Việt Nam đã nỗ lực gì trong việc tháo gỡ bom mìn chiến tranh?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.04.09
Công tác rà phá bom mìn rất nguy hiểm và phức tạp (ảnh minh họa) Rà phá bom mìn tại Việt Nam (ảnh minh họa).
File photo

Chính phủ Việt Nam cho hay Việt Nam cần 100 năm nữa cộng thêm 10 tỷ đô la chi phí mới mong có thể dọn sạch số lượng bom mìn và những vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh. Thanh Trúc tìm hiểu về thông tin vừa nói cũng như tìm hiểu về nỗ lực của công tác rà phá và tháo gỡ bom mìn mà Việt Nam thực hiện kể từ khi chiến tranh kết thúc.

Hiểm họa khó lường

Thông tin vừa nói được chính phủ Việt Nam nhắc lại hôm thứ Bảy 4 tháng Tư, Ngày Quốc Tế Nhận Thức Và Hỗ Trợ Hành Động Rà Phá Bom Mìn.

Còn ông Ngô Xuân Hiền, cán bộ quản lý truyền thông và phát triển RENEW, Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh, một tổ chức hợp tác giữa Quảng Trị với các NGO tổ chức phi chính phủ thế giới, trong đó có VVMF Quĩ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Mỹ Tại Việt Nam, khởi sự từ năm 2001, thì cho rằng nói thế nhưng đó là chuyện không thể làm được như ý muốn. Ông phát biểu:

“Nói 100 năm để làm sạch bom mìn theo tôi đó là một nhiệm vụ không thể thực hiện được, nó còn mất nhiều thời gian hơn thế nữa. Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất và Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai đã kết thúc lâu rồi nhưng mà bom mìn còn sót lại vẫn được phát hiện tại các nước Châu Âu như Đức ở Anh chẳng hạn. Ngay ở London gần đây thôi người ta phát hiện một quả bom năng 500 cân Anh có từ thời Thế Chiến Thứ Hai. Điều này thì phải có một hệ thống quản lý để mà xử lý những rủi ro như vậy.

Một thực tiễn mà chúng ta phải nhìn lại, là vấn đề Việt Nam muốn khắc phục hậu quả bom mìn, thì phải hướng đến mục tiêu đích thực là làm cho Việt Nam an toàn khỏi nguy cơ bom mìn, người dân được trang bị kiến thức và có trách nhiệm tham gia vào nỗ lực hàng ngày để giải quyết vấn đề bom mìn đó.
-Ông Ngô Xuân Hiền

Một thực tiễn mà chúng ta phải nhìn lại, là vấn đề Việt Nam muốn khắc phục hậu quả bom mìn, thì phải hướng đến mục tiêu đích thực là làm cho Việt Nam an toàn khỏi nguy cơ bom mìn, người dân được trang bị kiến thức và có trách nhiệm tham gia vào nỗ lực hàng ngày để giải quyết vấn đề bom mìn đó. Rà phá, hỗ trợ nạn nhân, giáo dục nguy cơ bom mìn là những trụ cột chính của hành động bom mìn.’

Đến năm 2011, sau khi VVMF kết thúc công tác cứu trợ, tổ chức có tên Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy trở thành đối tác tài trợ giúp Quảng Trị tiếp tục xứ lý bom mìn chưa nổ tại vùng đất được nhận định hứng chịu nhiều bom đạn nhất trong thời chiến.

Sau 41 năm cuộc chiến kết thúc, bom mìn vẫn còn là hiểm họa đối với tính mạng và sự an toàn của người dân Việt Nam. Điển hình của tai nạn bom mìn gây tử vong mới nhất tại Hà Nội cuối tháng Ba vừa qua mà nguyên nhân là do người dân cưa một quả bom để lấy sắt ngày trước cửa nhà:

“Những tai nạn xảy ra trong những năm gần đây liên quan đến một số người dân bất chấp nguy hiểm đề rà tìm phế liệu chiến tranh. Ở Hà Nội thì có thông tin một vụ nổ liên quan đến vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh khiến 4 người chết tại chỗ, một người vào bệnh viện cũng đã mất luôn vài ngày sau đó, nâng tổng số người chết lên thành 5 người, số bị thương là 10 người.”

