Công an ngăn cản thành viên YSEALI gặp Tổng thống Obama tại Sài Gòn

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2016.05.26
000_B6505-622.jpg Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp gỡ các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á - YSEALI tại GEM Center ở Sài Gòn vào ngày 25 tháng 5 năm 2016.
AFP

Một thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á- YSEALI, bạn Trần Hoàng Phúc, vào ngày 25 tháng 5 có giấy mời tham dự buổi gặp gỡ với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại GEM Center ở Sài Gòn; tuy nhiên bạn này bị an ninh bắt đi làm việc không cho tham dự.

Xâm phạm đời tư

Gia Minh hỏi chuyện bạn trẻ Trần Hoàng Phúc và trước hết bạn kể lại:

Trần Hoàng Phúc: Họ bắt tôi ngay GEM Center trước mặt các cơ quan an ninh của Hoa Kỳ và họ đưa tôi lên xe về công an phường 15, quận Tân Bình. Tại đó họ hỏi tại sao nhận được thư mời, rồi việc sinh hoạt trong tổ chức YSEALI như thế nào, cơ cấu hoạt động của YSEALI cũng như người lãnh đạo, người điều hành, trụ sở ở đâu, kinh phí thế nào. Nói chung họ muốn tìm hiểu về YSEAL, mọi chi tiết nhỏ nhất họ cũng muốn tìm hiểu.

Họ tìm hiểu về mối quan hệ của tôi với Cơ quan Lãnh sự: quan hệ với ai trong đó, như thế nào. Tuy nhiên tôi cho rằng đây là quan hệ cá nhân với cơ quan lãnh sự cũng như tổ chức YSEALI nên tôi đã từ chối tất cả những câu hỏi đó với lý do xâm phạm đời tư của tôi.
-Trần Hoàng Phúc

Sau đó họ tìm hiểu về mối quan hệ của tôi với Cơ quan Lãnh sự: quan hệ với ai trong đó, như thế nào. Tuy nhiên tôi cho rằng đây là quan hệ cá nhân với cơ quan lãnh sự cũng như tổ chức YSEALI nên tôi đã từ chối tất cả những câu hỏi đó với lý do xâm phạm đời tư của tôi.

Gia Minh: Cuộc bắt giữ kéo dài trong bao lâu?

Trần Hoàng Phúc: Từ lúc 8:40 phút sáng cho đến 15 giờ chiều.

Gia Minh: Sau khi được ra, Trần Hoàng Phúc có thông báo cho đơn vị mời và đơn vị mà an ninh hỏi về mối quan hệ là Lãnh sự Hoa Kỳ để trình bày sự việc không?

Trần Hoàng Phúc: Sáng nay tôi đã gửi một bức mail nhưng hiện tại họ chưa trả lời.

Gia Minh: Báo chí chinh thống của Nhà nước Việt Nam loan tin về cuộc gặp của tổng thống Barack Obama với khoảng 800 người, trong đó có những thành viên YSERALI, bản thân có theo dõi hay không và nhận đĩnh thế nào về cuộc gặp đó?

Trần Hoàng Phúc: Vì bị bắt giữ nên tôi không theo dõi trực tiếp được buổi đó; tuy nhiên tôi có đọc báo và theo dõi qua các kênh khác. Tôi thấy rằng buổi đó có giúp thêm cho các bạn sinh viên Việt Nam có thêm động lực và tinh thần, tuy nhiên những câu hỏi đó vẫn chưa đi vào chủ đề chính và vẫn chưa làm nổi bật lên những vấn đề mà thực tại đất nước ta đang đối mặt như vấn đề ô nhiễm môi trường hay những vấn đề liên quan đến dân sinh vẫn chưa được đề cập đến.

Giấy mời của bạn Trần Hoàng Phúc đến dự buổi gặp gỡ của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama với các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á - YSEALI tại GEM Center ở Sài Gòn vào ngày 25 tháng 5 năm 2016. Courtesy photo.
Giấy mời của bạn Trần Hoàng Phúc đến dự buổi gặp gỡ của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama với các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á - YSEALI tại GEM Center ở Sài Gòn vào ngày 25 tháng 5 năm 2016. Courtesy photo.

Gia Minh: Bản thân là người được mời thì bạn có chuẩn bị điều gì để trình bày tại cuộc gặp so với những điều mà bạn vừa nhận định qua báo chí Việt Nam thông tin?

