Các vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng trong phiên toà Đồng Tâm

Nguyễn Tiến Trung
2020.09.13
  btt Hình minh hoạ. Phiên toà xử người dân Đồng Tâm ở Hà Nội vào tháng 9/2020
Nhân Dân

Có thể nói phiên tòa xét xử người dân Đồng Tâm đang diễn ra đã thu hút sự chú ý rất lớn của người dân cả nước. Các bản tin trên truyền thông Nhà nước đã liên tục đưa tin buộc tội người dân Đồng Tâm từ trước phiên tòa nhằm tạo dư luận thuận lợi cho bản án mà nhà cầm quyền sẽ tuyên đối với người dân Đồng Tâm. Và có lẽ nhiều người dân Việt Nam không có điều kiện lên mạng xã hội Facebook cũng sẽ tin vào những thông tin tuyên truyền đó.

Tuy nhiên, nhìn vào số lượng những người sử dụng Facebook hoài nghi truyền thông Nhà nước, thậm chí phản đối phiên tòa, ta cũng có thể thấy lòng dân không còn dễ cho nhà cầm quyền thao túng nữa. Các luật sư đầy dũng cảm bảo vệ cho người dân Đồng Tâm cũng đã khéo léo đưa lên Faebook rất nhiều luận điểm quan trọng chỉ ra những vi phạm trong tố tụng của nhà cầm quyền, từ đó dẫn đến khả năng tuyên án oan sai cho những người dân Đồng Tâm là không thể tránh khỏi.

Vậy chúng ta cùng điểm lại những vi phạm tố tụng nghiêm trọng nhất từ phía nhà cầm quyền. Ở đây tôi sử dụng từ “nhà cầm quyền” để thay thế cho cả bộ máy tòa án, viện kiểm sát, công an và báo chí dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.

1. Định tội từ trước phiên tòa

Thứ nhất, mở đầu phiên tòa, nhà cầm quyền cho trình chiếu các đoạn phim cắt ghép chiếu lại bối cảnh đêm 9/1/2020 và cảnh người dân nhận tội để buộc tội người dân Đồng Tâm từ trước. Như thế bản thân thẩm phán đã có sẵn định kiến trong đầu là dân Đồng Tâm có tội, không cần tranh biện trước tòa giữa viện kiểm sát và luật sư để làm sáng tỏ vụ án nữa. Chứng tỏ đây chỉ là một vụ án bỏ túi. Các diễn biến tiếp theo của phiên tòa đều chứng minh luận điểm này.

2. Không công khai và không giao bản sao đoạn phim gốc cảnh tấn công Đồng Tâm

Thứ hai, điều khôi hài là sau khi đoạn phim cắt ghép được trình chiếu thì các luật sư đã yêu cầu đưa đoạn phim gốc ra, vì rõ ràng là khi cảnh sát tấn công vào Đồng Tâm đã có phân công người đi theo quay phim lại. Tòa án đã từ chối trình chiếu đoạn phim gốc, và cũng từ chối giao cho các luật sư bản sao của đoạn phim gốc đó.

Chắc chắn trong đoạn phim gốc do công an quay sẽ thấy rõ dân Đồng Tâm không hề chống người thi hành công vụ và cũng chẳng giết người. Do đó nhà cầm quyền mới từ chối giao đoạn phim gốc ra. Chỉ cần công khai đoạn phim gốc này là sự thật sẽ sáng tỏ.