Hơn 42.000 người VN chết vì bom mìn sau chiến tranh

Theo các cơ quan chức năng Việt Nam, khoản kinh phí không lồ 10 tỷ đô la mà Việt Nam cần để dọn sạch bom mìn trong 100 năm tới là chưa tính tới phí tổn của công tác tái định cư cũng như công tác an sinh xã hội tại những khu vực bị ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu chưa nổ.

Năm 2015, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quyết định tài trợ cho tỉnh Quảng Trị, được gọi là tuyến đầu của nỗ lực giảm thiểu tai nạn bom mìn, giúp nơi này xúc tiến mạnh hơn việc khảo sát, rà soát và xử lý vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Điều này được quản lý truyền thông và phát triển RENEW ở Quảng Trị, ông Ngô Xuân Hiền, cho biết:

Một hố an toàn để chứa bom mìn chưa nổ của dự án RENEW ở Quảng Trị.
Một hố an toàn để chứa bom mìn chưa nổ của dự án RENEW ở Quảng Trị.
RENEW PHOTO

“Tôi có thể đưa ra con số cụ thể về nguồn tài trợ tiếp nhận được từ đầu 2015, chỉ tính riêng hai tổ chức là Nhóm Tư Vấn Bom Mìn (Mine Advisory Group) và Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy (Norwegian People’s Aid) cùng với đối tác dự án RENEW thì số tiền tài trợ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong 2015 là xuýt xoát 10 triệu Đô La cho việc khảo sát, xác định khu vực ô nhiễm và rà phá. Đây là năm đầu tiên của một kế hoạch dài hạn, có thể lên đến 5 năm.

Đặc biệt nguồn tài trợ lớn đến từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chính xác là 2015, là lần đầu tiên dự án RENEW được phép mở rộng địa bàn hoạt động ra 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị. Coi như một dấu mốc rất quan trọng vì nó giúp hoàn thành mục tiêu làm cho Quảng Trị an toàn.”

Việc giảm thiểu thương vong do tai nạn bom mìn ở Quảng Trị mà Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh đang thực hiện cùng các NGO nước ngoài mà kết qủa được ông Ngô Xuân Hiền trình bày như sau:

“Năm 2001, khi dự án RENEW được triển khai thì số thương vong vì bom mìn của những năm trước đó trung bình là trên 100 vụ một năm. Thương vong thì gồm có người chết và người bị thương.

Qua hơn 15 năm và cho đến năm nay là năm thứ 16 thống kê cho thấy số tai nạn bom mìn giảm rõ rệt, đặc biệt giảm mạnh từ 2009 cho đến nay. Tuy nhiên năm 2015 thì Quảng Trị vẫn có 4 trường hợp thương vong. So với năm 2004 thì năm 2015, tức sau 10 năm, con số giảm xuống còn 4.”

Cơ quan chỉ đạo từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng chống, giải quyết cũng như giảm thiểu rủi ro về tai nạn bom mìn trên toàn quốc Việt Nam là Ủy Ban Quốc Gia Về Khắc Phục Hậu Quả Bom Mìn, còn gọi là Ủy Ban 504, và Trung Tâm Hành Động Bom Mìn Quốc Gia Việt Nam. Ủy Ban 504 bao gồm đại diện Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao, Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội và các cơ quan liên hệ.

Số liệu từ Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội cho thấy nhìn chung khoảng 800.000 tấn bom mìn chưa nổ còn nằm rải rác trên 1/5 lãnh thổ Việt Nam. Nói cách khác, Việt Nam có 63 tỉnh thành thì tất cả đều ít nhiều có những loại vật liệu nổ nguy hiểm và chết người.

Tính đến lúc này hơn 42.000 người Việt Nam đã thiệt mạng vì bom mìn và những vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Còn theo bản tin mạng của Asian Correspondent hôm ngày 2 tháng tư 2016, từ năm 1945 đến năm 1975 Hoa Kỳ đã thả trên 15 triệu tấn bom mìn xuống Việt Nam. Số lượng trên 15 triệu tấn này được coi là gấp 4 lần so với lượng bom mìn sử dụng trong Chiến Tranh Thế Giới Lần Hai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.