Hồn Đà Lạt sẽ mất sau quy hoạch?

Diễm Thi, RFA
2019.03.19
Untitled-1-Recovered Người dân Đà Lạt bắt đầu di tản hôm 23/3/1975.
AP

Đà Lạt nổi tiếng là thành phố thơ mộng với tiết trời se lạnh, bốn mùa hoa nở, nhà cửa xen kẽ với rừng thông, bây giờ không còn nữa sau nhiều lần quy hoạch. Đà Lạt bây giờ đã bị đô thị hóa, đã thay đổi quá nhiều trong trí nhớ của người Đà Lạt.

Bà Đức, hiện gần 80 tuổi chia sẻ với RFA ký ức của bà:

Tôi ở Đà Lạt từ năm 1967 và tôi rời Đà Lạt năm 1981. Tôi lên Đà Lạt sống vì tôi mê thành phố này, nó thơ mộng và rất đẹp. Đà Lạt đẹp lắm. Khí hậu lạnh nhưng dễ chịu.

35 năm sau tôi trở lại Đà Lạt, tìm lại chốn cũ thì hỡi ôi, mọi thứ thay đổi rất nhiều, những cảnh đẹp của Đà Lạt ngày không còn nữa. Họ xây dựng nhiều quá. Nhà cửa lô nhô cái cao cái thấp mất đi vẻ đẹp của ngày xưa rồi. Bây giờ tôi nghe thông tin nhà nước sẽ phá khu Hòa Bình và dời Dinh tỉnh trưởng thì tôi thấy buồn ghê lắm bởi vì nó là cái hồn của Đà Lạt, nó gắn với lịch sử hơn 100 năm của thành phố này. Nếu thay đổi nữa thì không còn là Đà Lạt. Đã lỡ thay đổi một ít rồi thì bây giờ phải giữ những gì còn lại.

Bản “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố hôm 15/3. Đồ án quy hoạch lần này sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo của khu trung tâm Hòa Bình. Rạp hát Hòa Bình sẽ được thay thế bằng 2 cụm kiến trúc cao từ 3 đến 5 tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng. Dinh tỉnh trưởng cũ sẽ là khu thương mại, dịch vụ cao cấp với cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi.

35 năm sau tôi trở lại Đà Lạt, tìm lại chốn cũ thì hỡi ôi, mọi thứ thay đổi rất nhiều, những cảnh đẹp của Đà Lạt ngày không còn nữa. Họ xây dựng nhiều quá. Nhà cửa lô nhô cái cao cái thấp mất đi vẻ đẹp của ngày xưa rồi. - Bà Đức

Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh ‘Việc công bố quyết định có ý nghĩa rất lớn trong việc quy hoạch, chỉnh trang, thiết kế, đầu tư phát triển khu vực trung tâm của TP Đà Lạt. Đây là điểm tụ hội của nhiều sự kiện quan trọng trong chiều dài lịch sử phát triển của thành phố, là điểm đến hằng ngày của người dân và du khách khi bước chân đến Đà Lạt.’

Ông Nguyễn Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nói rằng việc quy hoạch này thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh:

Tôi là bên quy hoạch Đà Lạt nhưng khu Hòa Bình thì lại thuộc Ủy ban tỉnh và Sở xây dựng. Họ không phá vỡ nhiều, họ vẫn cho tồn tại y như vậy, chỉ đào hầm xuống. Còn khu Dinh tỉnh trưởng thì mới làm cao lên tí xíu, làm 5 tầng.”

Với nhiều người dân Đà Lạt và một số kiến trúc sư từng sống ở Đà Lạt thì sự thay đổi này đã thực sự ‘giết chết’ Đà Lạt.

Anh Đoàn Triều Dương, người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt và hiện định cư tại Canada, vẫn nhớ như in Đà Lạt ngày xưa và sự thay đổi quá nhanh của nó những năm 2000:

“Trong thời gian em đi học năm 98, 99 thì Đà Lạt vẫn còn rất thơ mộng, vẫn còn rất nhiều thông với hoa dã quỳ nở vàng tháng 11. Đến năm 2000 em về thì thay đổi rất nhiều. Nhà cửa mọc lên san sát, cây cối bị chặt đi. Thành phố thành bê tông hết. Em nghĩ chắc do hai phần. Thứ nhất là do chính quyền quy hoạch đô thị không có ý thức bảo tồn thiên nhiên. Thứ hai là do người dân cuộc sống khá hơn, thích xây nhà cửa to hơn. Ngoài ra do công nghiệp du lịch, ai cũng muốn xây khách sạn cho thuê. Ý thức người dân cũng góp phần cho sự thay đổi này.”

