ASEAN cần đoàn kết ủng hộ Phán quyết Biển Đông

Trịnh Lộc Nguyễn
2020.06.18
   Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 21/4/2017: hình vệ tinh một đảo ở quần đảo Trường Sa
AFP

Ngày 12/12/2019, Malaysia đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Sau khi Malaysia gửi đệ trình lên CLCS, gần như tất cả các bên liên quan tới tranh chấp này đều gửi công hàm để nhấn mạnh quan điểm của mình đối với đệ trình của Malaysia. Các nước đã gửi công hàm liên quan tới đệ trình của Malaysia là Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Indonesia. Ngoài Trung Quốc, các nước còn lại có những lập trường tương tự khi viện dẫn phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

Công hàm gửi LHQ của Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phản ứng lại đệ trình của Malaysia; trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ ký hiệu CML/14/2019 đề ngày 12/12/2019, Trung Quốc lập luận rằng đệ trình của Malaysia sẽ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu CLCS không công nhận đệ trình của Malaysia theo điều 5(a) Phụ lục I của Quy định về Thủ tục của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa.

Như đã biết, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông bằng "Đường chín đoạn". Trong công hàm của mình, một lần nữa Trung Quốc nhấn mạnh rằng căn cứ vào cơ sở lịch sử, họ có chủ quyền đối với Biển Đông. Tuy nhiên, Toà Trọng tài Quốc tế năm 2016 đã đưa ra phán quyết rằng tuyên bố về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông không có cơ sở pháp lý xét theo luật quốc tế.

Công hàm gửi LHQ của Philippines

Ngày 6/3/2020, Philippines đã gửi công hàm lên LHQ để đáp lại công hàm của Trung Quốc. Trong công hàm của mình, Philippines lập luận rằng quan điểm của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS. Hơn nữa, công hàm của Philippines cũng viện dẫn phán quyết về Biển Đông chống lại Trung Quốc năm 2016 của Toà Trọng tài, theo đó giải quyết vấn đề về quyền lịch sử và quy chế của các cấu trúc trên biển. Phán quyết này khẳng định rằng bất kỳ tuyên bố nào dựa trên quyền lịch sử, hay những quyền chủ quyền và quyền tài phán khác vượt quá giới hạn địa lý và giới hạn thực chất của các cấu trúc trên biển theo quy định của UNCLOS, đều không có hiệu lực pháp lý.

Công hàm gửi LHQ của Việt Nam

Sau công hàm của Philippines, ngày 23/3/2020, Việt Nam đã gửi công hàm lên LHQ liên quan tới đệ trình thềm lục địa mở rộng của Malaysia. Việt Nam có lập trường kiên định và vững vàng về tranh chấp này. Trong công hàm của mình, Việt Nam nhấn mạnh ít nhất 4 điểm. Đầu tiên, Việt Nam phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được nêu ra trong công hàm của Trung Quốc. Việt Nam lập luận rằng đó là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Thứ hai, Việt Nam nói rằng nước này có nhiều bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ ba, Việt Nam nhắc lại rằng UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, Việt Nam phản đối mọi lập luận không tuân thủ theo UNLCOS. Dù công hàm của Việt Nam không nhắc đến phán quyết của PCA về Biển Đông một cách rõ ràng, song lập trường của Việt Nam đã, đang và luôn luôn kiên định với tất cả những tài liệu mà Việt Nam từng chuyển lên LHQ và đệ trình lên các cơ quan quốc tế có liên quan.

Công hàm của Việt Nam gửi lên LHQ
Công hàm của Việt Nam gửi lên LHQ

Công hàm gửi LHQ của Indonesia

Ngày 12/6, Phái đoàn thường trực Indonesia tại LHQ đã gửi thư lưu hành số 148/POL-703/VI/20 tới Tổng thư ký LHQ António Guterres để phản hồi thư lưu hành số CML/46/2020 mà Trung Quốc gửi LHQ ngày 2/6 liên quan vấn đề Biển Đông.

Trong thư này, Indonesia đã tái khẳng định lập trường đối với vấn đề Biển Đông theo Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12/7/2016.

Thư của Indonesia nhấn mạnh: Không có thực thể nào ở Quần đảo Trường Sa được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa riêng, do đó, không có thực thể nào tại đây tạo ra vùng chồng lấn với EEZ hoặc thềm lục địa của Indonesia”; Không có quyền lịch sử nào liên quan đến Trung Quốc tồn tại trong EEZ và thềm lục địa của Indonesia. Nếu có bất kỳ quyền lịch sử nào tồn tại trước khi UNCLOS có hiệu lực, các quyền đó đã được thay thế bởi các quy định của UNCLOS”. Do đó, Chính phủ Indonesia không thấy có lý do pháp lý nào theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, để tiến hành đàm phán về phân định ranh giới trên biển với Trung Quốc hoặc về bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến quyền lợi hoặc lợi ích hàng hải được đưa ra trái với luật pháp quốc tế.

