Ðiều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ về công tác cứu trợ nạn nhân thiên tai Katrina thuộc cộng đồng Mỹ gốc Châu Á


2005.10.01

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Chiều thứ Năm 29, tại buổi điều trần ở hạ viện Hoa Kỳ về công tác cứu trợ của chính phủ Mỹ đối với nạn nhân thiên tai Katrina thuộc các cộng đồng Mỹ gốc Châu Á, hầu hết các đại biểu người Mỹ gốc Việt đều cho rằng Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp Liên Bang và Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ đã quá chậm và thiếu hữu hiệu trong việc trợ giúp cho các cộng đồng Mỹ gốc Á nói chung và người Mỹ gốc Việt nói riêng tại những vùng bị bão tàn phá. Thanh Trúc có mặt tại chổ để ghi nhận chi tiết và tường trình đến quí vị sau đây:

VNKatrinaHouston200.jpg
Chị Thao Tran và các con tạm trú tại Hội Thánh Tin Lành ở Houston, Texas. AFP PHOTO/Stan HONDA

Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp Liên Bang Mỹ, gọi tắt là FEMA, và Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ là hai tổ chức quan trọng của chính phủ Mỹ với trách nhiệm cứu trợ khẩn cấp khi đất nước bị thiên tai.

Thế nhưng sau khi bão Katrina cách nay ba tuần rồi gần đây là Rita quét qua những tiểu bang vùng Vịnh mà nơi bị nặng nhất là bang Louisiana rồi đến bang Mississipi, thì FEMA lẫn Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ liên tục bị chỉ trích là không mang tới sự cứu trợ hữu hiệu cho những nạn nhân màn trời chiếu đất mất hết tài sản tại những vùng bị tàn phá nặng.

Các cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu, trong đó có cộng đồng Mỹ gốc Việt, cũng chịu chung số phận, nghĩa là được trợ giúp quá muộn hoặc không được ủy lạo tới nơi tới chốn.

Mục đích buổi điều trần

Đó là lý do mà chiều thứ Năm 19 vừa qua, đại diện của Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp Liên Bang FEMA và đại diện Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ được mời tới hạ viện để nghe buổi điều trần về những thử thách và những hoàn cảnh khó khăn mà nạn nhân thiên tai người Mỹ gốc Châu Á phải gánh chịu sau cơn bão Katrina.

Mục đích thứ nhì của buổi điều trần là yêu cầu chính phủ Mỹ thực hiện những sự trợ giúp cần thiết, đặc biệt và nhanh chóng hơn đối với nhân thiên tai người Mỹ gốc Châu Á.

Buổi điều trần do hai vị Dân biểu tiểu bang Michael Honda của của California và Al Green của Texas, phối hợp cùng các đoàn thể Mỹ gốc Châu Á như Nhóm Dân Cử Hoa Kỳ Quan Tâm Đến Châu Á Thái Bình Dương, Hội Đồng Quốc Gia Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương, Liên Minh Toàn Quốc Các Cơ Quan Phục Vụ Người Mỹ Gốc Việt.

Phát biểu của các Dân biểu

Mở đầu buổi điều trần, Dân biểu Mike Honda phát biểu là với những phương tiện giới hạn, bên cạnh những khác biệt về văn hóa và trở ngại về ngôn ngữ, các cộng đồng người Mỹ gốc Châu Á bị ảnh hưởng bởi thiên tai Katrina thấy rằng họ đã không nhận được sự trợ giúp nhanh chóng và hữu hiệu từ phía chính phủ.

Ông nói tiếp là chính vì điều này mà nạn nhân thiên tai Mỹ gốc Châu Á chỉ biết dựa vào chính những tổ chức trong cộng đồng của mình, vốn không có nhiều ngân quĩ cũng như phương tiện dồi dào để giúp đỡ họ về lâu về dài.

Dưới mắt Dân biểu Al Green bang Texas, nơi người chạy nạn Katrina đổ về đông nhất, những người chạy tránh cơn bão Katrina không phải là người tị nạn mà là người chạy nạn, họ cần sự cứu trợ khẩn cấp.

Tuy nhiên ông trình bày thêm là thí dụ như người Mỹ gốc Việt ở Louisiana chẳng hạn, thay vì lên những chuyến xe buýt của chính phủ để được chở về nơi tạm trú là Astrodome chẳng hạn, họ đã không làm thế mà lại tự động lái xe chạy qua Texas để nương náu tại nhà người quen.

Tại Texas, Dân biểu Al Green nói tiếp, họ được đồng hương cho ở nhờ, cung cấp mọi sự giúp đỡ và chính vì lẽ đó họ không liên hệ đăng ký với FEMA hay Hội Chữ Thập Đỏ để được tiền trợ cấp hay hưởng phẩm vật cứu trợ va mọi giúp đỡ cần thiết khác.

Cũng như Dân biểu Mike Honda, Dân biểu Al Green nhấn mạnh rằng ngôn ngữ cũng là trở ngại chính khiến người chạy nạn Katrina Mỹ gốc Châu Á không có sự liên lạc với FEMA hay Hội Chữ Thập Đỏ Mỹ.

