Vài ý kiến về bài viết “Nghịch lý nhân sự” của Nguyễn Thị Từ Huy

C. Nguyễn
2014.11.08
000_Hkg8239642-305.jpg Pano tuyên truyền cho ngày thành lập ĐCSVN tại Hà Nội được chụp hôm 27/2/2013
AFP photo

Từ Huy được giới thiệu là giảng viên khoa văn đại học Sư phạm Hà Nội. Cô cũng là tác giả của một luận án tiến sĩ đạt hạng “tối ưu”. Điều này muốn ám chỉ rằng những nhận định của cô trong bài “Nghịch Lý Nhân Sự” rất sâu sắc, đáng được suy gẩm. Những nhận định của cô ra sao? Vậy ta hãy đọc.

Người cộng sản

Ngay từ đoạn đầu tiên của bài viết, cô nói: “Một mặt, bản thân các đảng viên tự coi mình là những người xuất sắc. Họ tự coi mình là những người con ưu tú của dân tộc, đưa dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều này được ghi trong hầu như các sách của nhà nước khi đánh giá về vai trò của đảng”.

Khi nói như vậy, thì theo cô những người cộng sản tự cho mình là xuất sắc chứ chưa hẳn là xuất sắc thật, chứ chưa hẳn là mọi người công nhận họ là những người xuất sắc. Thế thì cô muốn ám chỉ cái gì ở đây? Có phải cô muốn nói rằng “đưa dân tộc từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” chỉ là nói dốc, thổi phồng, hay là chuyện không nói có, hay là do từ trên trời rớt xuống, do cầu nguyện mà có, chứ không phải là công lao của đảng CSVN? Hay là cô muốn nói một quá trình lịch sử đầy gian khổ chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo và giữ vai trò tiên phong của đảng Cộng Sản Việt Nam từ Tây, đến Mỹ, đến Tàu đưa đến sự chiến thắng dứt khoát và toàn diện cho một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự chủ, và toàn vẹn lãnh thổ như hôm nay là không cần thiết?

Một thành quả lịch sử to lớn như vậy nếu không gọi “xuất sắc” thì là cái gì? Cô biểu tỏ sự không đồng ý hơn là đồng ý. Nhưng cô lại không dám nói thẳng ra là cô không đồng ý, vì nếu nói thẳng ra thì cô không đưa ra được lập luận hay chứng cớ nào để biện minh cho sự không đồng ý này của cô.

Cho dù Từ Huy có không hài lòng thế nào về tình trạng hiện nay của đất nước, cô không thể nào bóp méo hay thay đổi lịch sử được. Như bị dồn vào cái thế không đồng ý mà lại không có lý do chính đáng nào để hỗ trợ cho sự không đồng ý này, cô đành đưa ra một cái nhìn khác mà cô cho là cái nhìn của “không ít người”. Và “không ít người” này nhìn các đảng viên như là các “tội phạm lịch sử” đã đẩy dân tộc vào thảm cảnh. Trước hết cô đã dùng sai từ ngữ ”tội phạm”. Từ “tội phạm” chỉ xử dụng để chỉ đến các hành động tàn ác, hảm hiếp, giết người hàng loạt… như tội phạm chiến tranh chẳng hạn, chứ không ai dùng từ “tội phạm” cho những việc làm kém cỏi, sai sót về lãnh vực kinh tế. Những “thảm cảnh” theo cô, mà “không ít người” nêu ra là: nghèo đói, lạc hậu, giáo dục băng hoại, văn hóa suy đồi, tài nguyên kiệt quệ, đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc.

Đời sống người dân

Mặc dù đất nước còn có nhiều vấn đề bất cập, nhưng bảo rằng đầy rẫy “thảm cảnh” thì không đúng. Việt Nam với lợi tức đầu người bình quân (income per capita) là $180 USD ở năm 1992 cho đến bây giờ (2014) là $1700 USD. Riêng tại thành phố HCM là khoảng $4,500 USD và ở Hà Nội là $3,500 USD thì sao gọi là “nghèo đói, lạc hậu”?

