Chuyện về người Việt tị nạn tại Thái

Nhân chuyến đi công tác tại một tỉnh gần Bangkok, Quỳnh Chi có cơ hội gặp gỡ một số người Việt tị nạn tại Thái Lan và được biết về câu chuyện của họ.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.01.16
000_Hkg2478192-305.jpg Khu nhà ổ chuột ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.
AFP photo

Tiết kiệm tối đa

Sẽ không khó để gặp một người Việt tị nạn tại Thái Lan. Họ thường sống ở những tỉnh lân cận với thành phố Bangkok. Và họ sống như thế nào là câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời. Từ bến xe đi tỉnh ở Victory Monument tại Bangkok, chúng tôi bắt xe buýt đi về phía Đông trên một chuyến xe thường dành cho dân buôn hoặc dân làm ăn từ tỉnh lên Bangkok.

Sau gần hai tiếng ngồi xe đò, khi những chiếc lờ nôm cá dần xuất hiện trên các đám ruộng hai bên đường đi, khi mùi rạ cháy xông lên tận mũi, chúng tôi biết cuộc sống nơi thành thị đang xa dần.

Theo chân một người hướng dẫn, cũng là dân tị nạn, qua thêm hai lần đứng chen chúc trên xe “xỏng thẻo”, chúng tôi đến được một khu nhà trọ kín đáo và khá chật hẹp. Nhưng đó chưa phải là nơi sinh sống của bà con tị nạn nơi đây.

Theo người hướng dẫn, khu nhà trọ này còn “khang trang” hơn khu ở của những người Việt tị nạn. Từ đây, ngồi trên chiếc xe tự chế gọi là “xe thùng” – là một loại xe máy có gắn thêm một cái thùng sắt để chở hàng hoặc người, chúng tôi đi khoảng 2 km nữa đến một khu nhà trọ khác.

Đó là một khu nhà trọ rất bình dân, sân đất, cửa tôn, tạm bợ, ẩm thấp và lúc nào cũng đóng kín cửa. Tại cổng vào, vài con chó le lưỡi trương bụng lép nằm thở dốc chẳng màng sủa khi thấy người lạ. Trước sân, những đứa bé dơ bẩn, bụng to chạy lông nhông gọi nhau í ới. Anh hướng dẫn cho biết, đó là con của dân nhà trọ Campuchia hành nghề bán hàng rong nơi đây. Vậy mà họ là những người có cuộc sống “khá” nhất trong khu nhà trọ này.

Đến nơi đây mới biết, cách đi xe buýt với giá 100 baht của chúng tôi là cách đi xa xỉ mà hiếm dân tị nạn nào sử dụng. Chị L. và chị B., dân tị nạn nơi đây cho biết:

“Muốn lên Bangkok thì chúng tôi thường đi xe lửa giá khoảng 12 baht khứ hồi. Từ lúc sang đây đến giờ tôi chưa biết đi xe đò là như thế nào”.
Chị B. tiếp lời:

“Ở đây muốn đi Bangkok thì phải bắt đầu từ sáng sớm 5 giờ để đi chuyến đầu tiên lúc 5:45. Đầu tiên phải đi xe buýt nhỏ đến trạm, sau đó mua vé tàu lên Bangkok. Muốn đến khu trung tâm thì phải bắt thêm một chuyến xe buýt nữa với giá 6 -10 baht nữa”.

Có khoảng 20 người Việt tị nạn tại khu nhà trọ này, sống tại những căn phòng trọ cũ kỹ, san sát nhau. Mỗi căn rộng chừng hơn 10 mét vuông, đủ cho 4 người ở. Nơi duy nhất có thể dùng để tiếp khách là chiếc chiếu bông được trải dưới đất. Đó cũng là chỗ ngủ của bà con nơi đây.

Những người dân tị nạn không thể sống quá xa Bangkok để họ có thể đi đến Cao ủy Tị nạn ở Bangkok và về trong ngày khi cần thiết; tuy nhiên, họ cũng không thể sống quá gần thành phố lớn để phải chết đói vì mức sống quá cao. Chị B. nói:

Mức sống ở đây rẻ hơn Bangkok. Mình có thể tự túc được một số thứ. Mình cũng có thể trồng rau. Nhiều khi không có gì ăn thì có thể hái rau muống nấu với me ăn cho qua bữa.

