Tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí phát hành cẩm nang cho người bất đồng chính kiến


2005.10.01

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Một tổ chức quốc tế bảo vệ quyền tự do báo chí vừa mới phát hành cuốn cẩm nang giành cho các nhà báo-thường dân và những nhà bình luận chính trị độc lập trên khắp thế giới. Mục đích là nhằm tránh khỏi nạn kiểm duyệt và bị trù dập vì những gì họ bày tỏ, đặc biệt là tại những quốc gia mà quyền tự do ngôn luận bị giới hạn khắc nghiệt. Lê Dân lược thuật sự việc như sau.

RsfBlog150.jpg
Cẩm nang cho người bất đồng chính kiến của RSF www.rsf.org >> See larger image

Cuốn cẩm nang do tổ chức Reporteurs-Sans-Frontières, tức Ký giả-Không-Biên giới, vừa ấn hành với sự hỗ trợ của chính phủ Pháp, đã khẳng định rằng những trang Blogs là "phương thức thông tin mới cho quyền tự do bày tỏ" và chỉ dẫn những cách để thiết lập và điều hành một trang Blog như vậy mà không bị phát hiện căn cước.

Ở đây chúng tôi xin nói thêm là từ "blog" chưa có trong tự điển. Nó chỉ mới phát sinh trong thời gian gần đây do cách ghép hai chữ "Web" và "Log".

Tác dụng của Blogs

Các chuyên gia tin học quốc tế cho biết Blog là một kỹ thuật khá đơn giản và ít tốn kém, do nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin học sẵn sàng cho mở Blog trên hệ thống Internet miễn phí. Nhờ đó Blogs đã ngày càng trở thành một công cụ hữu hiệu giúp mọi người đưa lên Internet mọi chuyện mà họ muốn bày tỏ.

Khởi đầu, Blogs được giới trẻ dùng để viết nhật ký, hay chia sẻ với nhau các chuyện vui buồn hàng ngày ở trường, ở sở làm hoặc trong cuộc sống. Hồi năm ngoái đã xảy ra một vụ gây xôn xao trong chính trường Hoa Kỳ, khi trang Blog của một cô thư ký của một dân biểu thanh thế tường thuật lại những chuyến "tìm vui, kiếm tiền" với các nhân vật tiếng tăm.

Chúng tôi cho ấn hành cuốn "Cẩm nang Thực hành" nhằm trợ giúp các người bất đồng chính kiến tại những quốc gia không tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân...

Dần dần nhiều trang Blogs khác xuất hiện mang tính chất xã hội hay chính trị đáng chú ý và hình thức này đã được xem là phương tiện bày tỏ ý kiến của những "ký giả-thường dân", tức không là các nhà báo chuyên nghiệp.

Ông Julien Pain, người đứng đầu phần vụ Tự do Internet của tổ chức Ký giả-Không-Biên giới, cho biết về cuốn cẩm nang mà tổ chức ông vừa cho ấn hành: “Chúng tôi cho ấn hành cuốn "Cẩm nang Thực hành" nhằm trợ giúp các người bất đồng chính kiến tại những quốc gia không tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân...”

Theo tổ chức Ký giả-Không-Biên giới thì những nước đó bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Iran, Cuba, Ảrập Xê-út và Uzbekistan.

Cẩm nang dành cho những người sử dụng Blogs

Cuốn cẩm nang quý giá này có thể được truy cập và tải xuống để lưu trữ trong máy vi tính cá nhân và sử dụng miễn phí theo địa chỉ Internet của tổ chức "Reporteurs-Sans-Frontières" là www.rsf.org. Trang Web này dùng tiếng Anh, Pháp, Ba Tư, Trung Hoa và Ảrập.

Cẩm nang gồm những chương như "Làm thế nào để ẩn danh" và bảo vệ được nhân thân người viết trong môi trường luôn luôn bị dò xét và ức chế, "Làm thế nào để giữ được sự khả tín của nghề truyền thông", cùng những lời hướng dẫn về phong cách viết và loan tải thông tin trên trang Blog của mình.