Việt Nam đã được đánh giá là một nước “đang phát triển trung bình” nên không còn được xem là đối tượng cho các món tiền vay nhẹ lãi hay không lãi thường dành cho các nước chậm phát triển từ Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân Hàng Thế Giới. Việt Nam đã có độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 7%, 8% liện tục trong 20 năm.

Hình minh họa chụp tại TPHCM hồi tháng 11 năm 2013.
Hình minh họa chụp tại TPHCM hồi tháng 11 năm 2013.
AFP

Người dân Việt Nam hiện nay có thể đi chu du khắp nơi trên thế giới, có thể lập gia đình với bất cứ người ngoại quốc nào mà mình yêu thương. Người dân Việt Nam đã qua cái thời đủ ăn, đủ mặt, mà đang là thời ăn ngon, mặt đẹp. Nạn béo phì đang là mối lo vì được ăn uống đầy đủ, có nhiều chất dinh dưỡng. Người dân tha hồ bàn tán chuyện xã hội, chính trị ở các quán ăn, tiệm cà phê mà chẳng lo ngại gì. Rất nhiều chùa, nhà thờ được xây cất. Sinh hoạt chùa chiềng, nhà thờ tấp nập như trẫy hội. Nhà sư, linh mục tự do rao giảng lời Phật, lời Chúa dạy, đến nổi thậm chí có một số nhà sư, linh mục lợi dụng sự tự do tín ngưỡng rao giảng những lời chống báng Việt Nam thay vì những rao giảng thuần túy tôn giáo trong khuôn viên nhà chùa hay nhà thờ nhằm xách động những tín đồ nhẹ dạ mà vẫn không bị chính quyền làm khó dễ. Nhưng vẫn có người phản biện rằng nếu so sánh với các nước lân cận như Thái Lan, Mã Lai, Singapore…thì Việt Nam còn thua xa. Đó là sự so sánh không công bằng và khách quan cho Việt Nam. Những nước này đã may mắn hơn Việt Nam rất nhiều trong việc thừa hưởng một chiều dài lịch sử yên bình trước, trong suốt, và sau chiến tranh xảy ra ở Việt Nam để yên tâm xây dựng đất nước của họ, trong khi Việt Nam cho dù sau khi chiến tranh chấm dứt, vẫn phải đương đầu với những vấn đề liên quan đến an ninh tổ quốc. Từ năm 1979 cho đến 1994, Việt Nam là nạn nhân của sự trù dập cấu kết nhau giữa Tàu với nỗi bực tức “Việt nam là kẻ vong ơn bội nghĩa” và Mỹ với nỗi ắm ức bị thua trận “Việt nam kẻ chiến thắng trong thời chiến thì sẽ là kẻ chiến bại trong thời bình”.

Còn “đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc” thì lệ thuộc thế nào và lệ thuộc cái gì? Hay là Từ Huy muốn tiếp nối tiếng nói của những kẻ chống cộng và chống Việt Nam điên cuồng và ngu xuẩn rằng Việt Nam đã bán đất, bán biển, bán đảo cho Trung Quốc, rằng chế độ hiện thời ở Việt Nam không dám đương đầu, trả đủa lại những gây hấn của Trung Quốc, cho nên theo đám người này thì muốn chống Trung Quốc cho có hiệu quả thì phải tiêu diệt Việt Cộng trước!? Sao Từ Huy không thấy được cách hành xử ngoại giao khôn ngoan của chính phủ Việt Nam để đối phó lại sự cố giàn khoan Hải Dương 981.

Việt Nam cho cả thế giới biết rằng Việt Nam nhất quyết theo đuổi các biện pháp hòa bình và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Lập trường này của Việt Nam được sự ủng hộ hầu hết các nước kể cả Mỹ và Nhật, hai nước đã có những hành động cụ thể hỗ trợ Việt Nam trong việc giữ gìn vùng biển của Việt Nam. Điều này đã khiến Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam và tỏ ra mềm dẽo hơn.

