hoạt động xã hội dân sự đều bị hạn chế chặt chẽ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.