Báo cáo công nhân ở Sài Gòn giảm đình công: thực chất hay tô hồng?

RFA
2019.11.13
db0d246b-46dd-4fe6-837b-320a17f86dc0.jpeg Công nhân Công ty Pouyuen biểu tình, ngày 11/06/18 phản đối Dự luật Đặc khu.
RFA

Công nhân biểu tình giảm mạnh

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong công tác xây dựng quan hệ lao động giữa người lao động với doanh nghiệp, do Thành ủy TP.HCM tổ chức vào ngày 13 tháng 11, một báo cáo được công bố cho thấy từ năm 2008 đến năm 2018, số vụ đình công của công nhân trên toàn phạm vi của thành phố giảm mạnh.

Số liệu cụ thể được đưa ra trong báo cáo ghi nhận trong một thập niên qua đã xảy ra tổng cộng 1.022 vụ công nhân đình công ở TP.HCM, với gần 392 ngàn người tham gia. Trong đó gồm hai giai đoạn, từ năm 2008 đến năm 2013 có 737 vụ đình công (chiếm hơn 73% tổng số vụ) và từ năm 2014 đến năm 2018 số vụ đình công giảm xuống còn 285 vụ (chiếm 26% tổng số vụ). Số công nhân tham gia đình công cũng được ghi nhận giảm nhiều: hơn 289 ngàn người trong giai đoạn 1 (74%) và xấp xỉ 102 ngàn người trong giai đoạn 2 (26%).

Báo cáo ghi rõ một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình hình đình công của công nhân giảm mạnh là nhờ vào đối thoại giữa công nhân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và ổn định.

Bên cạnh đó, Chính quyền TP.HCM còn đưa ra một số nguyên nhân tác động đến tình hình quan hệ lao động trong phạm vi thành phố chuyển biến tích cực do bởi chính quyền làm tốt công tác trong vấn đề quan hệ lao động đối với doanh nghiệp và cả giới công nhân, như quan tâm chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động hay tạo nền tảng xây dựng quan hệ lao động ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Chính quyền TP.HCM còn khẳng định trong báo cáo rằng kết quả đạt được do hoàn thiện dần hệ thống pháp luật, vai trò của tổ chức công đoàn được phát huy, đặc biệt là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giúp cho giải quyết tranh chấp lao động có hiệu quả và ổn định tình hình lao động.

Nguyên nhân số vụ đình công giảm ở TP.HCM không phải là do điều kiện thay đổi, mà họ thành lập cả trăm chi bộ, gọi là công đoàn cơ sở. Những công đoàn cơ sở này không nhằm mục đích bảo vệ cho công nhân mà gồm có những công an, mật vụ, những người của Đảng cài cắm vô để kiểm soát công nhân, cho nên công nhân không có cơ hội để đình công. Những người nào tổ chức đình công thì họ tìm cớ để đuổi việc hay bắt bớ
-Ông Đoàn Huy Chương

Giảm mạnh do tăng cường đàn áp?

Liên quan kết quả báo cáo vừa nêu của Chính quyền TP.HCM, Đại diện của Phong Trào Lao Động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập, ông Đoàn Huy Chương, trong cùng ngày 13 tháng 11 lên tiếng với RFA về nhận định của ông:

“Thực chất ra không phải như họ nói. Những gì họ nói chẳng qua là họ ca ngợi về sự lãnh đạo tài tình của họ thôi, chứ công đoàn hiện nay không bảo vệ quyền lợi gì cho người công nhân hết.

Nguyên nhân số vụ đình công giảm ở TP.HCM không phải là do điều kiện thay đổi, mà họ thành lập cả trăm chi bộ, gọi là công đoàn cơ sở. Những công đoàn cơ sở này không nhằm mục đích bảo vệ cho công nhân mà gồm có những công an, mật vụ, những người của Đảng cài cắm vô để kiểm soát công nhân, cho nên công nhân không có cơ hội để đình công. Những người nào tổ chức đình công thì họ tìm cớ để đuổi việc hay bắt bớ.”

Ảnh minh họa: Một buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và đại diện của công nhân trong năm 2019.
Ảnh minh họa: Một buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và đại diện của công nhân trong năm 2019.
Courtesy: VGP News
Theo ghi nhận của Phong Trào Lao Động Việt thì kể từ sau ngày biểu tình phản đối hai Dự luật Đặc khu và An ninh mạng nổ ra hồi tháng 6 năm 2018, hàng trăm công nhân trên cả nước tham gia đợt biểu tình này đã bị bắt và truy tố. Ông Đoàn Huy Chương nhấn mạnh:

“Họ quy chụp những công nhân là những người ‘gây rối trật tự’ hay những người ‘phá hoại tài sản’ thì không bao giờ họ đăng báo, mà họ âm thầm tới bắt đi. Đặc biệt, ở ngay Công ty Pouyuen, trong Khu công nghiệp Tân Tạo thì có 130 người bị bắt, sau ngày biểu tình vào hôm mùng 10/06/18 kéo dài cho đến đầu tháng 1 năm 2019. Cái mà họ gọi là lập nên công đoàn cơ sở, đó là cánh tay nối dài của Nhà nước để kiểm soát người lao động không được biểu tình mà thôi.”

