Đại hội 13: Những bài học duy trì chế độ và cải cách (phần 1)

TS. Phạm Quý Thọ
2020.05.03
  Hình minh hoạ. Người biểu tình ở Pháp cầm cờ của Liên Xô cũ với hình lãnh tụ Lenin hôm 5/12/2019
AFP

Kỳ 1: ‘Công khai’ cải cách làm sụp đổ chế độ Xô Viết

Theo tôi, nguyên tắc ‘công khai’ (гласность) và ‘tái cấu trúc’ (перестройка) trong cải cách nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, kém hiệu quả là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sụp đổ chế độ cộng sản ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.

Cuối tháng 4/2020 hầu hết các báo nhà nước đều trang trọng đăng bài viết: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng” của Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Nhân sự cho Đại hội 13.

Trong bài viết trên, Ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. (Lênin đã từng nói: "Hãy cho tôi một tổ chức những người cách mạng, tôi sẽ làm đảo lộn cả nước Nga"). Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất.”

Sự tan rã của chế độ XHCN ở Liên Xô cũ và Đông Âu, mà biểu tượng là sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989, là biến cố lịch sử mà loài người còn tiếp tục quan tâm vì sự tiến bộ và văn minh. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, do nội bộ hay từ bên ngoài, trực tiếp hay gián tiếp… tuỳ theo quan điểm chính trị hay góc nhìn của người nghiên cứu phân tích.  Tuy nhiên, các chính khách luôn biết cách vận dụng để tuyên truyền phù hợp với mục đích của họ. Đã hơn 30 năm kể từ đó, biến cố này vẫn thúc đẩy sự phát triển tự do và dân chủ thay vì coi đó là bài học cần rút kinh nghiệm.

Theo lãnh tụ cộng sản V. I. Lênin, suy cho cùng, nguyên nhân sụp đổ của chế độ là kinh tế, rằng ‘chế độ mới chỉ có thể chiến thắng chế độ cũ nếu năng suất lao động cao hơn’… Tuy nhiên, theo tôi, từ góc nhìn thể chế và chính sách công có nguyên nhân quan trọng khác đó chính là việc cựu Tổng bí thư Mikhail Gorbachyov và tập thể lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô cũ trong giai đoạn (1985 - 1991) đã thực hiện cải cách nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, kém hiệu quả dựa trên nguyên tắc ‘công khai’ và ‘tái cấu trúc’, nguyên văn trong tiếng Nga là ‘гласность’ và ‘перестройка’

Hình minh hoạ. Người lính Liên Xô đốt cờ Liên Xô cũ ở Moscow hôm 21/8/1991
Hình minh hoạ. Người lính Liên Xô đốt cờ Liên Xô cũ ở Moscow hôm 21/8/1991
AFP

Chế độ cộng sản ở Liên Xô cũ và hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu tồn tại hơn 70 năm nếu tính từ Cuộc cách mạng Tháng 10 (theo lịch cũ của Nga) năm 1917 đến năm 1991. Như đã biết, sau Iosif Stalin, lãnh đạo tối cao của Liên Xô giữa thập niên 1920 cho đến khi qua đời năm 1953, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp là từ Nikita Khrushchyov (1953-1964), Leonid Brezhnev (1964 đến năm 1982)… đến Mikhail Gorbachyov (1985 tới 1991), lãnh tụ Liên Xô cuối cùng.  Đây là thời kỳ, thế giới gọi là ‘chiến tranh lạnh’ giữa hai hệ thống chính trị khác biệt: Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình tồn tại của chế độ các cựu lãnh đạo Xô Viết nêu trên luôn được ca ngợi tôn vinh, nếu có sai lầm thì là ‘không cơ bản’ và được khắc phục bởi những người kế tiếp. Tuy nhiên, khi chế độ sụp đổ họ bị ‘phán xét’ theo các cách khác nhau. Chẳng hạn, theo quan điểm của Đảng CS Việt Nam, N. Khrushchyov từng bị cho là ‘xét lại’ và M. Gorbachyov là ‘thành phần cơ hội’, ‘kẻ phản bội’ lại lý tưởng CS… Phương Tây gọi M. Gorbachyov là ‘người anh hùng bất đắc dĩ’…

Hình minh hoạ. Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ở Moscow hôm 27/8/1991
Hình minh hoạ. Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ở Moscow hôm 27/8/1991
AFP

Cựu Tổng bí thư LX M. Gorbachyov từng phát động cải tổ nền kinh tế với việc ‘tái cấu trúc’ (perestroika) ‘công khai’ (publicity). Tái cấu trúc nền kinh tế thì cần thời gian và cũng không thể đưa cứu vãn nền kinh tế đang cạn kiệt bởi cơ chế kế hoạch hoá tập trung, chỉ huy. Hơn nữa, việc sa lầy tại cuộc chiến tại Afganistan (1978-1991) cũng gây ra những chi phí khổng lồ. Tuy nhiên, Việc tiến hành cải tổ dựa trên nguyên tắc ‘công khai’ là ‘trái’ với bản chất của chế độ, vốn luôn che giấu khuyết tật và bệnh thành tích… Nguyên tắc ‘công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm’ trước nhân dân là ‘Gót chân Asin’ (Achilles heel) của chế độ.

