Việt Nam tuần qua

RFA 02.08.2013
29.7-305.jpg Tấm hình trên báo cand online với lời chú thích: Nguyễn Văn Hải trong buổi khám sức khỏe định kỳ (ngày 26/7) và nhận khẩu phần ăn từ cán bộ trại (ngày 28/7).
Photo courtesy of cand online

Truyền thông nhà nước lại một lần nữa tìm cách dàn dựng để “bôi bẩn” các nhà tranh đấu trong nước; giữa lúc truyền thông quốc tế tiếp tục phân tích kết quả chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Trương Tấn Sang dưới lăng kính “chủ quyền – nhân quyền – kinh tế - quân sự và các mối tương quan trong khu vực”.

Gây bất bình công luận

Tiếp theo sau vụ Đài truyền hình Việt Nam VTV “xào nấu” phóng sự về những sinh hoạt của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong nhà tù ở Thanh Hóa, đầu tuần này đến lượt báo Công an Nhân dân gây bất bình trong công luận khi ngụy tạo những bức ảnh trong bài “lật tẩy chiêu tuyệt thực của blogger Điều Cày”.

Sau nhiều ngày im lặng, hôm thứ Hai 29 tháng 7 báo Công an Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, đăng bài ‘Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải’, cho biết ký giả Vũ Đại Phong đã đích thân vào nhà tù số 6 Thanh Chương Nghệ An để gặp ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày.

Bài báo trên tờ Công An Nhân Dân đăng kèm với tấm hình được chú thích chụp blogger Điếu Cày rất khỏe mạnh trong nhà giam, với phần nhân xét của của ký giả Vũ Đại Phong là: “Ông Nguyễn Văn Hải đi lại bình thường, nói năng hoạt bát dù dáng vẻ hơi gầy vì tạng người của ông này xưa nay vẫn thế”.

Cũng theo nguyên văn của tác giả Vũ Đại Phong: “Hễ có người lạ, nhất là cán bộ của ngành Kiểm sát thì lập tức tỏ vẻ lệt bệt, thở không ra hơi, vân. vân…”

Chúng tôi phản đối những việc làm của báo Công an Nhân dân đã có hành vi xuyên tạc, vu khống bôi nhọ thân nhân tôi cũng như những bằng hữu của chúng tôi.
-Bà Dương Thị Tân

Từ những nhận xét như trên, tờ báo của Bộ Công An Việt Nam kết luận: “Qua chuyến công tác đến trại giam số 6 và tìm hiểu thì chuyện tuyệt thực của ông Nguyễn Văn Hải chỉ là một màn kịch mà tác giả cho là vụng về, được dựng lên nhân dịp các lãnh đạo Đảng và chính phủ Việt Nam công du nước ngoài, trong đó có chuyến đi của ông chủ tịch Trương Tấn Sang đi Mỹ”.

Dường như ngay lập tức, bài báo của tờ Công An Nhân Dân đã gây ra làn sóng bất bình trong công luận. Độc giả trong cũng như ngoài nước đều có chung một nhân định rằng cũng nhiều rất nhiều lần trước đây, truyền thông của nhà nước lại không ngần ngại sử dụng thủ thuật để chuyển trắng thành đen, nói không thành có.

Ông Phan Trọng Khang, người đã có mặt tại trại giam số 6 hồi ngày 22 tháng 7, và ba ngày sau đó cùng ký tên vào thông báo khẩn về vụ tuyệt thực của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày, nói về bài báo trên tờ Công an Nhân dân mà ông đọc được:

“Chúng tôi đã vào trong đó đưa mẹ con cô Tân, gặp trực tiếp các cơ quan công quyền. Tôi cho như thế là không đàng hoàng. Là chính phủ đàng hoàng, người cần thông tin là gia đình người ta nói có việc tuyệt thực, tại sao không trả lời?”

Cũng vì quá bất bình trước những hành động bưng bít của chính quyền và sự xuyên tạc của báo chín nhà nước, sáng  thứ Tư 31 tháng Bảy, thân nhân và bạn hữu của Blogger Điếu Cày đã tập trung trước toà soạn báo Công an Nhân dân ở Hà Nội để phản đối và yêu cầu đối chất với Tổng biên tập cũng như cá nhân ông Vũ Đại Phong.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do ngay trong lúc đang giăng băng rôn phản đối trước tòa soạn báo Công An Nhân Dân, Bà Dương Thị Tân – vợ cũ của blogger Điều Cày bày tỏ:

“Chúng tôi phản đối những việc làm của báo Công an Nhân dân đã có hành vi xuyên tạc, vu khống bôi nhọ thân nhân tôi cũng như những bằng hữu của chúng tôi khi bài báo cho là một nhóm nguời chuyên tụ tập kích động gây rối các thứ trong bài báo đó.”

Cùng lên tiếng trên đài Á Châu Tự Do, những người ủng hộ Blogger Điếu Cày, vốn tuyệt thực tới ngày thứ 39, cáo giác bài báo của Vũ Đại Phong là vu khống, bịa đặt, bôi nhọ một tù nhân mà họ cho là lâm cảnh tù đày chỉ vì yêu nước.

