Việt Nam sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

Việt Hà, phóng viên RFA
2014.04.16
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc bài diễn văn tại Lễ khai mạc Đối Thoại Shangri-La ở Singapore tối 31-05-2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc bài diễn văn tại Lễ khai mạc Đối Thoại Shangri-La ở Singapore tối 31-05-2013.
AFP

Nghe bài này

Tại đối thoại Shangri-la ở Singapore vào tháng 5 năm ngoái, lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố với quốc tế rằng Việt Nam đã sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Tuyên bố này được quốc tế chú ý và hoan nghênh. Năm 2014 cũng được các lãnh đạo Việt Nam xác định là năm mà Việt nam sẽ gửi người vào lực lượng gìn giữ hòa bình. Liệu Việt Nam đã thực sự sẵn sàng cho hoạt động này? Người dân Việt Nam nghĩ gì về việc Việt Nam tham gia lực lượng này?

Tại sao là năm 2014?

Là một thành viên của ASEAN, đã từng là thành viên không thường trực hội đồng bảo an Liên hiệp quốc năm 2008 – 2009, việc Việt Nam tuyên bố tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc vào năm 2014 được coi là cam kết đóng góp tích cực về mặt nghĩa vụ của Việt Nam với quốc tế.

Mặc dù Việt Nam tuyên bố sẽ gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc vào năm 2014, nhưng trên thực tế vấn đề này đã từng được đặt ra từ năm 1993 nhân chuyến thăm của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Boutrous Boutrous-Ghali đến Hà Nội. Lúc đó ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc nói rằng ông sẽ thúc giục được Việt nam tham gia lực lượng trong vòng 5 năm tiếp theo. Nhưng những gì mà ông nhận được từ Việt nam chỉ là lời hứa sẽ xem xét.

Thời điểm tuyên bố có một phần gây ngạc nhiên là vì Việt Nam nói về khả năng tham gia lực lượng này khi VN đang làm chiến dịch để vào một ghế thành viên không thường trực của hội đồng bảo an và họ cứ nói là họ sẽ tham gia khi họ đủ điều kiện và thời gian thích hợp. Nhưng 2 năm khi họ trong hội đồng họ vẫn không tham gia

GS. Carl Thayer

Hơn một thập kỷ sau, khi Việt Nam bắt đầu chiến dịch vận động để được bầu vào chiếc ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, vấn đề này được hâm nóng trở lại. Vào năm 2007, trả lời hãng tin AFP, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng nói để đóng góp tốt hơn vào các hoạt động của Liên Hiệp quốc, Việt nam đã quyết định chạy đua vào ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009 và Việt Nam đang chuẩn bị để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc khi có thể.

Tuy nhiên hết hai năm trong Hội đồng Bảo an, Việt Nam vẫn chưa tham gia lực lượng này. Vì vậy tuyên bố chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại đối thoại Shangri-la ở Singapore vào tháng 5 năm ngoái đã khiến giới ngoại giao và báo chí quan tâm. Trong một chừng mực nào đó tuyên bố khiến không ít người ngạc nhiên. Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, người cũng có mặt tại đối thoại Shangrila khi Thủ tướng Việt nam đưa ra tuyên bố này, nhận xét:

Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc trả lời phỏng vấn Đài RFA
Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc trả lời phỏng vấn Đài RFA
RFA

Gs. Carl Thayer: thời điểm tuyên bố có một phần gây ngạc nhiên là vì Việt Nam nói về khả năng tham gia lực lượng này khi Việt Nam đang làm chiến dịch để vào một ghế thành viên không thường trực của hội đồng bảo an và họ cứ nói là họ sẽ tham gia khi họ đủ điều kiện và thời gian thích hợp. Nhưng 2 năm khi họ trong hội đồng họ vẫn không tham gia.

Theo Giáo sư Carl Thayer, những thay đổi trong quyết định của Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc đến từ một số những lý do nhất định, đó là hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế và những thay đổi trong ASEAN.

GS. Carl Thayer: Cho nên có nhiều lý do dẫn đến việc quyết định vào lúc này. Thứ nhất là họ thấy là sẽ còn mất nhiều thời gian nữa cho đến khi họ quay lại hội đồng bảo an để có thể có ý kiến về các vấn đề gin giữ hòa bình của thế giới, tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình là một cách để cải thiện vị thế của Việt Nam. Đó là một điều quan trọng đối với họ. Những thay đổi ở ở ASEAN trong việc hỗ trợ UN trong lực lượng gìn giữ hòa bình cũng là một nhân tố. Rất nhiều thành viên gốc của ASEAN như Singapore, Thái lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đã tham gia. Và sau khi Indonesia tham gia vào Đông Timor thì có một tinh thần được cổ vũ bởi Indonesia là các nước trong khối cần phải tham gia và đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình trong khu vực thay vì trông chờ vào lực lượng từ bên ngoài. Việt Nam đã mở các văn phòng quân sự và đã tham gia các đào tạo với các đối tác về hoạt động gìn giữ hòa bình. Cho nên có những thay đổi.