Chuyến đi Trung Quốc của thường trực bí thư Lê Hồng Anh đã mở ra hàng loạt các thăm viếng khác do bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, rồi đến bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, rồi Dương Khiết Trì của Trung Quốc đến Việt Nam…Và hai bên đã có những thỏa thuận từ nay sẽ giải quyết các vấn đề Biển Đông qua phương cách hòa bình. Dĩ nhiên Việt Nam vẫn chờ xem việc làm sắp tới của Trung Quốc có đi đôi với lời nói không. Đồng thời Việt Nam cũng không ngừng cũng cố khả năng quốc phòng để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Mức độ tin cậy chính trị của lãnh đạo Việt Nam đối với lãnh đạo Trung Quốc đã bị sứt mẻ nghiêm trọng kể từ sau cuộc chiến biên giới năm 1979 và sau vụ giàn khoan 981 thì sự sứt mẻ này khó mà hàn gắn lại được. Chuyến viếng thăm Ấn Độ của thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng đã kết chặt thêm mối quan hệ vốn đã tốt đẹp từ lâu với nước này, mặc cho sự bực tức từ Trung Quốc. Như vậy mà gọi là “Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc” à?

Còn về mặt kinh tế, Trung Quốc là quốc gia có mối quan hệ mậu dịch và kinh tế lớn nhất với Việt Nam. Đó là mối quan hệ hổ tương, không phải Trung Quốc bỏ một số tiền lớn đầu tư vào Việt Nam thì muốn làm gì thì làm. Bắc Kinh phải đắn đo cho kỹ trước khi có những áp lực hay bắt chẹt về kinh tế đối với Việt Nam, vì rằng Trung Quốc chứ không riêng gì Việt Nam sẽ phải gánh chịu một phần tổn thất kinh tế không nhỏ cho những manh động như vậy. Việt Nam có mối quan hệ mậu dịch và kinh tế với nhiều nước, chứ không phải chỉ có Trung Quốc. Không có sự đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, Việt Nam không chết hay phải quỳ lạy Trung Quốc.

Vấn đề thứ hai mà Từ Huy bàn đến là việc chọn lưa người để kết nạp vào Đảng. Tiến trình chọn lựa người vào Đảng từ xưa đến nay là rất thận trọng, không phải bạ ai cũng mời vào. Có nhiều người muốn vào Đảng mà không được, có nhiều người phấn đấu nhiều lần mà vẫn chưa được kết nạp vào Đảng. Trong môi trường học đường, có tiêu chuẩn nào tốt hơn để trở thành đối tượng kết nạp Đảng hơn là học giỏi và hạnh kiểm tốt? Vậy mà Từ Huy cũng cố ngụy biện về “thế nào là điểm cao”, cho rằng “điểm cao” chưa hẳn “thật sự là điểm cao”. Rồi Từ Huy lại đồng hóa “hạnh kiểm tốt” với “vâng lời”, với “khả năng trung thành với lý tưởng của Đảng”. Có gì bất thường về cái điều kiện “đã là đảng viên thì phải trung thành với lý tưởng của Đảng” để mà phê phán ở đây? Không ai bắt buộc anh vào đảng, nhưng mỗi khi vào đảng thì điều kiện đầu tiên là phải trung thành với Đảng. Trung thành với lý tưởng của đảng và đạo đức cách mạng là hai cái chân vững chắc cho người đảng viên kiên định và gương mẫu. Từ Huy đã nông nổi khi cho rằng “Nguyên tắc đạo đức không còn quan trọng nữa trước sự trung thành với đảng”.

