Nhận định của nhà báo Việt Nam về “Việt Nam trước sân chơi của thế giới”


2005.05.14

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Điểm Báo Trên Mạng tuần này, chúng tôi dành trọn thời gian cho bài bình luận của Tuổi trẻ Chủ Nhật Online mang tựa đề ‘Nhìn lại hai thế kỷ: Việt Nam trước sân chơi của thế giới’.

Việt Nam bắt đầu một sự hội nhập nhưng cũng vẫn chỉ là một sự hội nhập đóng kín. AFP PHOTO

Bài báo này được dư luận đặc biệt chú ý, tuy chủ đề là vấn đề kinh tế nhưng tác giả đã mạnh dạn nhìn nhận sự thất bại của các nhà lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa, mà ông cho rằng đã biến các đất nước của họ thành những xã hội khắc nghiệt, với nền kinh tế trì trệ lạc hậu nghèo khổ.

Tuổi Trẻ Chủ Nhật đưa lên mạng ngày 7 tháng 5 bài nhận định của nhà báo Đặng Phong, với tựa đề Việt Nam trước sân chơi của thế giới. Ông Đặng Phong đã trình bày một cách có hệ thống vấn đề hội nhập của nước Việt Nam với thế giới bên ngoài trải qua thời gian 200 năm.

“Chuyện nhân duyên của những con người”

Cây bút Đặng Phong ví von sự hội nhập kinh tế của một quốc gia với nền kinh tế thế giới giống như chuyện nhân duyên của những con người. Và trường hợp Việt Nam thì cuộc nhân duyên đó khá trắc trở, muộn màng. Theo nhà báo suốt trong hai thế kỷ qua, nhiều vận hội đã bị bỏ qua, lúc thì tại phía bên này lúc thì tại phía bên kia.

Nhà báo nhắc lại kinh nghiệm đau đớn, khi các triều đại phong kiến bế quan toả cảng đưa tới một thế kỷ Pháp thuộc. Ông Đặng Phong cũng mạnh dạn nhìn nhận giai đoạn 40 năm trời mà nền kinh tế của nhà nước Việt Nam chỉ mở được theo điều ông gọi là một cái làng gần như bị rào kín, đó là khối các nước xã hội chủ nghĩa.

Thời kỳ 1945, tác giả Đặng Phong cho rằng Hồ Chí Minh là một hiện tượng hiếm thấy ở các nước châu Á, chủ động mở cửa với nước Pháp và sẵn sàng chấp nhận nước Việt Nam độc lập đứng trong Liên Hiệp Pháp. Tuy nhiên theo Đặng Phong, chính là người Pháp đã quay mặt với Hồ Chí Minh bằng xe tăng đại bác. Và vì thế nhà báo cho rằng cuộc kháng chiến chống Pháp bắt buộc phải xảy ra.

“Cuộc nhân duyên không thành”

Đặng Phong đặc biệt nhắc tới cuộc nhân duyên không thành giữa ông Hồ Chí Minh và người Mỹ. Theo đó, Hồ Chí Minh tìm kiếm sự giúp đỡ của người Mỹ ngay từ 1943-1944 và mong được hợp tác để chống Nhật. Tuy nhiên cuộc tình duyên đó thật ngắn ngủi.

"Trong tình thế bị phương Tây quay mặt và phong toả, người Việt Nam đã tìm ra một cánh cửa mới từ 1950, mở sang khối xã hội chủ nghĩa. Nhà báo cho rằng từ đó bắt đầu một sự hội nhập nhưng cũng vẫn chỉ là một sự hội nhập đóng kín, không phải mở ra với toàn thế giới bên ngoài mà mở vào nơi mà nhà báo gọi là một cái làng gần như bị rào kín."

Đặng Phong cho rằng từ năm 1946, bầu không khí chiến tranh lạnh đã làm nước Mỹ thay đổi thái độ. Bao nhiêu lá thư mà Hồ Chí Minh gửi tổng thống Mỹ đều không được trả lời.

Nhà báo Đặng Phong phân tích rành rọt rằng, trong tình thế bị phương Tây quay mặt và phong toả, người Việt Nam đã tìm ra một cánh cửa mới từ 1950, mở sang khối xã hội chủ nghĩa. Nhà báo cho rằng từ đó bắt đầu một sự hội nhập nhưng cũng vẫn chỉ là một sự hội nhập đóng kín, không phải mở ra với toàn thế giới bên ngoài mà mở vào nơi mà nhà báo gọi là một cái làng gần như bị rào kín.

Đối với sự chọn lựa vừa nói, một nhà cách mạng lão thành ở Hà Nội là ông Vũ Cao Quận đã phê phán trong cuốn Gởi Lại Trước Khi Về Cõi, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang một nhân vật chủ trương dân chủ cho biết về nội dung tập sách này (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

3 nhân vật hiếm hoi

Trở lại bài báo trên Tuổi trẻ Chủ Nhật Online ngày 7/5, Nhà báo Đặng Phong nhận định rằng, Lê Nin, Tôn Dật Tiên và Hồ Chí Minh là 3 nhân vật hiếm hoi có sự hình thành tư duy và phong cách lãnh đạo của phương Tây.

