Thuyền nhân Việt tại trại Yongah Hill

Tường An, thông tín viên RFA
2013.08.30
7505733504_458ba94721-305.jpg Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012.
DIAC PHOTO

 

Trong bài trước, chúng tôi có tường thuật về tình trạng thuyền nhân Việt Nam của trại Manus trên đảo Papua New Guinea, nay một số những thuyền nhân đó đã được đưa vào trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc.

Lo âu về tương lai

Ngày 15 tháng 8 vừa qua, một phái đoàn người Việt tại Thành phố Perth đã đến thăm các thuyền nhân này. Ông Lê Quang Hồng, một người trong phái đoàn cho biết như sau:

“Hôm đó chúng tôi gặp được 3 người trong nhóm 14 thanh niên Công giáo ở Nghệ An, còn 3 người còn lại là họ có thân nhân ở đây. Lần lượt mình cũng chia sẻ cảm nghĩ và mình hỏi trường hợp từng người để mình biết thực trạng cuộc sống của anh em trong đó, tâm lý, suy nghĩ của anh em trong đó, thậm chí là những nhu cầu có thể có của anh em để mình bằng cách này hay cách khác mình có giúp đỡ gì được hay không.”

Đa số anh em đều có sự khắc khoải, lo âu về tương lai của mình, nhất là nỗi lo âu về vấn đề mình có được ở lại hay là không? Họ rất là hoang mang.
-Ông Lê Quang Hồng

Phái đoàn gồm 6 người, họ mang theo quà tặng của các đồng hương hảo tâm, lên đường lúc 12 giờ 30 xuyên qua làn sương mù của thành phố Perth, thẳng hướng đông bắc để tới trại Yongah Hill cách Perth 97 km. Trung tâm giam giữ di trú Yongah Hill Immigration Detention Centre (IDC) nằm cách thị trấn Northam khoảng 5 cây số, mới đi vào hoạt động từ tháng 6 năm ngoái, trại gồm 141 khu nhà với sức chứa cho 600 người nằm biệt lập giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng Tây Bắc Úc. Tại đây phái đoàn đã gặp được 6 thuyền nhân. Ông Lê Quang Hồng, cựu Tổng thư ký của Cộng đồng người Việt Tự do tại Perth cho biết nhận xét của ông sau hơn 2 giờ tiếp xúc vơi 6 thuyền nhân này như sau:

“Về nhu cầu vật chất thì họ không cần thiết vì quy định của trại thì không được giữ tiền mặt cho nên nhu cầu về tiền bạc họ không cần thiết, thứ hai nữa, nhu cầu về vật chất như ăn uống, quần áo thì cũng không cần vì trong đó họ chu cấp đầu đủ. Riêng về mặt tinh thần thì như chúng ta đã biết đó là tâm trạng chung của những người đã trải qua đời sống trong những trại tập trung hay trại tị nạn như vậy. Đa số anh em đều có sự khắc khoải, lo âu về tương lai của mình, nhất là nỗi lo âu về vấn đề mình có được ở lại hay là không? Họ rất là hoang mang. Những anh em hôm đó họ cứ hỏi chúng tôi những câu hỏi như là: Em khai như vậy thì không biết là có được họ ưu tiên cho ở lại hay không? Hay là: trường hợp của em như vậy đó thì có được nhận ở lại hay không? Đại khái như vậy. Nhưng mà theo chúng tôi thấy thì điều đó ngoài khả năng trả lời của chúng tôi nên chúng tôi không có trả lời mà chúng tôi chỉ an ủi và động viên tinh thần của anh em nên cố gắng, nên kiên nhẫn để chờ đợi qua giai đoạn cứu xét của nhân viên bộ di trú. Mình chỉ có thể giúp họ lời an ủi và động viên vậy thôi chứ thật ra hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, trường hợp ra đi của mỗi người cũng mỗi khác, nó còn tuỳ thuộc vào sư quyết định, vào điều kiện chấm điểm của nhân viên của sở di trú.”

Một phòng dành cho thuyền nhân tại Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012. DIAC PHOTO.
Một phòng dành cho thuyền nhân tại Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012. DIAC PHOTO.

Trại Yongah Hill có gần 600 người với các sắc dân Sri Lanka, Iran, Bangladesh, Afganistan… trong đó có 342 người Việt đa số đến từ Nghệ An, Thanh hoá, số rất ít đến từ Cà Mau, Vũng Tàu. Anh Bảo Long, quê ở Nghệ An, bị kết án vì tội biểu tình đòi lại trường hoc, chưa hết hạn tù treo thì anh dùng đường bộ sang Lào, từ Lào sang Malaysia, từ Malaysia sang Indonesia, từ đó đi thuyền đến Úc, được tàu Úc vớt lên đảo Christmas, rồi chuyển sang đảo Manus rồi chuyển đến Yongah Hill. Theo lời anh Bảo Long chỉ có 87 người được thoát thanh lọc, còn lại thì tất cả đều bị trả lại hồ sơ, trong đó có anh:

“Em là người đã bị trả hồ sơ dù những gì em khai với bộ di trú hay giấy tờ gửi từ Việt Nam sang cũng không được cập nhật hồ sơ. Coi là hồ sơ chết và em có đủ bằng chứng về chính quyền Việt Nam bắt đi tù, đàn áp, đánh đập gãy chân, gãy tay trong vụ bạo loạn đi đòi quyền lợi đó, em cùng 120 người đó đi biểu tình cái vụ trường, nhưng cuối cùng nó giải thể trường của bọn em đi để bán, chuyển đổi để ăn hoa hồng trong dự án trường. Chúng nó nói là nhận tội đi thì chúng tao sẽ bớt tù và sẽ trả trường cho bọn em. Em qua đây xin tị nạn nhưng ngày 15/8 em là người đã bị trả hồ sơ. Di trú nói với bọn em là hồ sơ mà không được chấp nhận thì các bạn có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam.”

