Tình tự quê hương trong văn chương Võ Phiến
2008.07.06
Trong chương trình Văn học Nghệ thuật tuần trước, chúng tôi đã giới
thiệu nhà văn Võ Phiến và những đóng góp của ông trong kho tàng văn học nghệ
thuật Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua với hàng trăm tác phẩm.
Những hạt ngọc trong đời thường
Nhà văn Võ Phiến đến với người đọc rất sớm, từ đầu thập niên 1940, những bài viết của ông đã xuất hiện đây đó trên nhiều tờ báo. Và cũng bắt đầu từ đó cho tới gần sáu mươi năm sau, Võ Phiến đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm đủ loại trong đó thể loại mà ông được độc giả yêu mến nhất là tùy bút.
Tuần này chúng tôi xin giới thiệu một góc sáng tác mang nặng tình tự của ông đối với quê hương, không phải chỉ khi ra nước ngoài mới có, mà đã xuất hiện từ lâu trong nhiều tác phẩm của ông thời kỳ trước 75 lúc chưa lưu lạc.
Tuỳ bút của Võ Phiến được xem là tiêu biểu cho một phong cách riêng, là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của thể loại tuỳ bút. Nói đến tuỳ bút Việt Nam thì người ta không thể không nhắc tới Võ Phiến.
Nguyễn Hưng Quốc
Nhà văn Võ Phiến đi nhiều, từ thời gian còn trong nước cho đến khi ra hải ngoại. Đi đến đâu ông cũng đều tỉ mẩn ghi chép lại những chi tiết xảy ra chung quanh và chọn lọc những gì nổi bật nhất.
Qua ngòi bút của Võ Phiến, các chi tiết tưởng chừng như vô bổ đôi khi lại vỡ ra những hạt ngọc bí ẩn mà trong đời thường nếu không chú ý bằng một đôi mắt sắc sảo sẽ không dễ dàng phát hiện.
Nói về thể loại tùy bút của ông, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nhận xét:
"Nhìn một cách tổng quát, trường hợp của Võ Phiến thì từ truyện dài đến truyện ngắn sau rất nhiều năm nhiều người vẫn còn khen là đọc được và vẫn còn thấy là hay, tuy nhiên, võ phiến được khen ngợi nhiều nhất vẫn là ở thể tuỳ bút.Tuỳ bút của Võ Phiến được xem là tiêu biểu cho một phong cách riêng, là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của thể loại tuỳ bút. Nói đến tuỳ bút Việt Nam thì người ta không thể không nhắc tới Võ Phiến, cũng như không thể không nhắc đến Nguyễn Tuân hay Thạch Lam thuộc thế hệ trước của ông.
Riêng trong lãnh vực phê bình và biên khảo, dù lúc nào Võ Phiến cũng khiêm tốn tự cho mình là người ngoại đạo, nhưng rõ ràng là ông có rất nhiều cống hiến. Ông viết nhiều và viết hay.
Ở Miền Nam trước đây, Võ Phiến là một trong những người đầu tiên giới thiệu phong trào tiểu thuyết mới ở Pháp. Ông cũng là người đầu tiên tìm hiểu ảnh hưởng của khẩu ngữ và của văn hoá đại chúng trong vòng Miền Nam mà cũng là của Việt Nam nói chung."
Cách nhìn những sự việc diễn ra trong đời sống của Võ Phiến khiến người ta liên tưởng đến ánh mắt của một con mèo đang chờ mồi, kiên nhẫn và bén ngót. Con ngươi không lay động khi chiếu vào sự việc của Võ Phiến như thôi miên người đọc, ông khiến người ta nín thở bằng cách nhìn của ông và đôi mắt ấy đã nhìn thay người đọc, cảm giác thay cái cảm giác mà ai cũng phải cảm thấy khi được chứng kiến cảnh mà anh Năm Hà chứng kiến trong truyện "Nhớ Làng" sau đây:
“Một hôm, giữa trưa, anh từ ngoài đồng về bất thình lình, trông thấy cửa buồng đóng kín. Anh lắng tai nghe: có tiếng động bên trong. Anh Năm Hà choáng váng, bỗng nhiên đâm quýnh, vừa thấy mình cần phải có một hành động lại vừa không biết mình phải làm gì.
Bất giác anh áp mặt vào cánh cửa, cố nhìn qua một khe hở. Không trông thấy được gì: khe cửa nhỏ quá. Anh xoay trở, nghiêng đầu sang bên này, ngoẻo sang bên kia.