Trên trang cẩm nang này còn có những những kinh nghiệm thực tế của nhiều "ký giả không chuyên" nhưng đầy lương tâm chức nghiệp. Điển hình như của ông Arash Sigarchi, người bị tòa án Iran kết án 14 năm tù hồi tháng Hai vừa qua, nhưng vẫn được tự do chờ phiên phúc thẩm. Ông viết "báo chí Internet đã thúc đẩy sự phát triển của quyền tự do phát biểu và mở rộng ranh giới của mọi quan điểm". Ông Sigarchi bị nhà cầm quyền Iran kết nhiều tội, từ gián điệp cho tới phỉ báng cấp lãnh đạo nhà nước.

Một nhà báo-thường dân Trung Quốc dưới tên là Yên Thế viết là truyền thông Trung Quốc không theo đúng tiêu chí tự do của nghề truyền thông, do đó thường dân như ông phải hành nghề ký giả-không chuyên trên Internet. Ông nhấn mạnh rằng loại hình Blog trên Web đang là hiện tượng lớn tại Hoa Lục, với hàng loạt các trí thức trẻ thi nhau đăng bài của họ lên, khiến Blogs trở thành nơi mà họ có thể diễn đạt những quan điểm mà ngành truyền thông chính thức của Trung Quốc không dám đăng.

Tình hình tại Việt Nam

Có ba người dang mòn mỏi trong tù chỉ vì họ đã viết những bài cổ võ cho dân chủ đăng trên Internet. Việt Nam giống Trung Quốc ở chỗ cùng trấn áp mọi ý kiến khác biệt với chủ trương của đảng, đăng trên Internet...

Khi được chúng tôi hỏi vì sao tổ chức Reporteurs-Sans-Frontières lại liệt kê Việt Nam vào danh sách những nước chuyên kiểm duyệt tư tưởng của người dân, thì ông Julien Pain cho biết: “Có ba người dang mòn mỏi trong tù chỉ vì họ đã viết những bài cổ võ cho dân chủ đăng trên Internet. Việt Nam giống Trung Quốc ở chỗ cùng trấn áp mọi ý kiến khác biệt với chủ trương của đảng, đăng trên Internet...”

Hầu như cùng lúc với việc ấn hành cuốn cẩm nang thực hành để thiết lập và duy trì trang Blog trên Internet, tổ chức Ký giả-Không-Biên giới lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho người bất đồng chính kiến Nguyễn Vũ Bình. Ông đã trải qua 3 năm giam cầm chỉ vì đã bày tỏ công khai quan điểm của mình về hiệp định biên giới Việt-Trung.

Trước ngày Quốc Khánh 2 tháng Chín, nhà cầm quyền Hà Nội đã chiêu dụ rằng nếu ông Nguyễn Vũ Bình chịu nhận tội thì có thể sẽ được ân xá. Thế nhưng bà Bùi thị Kim Ngân, vợ ông Bình, vừa đi thăm chồng trong trại giam về, cho ban Việt ngữ biết là ông đã từ chối đề nghị đó. Lý do là mọi việc làm của ông Nguyễn Vũ Bình không hề vi phạm pháp luật hiện hành.

“Việc làm của chồng tôi không hề vi phạm pháp luật. Yêu cầu chồng tôi nhận những tội đấy thì....mặc dù có phải thiệt thòi, phải chịu...chưa được trả lại tự do sớm, thì chồng tôi cũng đành phải chịu thôi. Chưa biết thế nào....”

Tổ chức Reporteurs-Sans-Frontières nhấn mạnh rằng Việt Nam vừa công bố "Sách Trắng về Nhân quyền" mà qua đó Hà Nội cam đoan rằng họ tôn trọng quyền tự do phát biểu và cổ võ việc sử dụng Internet. Nếu đúng như vậy thì Hà Nội nên trả tự do cho ký giả Nguyễn Vũ Bình, bị tù đầy đã 3 năm chỉ vì đăng bài trên Internet. Có như vậy thì mới chứng tỏ được rằng sự cam đoan của Hà Nội không là những lời nói suông.

Chúng tôi xin lập lại địa chỉ trên mạng của tổ chức Reporteurs-Sans-Frontières là www.rsf.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.