Chỉ tham gia hạn chế

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2013, có khoảng 118,000 người tham gia vào 16 hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc trê toàn thế giới. Đã có 119 nước trên thế giới đóng góp người cho lực lượng gìn giữ hòa bình của UN. Thường các nước giàu đóng góp chủ yếu về mặt thiết bị nhưng không gửi quân đội tham gia các hoạt động của lực lượng này, trong khi các nước nghèo ở Nam Mỹ và châu Phi đóng góp chủ yếu là người cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Các nước có thể gửi quân đội hoặc cảnh sát tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, hoặc cũng có thể gửi các bác sĩ, kỹ sư hoặc quan sát viên quân sự.

Trong tuyên bố của mình ở hội nghị Shangri-la, Thủ tướng Việt nam cũng nói rõ là trước hết Việt Nam chỉ gửi người tham gia vào một số các lĩnh vực nhất định như quân y, công binh và quan sát viên quân sự. Đây được coi là các lĩnh vực ít rủi ro cho Việt Nam. Điều này xuất phát từ những cân nhắc trước đó của Việt nam khi chưa muốn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Giáo sư Carl Thayer giải thích

GS. Carl Thayer: Thứ nhất là đây là một lĩnh vực mới cho Việt Nam bỏ qua một thực tế là họ đã gửi quân sang Campuchia và Lào, và vì vậy họ ngần ngại gửi quân ra nước ngoài. Lý do thứ hai là họ ngại có những thương vong ở nước ngoài vì lực lượng gìn giữ hòa binh Liên hiệp quốc không còn là một lực lượng trung gian vì họ đôi khi cũng bị tấn công. Thứ ba là Việt Nam không muốn cho thế giới thấy những hạn chế của mình. Và cuối cùng là Việt Nam có một câu khẩu hiệu tuyệt vời là họ muốn là bạn bè với tất cả các nước. Khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của UN, họ sẽ phải bỏ vị trị trung lập của mình để theo UN trong việc can thiệp vào chuyện của nước khác. Điều này có nghĩa là những nhóm quá khích địa phương có thể nhắm vào những công nhân Việt Nam ở nước ngoài để trừng phạt Việt Nam vì gia nhập đôi quân của UN tham gia vào chuyện nội bộ ở nước họ. Việt Nam có tất cả các lý do trên.

Việt Nam không muốn cho thế giới thấy những hạn chế của mình. Và cuối cùng là VN có một câu khẩu hiệu tuyệt vời là họ muốn là bạn bè với tất cả các nước. Khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của UN, họ sẽ phải bỏ vị trị trung lập của mình để theo UN trong việc can thiệp vào chuyện của nước khác

GS. Carl Thayer

Điều 65 thuộc chương 4, bảo vệ tổ quốc, Hiến pháp sửa đổi mới đây của Việt Nam, cũng đã được bổ xung lực lượng vũ trang ngoài việc trung thành tuyệt đối với tổ quốc, nhân dân và đảng, còn thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.

Thông tin về việc Việt Nam gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình của UN cũng gây ra một số bình luận trên các diễn đàn mạng. Đại đa số các ý kiến cho rằng Việt Nam cũng chỉ nên tham gia một cách hạn chế ở các lĩnh vực ít nguy hiểm. Một số ý kiến cho rằng Việt nam nên tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước như tranh chấp biển Đông và hạn chế tham gia các hoạt động lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Rất hiếm thấy các ý kiến phản đối việc Việt Nam tham gia các hoạt động này. Thậm chí có ý kiến cho rằng Việt Nam còn chậm hơn Campuchia vì nước này đã gửi quân tham gia từ năm 2006. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược IDS ở Việt nam nhận xét:

Nguyễn Quang A:tối nghĩ đấy là một nghĩa vụ của Việt Nam và trong nước cũng nhiều ý kiến ủng hộ. Các nước cũng muốn Việt Nam đóng góp vai trò gì đấy trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và tôi nghĩ việc Việt Nam tham gia vào là việc nên làm…chuyện thương vong khi tham gia một lực lượng gìn giữ hòa bình ở đâu đó có chuyện đánh nhau thì chuyện đó là phải tính đến và tôi nghĩ Việt nam và người dân Việt Nam, chính phủ Việt nam phải lo chuyện đó, cũng như kinh phí huấn luyện. Đó là cái giá phải trả. Theo tôi biết chính phủ Việt nam cũng cân nhắc kỹ chuyện này và bước đầu họ chỉ tham gia vào y tế mà không phải đội quân tác chiến.

Để chuẩn bị cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, Việt Nam cũng phải đào tạo nhân sự. Việt nam đã cử người đi học các lớp đào tạo do Liên hiệp quốc tổ chức hoặc ở các trung tâm tại Malaysia và các nước khác ở ASEAN để học hỏi kinh nghiệm. Pháp cũng đã nói sẽ đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình cho Việt Nam. Theo Giáo sư Carl Thayer thì cũng có khả năng sắp tới Việt Nam sẽ gửi người đến các nước nói tiếng Pháp ở châu Phi trong các hoạt động giới hạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.