Giải pháp nào cho Biển Đông - phần 4

Vấn đề Biển Đông ngày một biến dạng vượt khỏi những dự đoán của giới quan sát quốc tế qua các hành động lấn chiếm vừa công khai vừa thăm dò phản ứng của nước bị xâm phạm đã nảy sinh ra những câu hỏi khá hóc búa cho những nước yếu trước thế lực quân sự mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012.04.17
000_Hkg2306577-305.jpg Hải quân Trung Quốc tại cảng Thanh Đảo
AFP photo

Tiếp tục loạt bài Biển Đông, khách mời của chúng tôi hôm nay là ông Trần Bình Nam, nguyên là một sĩ quan Hải Quân của QLVNCH, ông cũng là người bỏ công nghiên cứu chuyên đề Trung Quốc từ nhiều chục năm nay.

Sách lược của Trung Quốc

Mặc Lâm : Thưa, xin ông cho biết qua kinh nghiệm nghiên cứu tình hình Biển Đông, ông nhận xét thế nào về những diễn biến mới nhất hiện nay?

Ông Trần Bình Nam : Vấn đề liên quan đến Biển Đông với thái độ của Trung Quốc trong năm vừa rồi cũng như qua năm 2012, họ theo chính sách Hoàng Sa, Trường Sa, và rộng ra là vùng biển trong “đường lưỡi bò”, họ làm những hành động để cho thế giới quen rằng đó là của họ, đó là chính sách mà họ đang làm.
Việt Nam từ trước đến nay mỗi lần xảy ra vụ việc thì đều lên tiếng phản đối chứ không phải là không, và năm vừa rồi thì có những hành động căng hơn một chút. Ví dụ như cho những chiếc tàu của hải quân hay của những đội ủng hộ những người đánh cá ra để mà chận tàu cá Trung Quốc nhưng cũng chỉ đến như vậy thôi chứ không thể làm khác hơn được.

Hiện giờ thì rõ ràng Trung Quốc coi Biển Đông là một phần trong sách lược bành trướng thế lực của họ. Đương nhiên muốn bành trướng thì trước hết Trung Quốc phải mở cửa Biển Đông vì đó là lối đi ra ngoài của họ. Họ biết khi đi vào biển Đông thì sẽ đụng độ với những thế lực quan trọng, mà thế lực quan trọng nhất hiện giờ là Hoa Kỳ.

Mặc Lâm : Trước các tuyên bố cứng rắn về sự trở lại của Hoa Kỳ thì phản ứng của Trung Quốc xem ra rất yếu ớt, theo ông họ có sách lược nào về vấn đề này, thưa ông?

Ông Trần Bình Nam : Đối với Trung Quốc họ biết là họ không có sức để làm một hành động gì có tính cách quân sự ngang hàng với Hoa Kỳ được cho nên họ phải chờ đợi. Họ chờ đợi cho đến khi xây dựng hải quân vững vàng hơn có thể ngang ngửa với hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Hai nữa họ chờ đợi thời điểm thuận lợi vì họ biết Hoa Kỳ là một nước dân chủ, cứ 4 năm lại bầu cử tổng thống một lần thì chính sách của Hoa Kỳ lại thay đổi. Chính sách thay đổi có nghĩa là khi mạnh khi yếu, khi thế này khi thế khác, và họ chờ thời điểm thuận lợi họ sẽ hành động.

Mặc Lâm : Còn riêng với Việt Nam thì Trung Quốc có thay đổi gì cho phù hợp với tình hình mới hiện nay hay không ạ?

Ông Trần Bình Nam : Đối với Việt Nam thì họ dùng chính sách gọi là “cây gậy và củ cà rốt” để họ o ép Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong vùng. Trong sách lược của Trung Quốc như vậy thì Việt Nam cần có một đối sách lâu dài hơn, hơn là đối sách hiện giờ là chỉ có phản đối bằng lời.

Mặc Lâm : Rất nhiều người than phiền Việt Nam tỏ ra không nhất quán và rất yếu ớt. Theo ông thì đối sách lâu dài của Việt Nam hiện nay có thể xem là chấp nhận được hay không?