Tiềm lực kinh tế, hơn thế, bối cảnh lịch sử đã không cho phép các nhà lãnh đạo Xô Viết sử dụng bạo lực với nhân dân hay với các nước trong hệ thống XHCN lúc đó, kiểu như  can thiệp vào ‘biến cố Mùa xuân Praha’, Tiệp Khắc năm 1968.  Trước đó, năm 1989 Béc Linh đã sụp đổ, cả hệ thống đang tan rã, các quốc gia tìm cơ hội độc lập và người dân hướng tới thể chế dân chủ…

Mùa xuân Praha là nỗ lực của Alexander Dubček, Nó bắt đầu, nhà cải cách người Slovak A. Dubček lên nắm quyền lực ngày 5/1/1968, trao thêm quyền cho các công dân trong một hành động nhằm phi tập trung đảng phái nền kinh tế và dân chủ hoá. Các quyền tự do được trao gồm nới lỏng các hạn chế với truyền thông, ngôn luận và đi lại… Dubček cũng liên bang hoá đất nước thành hai nhà nước cộng hoà riêng biệt’. Cuộc cải cách đã không được chấp nhận, sau đó Tiệp Khắc bị can thiệp quân sự bởi Liên Xô đã và Khối Hiệp ước Warszawa và bị chiếm đóng cho tới năm 1990.

Nhà kinh tế trường phái Áo Friedrich von Hayek (1899–1992), người đoạt giải thưởng Nobel năm 1974, đã tin rằng mọi hình thức của chủ nghĩa tập thể chỉ có thể duy trì bằng tình trạng tập quyền cao độ. Trong cuốn sách của ông, Đường về nô lệ (1944) và các tác phẩm sau đó, F. Hayek tuyên bố CNXH đòi hỏi một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và phương thức kế hoạch hóa đó có thể trở thành chủ nghĩa toàn trị.

F. Hayek và nhiều đồng nghiệp trường phái kinh tế Áo cho rằng quyền lực độc quyền của nhà nước là đe dọa lớn nhất với tự do và sự thịnh vượng trong dài hạn của xã hội loài người. Trong đó, Murray Rothbard (1926–1995) gọi nhà nước là "tổ chức của những kẻ ăn cướp trắng trợn có hệ thống" và là nơi hội tụ của những cá nhân vô đạo đức nhất, tham lam nhất và vô liêm sỉ nhất trong bất cứ xã hội nào. Họ tiên đoán rằng sớm muộn gì chế độ đó sẽ bị sụp đổ.

Tư tưởng chủ nghĩa cộng sản khởi nguồn từ châu Âu, mà Các Mác (1818 – 1883) đã tiên phong đặt nền móng lý thuyết. V. Lê Nin đã vận dụng vào hoàn cảnh nước Nga vào đầu thế kỷ 20, sau đó Liên bang Xô Viết ra đời vào những năm 20. Chủ nghĩa phát xít bị đánh bại trong thế chiến II (1939-1945), như hậu quả của nó, hệ thống XHCN được hình thành, bao gồm Liên Xô, một số quốc gia Đông Âu… cho đến khi nó bị sụp đổ.

Lịch sử vẫn là lịch sử, mặc dù mọi sự đã thay đổi. Biến cố lịch sử của thế kỷ có thể là ‘cái rủi’ cho chế độ cộng sản, cho những người cầm quyền, nhưng thực tế cho thấy lại là ‘cái may’ cho đại bộ phận dân chúng trong chế độ mới. Hãy tự đặt mình vào địa vị của người dân để trả lời câu hỏi liệu họ có muốn quay trở về sống dưới chế đố cũ một lần nữa.

Các quốc gia từng là XHCN trước kia, phần lớn ở Đông Âu, đã thiết lập chế độ dân chủ trong quá trình chuyển đổi hoà bình. Đối với đa số người dân và chính phủ của họ chế độ XHCN và biến cố sụp đổ của nó đã là lịch sử, và việc duy trì và phát triển các giá trị tiến bộ của loài người là hiện tại và tương lai.

Tóm lại, nguyên nhân của mọi nguyên nhân sụp đổ chế độ là kinh tế, khi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung không hiệu quả, khiến chế độ dần suy yếu và ‘thua’ trong cạnh tranh với chế độ tư bản trong thời kỳ ‘chiến tranh lạnh’. Ngoài ra, trong chế độ đó, theo phân tích của F. Hayek, ‘những kẻ leo cao cũng là nô lệ’.

Nguyên tắc ‘công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình’ luôn là một đòi hỏi từ thực tế, từ nhân dân đối với chế độ, nhưng nó lại ‘đụng chạm’ đến quyền lực tuyệt đối của lãnh tụ yêu cầu cấp dưới tuân thủ và phục tùng. ‘Công khai’ cũng có nghĩa là phủ nhận ‘độc quyền chân lý’…, đối nghịch với ‘sự thật được che giấu bởi tính nhạy cảm của vấn đề.’ ‘Công khai minh bạch’ trong cải cách là một bước tiến đến chế độ dân chủ.

Liên Xô đã sụp đổ. Các giá trị lý tưởng CSCN là tốt đẹp và thu hút đông đảo quần chúng, nhưng cách vận hành để đi tới đích đó là vấn đề của hiện tại. Các quốc gia có chế độ xã hội khác nhau có sự lựa chọn không giống nhau để thay đổi. Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng với Trung Quốc, bởi vậy kinh nghiệm cải cách của quốc gia này liệu có thể trở thành mô hình cho Việt Nam hay không vẫn là câu hỏi lớn và cần có sự tìm hiểu thấu đáo.

Hà Nội, ngày 03/5/2020. Phạm Quý Thọ

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.