Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam thả các tù nhân lương trước chuyến đi Hà Nội của Tổng thống Bush


2006.03.31

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Mới đây, trong buổi điều trần trước Tiểu ban Nhân Quyền của Hạ Viện Hoa Kỳ về “Cuộc đối thoại về Nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, ông Barry F. Lowenkron, trợ lý Bộ Trưởng Ngoại giao đặc trách về Dân Chủ, Nhân quyền và Lao động cho biết là Washington đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho 21 tù nhân lương tâm trước chuyến đi Hà Nội của Tổng Thống Hoa Kỳ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới.

ApecPoster200.jpg
Bảng chào mừng khách tham gia những buổi họp liên quan đến Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội hôm 23-2-2006. AFP PHOTO

Cuộc hội đàm Việt Mỹ về vấn đề nhân quyền

Sau gần 4 năm bị đình hoãn, hôm 20 tháng Hai vừa qua, Trợ lý Bộ Trưởng ngoại giao Mỹ về Dân Chủ, Nhân Quyền, Lao Động, ông Barry Lowenkron, đã lãnh đạo một phái đoàn Hoa Kỳ sang Hà Nội để nối lại các cuộc hội đàm Việt Mỹ về vấn đề nhân quyền.

Tham dự cuộc họp về phía Việt Nam có Vụ Trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại Giao, ông Phạm Bình Minh, cùng các viên chức thuộc văn phòng chính phủ, Bộ Công An, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao, Bộ Văn Hóa, Thông Tin…

Trong cuộc họp tại Hà Nội này, ông Barry nhấn mạnh đến việc bảo vệ và phát triển nhân quyền là một quyền tối thượng của con người không thể thương thảo, tương nhượng được như Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã nhiều lần khẳng định.

Ông Barry cũng cho phía Việt Nam biết là những cuộc thương thảo như thế này giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, và thu hẹp các bất đồng. Tuy nhiên các cuộc thảo luận không đi kèm theo các tiến triển cụ thể cũng trở nên rỗng tuếch, vô nghĩa.

Hoa Kỳ đòi hỏi là Việt Nam cần phải có các hành động cụ thể để chứng tỏ Việt Nam có được các bước tiến đáng kể về nhân quyền để mở đường cho chuyến viếng thăm lần đầu tiên của Tổng Thống Geoge W. Bush.

Nhà cầm quyền Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định quyết tâm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Chỉ là bước khởi đầu

Trong buổi điều trần tại Tiểu ban Nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư, trợ lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói thông điệp đã để lại tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là cuộc đối thoại về nhân quyền Mỹ-Việt chỉ là bước khởi đầu. Nhưng nếu muốn tiếp tục thêm, thì Hoa Kỳ muốn thấy những kết quả cụ thể.

CongressUS200.jpg
Buổi điều trần trước Tiểu ban Nhân quyền Hạ Viện Hoa Kỳ do Dân biểu Chris Smith chủ toạ hôm 29-3-2006. Photo by Truong Van/RFA >> See larger image

Do đó, trong lần thảo luận này, phía Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam danh sách 21 tù nhân lương tâm mà phía Việt Nam còn đang giam giữ hay quản chế.

Danh sách này bao gồm 6 nhân vật đang bị giam giữ vì lý do chính trị và tôn giáo, và 15 người khác tuy không ngồi tù nhưng bị đặt dưới hình thức quản chế hay giam giữ tại gia.

Trong danh sách những người bị giam giữ có bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị kết tội gián điệp vì đã dịch một bài xã luận nhan đề “Thế nào là Dân Chủ” trích ra từ trang Web của Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Ông Barry Lowenkron đặt câu hỏi là dân chúng Hoa Kỳ không hiểu vì sao một quốc gia muốn có mối liên hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ lại bắt giam một người vì tội đã dịch một bài báo về Dân Chủ, vốn là thông tin hữu ích mà nước nào cũng có.

Một nhân vật khác được đề cập đến là nhà báo Nguyễn Vũ Bình cũng bị buộc tội gián điệp vì đã viết một bản dự thảo về vấn đề nhân quyền.

Người thứ 3 là ông Đỗ Văn Mỹ bị giam cầm vì đã tường thuật các việc cưỡng bách dân chúng di dời cũng như việc ông ủng hộ dân chúng nông thôn đấu tranh chống áp bức.

Người thứ tư là ông Phan văn Bản, một cựu cảnh sát viên 69 tuổi, bị bắt giữ vì tội tham gia một tổ chức kêu gọi thay đổi một cách hoà bình thể chế chính trị tại Việt Nam.

Người thứ năm là ông Trần văn Lương đã uất ức tới nỗi tự tử bằng cách nhảy lầu tại bệnh viện ông đang nằm điều trị.

Người thứ sáu là ông Trần Văn Hoàng tuy đã được thả ra nhưng nay đang bị quản thúc tại gia.

Hoa Kỳ cũng rất quan tâm đến điều kiện sinh sống của tù nhân tại các nhà tù ở Việt Nam và yêu cầu Hà Nội cho nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc thăm viếng các trại tù Việt Nam. Lần cuối cùng đến Việt Nam của đoàn công tác này là vào năm 1994.

Tự do báo chí

Vấn đề tự do trên lãnh vực thông tin, báo chí, sử dụng Internet tại Việt Nam được Trợ lý Bộ Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ nêu lên. Ông Barry cho Việt Nam biết là trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh APEC, Hà Nội cần phải chứng tỏ cho thế giới thấy Việt Nam là một quốc gia cởi mở, thông thóang, chứ không phải là một quốc gia cấm đóan người dân không được bày tỏ ý kiến của mình, không được thông tin chính xác cũng như không có cơ hội mở tầm nhìn ra thế giới chung quanh.

Việt Nam vẫn khăng khăng cho rằng chính phủ Việt Nam luôn luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Ở Việt Nam không có vấn đề đàn áp tôn giáo, không có ai bị giam giữ vì bất đồng chính kiến hay tôn giáo.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nêu ra nhận định là do có những khác biệt về chế độ chính trị, trình độ phát triển cũng như khác biệt về lịch sử, văn hóa nên quan điểm về nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng khác nhau.

Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush trong buổi nói chuyện tại Freedom House tuyên bố: “Tổng Thống Hoa Kỳ không ngần ngại kêu gọi thế giới về những quyền tự do cơ bản của con người bao gồm nhân quyền và quyền được tôn trọng, được có phẩm giá của mình.”

Việt Nam cần phải hiểu rõ là vấn đề nhân quyền là quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ trong mối liên hệ với các quốc gia trên thế giới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.