Trung Quốc biết là họ không đủ sức để làm một hành động gì có tính cách quân sự ngang hàng với Hoa Kỳ được cho nên họ phải chờ đợi đến khi xây dựng hải quân ngang ngửa với Hoa Kỳ ở TBD.

Ông Trần Bình Nam

Ông Trần Bình Nam : Tôi thấy đối sách lâu dài của Việt Nam về phương diện tự lực thì phải tăng cường sức mạnh hải quân của mình, và thứ hai tôi nghĩ rằng phải có chính sách rõ ràng trong khi liên kết với các thế lực mà có thể là bạn của mình, nghĩa là Hoa Kỳ. Nói như vậy không có nghĩa là tôi muốn nói rằng Việt Nam phải ngã vào Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam cần có một thái độ để cho Trung Quốc biết rằng Việt Nam sẽ coi Hoa Kỳ là một người bạn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông.

Ngoài ra, một đường lối mà tôi nghĩ là lâu dài hơn thì có lẽ Việt Nam phải đưa vấn đề Biển Đông ra cho Liên Hiệp Quốc, hay là nói cách khác hơn là đưa ra Tòa Án Quốc Tế để xử rõ ràng việc đó. Để có những án lệnh quốc tế nói rõ là vùng biển đó thuộc của ai. Thứ hai nữa, song song với việc đó tôi nghĩ là cần phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Đương nhiên là những vùng đảo của mình thì mình giữ.
Việt Nam cũng không thế đòi hỏi tất cả các hải đảo của quần đảo Trường Sa được, nhưng cần phải phân biệt rõ ràng cái gì của mình và cái gì của người khác.

Muốn có một giải pháp như vậy thì cần đặt vấn đề quốc tế hóa. Khi mà quốc tế hóa như vậy thì mình dọn đường cho những thế lực quốc tế có thể bàn về vấn đề đó.

Ví dụ như gần là Ấn Độ, Nhật Bản, và xa hơn là Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đó là đường hướng lâu dài mà Việt Nam cần phải theo. Nếu như bây giờ cứ mỗi lần có một sự o ép nào đó của Trung Quốc như bắt bớ ngư dân của mình thì Việt Nam lên tiếng phản đối có tính cách ngoại giao rồi qua đi, thì tôi thấy dần dần mình sẽ bị lép vế.

Việt Nam phản ứng dè dặt

taucavn-250.jpg
Tàu cá VN ở huyện đảo Lý Sơn.
Tàu cá VN ở huyện đảo Lý Sơn.
Mặc Lâm : Một diễn biến mới đây nhất là Trung Quốc đã bị Philippines đem tàu chiến ra bao vây 8 chiếc tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biển đảo san hô Scabouroug của nước này, và song song với việc đó thì Phi luôn lớn tiếng cho thế giới biết những hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, kể cả ở Liên Hiệp Quốc, theo ông thì Việt Nam có thể học được gì từ phản ứng này của Phi, thưa ông?

Ông Trần Bình Nam : Trong vụ xảy ra ở đảo Scabouroug giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân mới đây thì đúng là mình ghi nhận thái độ của Phi hết sức là cứng rắn. Nhìn lại những việc tương tự xảy ra đối với Việt Nam thì thái độ của Việt Nam thường thường dè dặt hơn. Vấn đề thật ra cũng dễ hiểu. Về quân lực, nói riêng về hải quân thì hải quân Việt Nam hiện giờ mạnh hơn hải quân Phi Luật Tân rất nhiều, nhưng mà cái thế của Việt Nam đối với Trung Quốc khó hơn cái thế của Phi Luật Tân đối với Trung Quốc.

