Liệu Việt Nam có thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh?

Đỗ Hoài Phương Minh
2020.11.24
  ttt Hình minh hoạ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien và Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 21/11/2020
NSA

Sự nồng ấm Việt - Mỹ

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert C. OBrien vừa có chuyến viếng thăm Hà Nội từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 11 năm 2020. Theo thông báo của phía Việt Nam thì chuyến viếng thăm này để kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam và để đề cao những nỗ lực chung của hai nước trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Báo chí hai bên cũng cho biết, trong chuyến thăm này, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ OBrien đã gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch, và Bộ trưởng Công an Đại tướng Tô Lâm. Trong các cuộc gặp này, ông OBrien cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần vào an ninh quốc tế, và tôn trọng thượng tôn pháp luật.

Quan hệ Việt - Mỹ trong dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Quan hệ song phương ngày càng nồng ấm khi Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, trong nửa đầu năm 2020, thương mại song phương đã tăng 26 tỷ USD.

Cách đây chưa đầy một tháng, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã ghé thăm Hà Nội trong một chuyến đi không có trước trong lịch trình. Các chuyến viếng thăm liên tiếp của các quan chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ cho thấy sự quan tâm của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam.

Tương lai tốt đẹp

Các chuyến viếng thăm này cùng với việc cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken được bố trí làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới của Biden đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc và ASEAN rằng Mỹ tiếp tục giữ cam kết đối với khu vực và với Việt Nam.

Điều này khiến Việt Nam vui mừng vì được coi là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Washington đang tận dụng mọi cơ hội có thể để giành lấy sự ủng hộ của Hà Nội và cải thiện vị thế quốc tế của Mỹ.

Hình minh hoạ. Ông Antony Blinken, người vừa được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden
Hình minh hoạ. Ông Antony Blinken, người vừa được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden
AFP

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Blinken trước đây từng nói về Việt Nam: Sự chuyển đổi của Việt Nam, giống như của rất nhiều nước khác, được hỗ trợ và thậm chí được thúc đẩy nhờ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc dành riêng cho sự tiến bộ của mỗi nước”.

Ông Blinken từng là chuyên gia hoạch định chính sách quan trọng trong chiến lược tái cân bằng châu Á của chính quyền Obama. Lý do chính để Washington hòa giải với Việt Nam là vì Hà Nội là nước phản đối mạnh nhất trong ASEAN trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong cuộc trò chuyện với Walter Russell Mead tại Viện nghiên cứu Hudson vào ngày 9/7/2020, quan chức ngoại giao trên cho rằng: "Ngày càng có nhiều sự đồng thuận giữa các bên rằng Trung Quốc đặt ra một loạt thách thức mới và hiện trạng thực sự không bền vững.”

Các nhà nghiên cứu dự báo, chính quyền của Biden sẽ coi trọng tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương. Điều này trái ngược hẳn với thái độ coi thường công khai của chính quyền Trump dành cho các liên minh. Biden sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nhóm "Bộ tứ" và "Bộ tứ mở rộng", tăng cường các cuộc tập trận phối hợp quân sự, không chỉ gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản mà còn gồm các nước khác như Việt Nam.

Trong bài bình luận của RAND, Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao, nói: Việt Nam sẽ là sự bổ sung tuyệt vời cho nhóm "Bộ tứ mở rộng" nhằm vào Trung Quốc. Việc mở rộng sự tham gia của nhóm "Bộ tứ" bao gồm một nước Đông Nam Á sẽ làm suy yếu nhận định của Bắc Kinh rằng "Bộ tứ" chỉ là một nhóm các cường quốc khu vực đang cố gắng kiềm chế’ sức mạnh của Trung Quốc."

Với tư cách là các cường quốc biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ trong nhóm "Bộ tứ" chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc duy trì an ninh hàng hải thông qua việc giải quyết những thách thức phức tạp này. Ý tưởng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở chắc chắn bao gồm hợp tác an ninh biển.

Trong vài năm qua, hợp tác trong quan hệ an ninh và quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh biển ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điều này được thể hiện trong các chuyến thăm mang tính lịch sử của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng hồi tháng 3/2018 và tàu USS Theodore Roosevelt hồi tháng 3/2020. Các tàu sân bay Mỹ thường xuyên qua lại Biển Đông và thường xuyên bị các tàu hải quân Trung Quốc theo dõi sát sao.

Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc có lịch sử ngoại giao sâu sắc dù nhiều khi không suôn sẻ. Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước. Việt Nam cũng là một thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 thành viên, vừa được ký kết ngày 15/11, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không có Mỹ.

Việt Nam sẽ ở đâu trong căng thẳng Mỹ - Trung?