Nếu không trung thành, không đồng ý thì anh xin ra khỏi Đảng, chắng ai buộc anh phải ở mãi trong Đảng cả. Trong suốt quá trình kể từ ngày thành lập Đảng cho đến bây giờ, không phải lúc nào nội tình của Đảng đều xảy ra êm thắm. Có người tự ý ra khỏi Đảng. Có người bị khai trừ ra khỏi Đảng. Có những tiếng nói bất đồng trong nội bộ đảng. Có những tiếng nói bất đồng công khai của một số đảng viên. Để được kết nạp vào Đảng, các ứng viên phải qua thời gian thử thách “Cảm tình Đảng”. Sự chọn lựa kỷ càng căn cứ vào những phẩm chất yêu tổ quốc, yêu đồng bào, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm thế nhưng cũng không ngăn ngừa được có những đảng viên cơ hội, thoái hóa, biến chất. Không có thước nào có thể đo lòng người được. Có ai ngờ được sự phản trắc của Tám Hà, Hoàng văn Hoan, Trần Độ, Bùi Tín, Trần Anh Kim, Nguyễn Hữu Vinh, Lê Hiếu Đằng…Âu cũng là chuyện thường tình.

Từ Huy đưa ra hai dẫn chứng về chùa Trăm Gian và thương xá Tax để quy kết: “Phá hết, hủy hoại hết như vậy thì làm gì còn lịch sử?”. Việc xảy ra ở chùa Trăm Gian là điều rất đáng trách. Lấy cớ trùng tu, tân tạo chùa mà đã đập phá hết những cấu trúc nguyên thủy của chùa đã trải qua nhiều thế kỷ, mà cuối cùng không ai trong các cấp chính quyền nhận trách nhiệm. Tệ hơn, chùa Trăm Gian không phải là sự kiện duy nhất. Có nhiều di tích lịch sử ở khắp nẽo đường đất nước đã “bị” trùng tu một cách bát nháo, làm biến dạng toàn bộ kiến trúc cổ xưa. Nhưng việc phá hủy thương xá Tax để nhường chỗ cho một thương xá đồ sộ, hiện đại hơn là điều nên làm. Thương xá Tax , cũng như thương xá Catina, đã có từ lâu, từ thời Pháp thuộc thì phải. Nhưng thương xá là thương xá, nó không phải là một biểu tượng đặc trưng của Sài Gòn như chợ Bến Thành, dinh Độc lập, tòa nhà Bưu Điện, hay nhà thờ Đức Bà. Người Sài Gòn có thể lưu luyến nó nhưng biến thành nỗi đau thì không hẳn. Nên có một khu mua sắm hoàng tráng, rộng lớn nằm ngay tại trung tâm Sai Gòn mới xứng tầm với một Sài Gòn phát triển và hiện đại, phù hợp với con đường đi bộ bắt đầu từ tòa nhà Ủy Ban Nhân Dân thành phố.

Lãnh vực giáo dục

Những bất cập trong lãnh vực giáo dục cũng làm trăn trở nhiều người. Tuy nhiên bảo rằng nền giáo dục thật thảm hại cho đến nổi chính những hiệu trưởng, giám đốc của các đại học quốc gia là những người đầu tiên gửi con cái đi học nước ngoài là không đúng. “Gởi con cái đi nước ngoài học” không phải là bằng chứng của một nền giáo dục thảm hại như Từ Huy cả quyết. Không riêng gì các thành phần này mà người dân nói chung, nếu có điều kiện tài chánh đều muốn gởi con mình đi học ở nước ngoài, vì bằng cấp lấy được ở các nước tân tiến như Anh, Mỹ, Úc, Pháp…có giá trị nên dễ tìm được việc làm, và lương cao hơn là các bằng cấp tốt nghiệp ở Việt Nam. Cho dù nền giáo dục ở Việt Nam được cải cách cách mấy cũng còn lâu thì bằng cấp lấy ở Việt Nam được coi có giá trị ngang bằng ở các nước khác.

