Đô thị thông minh, có thành công hay lại đầu voi đuôi chuột?

RFA
2018.08.08
000_Hkg4825908.jpg Hình chụp hôm 11/4/2011: thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ bên kia sông Sài Gòn
AFP

Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc mới phê duyệt đề án phát triển đô  thị thông minh bền vững VN giai đoạn 2018-2025, hướng đến năm 2030.

Theo đề án này, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng xong nền tảng pháp lý và tiến hành các khâu chuẩn bị từ cơ sở dữ liệu  cho đến mô hình quản lý dân cư, giao thông, đất đai,…

Đến năm 2025, mục tiêu chính phủ Hà Nội đề ra là thực hiện giai đoạn 1 thí điểm đô thị thông minh và đến năm 2030 sẽ triển khai nhân rộng hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho RFA biết một số thông tin về việc xây dựng đô thị thông minh ở VN:

Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ đang đưa các đoàn sang Mỹ và một số nơi để học mô hình đô thị thông minh. Cái chính là trong quá trình phát triển đô thị thông minh ở VN bây giờ, nhất là những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh rất đông dân, hơn 10 triệu dân nên tất cả các vấn đề rất phức tạp. Hơn nữa lại là thời kỳ mình chưa có kinh nghiệm phát triển đô thị nên từ đường sá đến nhà cửa, rất nhiều cái mình còn làm chắp vá.

Bây giờ mình đưa ra tiêu chí đô thị thông minh để mình có cái hướng tới công tác quản lý đô thị phải được nâng lên một bước.

Tức là không phải làm đô thị thông minh như ở các nước, chẳng hạn như Canberra cũng đang hướng tới đô thị thông minh nhưng VN chúng ta hướng tới đô thị thông minh để bắt đầu xác định dần các tiêu chí để hướng tới cái đó.

Nhưng ở thời điểm này, và trong tình trạng đất nước mình bây giờ nếu đưa vào ngay cả ở thành phố lớn thì tôi vẫn e rằng có gì đó vẫn còn khập khiễng.
- TS. Nguyễn Thị Hậu

Cơ quan chức năng TP.HCM hồi tháng 4 vừa rồi đã họp liên quan đến việc phát triển đô thị thông minh và đưa ra ý kiến VN không nên theo bất cứ mô hình đô thị thông minh nào trên thế giới mà nên “liệu cơm gắp mắm” theo tình hình trong nước. Ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết thêm:

Ví dụ như quản lý thông tin địa lý là điểm rất quan trọng, quản lý cấp nước, cấp điện,… tất cả hướng đến một giải pháp hiện đại hơn. Những điều này nếu làm tốt thì thành phố sẽ hoạt động tốt hơn và nói một cách khác nó thông minh hơn.

Đó là chủ trương của thành phố và bây giờ cũng đang tập trung làm, nhưng không phải làm toàn bộ mà đang chọn một số lĩnh vực có thể tiếp cận được một cách tương đối dễ và không tốn kém chi phí quá. Nếu từng phần làm tốt được thì tự động đô thị sẽ thông minh hơn hiện nay.

Tôi nghĩ từng bước cũng có thể làm được, nhưng con đường dài còn khó khăn bởi vì nền tảng còn đang rất sơ sài.

Hiện chưa có một định nghĩa cụ thể cho đô thị thông minh nhưng có thể hiểu là mô hình lấy công nghệ thông tin làm trọng tâm, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn sống của đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Chất lượng phục vụ của chính quyền là một trong những tiêu chí căn bản nhất của mô hình đô thị thông minh. Kể từ năm 2010 khi lần đầu tiên khái niệm đô thị thông minh được đưa về VN đến nay đã 8 năm, các thành phố lớn vẫn đang loay chưa xong việc xây dựng chính quyền điện tử, tức là mọi thủ tục hành chính cho người dân đều được thực hiện qua Internet.

Theo các chuyên gia Hà Lan, để được công nhận là một thành phố thông minh thì phải đáp ứng đủ 5 yếu tố là sử dụng năng lượng thông minh, giao thông thông minh, chính phủ thông minh, giáo dục thông minh và chăm sóc sức khỏe thông minh. Tất cả đều dừa trên những ứng dụng công nghệ điện tử, tin học hiện đại.