Tuyên bố 258

Anh Nguyễn Lân Thắng, thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam trao bản Tuyên bố 258 cho Đại diện Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Bangkok, Thái Lan hôm 31/07/2013. Photo to courtesy of Mạng lưới Blogger Việt Nam.
Anh Nguyễn Lân Thắng, thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam trao bản Tuyên bố 258 cho Đại diện Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Bangkok, Thái Lan hôm 31/07/2013. Photo to courtesy of Mạng lưới Blogger Việt Nam.

Cũng liên quan đến những nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam, tuần này một nhóm các đại diện của giới blogger trong nước đã thân chinh sang thủ đô Bangkok của Thái Lan để trình lên Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bản Tuyên bố 258 của Mạng lưới Blogger Việt Nam, phản đối việc chính quyền Việt Nam sử dụng Điều 258 Bộ luật hình sự để trấn áp giới blogger trong nước.

Tưởng cũng xin được nhắc lại, trước khi lặn lội sang tận Thái Lan để trao Tuyên Bố 258 cho Hội đồng nhân quyền LHQ, Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng đã có cuộc gặp gỡ và trao bản tuyên bố này cho đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội hôm cuối tuần trước.

Được biết, nhân dịp này phía Mỹ cho biết rất quan tâm đến những nội dung được đưa ra trong Bản Tuyên Bố của Mạng lưới Blogger Việt Nam, và hứa sẽ xem xét cũng như nêu vấn đề với chính phủ Việt Nam.

Trong khi đó tại Washington, chiều tối thứ Tư 31 tháng 7, Hạ viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013.

Dự luật Nhân quyền Việt Nam mang ký số HR-1897 do Dân biểu Christopher Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ soạn thảo với sự đồng bào trợ của nhiều nhà lập pháp Mỹ quan tâm đến tình hình Việt Nam, đã đề ra các biện pháp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam như ngăn cấm các khoản viện trợ ngoài mục đích nhân đạo cho Việt Nam, nếu chính phủ Hà Nội không có các cải thiện về nhân quyền.

Đây là lần thứ tư dự luật Nhân quyền Việt Nam được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua. Nhưng cả 3 lần trước đây đều bị ngân chận tại Thượng Viện.

Tuy nhiên khác với những năm trước, lần này Dân biểu Chris Smith bày tỏ hy vọng rằng với việc Thượng nghị sĩ John Kerry – nay là ngoại trưởng Mỹ - không còn hiện diện ở Thượng viện, Luật Nhân quyền Việt Nam 2013 sẽ có cơ hội được đưa ra biểu quyết tại Thượng Viện.

Vụ án “Tiếng Súng Hoa Cải”

Ông Đoàn Văn Vươn trong phiên xử tại tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 02.04.2013
Ông Đoàn Văn Vươn trong phiên xử tại tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 02.04.2013
AFP

Và cuối cùng, tòa phúc thẩm tại thành phố Hải Phòng tuần này đã giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với ông Đoàn Văn Vươn trong vụ án “Tiếng Súng Hoa Cải”.

Sau 2 ngày xét xử, mặc dù các luật sư đã đưa ra nhiều điểm và yêu cầu được tranh luận với Viện Kiểm sát, thế nhưng cuối cùng tòa vẫn giữ y án sơ thẩm 5 năm tù đối với hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý.

Ngay sau khi phiên xử kết thúc, Luật sư Trần Vũ Hải, một trong những luật sư tham gia bào chữ cho gia đình ông Vương, bày tỏ sự thất vọng với phiên tòa:

“Chúng tôi thấy rằng chỗ Viện kiểm sát họ rất yếu lý hoặc trình độ có hạn. Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ họ cũng yếu lý và muốn làm cho xong chuyện, xong trách nhiệm. Đó là điều đáng buồn và theo tôi bản lĩnh của kiểm sát viên có vấn đề.”

Những diễn tiến tại tòa và các mức án mà tòa phúc thẩm tuyên cho những thành viên trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn không thuyết phục được những người quan tâm; và theo họ phiên xử đã làm mất niềm tin của người dân vào công lý.

Ông Vũ Văn Luân, tổng thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản Nước Lợ huyện Tiên Lãng, người theo dõi sát sao vụ việc lâu nay bày tỏ phản ứng của ông:

“Thực chất đến như thế này người ta không còn niềm tin gì nữa bởi vì Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát tối cao là tiếng nói của quốc hội, của nhà nước rồi được chủ tịch nước phê chuẩn. Các thẩm phán tòa án tối cao phê chuẩn các công tố viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chúng tôi nhận định rằng án này là án bỏ túi, án chỉ định.

Đến giờ phút này tôi cũng muốn nói và nhắc lại không còn gì lòng tin nữa. Nói như lời bà Ngô Bá Thành ‘ở Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng cuối cùng người ta xử bằng luật rừng chứ không xử bằng luật pháp’.”

Việt Nam Tuần Qua và Diễm Thi xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý khán thính giả vào tuần sau!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.