Trong bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao, ông O’Brien có nhắc:

“Hoa Kỳ trân trọng quan hệ đối tác với Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam trong các vấn đề chiến lược cùng quan tâm, bao gồm duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông và khu vực Mê Công. Chúng tôi cũng trân trọng sự hợp tác chặt chẽ của Việt Nam trong việc thực thi các nghị quyết liên quan đến Bắc Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…

Chúng tôi chia sẻ cam kết sâu sắc đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên các quy tắc tôn trọng, công bằng và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như chủ quyền và tự do hàng hải.

Khu vực này không có hứng thú quay trở lại một thời kỳ đế quốc khi mà “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Hình minh hoạ. Cố vấn Anh ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien phát biểu tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội hôm 21/11/2020
Hình minh hoạ. Cố vấn Anh ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien phát biểu tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội hôm 21/11/2020
FB Đại Sứ Quán Mỹ ở Hà Nội

Đó chính là lý do vì sao Hoa Kỳ có một lập trường vững chắc phản đối sự cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc tại biển Đông và các mối đe dọa an ninh trong khu vực Mê Công…

Từ Biển Đông đến lưu vực sông Mê Công, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn. Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn.

Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến một nước Việt Nam mạnh mẽ và thịnh vượng, đóng vai trò trung tâm của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi rất mong chờ sẽ đạt được những thành tựu tuyệt vời cùng các bạn trong tương lai.”

Đây là một điều đặc biệt, bởi vì Việt Nam cũng là quốc gia có thể chế tương tự Trung Quốc với duy nhất Đảng Cộng sản nắm quyền cai trị đất nước. Trước đó không lâu, ngày 30/10 trong buổi thảo luận trực tuyến về Trung Quốc của Viện Hoover, David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã chỉ trích: "Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay có quan điểm thù địch với các nước láng giềng, Hoa Kỳ cũng như phần lớn các nước còn lại. Mục đích của ĐCS Trung Quốc không phải vì sự ổn định hoặc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia tôn trọng luật pháp.”

Yêu cầu đối với Việt Nam

Bloomberg cho biết cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng họ phải hạn chế việc "chuyển hướng bất hợp pháp" hàng xuất khẩu của Trung Quốc và mua thêm hàng hóa của Mỹ như khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng như thiết bị quân sự để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ. Ngoài ra, cũng theo thông tin của Bloomberg, Trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo rằng, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam phải được giảm bớt.

Các nhà sản xuất Trung Quốc và nước ngoài vốn đã chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh bị trừng phạt trong sự căng thẳng Mỹ - Trung.

Năm 2019, Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho biết sẽ truy quét những hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc được các nhà xuất khẩu gắn nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" một cách bất hợp pháp để tìm cách né tránh thuế quan của Tổng thống Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.

Việt Nam, quốc gia vốn được coi là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều năm giữa Trung Quốc và Mỹ, đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm con đường tăng trưởng nội tại. Trung tâm sản xuất Đông Nam Á này phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu và thiết bị cho hoạt động sản xuất sử dụng lao động chuyên sâu. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Dữ liệu chính thức cho thấy, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng gần 32% trong năm 2019 và thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng lên gần 56 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2018. Việt Nam đang tìm cách nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ hơn để giúp thu hẹp khoảng cách thương mại sau những đe dọa về thuế quan của Mỹ.

Tình hình thế giới đang mở ra những cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng chứa đựng đầy thách thức. Việt Nam không nên bỏ lỡ dịp quan trọng này để có thể “thoát ly” khỏi các ảnh hưởng sâu rộng từ Trung Quốc. Những vấn đề gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Việt Nam, bao gồm vấn đề Mekông và Biển Đông, nếu không có sự tham gia của Mỹ thì khó mà có thể thực hiện được. Vì thế, đây cũng là những thời khắc mà Việt Nam cần phải có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
26/11/2020 12:58

Đảng cộng sản VN chỉ có thể tồn tại nếu đảng cộng sản Tàu tồn tại. Định luật "sinh tồn" cho ta thấy cộng sản VN ắt phải sống kiếp ký sinh và bám vào vật chủ là Tàu cộng. Chúng ta có thể kết luận rằng cộng sản VN sẽ không bao giờ muốn thoát ra khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh cả.

Anonymous
27/11/2020 02:21

Việt Nam có thể thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh nếu đảng CSVN muốn.

Anonymous
27/11/2020 10:53

Việt Nam sẽ thoát được ảnh hưởng của Tàu Cộng, nếu toàn dân Việt Nam muốn Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, cho dù đảng Việt Cộng muốn chết chùm với đảng Tàu Cộng.

Ý dân là Ý trời, Ý trời là Ý dân:

Dân chủ > Dân cử, Dân bầu, Dân chọn... tự do ngàn ngàn anh tài, anh hùng, hào kiệt, có tài, có đức, có tâm, có tầm, trong Dân, do Dân, vì Dân, của Dân, phục vụ quyền lợi chính đáng của Dân, theo ý thích, ý muốn của toàn Dân.

Dân chủ, Dân giàu > Nước còn, Nước mạnh.