Cuối cùng anh trông thấy. Chỉ thấy được một khoảng nhỏ xíu thôi. Anh Năm Hà thấy một bàn chân đàn bà đang nằm, bàn chân của chị ấy. Trên mặt chiếu, bàn chân xuôi xuống, cố hết sức chúc mũi xuống, như kiễng chân nhón gót. Bốn ngón chân quắp xuống, còn ngón chân cái thì rướn cong lên. Nó rướn cong, ôi chao, quá sức nó, làm nổi cao một sợi gân.
Trời, ngón chân cái, nó rướn cong như cái đuôi con chuột trong cơn hấp hối, bị kẹp nát đầu trong chiếc bẫy, cái đuôi oằn lên trước khi con vật chết hẳn... Anh Năm Hà cuống cuồng, run bấn. Cái gì vậy?
Trước mặt anh, ngón chân cái oằn lên... Anh Năm Hà nghẹn cứng ngang cổ, không thở được nữa. Cuối cùng, cổ phát ra một tiếng hực, rồi nước mắt anh tuôn ra...”
Võ Phiến diễn tả trạng thái của Năm Hà với ánh mắt vừa thương vừa
giận. Anh Năm Hà là một nhân vật đáng thương trong làng của Võ Phiến. Anh ta
cũng là hình ảnh của một thời kỳ ly tán mà cả làng của nhà văn gặp phải.
Gắn bó với làng quê VN
Ngoài anh Năm Hà ra Võ Phiến còn nhiều người khác nữa để giới thiệu với chúng ta. Tuy nhiều nhưng thực ra Võ Phiến chỉ đưa ra một vài nhân vật để miêu tả những nét chung mà ông gắn bó.
Võ Phiến gắn bó với làng quê của ông một cách chung thủy đến kỳ lạ. Từ những năm còn trong nước, khi đang hít thở không khí của Sài Gòn thì ông nhớ Bình Định, nơi làng quê của ông.
Và rồi bỏ xứ chạy đi qua tới Mỹ ông lại tiếp tục nhớ làng nhớ quê, và nỗi nhớ này có khi làm người đọc ông cảm thấy bấn loạn nếu cùng cảnh ngộ với ông. Người đọc cảm thấy chữ nghĩa của ông hình như chỉ dành để mà diễn tả mối cảm tình da diết đối với một kỷ niệm nào đó nhưng lại ăn sâu đến một nếp sống mà ông từng trải qua.
Hãy nghe ông nói về cách thử nước mắm của gia đình ông, mà hình như cũng là của hàng vạn gia đình tại Miền Trung gắn liền với thói quen này. Ông nhẩn nha đọc lại chính xác những hình ảnh cả gia đình quây quần bên chị bán nước mắm với những chi tiết bất ngờ thú vị:
“Ngày ấy mỗi lần có gánh nước mắm bán dạo ghé vào nhà là cả một sự xôn xao. Bởi vì thường thường không một ai trong gia đình mà đủ tự tin vào tài nội trợ của mình để có thể một mình kiêu hãnh quyết định về giá trị một thứ nước mắm.
Người bán nước mắm cùng chiếc gáo nhỏ xíu làm bằng sọ quả dừa xiêm đẹt, chỉ lớn hơn thứ gáo của bạn hàng dầu vốn làm bằng sọ quả mù u, lớn hơn một chút thôi. Người hàng mắm vục gáo vào "thõng", múc lên lưng gáo, rót một tí vào cái chén con sạch sẽ, đưa mời.
Cô tôi đón lấy chén, đưa lên mũi, ngửi qua. mắt nhìn ngưng lại giữa khoảng không, ngẫm nghĩ, thẩm định... Xong, một cách thận trọng, cô mới le lưỡi nhắm tí nước mắm. Rồi lặng lẽ trầm tư, cô trao cái chén về phía thím tôi.
Nhưng bà tôi sốt sắng, nóng nẩy, đã vội vàng đưa tay vẫy gọi. Và thím chuyền ngay chén mắm sang bà. Lại ngửi, lại nếm. Sau đó đến lượt thím tôi: lại ngửi, lại nếm...
Nhà văn Võ Phiến không muốn chúng ta nghĩ rằng ông cổ vũ cho việc thử nước mắm. Ông dẫn người đọc đến một ý khác. Ý hướng lo sợ những thú vui nho nhỏ làng quê sẽ mất đi trước sự tấn công của nền văn minh ăn uống.
Ông diễn tả những cô gái từng thử nước mắm ở Bình Định, một hôm vào đến Cà Mau đòi thử nước mắm ở một thùng liều nào đó thì sự thể như thế nào? ông viết:
Tôi đã nghĩ đến sự bối rối của các cô có một hôm vào xem một xưởng nước mắm ở Cà Mau. Còn người chủ xưởng thì cười ngất về sự bối rối đó:
-Nếm mắm? Bây giờ có ai mua bán kỳ cục như vậy đâu?