Luật vẫn như cũ!

Thạc sĩ Hoàng Việt, hiện giảng dạy tại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để đánh gia báo cáo của Chính quyền TP.HCM chính xác hay không thì cần phải xem xét báo cáo đó có đưa ra nguyên nhân khách quan không, số liệu thống kê có chính xác không? Trong trường hợp số liệu thống kê chính xác thì giải thích về nguyên nhân của sự thay đổi tình hình đình công giảm mạnh được chính xác hay không?

Về khía cạnh luật pháp, Thạc sĩ Hoàng Việt phản biện đối với Chính quyền TP.HCM khẳng đinh rằng hoàn thiện dần hệ thống pháp luật cũng như hình thành và dần phát huy hiệu quả một số thiết chế căn bản để xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp:

“Luật Việt Nam chưa có gì thay đổi trong lĩnh vực này cả thì lấy đâu ra chuyện doanh nghiệp thay đổi? Bộ luật Lao động từ năm 2012 đến giờ chưa có gì thay đổi hết, cho nên bảo có thay đổi thì tôi không biết là thay đổi từ đâu. Thế còn hành lang pháp lý của Việt Nam, tức là Bộ luật Lao động mới vẫn còn nằm trong thời gian tranh luận và trao đổi.”

Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết thêm:

“Theo quan điểm cá nhân thì tôi cho rằng ngay cá nhân tôi được tham dự một số hội thảo của Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội của Chính phủ Việt Nam tổ chức cũng như trong trường của tôi tổ chức để bàn luận cho Dự thảo Luật Lao động mới để phù hợp với tinh thần các công ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập và chuẩn bị gia nhập như CPTPP và EVFTA thì cho thấy một điều là vấn đề nổi cộm vẫn là về chất lượng của công đoàn. Đây là vấn đề chưa thể thay đổi được về bản chất. Chính vì vậy mà ngay trong các cuộc tranh luận cũng đã nhìn thấy điều đó và người ta thấy rằng cần có sự thay đổi về công đoàn.”

Trong Hiến pháp Việt Nam quy định là Công đoàn của Nhà nước là một tổ chức chính trị-xã hội, có nghĩa là có yếu tố chính trị trong đó. Thế nhưng, trong Dự thảo liên quan tới công đoàn độc lập thì yêu cầu không được dính dáng đến chính trị. Như thế đã cho thấy một điều không có sự bình đẳng. Vì vậy cho nên việc công đoàn thật sự độc lập và phát triển theo kiểu của phương Tây thì phải mất ít nhất khỏang độ vài chục năm ở Việt Nam mới có thể được như vậy, mà cũng chưa chắc được như vậy ngay
-Thạc sĩ Hoàng Việt

Đài RFA ghi nhận Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) mà Việt Nam ký kết, có yếu tố bị ràng buộc là phải chấp nhận cho công đoàn độc lập hoạt động, không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là sự bất bình đẳng giữa công đoàn của Nhà nước và công đoàn độc lập, theo như phân tích của Thạc sĩ Hoàng Việt:

“Vì ngay trong Hiến pháp Việt Nam quy định là Công đoàn của Nhà nước là một tổ chức chính trị-xã hội, có nghĩa là có yếu tố chính trị trong đó. Thế nhưng, trong Dự thảo liên quan tới công đoàn độc lập thì yêu cầu không được dính dáng đến chính trị. Như thế đã cho thấy một điều không có sự bình đẳng. Vì vậy cho nên việc công đoàn thật sự độc lập và phát triển theo kiểu của phương Tây thì phải mất ít nhất khỏang độ vài chục năm ở Việt Nam mới có thể được như vậy, mà cũng chưa chắc được như vậy ngay.”

Về phía người lao động, trong số hầu hết những công nhân từ Bắc vào Nam Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc được đều chia sẻ rằng công việc vất vả nhiều, nhưng đồng lương không trang trải đủ vì giá cả tăng cao do lạm phát. Hơn thế nữa, họ đang lo lắng trước đề xuất giảm 4 giờ làm việc trong tuần đối với người lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì họ được trả lương theo sản phẩm hoặc tính theo giờ công lao động, do đó đời sống có thể khó khăn hơn khi bị bớt giờ làm việc; mặc dù họ biết rằng đề xuất này “đảm bảo sự bình đẳng” cho người lao động trong khu vực sản xuất so với khu vực hành chính ở Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.