Phi Luật tân hiện giờ thật sự có những ký kết bằng văn bản về an ninh với Hoa Kỳ cho nên họ mạnh dạn hơn. Hơn nữa mối liên hệ trong quá khứ giữa Phi Luật Tân với Trung Quốc, cũng như Việt Nam với Trung Quốc rất khác nhau. Sự liên hệ giữa hai nước Trung Quốc – Việt Nam quá chặt chẽ với nhau, và hiện giờ thật ra cũng là hai nước trong khối xã hội chủ nghĩa còn lại trong ít oi những nước XHCN trên thế giới.

Kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn. Cho nên tôi nghĩ rằng cái khó nó bó cái khôn, chứ không phải Việt Nam yếu.

Phi Luật Tân họ có cái thế rộng tay hơn cho nên họ hành động một cách dễ dàng hơn, và đương nhiên hiện giờ mình biết rằng ở Biển Đông Trung Quốc không bao giờ họ làm cái gì mạnh hết. Họ chỉ lấn từng bước, lấn từng bước để tạo ra một trạng thái tâm lý rằng đó là đảo của họ, đó là biển của họ. Lúc này chưa phải là lúc họ có những hành động thật mạnh mẽ, vì vậy cho nên trước sự đối đầu mạnh mẽ của Phi Luật Tân thì họ tạm nhượng bộ vậy thôi.

Mặc Lâm : Trong khi Trung Quốc vẫn giam giữ trái phép 21 ngư dân của mình thì Việt Nam lại gửi một phái đoàn quân sự cao cấp sang thăm Trung Quốc. Việc làm này khiến dư luận nghi ngờ vào sự yếu kém của nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Ông giải thích sao về câu hỏi này?

Cái thế ngoại giao hiện giờ và cách hành xử của Việt Nam có thể thấy mình không thỏa mãn một chút nhưng mà tôi nghĩ rằng gặp cái thế như vậy thì phải hành xử như vậy.

Ông Trần Bình Nam

Ông Trần Bình Nam : Vâng. Tôi nghĩ trong thái độ ngoại giao nó có hai mặt mà mình phải để ý đến, mặt ở bên ngoài và mặt ở bên trong. Hà Nội bây giờ bên ngoài họ giữ thái độ rất bình thường, hai bên có những cuộc thăm viếng, cũng nói những lời lẽ rất thân hữu, nhưng bên trong không phải là thiếu sự căng thẳng. Thành ra nếu mình nghĩ rằng thái độ của Việt Nam không chấp nhận được thì tôi nghĩ cái nhận xét đó cũng hơi quá nghiêm khắc.

Quan trọng là ở trong thái độ thật sự của Việt Nam thì hiện giờ mình thấy Việt Nam vẫn cố gắng trang bị thêm vũ khí và cũng rất cương quyết trong vấn đề bảo vệ đất đai, bảo vệ những gì mình có, nhất là cái kho tàng dầu hỏa ở dưới Biển Đông thì tôi nghĩ Việt Nam cũng không thể để lọt vào tay Trung Quốc một cách dễ dàng đâu. Hơn nữa, việc này khi liên quan đến năng lượng thì liên quan tới các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ, thành ra cái thế ngoại giao hiện giờ và cách hành xử của Việt Nam có thể thấy mình không thỏa mãn một chút nhưng mà tôi nghĩ rằng gặp cái thế như vậy thì phải hành xử như vậy.

Mặc Lâm : Xin cám ơn nhà nghiên cứu Trung Quốc – Trần Bình Nam.

Video: Tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
17/04/2012 11:25

Cuộc t/trận Mỹ-Phi chỉ là một v/dề gi/quyết. Xong vì tự do TMTPP xuyên TBD gấp rút mà các nước có liên quan phải ra tay thu nhỏ"Lưỡi Bò=Lưỡi Gà"và"Quân tử trả thù"37 năm"chưa muộn"là chủ đề chánh trong việc gi/quyết tr/chấp ở BĐ. Lần này, VNCH+VNCS+Phi...có dịp"hội đồng"hay"trả đũa"hoặc"dạy cho H/quân TC một bài học"Hỏa mù"trước thềm Dại hội đcsTQ và ch/giao qu/lực mà thôi!