Phản ứng của đại diện cộng đồng người Việt

Phát biểu tại buổi điều trần, anh Bùi Huy Vũ, giám đốc điều hành Liên minh Toàn Quốc Những Cơ Quan Phục Vụ Người Mỹ Gốc Việt, gọi tắt là NAVASA, nói rằng khi nghe chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố đặt các bang Louisiana, Alabama va Mississipi trong tình trạng khẩn cấp thì trên tất cả các trang Web của FEMA và Hội Chữ Thập Đỏ Mỹ không có chỗ nào đề cập đến nạn nhân thiên tai người Mỹ gốc Việt.

Theo anh thì điều này chứng tỏ hai tổ chức cứu trợ này của chính phủ không quan tâm nhiều đến nạn nhân thiên tai người Mỹ gốc Á.

Giám đốc điều hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, tuyên bố là ông không đồng ý với luận cứ rằng trở ngại về ngôn ngữ hay sự giới hạn phương tiện khiến hai tổ chức này khó có thể vươn tới những nạn nhân Katrina trong các cộng đồng Mỹ gốc Châu Á .

Ông nói vấn đề ngôn ngữ tồn tại đã lâu và thực tế cho thấy có thể giải quyết được vì không phải tất cả mọi người chạy nạn đều không biết Anh ngữ. Theo ông vấn đề ở đây là FEMA hay Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ không sẳn sàng, không chuẩn bị kịp thời để ứng phó với tình trạng khẩn cấp, vì thế những cộng đồng Mỹ gốc Châu Á bị thiệt thòi.

Vẫn theo lời ông, FEMA và Hội Chữ Thấp Đỏ Hoa Kỳ quên đi một điều là họ có thể huy động những tổ chức tôn giáo hay những tổ chức thiện nguyện tiếp tay với họ. Đây chính là những tổ chức nằm trong cộng đồng, biết rõ và nắm bắt được nhu cầu của cộng đồng mà họ đang ra tay cứu trợ.

Điều đáng tiếc, ông nói tiếp, là FEMA vừa loan báo là không chắc những tổ chức hay đoàn thể cứu trợ này được FEMA chi trả lại phí tổn bỏ ra để trang trải nơi ăn chốn ở cho người chạy nạn.

Được mời lên nói về hoàn cảnh nguy ngập của người Mỹ gốc Việt sau khi cuồng phong thổi qua, ông Trần Văn Tích, nạn nhân Katrina tại thành phố Versaille bang Mississipi, nơi phần lớn nhà cửa bị hưu hại, nhiều chỗ trong thành phố vẫn còn tràn ngập nước, kể lại với cử tọa.

Ông nói ngay sau khi thiên tai Katrina rút khỏi Versaille, an ninh của người Mỹ gốc Việt kẹt lại ở đây đã bị đe dọa, họ bị cướp bóc bởi người bản xứ kẹt lại ở địa phương. Ông nói cứ chiều xuống thì không có thấy bóng dáng cảnh sát, hai ba ngày sau vệ binh quốc gia mới đến, muốn rời khỏi vùng bị tàn phá cũng không dể dàng, còn chuyện tiếp tế nước uống và lương thực gần như là không có.

Phát biểu của những người Việt tham dự

Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do sau đó, giám đốc điều hành Liên Minh Các Cơ Quan Phục Vụ Của Người Mỹ Gốc Việt, anh Bùi Huy Vũ, cho biết: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, vừa từ thành phố Bayou La Batre bang Mississipi bị Katrina tàn phá trở về Washington để kịp tham dự buổi điều trần hôm nay: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Một người trẻ tham dự buổi điều trần với FEMA và Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ tại hạ viện hôm thứ Năm, cô Nguyễn Thanh Thúy, thành viên của Hiệp Hội Tiểu Thương Người Thiểu Số, phát biểu với Đài Á Châu Tự Do: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Cũng là một người lên tiếng trước buổi điều trần, luật sư Lưu từ thành phố San Jose bang California qua tham dự, cho biết anh cũng ghi nhận những nổ lực cũng như thử thách của FEMA, thế nhưng: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Anh Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch Nghị Hội Toàn Quốc Người Mỹ Gốc Việt : (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Các Dân biểu Hoa Kỳ không quên nhắc lại là đa số người Mỹ gốc Châu Á cư ngụ tại các tiểu bang vùng Vịnh là người tị nạn hoặc di dân.

Tiểu bang Louisiana trong vùng Vịnh có khỏang 50.000 di dân Mỹ gốc Châu Á, trong đó hơn một nửa là người Mỹ gốc Việt cư ngụ tại vùng duyên hải bị Katrina tàn phá nặng nhất. Tiểu bang thứ hai của vùng Vịnh có đông người Việt là Mississipi với 7000 người.

Buổi điều trần kết thúc với phần đúc kết của Dân biểu Mike Honda rằng trong tư cách chủ tịch Ủy Ban Dân Cử Mỹ Quan Tâm Đến Châu Á Thái Bình Dương, ông và đồng viện trong ủy ban sẽ cố gắng làm việc với các cơ quan chính phủ này để đẩy mạnh công tác của chính phủ đến với nạn nhân thiên tai người Mỹ gốc Châu Á được nhanh chóng hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.