Chị B

“Mức sống ở đây rẻ hơn Bangkok. Mình có thể tự túc được một số thứ. Tiền thuê nhà ở đây chỉ có 1 ngàn 500 baht/tháng. Mình cũng có thể trồng rau. Ở ngoài ao cũng có rau muống. Nhiều khi không có gì ăn thì có thể hái rau muống nấu với me ăn cho qua bữa”.

Vừa nói, chị B. vừa chỉ cho chúng tôi cái ao cá tại khúc sông gần đó và giàn mướp trước cửa. Sau nhà, chị cũng trồng một số rau cải. Chị cho biết ở Bangkok, giá nhà đắt gấp mấy lần nơi đây và không thể trồng rau ăn tạm khi không tiền đi chợ. Mặc dù giá cả nơi đây khá rẻ, nhưng mọi người cũng chỉ có thể đi chợ vài lần một tuần. Khi không có tiền, họ chỉ ở nhà ăn tạm những gì có thể kiếm được. Có lần không tiền, chị và một người tị nạn khác bấm bụng ra chợ nhặt cải đã bỏ đi đem về muối chua cho cả nhà. Chị B. nói thêm:

“Nhiều khi hai ba ngày tôi không đi chợ, nếu ở nhà có rau để ăn”.

Chúng tôi sang phòng anh T. khi gia đình anh đang dùng bữa trưa. Liếc sơ qua nồi cơm, chúng tôi ngạc nhiên thấy bên đĩa cá khô là nồi cơm gạo tấm. Chị B. cho biết, bà con ở đây không ai dám ăn gạo hơn 20 baht/kg. Mà chỉ có tấm mới có giá đó. Ơ ̉ đây mọi thứ đều được tiết kiệm tối đa và giản thiểu. Nói theo anh T., “Nếu không có nó là chết thì chúng tôi sẽ mua. Còn ngoài ra là giản thiểu”. Đến nỗi, họ tiết kiệm xài dưới 90 kw điện một tháng để không phải đóng tiền. Còn nước thì tiết kiệm đến tối đa để mỗi tháng chỉ trả 75 bath. Vợ anh T. còn cho biết, nếu muốn tưới cây, chị phải ra sông lấy nước về tưới vì tiết kiệm.

Trốn tránh cảnh sát

000_Hkg2025644-250.jpg
Một phụ nữ sống bên đường rày xe lửa ở thủ đô Bangkok năm 2009. AFP photo
Một phụ nữ sống bên đường rày xe lửa ở thủ đô Bangkok năm 2009. AFP photo
Tiền thuê phòng ở khu này khá “mềm” khoảng 1500 bath/tháng, tương đương 1 triệu đồng tiền Việt. Nếu so với mức kinh tế của Thái Lan, khu trọ này có lẽ tương đương với một khu trọ rẻ tiền nhất tại các khu công nghiệp tỉnh lẻ ở Việt Nam. Vậy mà không phải ai cũng có thể thuê một phòng trọ cho mình. Một số người không sang đây cùng gia đình thì phải ở đậu phòng của người khác. Anh N. là một trường hợp. Không thể mướn nổi một phòng trọ cho mình, anh xin ngủ tại cái chõng trước cửa một gia đình tị nạn trong xóm.

Mức sống thấp là lý do khiến người Việt tị nạn chọn những tỉnh lẻ thay vì Bangkok. Tuy nhiên, họ chọn nơi đây vì một lý do khác nữa. Vừa chỉ vào chiếc chõng, cũng là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi của mình, anh N. vừa cho biết:

“Vật giá và tiền thuê nhà ở Bangkok rất cao và cảnh sát sở di trú cũng đi tuần thường xuyên nên chúng tôi cũng sợ”.

Theo những người tị nạn, tiếp xúc với cảnh sát là điều bất khả kháng khi họ chưa được cấp qui chế tị nạn. Mỗi khi họ ra đường, kể cả đi chợ cũng phải có điện thoại di động bên mình phòng khi gặp khó khăn với cảnh sát thì có thể báo về cho gia đình. Cũng chính vì không muốn gặp rắc rối với cảnh sát mà họ cũng không thể nói mình là người Việt Nam. Đôi lúc, họ bị nhầm lẫn là người Thái, người Philippines hay Đài Loan… và cũng gật đầu cho qua chuyện. Tránh cảnh sát cũng là lý do vì sao cả đêm lẫn ngày, cửa các căn nhà trọ này luôn đóng kín. Chị L. cho biết:

“Buổi trưa, nếu thấy có một cái xe gì là chúng tôi đóng hết cửa”. 