Rõ ràng là nền giáo dục Việt Nam cần phải được cải tổ sâu rộng và quyết liệt thì mới mong đào tạo được những thế hệ con cháu tương lai có khả năng gánh vác các trọng trách của ông cha truyền lại. Nhưng không có bằng chứng nào để hỗ trợ lập luận của Từ Huy rằng “Những lãnh đạo của hệ thống giáo dục Việt nam đã không muốn xây dựng một nền giáo dục tiến bộ và hiệu quả vì chính điều đó làm tổn hại đến đảng của họ”

Cuối cùng Từ Huy bàn đến ba phạm trù: Lợi ích cá nhân, lợi ích của đảng, và lợi ích của cộng đồng. Cô cho rằng “Các đảng viên không dùng khả năng xuất sắc của mình để phát triển cộng đồng mà ngược lại họ chỉ dùng vào việc phát triển lợi ích vật chất cho cá nhân họ và bảo vệ lợi ích của đảng và bảo vệ sự tồn tại vững chắc cho đảng.” Ai cũng thấy rằng tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. Nó xảy ra nhiều ở các cán bộ trung cấp. Đó đúng là các đảng viên dùng khả năng xuất sắc của mình vào việc phát triển lợi ích vật chất cho cá nhân họ như Từ Huy đề cập. Nhưng bảo rằng hành động này của họ cũng nhằm bảo vệ lợi ích của đảng là không đúng. Lịch sử đã chứng minh rằng quyền lợi của đảng luôn luôn gắn liền và vì quyền lợi của tổ quốc.

Đảng đã lãnh đạo đất nước đánh đuổi được giặc ngoại xâm thì trong thời bình, mục tiêu của đảng đề ra là làm cho nước giàu, dân mạnh, và dưới sự lãnh đạo của đảng, những thành quả rực rở trong việc phát triển đất nước là không thể chối cải được. Đất nước đã thay da đổi thịt từng ngày. Nhưng bên cạnh đó, nạn tham nhũng đã làm mất niềm tin của quần chúng vào đảng và hăm dọa đến sự tồn vong của đảng. Lãnh đạo đảng dư biết điều này, đang ra sức để trừ khử, và cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn tiếp diễn.

Có nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được thực thi và những kẻ mà Từ Huy gọi “dự án thì lỗ nhưng người làm quyết định thì lãi” đã nhận lấy những án tù thích đáng. Huỳnh Ngọc Sĩ với 20 năm tù vì tội nhận hối lộ $262,000 USD của nhà thầu Nhật cho dự án Đại Lộ Đông-Tây do quỹ ODA tài trợ. Dương Chí Dũng của vụ án Vinashin đã bị tử hình. Vũ Quốc Hão của Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát Triển bị tử hình vì đã gây thiệt hại 530 tỷ đồng. Sáu lãnh đạo đường sắt bị khởi tố vì tội nhận hối lộ của nhà thầu Nhật trong dự án ODA…Vậy thì Từ Huy bảo rằng những cá nhân lãnh đạo trung cấp đó chỉ dùng sự xuất sắt của họ vào phát triển lợi ích vật chất cho cá nhân họ và bảo vệ lợi ích của đảng và bảo vệ sự tồn tại vững chắc cho đảng, bởi lợi ích của đảng cũng là lợi ích của chính họ là lối lý giải quy chụp, chẳng logic tí nào cả.

Không biết Từ Huy với luận án tiến sĩ tối ưu về lãnh vực gì, nhưng bài viết “Nghịch Lý Nhân sự” của cô nhằm phân tích tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam đã có những quyết đoán hoàn toàn không thuyết phục. Cô dựng lên một bức tranh thật ảm đạm với nhiều luận điệu xuyên tạc, bóp méo về một đất nước Việt Nam đầy năng động đang trên đường xây dựng và phát triển. Xin cô hãy đừng theo vết chân của nhóm IDS của Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, Tương Lai, Nguyễn Đăng Doanh… cứ tưởng mình là những cây “cổ thụ” về một chuyên môn nào đó thì cũng là cổ thụ trong việc lãnh đạo đất nước.

C. Nguyễn, ngày 7 tháng 11 năm 2014.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.