Cần bảo tồn rừng đước khi mở rộng nuôi tôm

Việt Hà, phóng viên RFA
2017.02.14
058_1646928HDF.jpg Rừng đước nằm ở vùng ven biển bảo vệ cho đất không bị rữa trôi và cũng tạo nên chỗ cư trú tôm.
AFP photo

Chính phủ Việt Nam gần đây đưa ra chủ trương mở rộng diện tích nuôi tôm ở khu vực đồng bằng song Cửu Long để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu thay vì tập trung vào lúa gạo như trước kia.

Trong khi đó, người nông dân trong khu vực này cũng đang tìm nhiều cách khác nhau để thích ứng với điều kiện mới bao gồm kết hợp nuôi tôm với trồng lúa, hay chuyển từ trồng lúa sang cây ăn trái.

Vào tháng 1 vừa qua, một chuyên gia về biến đối khí hậu thuộc trường đại học Cornell, ở New York, Mỹ, đã cùng các sinh viên của mình sang vùng đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu về những gì đang diễn ra tại đây.

Tôi thấy là nông dân Việt Nam đang thay đổi tìm cách làm thích hợp với tình trạng biến đổi khí hậu trong khu vực.
- Gs. Michael Hoffmann

Giáo sư Michael Hoffmann, thuộc khoa Côn trùng học, đại học Cornell dành cho Việt Hà, đài Á châu tự do cuộc phỏng vấn về chuyến thăm và tìm hiểu của ông và sinh viên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước hết nói về chuyến đi của mình và những gì ông nhận được từ chuyến thằm này, giáo sư Hoffman cho biết:

Nhóm chúng tôi đến Việt Nam để tìm hiểu thay đổi khí hậu đã có ảnh hưởng thế nào tới vùng đồng bằng sông Mekong ở Việt Nam. Đây là vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới do tình trạng biến đổi khí hậu. Có hai thông điệp cơ bản mà chúng tôi nhận thấy ở đây. Thứ nhất là hạn hán nặng vừa xảy ra ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn của khu vực sông Mekong. Thậm chí có nơi mất toàn bộ vụ lúa.

Thứ hai là tình trạng xâm nhập mặn. Bởi vì lượng nước ngọt chảy ra sông ngòi ít hơn nên nước mặn có cơ hội ngập sâu hơn vào phía trong. Ở một số vùng nước mặn đã vào sâu đến 20 mile (khoảng 32 km) trong đất liền. Và khi nước mặn lên cao thì nó gây tác hại đến lúa. Điều mà chúng tôi thấy là nông dân ở đó bây giờ đã chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm. Rõ ràng là tôm chịu được nước mặn tốt hơn và thu nhập thu được trên cùng một diện tích từ nuôi tôm cao hơn so với thu nhập từ lúa nếu xét về mặt kinh tế. Đây là một hướng đi tốt. Chúng tôi cũng thấy một cách làm khác nữa là kết hợp nuôi tôm với cây đước.

Với cách làm này, thu nhập từ tôm có thể không cao như những vùng chỉ thuần nuôi tôm. Tuy nhiên tôm có thể sống trong môi trường cây đước. Cho nên xét về mặt sinh thái thì cách làm này có một số lợi ích. Liên quan đến lúa, chúng tôi thấy là mùa mưa ở đây đã thay đổi tức là đến chậm hơn so với bình thường và kéo dài hơn so với trước kia. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến cây lúa ở vào giai đoạn trổ bông. Nếu mùa mưa rơi vào đúng giai đoạn này thì nó sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo. Cho nên có rất nhiều điều đang diễn ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam do biến đổi khí hậu.

Bài học hạn hán

Việt Hà: Sau vụ hạn hán nặng và xâm nhập mặn kéo dài vừa qua, Việt Nam đã học được bài học. Có những bài báo nói về việc Việt Nam đang  xây dựng các công trình tưới tiêu và trữ nước cho mùa hạn hán tiếp theo. Theo ông người nông dân trong khu vực đã sẵn sàng thế nào cho tương lai sắp tới?

Gs. Michael Hoffmann: Theo tôi nhiều khả năng là khu vực này sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các cơn bão mạnh hơn, xâm nhập mặn, và nhiệt độ lên cao. Chúng tôi gọi việc canh tác thông minh thích hợp với khí hậu là cách điều chỉnh thích hợp với thế giới mà chúng ta đang sống. Điều mà chúng tôi thấy là họ đang xây thêm những hồ chứa nước ngọt ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn.