Bà con tị nạn nơi đây hầu như không đi làm. Phần vì không biết tiếng, phần vì không được phép. Nếu họ bị phát hiện đi làm, có thể họ sẽ bị giam giữ. Anh N. cho biết, có lúc người ngoài chợ mướn anh vắt chanh vào buổi khuya, anh cũng định bấm bụng đi làm nhưng vì sợ gặp rắc rối nên đành ngồi nhà hái rau, bắt ốc ăn tạm qua ngày.

Vật giá và tiền thuê nhà ở Bangkok rất cao và cảnh sát sở di trú cũng đi tuần thường xuyên nên chúng tôi cũng sợ.

Anh N

Tuy vậy, trong nhóm người Việt tị nạn tại đây, vẫn có một người đi làm. Đó là ông cụ Q. hơn 70 tuổi, lại bị cụt hai chân. Ông sang Thái Lan tị nạn đã hai năm nhưng chưa được cấp qui chế. Số tiền mang theo cũng dần cạn, ông chỉ còn cách làm liều chạy xe thùng đi bán bong bóng mỗi ngày kiếm 100¬ ¬– 200 baht. Đối với ông, việc buôn bán này như một bước đường cùng:

“Tôi đâu có làm gì được. Bán bong bóng sống qua ngày. Lúc đầu tôi cũng sợ lắm nhưng bây giờ cũng không đến nỗi nào. Nếu có lỡ bị ai hỏi thì tôi chỉ có thể nói họ thông cảm vì tôi tật nguyền”.

Tương lai mù mịt

040_bkp230711n2Patipat08-250.jpg
Một khu nhà ổ chuột vùng ngoại ô Thái Lan. AFP photo
Một khu nhà ổ chuột vùng ngoại ô Thái Lan. AFP photo
Những người Việt đến đây tị nạn với nhiều lý do, hầu hết họ gọi đó là “lý do chính trị”. Trong số hai mươi người tị nạn ở khu vực này, chỉ có hai người vừa được Cao ủy Tị nạn LHQ cấp qui chế tị nạn. Những người khác hoặc chỉ mới qua sơ vấn hoặc đã bị đánh rớt và đang chờ phỏng vấn lại. Tất cả những người Việt sống tại khu nhà trọ này ít nhiều đền trải qua rất nhiều vất vả. Đối với họ, khó khăn không phải là những gì họ quan ngại. Điều họ sợ nhất là ngay cả chính bản thân họ cũng không biết số phận của mình sẽ như thế nào. Chị B. buồn bã than thở:

“Tôi chưa dám nghĩ tới hậu quả của việc không được cấp qui chế tị nạn. Chưa biết sẽ về đâu. Về Việt Nam thì không được mà ở đây thì nguy hiểm. Nỗi lo lắng của người tị nạn ở đây là mong cho mình có được một nước thứ ba nhận. Điều mong mỏi ấy còn hơn là tiền bạc nữa”.

Tiễn chúng tôi ra khỏi sân, họ nhận gói quà là mớ mứt Tết được mang từ Việt Nam sang mà lòng nặng trĩu. Ông cụ Q. thì cứ rưng vì ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông cũng không biết mình còn có cơ hội ngồi ăn một miếng mứt Tết trên mảnh đất quê hương hay không.

Nỗi lo lắng của người tị nạn ở đây là mong cho mình có được một nước thứ ba nhận. Điều mong mỏi ấy còn hơn là tiền bạc nữa...

Chị B

Chia tay nhóm người tị nạn, chúng tôi lại lên “xe thùng” đến bến xe để bắt chuyến xe buýt về thành phố - một lộ trình mà đối với dân tị nạn vùng này là xa xỉ. Chúng tôi ra về, bỏ lại sau lưng những cánh cửa đóng im ỉm cùng và những ánh mắt thơ ngây của những đứa bé tị nạn.

Ngay cả chính bản thân chúng cũng không biết khi nào rồi chúng mới lại được đến trường. Trên đường về, nhìn những đám lục bình dựa vào nhau nằm tiu ngỉu trên các khúc sông cứ dần xa ngoài cửa xe mà lòng rộn lên một nỗi tơi bời khó gọi tên. Có lẽ đó là câu hỏi: “Rồi họ sẽ về đâu?”

Ghi chép của Quỳnh Chi từ Bangkok, Thái Lan. Tên nhân vật đã được thay đổi. QUYNHCHI@RFA.ORG

Video: Những sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam trong tuần.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.