Anonymous
17/04/2012 03:33

Sức mạnh Hải quân VN hơn Hải quân Philippin, nhưng VN không có lợi thế như Philippin. Cái thế của VN ngày nay là hậu quả tất yếu và bắt buộc, do bản chất, chủ trương, đường lối lãnh đạo đỉnh cao thiển cận của đảng, lệ thuộc Trung Cộng, và giao hảo thân thiết với tên cướp giả làm bạn. Trung Cộng đã, và đang bước tới ngày nuốt trọn Biển Đông mà VN là cánh tay nối dài, là đồng chí đàn em, và là công cụ đắc lực phục vụ cho Trung Cộng thực hiện tham vọng qua chiến tranh chống Pháp 1954, chống Mỹ 1975. Nay đảng đã dân đưa VN vào thế hoàn toàn bị nắm trọn quyền sinh sát trong tay Hổ Cầm Đao.

Anonymous
17/04/2012 04:42

La mot cong dan viet nam o trong nuoc toi hoan toan phan doi viec trung quoc lien tiep co nhung hanh dong don phuong vi pham trang tron chu quyen bien dao cua viet nam toi lay lam la voi phan ung cua chinh phu viet nam voi trung quoc chi cho nguoi phat ngon bo ngoai giao phan doi chay roi moi chuyen lai dau vao do theo toi viet nam can co hanh dong quyet liet nhu dua tau hai quan ra doi pho giong nhu philipphin da lam

Anonymous
17/04/2012 05:29

Lực lượng hải quân Việt nam có nhiệm vụ gì cho dân tộc và tổ quốc ? Lãnh đạo đảng cộng sản việt nam tại sao không đưa lực lượng hải quân ra biển đông để bảo vệ lãnh hải mà lại xúi giục ngư dân ra biển đông đánh bắt cá để bảo vệ chủ quyền ? tại sao? Ngư dân bị bắn chết, bị đánh đập, bị đòi tiền chuộc mạng sống, ai đứng ra chịu trách nhiệm trước sự sống còn của ngư dân...Những kẻ xúi dục ngư dân vào biển đông oan ức, kẻ đó sẽ bị nhân dân việt nam chà đạp xuống đấy bùn nhơ bẩn, lịch sử dân tộc nguyền rủa ngàn đời.......

Anonymous
18/04/2012 00:44

Nếu tôi không hiểu nhầm ý ông Trần Bình Nam, thì ông có ý nói rằng CSVN LUÔN LUÔN cố gắng bảo vệ bờ cõi. Vây ông Trần Bình Nam có thể giải thích những hiện tượng này không :
- Bắt trẻ Việt Nam học tiếng Tàu từ tiểu học (sau khi thấy không xong bèn nói trớ đi là chỉ dành cho người Hoa).
- Bỏ tù , đàn áp dã man những ai dám nói lên quan điểm chống Tàu như Việt Khang, Điếu Cầy, Bùi Hằng ....
- Công khai gắn thêm một ngôi sao vào cờ TC.
- Rước nhiều ngàn công nhân Tàu vào Tây nguyên. Cho chúng lập ra những “căn cứ bất khả xâm phạm” và treo một quả bom bùn đỏ không lồ trên mái nhà của đất nước.
- Cấm chiếu phim tài liệu nói về nỗi thống khổ của ngư dân Lý Sơn
- Ngăn cấm tưởng niệm chiến sĩ hy sinh để bảo vệ tổ quốc trước nạn xâm lăng phương bắc...

Anonymous
17/04/2012 14:59

Tôi nghĩ rằng VN là nước nhỏ, phải xử sự cho khéo, không thì sẽ nghèo mãi. Như một cô gái đẹp, phải sống dựa vào các đại gia, hết ông này đến ông kia (trước đây là Pháp, sau đó là Mỹ, Trung Quốc, Nhật). Đây tôi muốn nói về cái tầm vóc suy nghĩ của một dân tộc, nếu cứ hẹp hòi, thiển cận như mấy ông comment trên thì sẽ không bao giờ ngốc đầu lên được!