Những hồ này giữ lại nước ngọt để họ có thể sử dụng cho tưới tiêu phục vụ lúa gạo. Đây là một cách làm cần thiết dù là ở Việt Nam hay ở New York cũng vậy. Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, người nông dân phải luôn đi trước những thay đổi. Một cách làm khác mà chúng tôi thấy là họ sử dụng 3 ao. Một ao cho tôm và hai ao để chứa nước ngọt. Họ sẽ dùng nước ngọt này trong trường hợp nước cho ao tôm quá mặn. Cho nên nông dân và các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới bao gồm cả Việt Nam đang thử nghiệm những cách làm mới để duy trì công việc kinh doanh của mình.

Một cách làm khác ở Việt Nam là trồng dưa hấu vốn cũng đã rất phát triển ở Việt Nam. Dưa hấu là loại cây có thể chịu được đất mặn khá tốt. Cho nên họ có thể mở rộng diện tích canh tác loại cây ăn trái này ở các vùng đất bị mặn mà trước kia họ không gặp phải. Nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro dù cho bạn ở bất cứ nơi đâu. Tôi thấy là nông dân Việt Nam đang thay đổi tìm cách làm thích hợp với tình trạng biến đổi khí hậu trong khu vực.

Kết hợp nuôi trồng

Giáo sư Michael Hoffmann, thuộc khoa Côn trùng học, đại học Cornell.
Giáo sư Michael Hoffmann, thuộc khoa Côn trùng học, đại học Cornell.
Hình do ông cung cấp.

Việt Hà: Xin ông cho biết việc kết hợp nuôi tôm và trồng lúa thích hợp thế nào với tình hình thay đổi khí hậu hiện có và liệu có những bất lợi nào về lâu dài trọng việc mở rộng nuôi tôm như vậy không?

Gs. Michael Hoffmann: Theo tôi với việc nuôi trồng đa dạng như là nuôi tôm và trồng lúa cùng lúc thì bạn không hoàn toàn phụ thuộc vào một thứ. Nếu điều kiện khí hậu không tốt bạn vẫn có tôm. Đây là một cách làm thích hợp để hạn chế những rủi ro và bạn vẫn đảm bảo được thu nhập của mình ở một mức nào đó. Nhìn về khía cạnh toàn cầu nói chung thì sự đa dạng hóa là một ý tưởng tốt. Theo tôi nếu xâm nhập mặn không phải là một vấn đề chính thì họ vẫn có thể trồng lúa và có thể một số loại cây khác đồng thời với lúa và nuôi tôm. Tôi không thấy có bất cứ vấn đề lớn đáng lo ngại nào ở đây.

Việt Hà: Mới đây ông có nói rằng quyết định mở rộng vùng nuôi tôm của chính phủ Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là một hướng đi thông minh. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án này dựa trên những gì ông đã thấy?

Theo tôi với việc nuôi trồng đa dạng như là nuôi tôm và trồng lúa cùng lúc thì bạn không hoàn toàn phụ thuộc vào một thứ.
- Gs. Michael Hoffmann

Gs. Michael Hoffmann: Theo tôi thay đổi là cần thiết để thích hợp với thay đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Nếu bạn không thể trồng lúa thì bạn phải trồng được cái gì đó. Nhưng theo tôi họ cũng phải thận trọng trong cách họ thay đổi, nhất là đối với rừng đước vốn là loại cây hết sức quan trọng đối với việc giữ carbon và giúp làm giảm tác động của thay đổi khí hậu. Theo tôi khi thay đổi họ phải có đủ các căn cứ khoa học, thông tin về những tác động có thể có của biến đổi khí hậu và đặc biệt phải chú trọng đến việc kết hợp nuôi tôm với duy trì cây đước. Vấn đề là đa dạng hóa cây trồng và giảm thiểu rủi ro. Tất nhiên lợi nhuận sẽ là yếu tố chính quyết định. Nhưng điều mà tôi có thể nói là phải cẩn trọng khi họ định mở rộng diện tích nuôi trồng loại nào đó. Cho nên họ có thể mở rộng diện tích nuôi tôm nhưng phải theo hướng phát triển bền vững.

Việt Hà: Ông nói nhiều đến việc bảo tồn rừng đước và kết hợp cây đước với nuôi tôm. Xin ông cho biết tác dụng của rừng đước trong khu vực?

Gs. Michael Hoffmann: Khoảng 50% diện tích khu vực là đước. Giữa các rừng đước là các vùng mà tôm sống. Bằng cách duy trì cây đước, bạn giảm thiểu được nguy cơ lũ lụt do bão. Rừng đước nằm ở vùng ven biển nên sự có mặt của chúng ở đó là rất quan trọng. Chúng bảo vệ để cho đất không bị rữa trôi. Ngoài ra chúng cũng tạo nên ngôi nhà cho tôm. Chúng cũng hấp thụ dưỡng chất từ tôm để sinh trưởng. chúng cũng có tác dụng giữ lại carbon. Đây là hệ thống cần được bảo vệ khi họ định mở rộng vùng nuôi tôm.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.