“Thực dân Pháp” tốt hay xấu?

Phi Cảnh
2018.05.25
dinh thuong tho111.jpeg Ngôi nhà 130 năm tuổi ở 59-61 Lý Tự Trọng, thời Pháp thuộc là Sở Nội vụ Nam Kỳ, người dân xưa còn gọi là dinh Thượng Thơ, hiện nay là trụ sở của Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương.
Photo: RFA

Chúng ta ngày nay đều biết rằng Mỹ hoàn toàn không phải đế quốc thực dân đi xâm chiếm khai thác bóc lột nước khác như lời Cộng sản tuyên truyền, nhưng ngay cả những “thực dân” thực thụ như nước Pháp có thực sự xấu xa?

Những đóng góp lớn

Các công trình kiến trúc mà Việt Nam hiện nay đang tự hào, ví dụ ở Hà Nội: từ Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Thư viện quốc gia… cho đến những cơ quan đầu não, những vị trí tối quan trọng như Phủ Chủ tịch, trụ sở Bộ Ngoại giao, Nhà khách Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao… đều do Pháp xây dựng.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà thờ Đức Bà, Bến Nhà Rồng, Trụ sở Ủy ban Nhân dân TpHCM, Bưu điện trung tâm thành phố, nhà hát Lớn, chợ Bến Thành… cũng được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Ngay trung tâm Quận 1 còn có con đường mang cái tên “tây” lạ hoắc: “Alexandre de Rhodes”. Tìm hiểu mới biết hóa ra đấy là một ông có công to, ông ấy là một nhà truyền đạo người Pháp góp công sức cuối cùng cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ bên cạnh công lao của các giáo sĩ nước ngoài khác.

Chữ Nôm thì dựa vào chữ Hán và quá khó để sử dụng (vì còn khó hơn cả chữ Hán), vì thế việc tạo ra chữ Quốc ngữ được đánh giá là “đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ". Rõ ràng nếu không có ông người Pháp ấy, người Việt hiện nay vẫn chưa có chữ mà dùng, và tất nhiên ông Bùi Hiển cũng không có cái để mà “cải cách”.

Có nghĩa là nếu chỉ để người Việt với nhau, Việt Nam vẫn là một vùng đất lạc hậu. Thời Pháp thuộc, có thể Việt Nam chưa giàu có, nhưng trước đó Việt Nam cũng đã sung sướng đâu? Sau này khi Việt Nam chỉ toàn là người Việt dưới chế độ Cộng sản, chúng ta đang là một nước ngày càng tụt hậu.

Những thành tích mà Đảng Cộng sản khoe khoang thật ra chỉ là nói trong nước với nhau để mị dân, chứ những thành tích xuất khẩu gạo, cà phê, xuất khẩu lao động… có làm lãnh đạo Đảng ngẩng cao đầu khi đi ra nước ngoài được không?

Việt Nam bây giờ có đường nhựa, cầu cống, nhà cao tầng… nhưng đó đều là sản phẩm của nền văn minh phương Tây. Tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, xe ô tô, xe máy, máy bay… Việt Nam đâu tự nghĩ ra. Người ta phát minh ra, và anh được hưởng lây. Đấy là xu thế phát triển chung của thế giới, ở đâu chả vậy, hay vẫn muốn sống như bộ lạc?

Tự hào là phải làm ra những cái mà người khác không làm được, là phải đi trước người khác!

Chủ nghĩa nhân đạo

Người Pháp có khai thác thuộc địa, nhưng họ đã xây cho bao nhiêu thứ dùng đến tận bây giờ. Từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền đã xây được thứ gì cho ra hồn để mà tự hào?

Trụ sở mới hoành tráng 47 Phạm Văn Đồng của Bộ Công an tốn kém bao nhiêu tiền của dân mà chỉ dám chuyển lên những phòng ban ít quan trọng, còn lại vẫn ở chỗ cũ vì chỗ mới để nhà thầu Trung Quốc gài đầy thiết bị nghe lén trong tường.