Kỳ dư ở các nước xã hội chủ nghĩa, theo Đặng Phong đại đa số giới lãnh đạo chưa hề sống ở phương Tây, và cũng không có điều kiện hiểu đầy đủ về thế giới bên ngoài. Đặng Phong ghi nhận, ở Liên Sô sau Lê Nin là Stalin, kroutchev, Brejnev; ở Trung Quốc sau Tôn Dật Tiên là Mao Trạch Đông; ở Bắc Triều Tiên sau kim Nhật Thành là Kim Chính Nhật.

Vẫn theo tác giả Đặng Phong của Tuổi Trẻ Chủ Nhật, với những nhà lãnh đạo như vừa nói, mô hình kinh tế mà họ xây dựng khó tránh được tính chất đóng mà bề ngoài theo tác giả là sự kiêu ngạo cộng sản, còn bên trong lại chính là sự lo ngại mang nặng những mặc cảm tự ti.

Tác giả Đặng Phong không phủ nhận lòng yêu nước của các nhân vật cộng sản vừa nêu, nhưng ông cho rằng trình độ và tầm nhìn của họ vào thời điểm đó quyết định sự lựa chọn của họ. Và theo ông, sự lựa chọn này đã dẫn tới những kết quả ngược ý muốn.

Nền kinh tế trì trệ

Những nước xã hội chủ nghĩa của các lãnh tụ vừa nói, thay vì có một nền kinh tế phát triển như họ mong ước và hứa hẹn lại chỉ có một nền kinh tế trì trệ. Thay vì một cuộc sống đầy đủ là một cuộc sống thiếu thốn, nghèo nàn. Thay vì một xã hội cởi mở là một thể chế quan liêu, bảo thủ, hẹp hòi nhiều khi khắc nghiệt.

Đặng Phong cho rằng, những nước xã hội chủ nghĩa của các lãnh tụ vừa nói, thay vì có một nền kinh tế phát triển như họ mong ước và hứa hẹn lại chỉ có một nền kinh tế trì trệ. Thay vì một cuộc sống đầy đủ là một cuộc sống thiếu thốn, nghèo nàn. Thay vì một xã hội cởi mở là một thể chế quan liêu, bảo thủ, hẹp hòi nhiều khi khắc nghiệt.

Khi nhà báo Đặng Phong nhận định như thế về hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, tất nhiên không thể loại trừ Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên tác giả khôn khéo viết rằng, ở Trung Quốc và Việt nam thì hình như những truyền thống Nho giáo lại góp phần tìm ra một giải pháp tốt: từ bỏ từ bỏ mô hình cũ trong đồng thuận và ổn định, không có đảo chính hay lật đổ.

Nhiều khi chính những người đã từng tham gia xây dựng mô hình cũ lại là người tiến hành cải cách hay đổi mới.

“Sân chơi của thị trường thế giới”

Tác giả Đặng Phong tránh nhắc tới một giai đoạn dài từ 1954 tới hết thập niên 1980, lúc ấy đất nước Việt nam trì trệ về kinh tế, dân chúng đói khổ.

Tuy nhiên ông trở lại với điều gọi là, sự ngoạn mục của công cuộc đổi mới ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là ở chỗ: từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã bước hẳn vào sân chơi của thị trường thế giới và được thừa nhận. Theo ông Đặng Phong vấn đề còn lại của thập kỷ này và thập kỷ sắp tới là, trên sân chơi đó Việt Nam chơi như thế nào.

Bạn nghĩ gỉ về nhận định này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Sau cùng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tác giả Đặng Phong kết luận bằng sự ví von, sân chơi của thị trường thế giới cũng không khác lắm so với sân chơi của bóng đá, có thể đưa được bóng vào lưới của đối phương, cũng có thể bị đối phương đưa bóng vào lưới nhà.

Trên sân này cũng có thể bị phạt việt vị, phạt đền, cũng như có những thẻ vàng, thẻ đỏ và cũng gặp không ít kẻ xấu chơi…đó chính là những vấn đề và những bài toán của những năm trước mắt.

Vẫn còn sự thận trọng...

Mặc dù bài báo của Đặng Phong trên Tuổi trẻ Chủ Nhật được nhiều người đánh giá là thẳng thắn, cấp tiến và dũng cảm. Bởi vì ông dám đề cập tới sự thiển cận, dốt nát của các nhà lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa sau Lê Nin, Tôn Dật Tiên và Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên tác giả vẫn giữ lại một sự thận trọng, là chỉ bó gọn các phê bình ấy vào vấn đề hội nhập kinh tế thế giới mà không đề cập gì tới nhu cầu cải tổ chính trị, sự phát triển kinh tế bao giờ cũng phải song hành với một nền chính trị lành mạnh.

Để kết thúc mục điểm báo trên mạng tuần này, chúng tôi xin trích phát biểu của ông Phương Nam Đỗ Nam Hải, một nhà trí thức chủ trương dân chủ hiện cư trú ở TP.HCM: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Vừa rồi là nhận định của nhà trí thức chủ trương dân chủ Phương Nam Đỗ Nam Hải ở TP.HCM. Mục điểm báo trong nước trên mạng Internet kết thúc ở đây. Nam Nguyên thân chào qúi thính giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.