Trần Hoàng Phúc: Tôi có chuẩn bị một thỉnh nguyện thư gửi cho tổng thống Obama bàn về các vấn đề đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam, vấn đề tham nhũng và minh bạch ngân sách. Ngoài ra tôi cũng có dự định hỏi ông Obama về phương hướng và cách giải quyết của Hoa Kỳ như thế nào khi Hoa Kỳ gặp một thảm họa thiên nhiên như vừa rồi vừa rồi chúng ta thấy cá chết tại Hà Tĩnh; tôi rất mong ông Obama chia sẻ và có những quan điểm, chính kiến của ông ấy ngay tại hội trường đó. Tại vì thỉnh nguyện thư đã gửi cho Nhà Trắng cách đây 1 tháng và được 100 ngàn chữ ký rồi.

Gia Minh: Chuyến đi của ông Obama (đến Việt Nam) kết thúc rồi, nhưng là người mong muốn đuộc gặp vị Tổng thống nước Mỹ, vậy đánh giá của bạn đối với cuộc làm việc trong ba ngày đó của ông ta tại Việt Nam?

Trần Hoàng Phúc: Ông Obama đến Việt Nam trong ba ngày đã rạo ra làn sóng ủng hộ ông rất nhiều ở Việt Nam. Qua đó chúng ta thấy được rằng mối quan hệ giữa người dân Việt Nam và người dân Hoa Kỳ đang gắn kết với nhau. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng về phía bên Nhà nước vẫn chưa có sự niềm nở nhất định đối với ông Obama.

Theo tôi nghĩ Tổng thống Obama dành thời gian 3 ngày (thăm Việt Nam) là quá ít để có thể nói rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đang dần dần có mối quan hệ đồng minh.

Vi phạm pháp luật

Gia Minh: Được biết bản thân Phúc bị cấm xuất cảnh và bị cấm tham gia những sinh hoạt như hôm ngày 25 tháng 5, điều đó gây ra trở ngại gì cho bản thân một người trẻ như Phúc?

Tôi nghĩ quyền thì mình cứ làm còn việc xâm phạm đó là việc của họ. Nếu như mình sợ và không làm quyền của mình, thì đó là một hình thức mà mình vô tình nói với họ là mình từ chối quyền công dân của mình.
-Trần Hoàng Phúc

Trần Hoàng Phúc: Tôi nghĩ điều đó ảnh hưởng trước hết với một người trẻ có mong muốn ra nước ngoài để mở rộng những hiểu biết; việc ngăn cấm như vậy cản trở việc tiếp thu kiến thức của tôi cũng như những bạn khác đang bị cấm.

Ngoài ra việc cản trở quyền đi tham dự những sinh hoạt hợp pháp như vậy cũng là một việc làm vi phạm pháp luật. Cụ thể họ đã vi phạm những điều trong Hiến pháp về quyền tự do hội họp của người dân.

Gia Minh: Trước sự vi phạm như vậy thì Phúc sẽ làm gì để đòi hỏi lại những quyền bị vi phạm như thế?

Trần Hoàng Phúc: Tôi nghĩ quyền thì mình cứ làm còn việc xâm phạm đó là việc của họ. Nếu như mình sợ và không làm quyền của mình, thì đó là một hình thức mà mình vô tình nói với họ là mình từ chối quyền công dân của mình.

Gia Minh: Những việc làm của bản thân có được gia đình và bạn bè đồng trang lứa chia sẻ ra sao?

Trần Hoàng Phúc: Gia đình tôi hoàn toàn đồng ý với những việc làm như gặp mặt với tổng thống Obama hay sinh hoạt với Cơ quan Lãnh sự.

Gia Minh: Còn những việc làm khác; cũng như chuyện an ninh cấm xuất cảnh được chia sẻ thế nào?

Trần Hoàng Phúc: Mọi người xung quanh tôi thấy rất ngạc nhiên và rất bất bình về những việc làm như cấm xuất cảnh như vậy.

Gia Minh: Vừa qua ông Obama đến Sài Gòn, ở đó nhiều bạn trẻ cùng trang lứa và nhiều người khác như báo chí mô tả là xuống đường đón ông Obama, bạn đánh giá sự kiện đó thế nào?

Trần Hoàng Phúc: Tôi nghĩ đây là sự kiện lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của người dân đối với phía Hoa Kỳ; đặc biệt tình cảm của họ dành cho ông Obama.

Điều này hoàn toàn trái ngược quan điểm của người dân với Trung Quốc, cụ thể đối với Tập Cận Bình. Ở đây chúng ta thấy hai hình ảnh tương phản giữa một bên là lòng dân đối với Hoa Kỳ và một bên là lòng dân đối với phía Trung Quốc.

Gia Minh: Cám ơn bạn trẻ Trần Hoàng Phúc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.