3. Không thực nghiệm hiện trường

Thứ ba, có rất nhiều tình tiết vô lý trong kịch bản của công an, ví dụ như cả ba chiến sĩ cùng rớt xuống một cái hố nhỏ, dân Đồng Tâm châm xăng vào chậu rồi đổ xuống hố nhiều lần mà không hề hấn gì, nên nhớ xăng là chất cực kì dễ cháy, dễ bay hơi nên dân Đồng Tâm sẽ bị cháy trước, cũng như giữa làn mưa đạn thì họ không thể có đủ thời gian để ung dung đổ xăng nhiều lần. Cũng không có đủ xăng, oxy và cả thời gian để cả ba chiến sĩ cháy ra tro trong một cái hố nhỏ như thế. Các luật sư đã đề nghị phải thực nghiệm lại hiện trường để kiểm tra các chi tiết vô lý, trái với khoa học này. Điều này không phải chỉ để minh oan cho dân Đồng Tâm nhưng cũng là để làm sáng tỏ cái chết mờ ám của ba chiến sĩ.

Tòa án, viện kiểm sát, luật sư Nguyễn Hồng Bách đại diện cho gia đình ba cảnh sát đã chết, thậm chí cả báo chí nhà nước cũng cấp tập đăng bài, cho rằng thực nghiệm lại hiện trường là quá "dã man". Lý lẽ của nhà cầm quyền rất nực cười vì thực nghiệm để đảm bảo tính khoa học, phù hợp lời khai, tình tiết với dấu vết tại hiện trường. Có rất nhiều cách khoa học và đảm bảo an toàn để thực nghiệm hiện trường nhưng nhà cầm quyền đã cố tình bác bỏ.

Tại sao một vụ trọng án đã có bốn người chết và hai người có thể bị tử hình lại được xét xử cực kì sơ sài? Chỉ có thể trả lời là thực nghiệm hiện trường sẽ khiến lộ ra sự thật: dân Đồng Tâm không hề chống người thi hành công vụ và cũng chẳng giết người.

Lưu ý với luật sư Nguyễn Hồng Bách là việc giao cho các luật sư bản sao của cuốn phim gốc do công an quay cảnh tấn công vào Đồng Tâm không hề có gì là "dã man", tại sao ông cũng không dám ủng hộ? Như vậy luật sư Nguyễn Hồng Bách cũng không hề muốn làm sáng tỏ cái chết của ba chiến sĩ? Vậy ông đại diện cho nhà cầm quyền hay cho các chiến sĩ đó?

4. Có dấu hiệu nhà cầm quyền giết dân và tra tấn dân trái pháp luật

Thứ tư, các đoạn phim chiếu cảnh dân Đồng Tâm nhận tội đều thấy rõ mặt mũi người dân sưng húp, trầy xước. Chắc chắn họ đã bị tra khảo đánh đập. Khi luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi 29 bị cáo là ai không bị tra tấn thì chỉ có 10 cánh tay ngập ngừng đưa lên, nghĩa là có ít nhất 19 người bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Anh Lê Đình Công thì nói rõ là bị điều tra viên Phạm Việt Anh tra tấn "mười ngày như một".

Cụ Bùi Viết Hiểu và cô Bùi Thị Nối đều khai rất rõ trước tòa là bị sát thủ bắn thẳng vào ngực nhưng cả hai may mắn không chết. Tất cả những tình tiết giết dân và tra tấn dân này đều bị tòa lờ đi.

Hình minh hoạ. Ông Bùi Viết Hiểu trước phiên toà ở Hà Nội tháng 9/2020
Hình minh hoạ. Ông Bùi Viết Hiểu trước phiên toà ở Hà Nội tháng 9/2020
TTXVN

Cụ Bùi Viết Hiểu cũng khai là thấy sát thủ bắn chết cụ Lê Đình Kình từ phía trước. Điều này phù hợp với hình ảnh và đoạn phim quay lại xác cụ Kình sau đó khi xác cụ được trả về cho gia đình để mai táng. Cụ Kình bị bắn ở cự li gần vào ngực và vào đầu, phần lưng cụ thâm tím vì bị tra tấn tàn bạo, cụ cũng bị súng lớn bắn văng đầu gối. Cụ Dư Thị Thành là vợ của cụ Kình cũng xác nhận là khi cụ Thành bị cảnh sát lôi ra khỏi nhà thì cụ Kình vẫn còn sống và đã hoàn toàn bị cảnh sát khống chế một cách an toàn.