Tôi sững sờ, nghệch người ra. Con người quê kệch tha hồ trải qua bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời của thời đại vẫn không hề tưởng tượng rằng cái món nước mắm gần gũi hàng ngày đã trải qua những biến thiên ghê gớm như thế.
Khi từ bỏ quê hương đến gia nhập vào xứ lạ, di dân thường rời bỏ y phục cổ truyền và ngôn ngữ dân tộc trước, rồi sau cùng mới chịu quên đi các món ăn dân tộc. Còn như chúng ta, chúng ta chẳng phải lưu lạc đi đâu, sống ngay trên đất nước, thế mà...
Võ Phiến
Bây giờ bậc thang giá trị của nước mắm được quy định căn cứ trên chất đạm. Bây giờ không còn có thứ nước mắm thơm hơn thơm kém, thứ nước có hậu và không có hậu v..v..chỉ có những thứ nước bảy chất, tám chất, mười chất, mười ba chất...
Mỗi chất là một phần trăm chất đạm: đưa chuyên viên phân tích xong, căn cứ vào giá biểu xem mỗi "chất" giá bao nhiêu. Làm một bài toán nhân thế là xong. Việc gì có chuyện nếm với ngửi trong đó?
Người Việt Nam mất đi cái tinh tế đối với nước mắm mà lạ ư? Không đâu. Trong cái ăn uống của dân tộc đã có những thay đổi động trời hơn nữa....
Khảo sát những xã hội gồm nhiều giống dân di cư đến, như xã hội
Hoa Kỳ, người ta để ý thấy một khi từ bỏ quê hương đến gia nhập vào xứ lạ, di
dân thường rời bỏ y phục cổ truyền và ngôn ngữ dân tộc trước, rồi sau cùng mới
chịu quên đi các món ăn dân tộc. Còn như chúng ta, chúng ta chẳng phải lưu lạc
đi đâu, sống ngay trên đất nước, thế mà...
Thế mà...
Hai chữ "thế mà" lững lơ của nhà văn như một lời tiên tri, bốn năm sau, vào năm 1976, khi nhà văn ngồi tại Mỹ cô độc, nhìn ngắm những thú vui mới của người Việt xa quê, ông thao thức với những câu hỏi mà mới nghe qua ai cũng chau mày, xót ruột:
Giữa cảnh vật ấy, thỉnh thoảng Việt kiều gặp Việt kiều. Bà con nhìn nhau, thường thường cùng ngấm ngầm một cảm tưởng: "Tiếc quá! Thế này mà không phải là quê hương ta!"
Phải chi cảnh đẹp đẽ và thanh bình này mà "ở ta" thì cái thú thưởng ngoạn mới đậm đà ngây ngất đến đâu! Ở ta thì có cảnh lại có tình, có cái lộng lẫy của hiện tại còn có các kỷ niệm của quá khứ lẩn quất. Cho nên thú ngoạn cảnh lại càng thấm thía.
Còn như không ở ta, cảnh vật tự trình diễn trước những con mắt thán phục mà bỡ ngỡ. Trên bãi cỏ này, sườn đồi này, khúc sông kia, chúng ta chưa kịp có một kỷ niệm nào cả. Cho nên cảnh không có tình.
Đi trên bờ sông Mississippi, nghĩ tới Mark Twain. Nghe nói ông ta yêu sông Mississippi. Tha thiết với sông, lấy một âm thanh từ cái sinh hoạt của hạng người làm ăn sinh sống trên sông mà làm bút hiệu.
Còn chúng ta ngày nay, yêu sông chỉ biết giương mắt mà nhìn sông chứ đã biết đâu cái sinh hoạt trên sông Mississippi, như biết giọng hò điệu hát trên sông Hương, sông Đồng Nai, sông Ông Đốc v..v...Yêu cảnh mà không biết đến cuộc sống trong khung cảnh ấy thì làm sao yêu thắm thiết?
Thế nhưng, nghĩ đến một ngày kia khi chúng ta đã thâm nhập vào cuộc sống xứ này đến cái độ không còn mỗi lúc mỗi hồi tưởng về những kỷ niệm ở quê hương... có cái ngày ấy chăng? Dù sao chỉ nghĩ tới đã thấy xót xa.
Võ Phiến xứng đáng là một nhà văn lớn. Ông xứng đáng được độc giả yêu thương như họ đã từng yêu thương làng quê thân thiết.
Văn chương của Võ Phiến dẫn người ta về nguồn bất kể họ đang ở đâu trong hay ngoài nước, vì ở đâu ông cũng canh cánh một nỗi niềm ly hương ngay khi còn sống trong chính mảnh đất của mình: Quê hương Bình Định.