Hình chụp hôm 12/8/2016: một nhà tập thể xây kiểu Liên Xô cũ ở Hà Nội
Hình chụp hôm 12/8/2016: một nhà tập thể xây kiểu Liên Xô cũ ở Hà Nội
AFP

Trong khi đó ở VN, kể cả ở các thành phố lớn, các chuyên gia trong nước đã chỉ ra nhiều bất cập như giáo dục còn lạc hậu, y tế thì bệnh viện luôn quá tải, nền tảng hạ tầng kỹ thuật chung cũng còn nhiều vấn đề như thiếu nước sinh hoạt, ngập úng, rác thải, ô nhiễm môi trường. Một nghiên cứu của Đại học Yale, Mỹ cho biết VN là một trong 10 quốc gia ô nhiễm không khí nhất trên thế giới.

Đây cũng là những vấn đề được Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nêu lên:

Ở VN, cứ trào lưu nào trên thế giới xuất hiện thì sớm muộn cũng xuất hiện ở VN, đặc biệt qua tuyên truyền và các văn bản của Nhà nước. Nếu nói về xu hướng phát triển của thế giới trên văn bản thì phải nói rằng chúng ta làm rất nhanh. Nhưng từ lý thuyết đến triển khai vào thực tế luôn có hiện tượng không phù hợp lắm trong thực tế.

Đứng trên góc độ nghiên cứu về văn hóa tôi thấy rằng xu hướng đô thị thông minh trên thế giới là đúng đấy và nhiều nước họ đã thành công. Nhưng ở thời điểm này, và trong tình trạng đất nước mình bây giờ nếu đưa vào ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì tôi vẫn e rằng có gì đó vẫn còn khập khiễng.

Trước đây VN cũng nhiều lần “nhập khẩu” trào lưu của thế giới từ giáo dục đến công nghệ thông tin hay kinh tế nói chung. Chẳng hạn như mô hình giáo dục VNEN vốn rất thành công ở Mỹ Latinh nhưng khi đưa về VN đã thất bại. Hay cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng đang được VN học từ nước ngoài, mô hình nông thôn mới, hay thậm chí mô hình đặc khu kinh tế đang bị người dân phản đối cũng bắt nguồn từ nước khác.

Tôi nghĩ từng bước cũng có thể làm được, nhưng con đường dài còn khó khăn bởi vì nền tảng còn đang rất sơ sài.
-Ông Nguyễn Trọng Hòa

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cũng cho rằng VN sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi xây dựng mô hình đô thị thông minh:

Ví dụ về giao thông, mình vẫn còn nhiều xe máy, ít phương tiện cộng cộng. Để làm đô thị thông minh mình hướng tới giao thông công cộng nhiều lên, giảm bớt phương tiện cá nhân, từ xe máy đến ô tô. Bây giờ mình đã có xe buýt rồi nhưng mình kết nối tốt hơn, như vậy là thông minh hơn. Nếu kết nối chưa tốt thì đi lại khó khăn, người dân không thiết tha với xe buýt lắm.

Còn theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Chính phủ Hà Nội sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn là nguồn nhân lực:

Theo tôi hiểu đô thị thông minh phải dựa trên nền tảng Internet phát triển. Tất cả các dữ liệu và phương thức quản lý của mình phải dựa trên sự phát triển của Internet, từ đó phải có phương thức quản lý cho phù hợp. Quản lý xã hội, phát triển hạ tầng và quy hoạch đô thị, và đặc biệt vấn đề liên quan đến an sinh của con người.

Nói đến công nghệ 4.0 hay kể cả đô thị thông minh tôi cho rằng vấn đề cơ bản nhất là không thể coi máy móc thay thế con người mà những phương tiện hiện đại đó để phục vụ cho những con người đang quản lý thôi. Vậy thì điều quan trọng là những con người đó có đáp ứng được sự phát triển của mặt kỹ thuật hay không?

Một vấn đề nữa Tiến sĩ Nguyễn Thị Hâu nêu ra đó là trong tất cả các văn bản liên quan đến cái gọi là đô thị thông minh của chính quyền, không thấy nêu đối tượng được quản lý cụ thể là ai. Khi chưa xác định được đối tượng cộng đồng con người mà chính quyền đó quản lý thì bà e rằng đô thị thông minh cũng chỉ dừng lại ở phần máy móc, trang thiết bị đầu tư thôi, còn sẽ rất khó đi vào thực tiễn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.