Phái đoàn thường trực Indonesia tại LHQ đã đề nghị lưu hành thư này tới tất cả các thành viên của Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) cũng như tất cả các thành viên UNCLOS và LHQ.

Trước đó, ngày 26/5, Phái đoàn thường trực Indonesia tại LHQ đã gửi thư lưu hành số 126/POL-703/V/20 lên LHQ liên quan tới đệ trình thềm lục địa mở rộng của Malaysia. Trong công hàm của Indonesia gửi tới LHQ, lần đầu tiên kể từ khi Toà Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông năm 2016, trong đó nhấn mạnh 3 điểm:

Một là, Indonesia tái khẳng định rằng quốc gia này không phải là một bên tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 8/1/2020: Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Phải) thăm căn cứ quân sự ở đảo Natuna ở Biển Đông
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 8/1/2020: Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Phải) thăm căn cứ quân sự ở đảo Natuna ở Biển Đông
AFP

Hai là, Indonesia lưu ý rằng lập trường của nước này liên quan tới quy chế pháp lý của các thực thể trên biển như được đề cập trong công hàm năm 2010, được công nhận bởi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, theo đó không có bất kỳ thực thể nào thuộc Quần đảo Trường Sa được phép lấy làm căn cứ để tính EEZ hay thềm lục địa.

Ba là, Indonesia tái khẳng định rằng bản đồ “đường 9 đoạn” ngầm thể hiện yêu sách về chủ quyền lịch sử là hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và có mức độ nghiêm trọng tương đương việc vi phạm UNCLOS. Quan điểm này cũng đã được công nhận bởi phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà Trọng tài, trong đó nói rằng mọi quyền lịch sử mà Trung Quốc có thể có đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật đều bị bác bỏ bởi giới hạn về vùng biển được xác định theo UNCLOS.

Năm 2016, sau khi Toà Trọng tài đưa ra phán quyết, xảy ra vụ việc một tàu cá của Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, Indonesia khi đó đã gửi công hàm phản đối ngoại giao tới Bắc Kinh trong đó lập luận rằng "Đường chín đoạn" là phi pháp xét theo luật quốc tế.

Một vụ việc tương tự lại diễn ra vào đầu năm 2020, khi đó căng thẳng xảy ra giữa lực lượng thực thi pháp luật của Indonesia với các tàu đánh cá trái phép được tàu hải cảnh hộ tống của Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở Biển Bắc Natuna, nơi Trung Quốc coi là khu vực nằm trong "Đường chín đoạn". Một lần nữa, Indonesia kiên quyết phản đối Trung Quốc bằng cách gửi một công hàm ngoại giao tới Bắc Kinh và tăng cường tuần tra quân sự tại khu vực.

ASEAN cần đoàn kết để chống lại tham vọng sai trái của Trung Quốc

Liệu việc ASEAN đoàn kết cùng ủng hộ Phán quyết về Biển Đông của Toà Trọng tài có quan trọng trong luật quốc tế? Trên thực tế, từ góc nhìn của luật quốc tế, việc bất kỳ quốc gia thành viên nào của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) viện dẫn Phán quyết của Toà Trọng tài, cho dù là trong một công hàm chính thức, đều không làm gia tăng tính pháp lý của pháp quyết đó. Tuy nhiên, điều này có thể làm gia tăng ảnh hưởng và sức ép chính trị đối với bất kỳ bên liên quan nào, nhằm buộc các bên phải tôn trọng luật quốc tế.

Về mặt lý thuyết, Phán quyết của Toà Trọng tài sẽ chỉ có tính ràng buộc đối với các bên có liên quan tới vụ xét xử, bao gồm Philippines và Trung Quốc, cho dù Trung Quốc không tham gia phiên tòa. Mặc dù, về Phán quyết của Toà Trọng tài không có tính ràng buộc đối với các nước khác có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, nếu có nhiều các nước có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông viện dẫn phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông, ít nhất điều đó sẽ tạo ra sức ép chính trị đối với Trung Quốc, buộc nước này phải hành xử phù hợp với luật quốc tế, và tránh có các hành động phi pháp gây ra căng thẳng ở khu vực.

Do đó, các nước thành viên ASEAN, nhất là các bên có liên quan tới tranh chấp Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, cần kiên quyết ủng hộ Phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016 để đảm bảo rằng luật pháp quốc tế là cơ sở duy nhất để giải quyết tranh chấp này.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.