5. Không cho nhân chứng và người thân đến tòa

Thứ năm, cụ Dư Thị Thành là nhân chứng cực kỳ quan trọng như ở phần trên đã trình bày nhưng thẩm phán lại không mời cụ Thành đến để làm chứng, đối chiếu lời khai, dù các luật sư đã yêu cầu.

Thân nhân của các bị cáo, đồng thời cũng là nhân chứng cũng không được tham gia phiên tòa mà bị xua đuổi ở bên ngoài. Điều này có nghĩa là các thẩm phán không muốn sự thật được sáng tỏ, không muốn phiên tòa bị người dân chứng kiến trực tiếp, không muốn có những nhân chứng bất lợi cho nhà cầm quyền xuất hiện tại tòa.

6. Không cho luật sư tiếp xúc thân chủ

Thứ sáu, từ những điểm mờ ám đã nói ở trên thì không có gì khó hiểu khi tòa án không cho luật sư trao đổi với thân chủ trong thời gian diễn phiên tòa. Lại một lần nữa, điều này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Mục đích nhằm vô hiệu hóa luật sư, không cho thông tin từ người dân Đồng Tâm đến được với luật sư và đến với người dân cả nước.

Sau khi bị các luật sư phản đối thì tòa án đã phải chấp nhận cho luật sư được tiếp xúc với thân chủ nhưng phải cách hai mét và công an vây xung quanh. Tuy nhiên ngay sau đó thì tòa án lại quyết định không cho luật sư được tiếp xúc thân chủ khi có nhiều thông tin bất lợi cho nhà cầm quyền bắt đầu được sáng tỏ, khi các luật sư khéo léo đưa tin lên mạng xã hội.

7. Không công khai “công vụ” là gì

Thứ bảy, nhà cầm quyền cáo buộc dân Đồng Tâm "chống người thi hành công vụ" nhưng không hề dám đưa ra văn bản "công vụ" gì, viện lẽ đây là văn bản "tối mật". Trong cáo trạng thì đây là Kế hoạch số 419a/KH-PV01-PV02-MP do Công an Hà Nội lên phương án và Bộ Công an phê duyệt.

Câu hỏi đặt ra là "công vụ" này thuộc diện "tối mật", dân không được biết về nó thì làm sao có thể quy kết "dân chống người thi hành công vụ"? Công an có bắc loa lúc nửa đêm đọc cho dân nghe bản Kế hoạch 419a này không? Chắc chắn là không. Và có gì đảm bảo Kế hoạch 419a này hợp hiến và hợp pháp? Nên nhớ sinh mạng và nơi ở của công dân là bất khả xâm phạm theo Hiến pháp do chính đảng cộng sản ban hành. Cần mở cuộc điều tra độc lập xem Kế hoạch 419a này có hợp hiến và hợp pháp hay không.

Việc này tạo ra một tiền lệ rất xấu là nhà cầm quyền có thể xua công an, cảnh sát giết dân rồi chỉ cần nói rằng dân “chống người thi hành công vụ”. Nếu ai hỏi “công vụ” gì thì chỉ cần nói “công vụ” này “tối mật”, không tiết lộ được. Như vậy thì bất kì công dân nào cũng có thể bị giết vì một “công vụ” “tối mật” nào đó.

8. Không tranh biện đến cùng tại tòa

Thứ tám, từ những điểm mờ ám, sai trái trên của nhà cầm quyền mà thẩm phán đã phải sử dụng “tiểu xảo” rất kỳ quái. Đó là khi luật sư tiến hành bào chữa để vạch ra những điểm sai trái đó thì thẩm phán yêu cầu luật sư ngưng nói và sẽ bào chữa sau. Tuy nhiên sau đó thẩm phán bất ngờ tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Các luật sư đều ngỡ ngàng vì còn rất nhiều câu hỏi từ các luật sư chưa được trả lời và bản thân các luật sư cũng chưa làm xong phần bào chữa của mình.