Mong cộng đồng giúp đỡ

Tụi em còn thấy sự tương thân tương trợ nơi Cộng đồng, em cảm nhận được điều họ đang quan tâm lo lắng cho chúng em, chúng em rất cám ơn điều đó.
-Anh Thành

Trại tạm cư Yongah Hill tập trung người tị nạn từ các nơi khác về như Christmast Island, Darwin, Manus, Cocos… Tại đây, họ tiếp tục chờ đợi các giai đoạn thanh lọc của bộ di trú. Về sự quan tâm của cộng đồng người Việt đối với những người Việt tị nạn này, ông Lê Quang Hồng cho biết:

“Theo như tôi được cho biết thì trại Yongah Hill, riêng đối với người Việt Nam thì họ chỉ giữ những người độc thân tại chỗ, thanh niên chưa có gia đình. Họ cho biết là ở các nơi như là Queensland hay Darwin họ cũng đã được cộng đồng ở những nơi đó tới thăm gặp, tiếp xúc và ủy lạo. Đồng thời cũng có nhờ luật sư người Việt tới tiếp xúc để giúp đỡ họ về vấn đề pháp lý để có thể thêm những yếu tố ưu tiên để họ có thể ở lại Úc. Còn riêng lần vừa rồi tại Tây Úc này, thì chúng tôi chỉ đi với tính cách thiện nguyện, chúng tôi có ý tới thăm gặp để tìm hiểu nhóm 14 thanh niên Công giáo ở Nghệ An qua tới đây. Đó là nhóm anh em chúng tôi tự nguyện đi tìm hiểu, rồi sau đó chúng tôi sẽ có sự yêu cầu, vận động Ban chấp hành người Việt Tự Do ở đây, để trong tương lai gần thì họ sẽ có những hình thức giúp đỡ như thế nào đó thì đó cũng còn tuỳ thuộc vào Ban chấp hành Cộng đồng ở đây.”

Bàn làm việc trong phòng dành cho thuyền nhân tại Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012. DIAC PHOTO.
Bàn làm việc trong phòng dành cho thuyền nhân tại Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012. DIAC PHOTO.

Sau cuộc tiếp xúc hơn 2 giờ, phái đoàn bịn rịn chia tay ra về trong tâm trạng đồng cảm với các thuyền nhân tầm trú này và hẹn gặp lại lần thăm viếng sau vào tháng tới. Có phải chăng đó cũng là hoàn cảnh của họ hơn 30 năm về trước? Ông Lê Quang Hồng chia sẻ:

“Trước khi mà chúng tôi chia tay ra về thì anh em cũng có nói là ở trong đó họ mang tâm trạng của những người rất là cô đơn. Phải nói là họ rất cần gặp những người Việt của mình tới lui để mà trò chuyện, thăm hỏi. Mặc dù là không thường xuyên nhưng mà ý họ muốn, rất muốn gặp bà con Việt Nam của mình tới thăm hỏi, trò chuyện.”

Về phần những người ở lại, cuộc gặp gỡ với phái đoàn thiện nguyện đến từ Perth đã đem lại cho anh Thành, một sinh viên Nghệ An một niềm an ủi to lớn trong những ngày cô đơn với tâm trạng hoang mang bất định về tương lai của mình:

“Được gặp thì em cảm thấy rất chi là sung sướng, hãnh diện vì đã có đồng hương của mình đến thăm lúc mình đang ở trong trại. Với tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam đang còn. Lúc mà gặp tâm sự thì bọn em thấy rất là thoải mái, giống như là tâm sự với một người bạn hay là tâm sự với anh trai hoặc tâm sự với Bố Mẹ. Tụi em còn thấy sự tương thân tương trợ nơi Cộng đồng, em cảm nhận được điều họ đang quan tâm lo lắng cho chúng em, chúng em rất cám ơn điều đó. Và cũng mong muốn sự giúp đỡ lớn hơn từ Cộng đồng người Việt tại đây và tụi em cũng mong muốn được sớm ra cộng đồng để tiếp nối con đường mà các anh chị đã đi để giúp cho những người tương lai sau này khi mà họ không sống nổi dưới chế độ độc tài Cộng sản.”

Cũng xin nhắc lại là tại trại Yongah Hill này, ngày 17/8 vừa qua đã có 5 người Việt Nam trốn trại, 4 ngày sau đó cảnh sát Úc đã bắt được 4 người và người cuối cùng đã bị bắt lại sau 8 ngày trốn chạy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.