Một nông dân đang tưới rau ở Đà Lạt.
Một nông dân đang tưới rau ở Đà Lạt.
AFP

Kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt, người gốc Đà Lạt hiện sinh sống ở Sài Gòn nhưng tình yêu với Đà Lạt thì vẫn nguyên vẹn. Với anh, Đà Lạt là thành phố rừng trong nhà, nhà trong rừng nên các công trình không được cao hơn đọt thông. Những dinh thự xưa đều lẫn trong cây thông. Nó đẹp, nó sang trọng và lộng lẫy bởi mật độ thoáng chứ không phải vì bê tông cốt thép. Anh cho biết Đà Lạt là thành phố được Pháp quy hoạch ngay từ ban đầu như một Paris thứ hai:

"Cái quy hoạch của thời Pháp là một thành phố nghỉ dưỡng và họ khống chế số lượng người lên Đà Lạt. Còn bây giờ cứ đất trống là xen cấy nhà cửa vô để đáp ứng lượng dân cư, do đó cái quy hoạch của người Pháp ngày xưa bị phá vỡ. Làm gì mà có thành phố nào được quy hoạch ngay từ ban đầu như vậy!”

Đà Lạt hiện là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng Cục Du Lịch thì tính đến giữa tháng 11/2018, thành phố du lịch này đã thu hút được 5,5 triệu lượt khách, đăng ký lưu trú hơn 4 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế chiếm gần 13%. Đà Lạt đặt ra chỉ tiêu thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch trong năm 2019, trong đó khách quốc tế đạt 14%.

Để thu hút khách du lịch đến thành phố thì các ngành chức năng cần mở rộng thành phố cũng như mở thêm những trung tâm mua sắm để phát triển kinh tế, nhưng phát triển mà vẫn giữ được nét thiên nhiên của Đà Lạt là điều mà cả du khách lẫn người dân ở đây mong đợi. Anh Dương nêu ý kiến của mình:

“Nếu có những chính sách hợp lý hay biện pháp chế tài thì Đà Lạt vẫn giữ được vẻ thiên nhiên. Em nghĩ họ không có tầm nhìn để hướng Đà Lạt. Nếu họ mở Đà Lạt theo những hướng khác thì vẫn giữ được khung cảnh thiên nhiên và giữ được rừng thông cả trong lẫn ngoài thành phố.”

Kiến trúc sư Lạc Việt có cùng suy nghĩ rằng nếu muốn phát triển như vậy thì có những vùng như Đức Trọng, vùng Đơn Dương vẫn cần những công trình và kéo dãn dân ra. Muốn hiện đại, muốn phát triển thì xuống đó làm, không việc gì phải phát triển đè lên những gì đã có. Nếu Đà Lạt được bảo tồn như vậy là tuyệt vời, đừng biến đất nông nghiệp thành đất xây dựng vì khi đất nông nghiệp thành đất xây dựng thì đó đã là đất chết, không thể trở lại thành đất cây xanh. Mà đất cây xanh mới mang lại cảnh quan. Nói nôm na là đừng chạy theo cái lợi trước mắt.

Trước năm 1975 có những kiến trúc sư nổi tiếng và trân trọng Đà Lạt nên đã đưa ra những công trình rất đẹp nhưng bây giờ bị phá đi rất nhiều. - KTS. Lạc Việt

Là một kiến trúc sư có kinh nghiệm, anh cho biết thông thường bản vẽ quy hoạch đã ký duyệt và đưa ra với tỷ lệ 1/500 thì có nghĩa sắp được triển khai. Anh nhận định:

“Khu Hòa Bình không nên cao tầng nữa bởi Đà Lạt vốn dĩ đã quá kẹt xe rồi, không thể nén thêm vào nữa. Nếu xây dựng theo bản vẽ đã đưa ra thì khi có lễ hội người dân chỉ đứng một chỗ chứ không có lối đi. Đà Lạt đã có siêu thị, có trung tâm mua bán, có rạp chiếu phim rồi đâu cần làm thêm nữa. Trước năm 1975 có những kiến trúc sư nổi tiếng và trân trọng Đà Lạt nên đã đưa ra những công trình rất đẹp nhưng bây giờ bị phá đi rất nhiều.”

Theo tài liệu "Đường phố Đà Lạt" được báo chí trích dẫn thì khu Hòa Bình là khu trung tâm Đà Lạt, nằm trên ngọn đồi cao hơn 1.494 m. Lúc đầu, trên vị trí rạp chiếu bóng Ba Tháng Tư ngày nay, có một ngôi chợ cất bằng cây gọi là "Chợ Cây".

Năm 1931, chợ bị cháy. Đến năm 1934, chợ Đà Lạt được xây dựng rộng 900 m2. Quảng trường trước chợ và đường quanh chợ gọi là Place du Marché (Quảng trường Chợ). Năm 1953, Place du Marché đổi là khu Hòa Bình. Xung quanh chợ là các cửa hiệu của người Việt, Hoa, Pháp và Ấn Độ.

Còn Dinh tỉnh trưởng nằm trên đồi thông, do người Pháp xây dựng khoảng trước năm 1910. Dinh trước đây từng là nơi sinh sống và làm việc của thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức (tên trước đây của tỉnh Lâm Đồng). Hiện nay, tòa nhà thuộc quản lý của Trung tâm văn hóa Lâm Đồng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.