Thế mới nói phương Tây họ có chủ nghĩa nhân đạo, có danh dự, có tinh thần trách nhiệm. Họ khai thác thuộc địa, nhưng đem đến bao thứ văn minh. Còn mình, tự xây cho mình sử dụng mà còn chẳng xây cho ra hồn. Vậy mà nghĩ rằng mình tốt hơn người ta?

Đảng Cộng sản gây ra bao cuộc thảm sát, một trong số đó là Cải cách ruộng đất giết chết bao người vô tội, nhưng lại được coi là chuyện bình thường. Cùng là người Việt mà có tốt với nhau đâu.

Giống như chuyện bạo lực gia đình là chuyện quá phổ biến ở Việt Nam, nhưng nếu có ông chồng Hàn Quốc nào bạo hành vợ Việt thì lại gây căm phẫn trong dư luận.  Cái tâm lý ấy khiến cho sự đánh giá trở nên thiếu khách quan và không chính xác. Nó khiến cái ác của bản thân nhỏ đi và của người khác to ra trong khi chính mình đáng bị lên án hơn nhiều.

Tổng thống Pháp François Mitterrand trong chuyến thăm Việt Nam năm 1993 đã muốn đến nhà nhạc sĩ Văn Cao vì bài Tiến Quân Ca làm ông nhớ đến La Marseillaise – Quốc ca Pháp. Chính phủ Việt Nam lúc đấy mới vội vã cấp cho Văn Cao một khoản tiền do ông đang sống trong cảnh quá tồi tàn.

Đảng đóng dấu ông là phản động chỉ vì ông lên tiếng đóng góp để đất nước tốt hơn. Nếu không có bài Quốc ca, lẽ ra ông phải đi tù ít nhất 15 năm. Bù lại, ông bị giam lỏng, trước cửa nhà luôn có công an ngầm canh gác. Đảng đã vô hiệu hóa Văn Cao suốt hơn 30 năm, đã bắt ông sống trong nghèo khổ, đã đày ông đi cải tạo lao động trên Tây Bắc trong tình trạnh sức khỏe kém, đã tìm mọi cách thay bài Quốc ca (nhưng không thành công vì chẳng có bài nào ra hồn).

Đáng chú ý, bài hát Tiến Quân Ca được Văn Cao sáng tác vào thời kháng chiến chống Pháp, nhưng Tổng thống Pháp không bận tâm chuyện đó, đến thăm chỉ vì mến cái tài. Đấy, người Pháp mà còn quý trọng người Việt hơn người Việt với nhau. Vậy mà tự nhận người Việt là vị tha, yêu chuộng hòa bình.

Người ta đã chỉ ra xã hội Cộng sản hiện tại nhiều mặt thua cả thời Pháp thuộc, ví dụ như tự do báo chí, giáo dục, đạo đức xã hội… Nghe tưởng chừng vô lý, nhưng Hong Kong hiện tại chắc chắn thua thời làm thuộc địa của Anh!

Thoạt qua, có thể đổ lỗi cho người Việt vì thích đánh nhau, dễ hận thù mù quáng nên không nhìn ra được cái tốt cái xấu, cái lợi ích lâu dài; nhưng rõ ràng cũng là người Việt nhưng ở thể chế Cộng hòa thì lại khá hơn hẳn. Việt Nam Cộng hòa chẳng đã lấy tên một ông Tây để đặt cho con đường ở trung tâm Sài Gòn để tưởng nhớ công lao tạo ra chữ Quốc ngữ đấy thôi. Rõ ràng họ trân trọng tri thức chứ không coi “trí thức là cục phân” như những người miền Bắc.

Có lẽ Văn Cao đã rút ra được một điều: thực dân Pháp có thể tốt, có thể xấu, có thể nửa tốt nửa xấu; nhưng nó có xấu, thì vẫn không xấu bằng chế độ Cộng sản!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.