Một vụ án cực kỳ nghiêm trọng có tới bốn người chết và có hai người có thể bị tử hình, xét xử 29 người nhưng phiên tòa chỉ được tiến hành trong có bốn ngày, từ thứ hai đến thứ năm, chứng tỏ phiên tòa được xét xử rất sơ sài và vội vã, không hề hợp lý và chính đáng.

Tiếp tục đấu tranh vì công lý

Còn vô số vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng khác của nhà cầm quyền trong phiên tòa Đồng Tâm nhưng tôi chỉ đưa ra đây tám điểm nghiêm trọng nhất theo quan điểm của tôi. Chắc chắn thời gian tới, các luật sư, luật gia Việt Nam và quốc tế sẽ còn rất nhiều điều để phân tích về vụ án này, thậm chí có thể phải đưa sự việc lên Liên Hiệp Quốc vì cách thức tổ chức phiên tòa đã vi phạm các Công ước quốc tế về quyền con người, quyền dân sự và chính trị mà nhà nước Việt Nam đã ký kt.

Tôi viết những dòng này không chỉ để đấu tranh cho người dân Đồng Tâm mà cho cả các chiến sĩ cảnh sát, công an, và cả quân đội. Nếu lực lượng vũ trang phải hy sinh thì đó phải là cái chết để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nhân dân, chứ không phải là một cái chết mờ ám trong một cuộc tấn công vào một làng quê Việt Nam.

Tôi không chỉ muốn làm sáng tỏ cái chết của cụ Lê Đình Kình và minh oan cho người dân Đồng Tâm, tôi cũng muốn làm minh bạch cái chết của ba chiến sĩ. Các anh không thể chết một cách mờ ám và cái chết của các anh bị nhà cầm quyền lợi dụng để lại đi gây ra những bản án, những cái chết oan sai khác.

Lòng dân sôi sục

Khi kết thúc phiên tòa ở ngày thứ tư, tức thứ năm 10/9/2020, luật sư Ngô Anh Tuấn đã bị công an ngăn cản dùng USB để sao chép lại biên bản phiên tòa. Các luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng phản đối thì cả ba luật sư đã bị công an xô đẩy suýt gây thương tích. Sau đó ba luật sư đã bị một nhóm thanh niên “mặc thường phục” bám theo đe dọa.

Tuy nhiên, khi thông tin này được đưa lên mạng thì có rất nhiều người dân đang ở Hà Nội đã đến giúp các luật sư. Thậm chí có người đưa cả ba chiếc xe bảy chỗ tới để hộ tống luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Nguyễn Văn Miếng tới tận sân bay Nội Bài để trở về Sài Gòn an toàn.

Sự việc trên chứng tỏ nhà cầm quyền không còn có thể độc quyền truyền thông và tiếp tục lừa dối người dân như trước. Sau mỗi một sự việc chà đạp đạo lý, vi phạm Hiến pháp và pháp luật tày trời của nhà cầm quyền thì lại có thêm rất nhiều người dân bước qua nỗi sợ hãi để đoàn kết với nhau chiến đấu vì công lý. Người dân không sợ nhà cầm quyền nữa, dù hình ảnh bi thương của cụ Lê Đình Kình là một lời đe dọa ngầm đến toàn dân là số phận của bất kì người dân nào cũng sẽ như cụ Kình nếu dám chống lại những sai trái của nhà cầm quyền.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
21/10/2020 10:16

Luật tố tụng buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực thi đầy đủ để tránh lạm quyền và hạn chế oan sai.Vi phạm Luật tố tụng phải bị xử theo luật hình.Nhiều điều trong Luật tố tụng bị vi phạm khiến ta phải tin rằng cơ quan điều tra đã gây nhiều điều oan khuất cho các người bị truy tố ,bị kết án trong vụ Đồng Tâm.