Trung Quốc lại chặn dòng Mekong

Nguyễn Thiện
2021.02.28
Trung Quốc lại chặn dòng Mekong Hình minh hoạ. Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang của Trung Quốc
AFP

Quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á lại tiếp tục trở nên căng thẳng sau khi Bắc Kinh chặn dòng chảy của sông Mekong tại một trong những con đập lớn ở thượng nguồn, dẫn đến sự sụt giảm đột ngột về lượng nước chảy tới các nước ở hạ nguồn con sông dài nhất của khu vực Đông Nam Á này.

Sông Mekong bắt đầu hành trình dài 4.600 km từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, chảy về phía Nam qua tỉnh Vân Nam, qua Myanmar vào lưu vực sông Mekong và qua đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Lưu vực con sông này chính là vựa lúa của khu vực.

Sinh kế của khoảng 60 triệu người sống dọc theo hạ lưu sông Mekong phụ thuộc vào dòng chảy của con sông này. Các cộng đồng ở Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam bị bất ngờ trước động thái của Bắc Kinh, khiến tình cảnh của họ trở nên tồi tệ hơn vào giữa mùa khô hàng năm.

Dưới sức ép của Hoa Kỳ cùng các nước Đông Nam Á, hồi tháng 8/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hứa hẹn kế hoạch chia sẻ dữ liệu của Trung Quốc trong mùa khô tại hội nghị thượng đỉnh các nước ven sông Mekong là thành viên của sáng kiến Hợp tác Lan Thương-Mekong - một cơ quan do Bắc Kinh thành lập bao gồm các thành viên MRC, Myanmar và Trung Quốc. 

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm thiểu thiệt hại đó được đo lường bằng việc nước này sẵn sàng chia sẻ dữ liệu dòng chảy trên sông với các nước hạ nguồn sông Mekong. Cho đến năm ngoái, Trung Quốc chỉ chia sẻ thông tin về lưu lượng nước trong mùa mưa hàng năm (từ tháng 6 đến tháng 10) - thời điểm sông Mekong và các nhánh của nó phình ra và gây ra lũ lụt hàng năm. Sau đợt hạn hán năm 2019, Trung Quốc đã chia sẻ thêm dữ liệu về lưu lượng nước trong mùa khô với các nước láng giềng phía Nam.

2010-03-11T120000Z_1826648478_GM1E63B1BCE01_RTRMADP_3_THAILAND.JPG
Hình minh hoạ. Một hồ chứa khô cạn trên sông Mekong trong hạn hán ở biên giới Lào và Thái Lan hôm 11/3/2010. Reuters

Đến giữa tháng 2/2021, hầu như chưa có sự cải thiện nào đối với các cộng đồng ở lưu vực sông Mekong bị ảnh hưởng với quyết định của Trung Quốc giảm lưu lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam. Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã thông báo cho các nước hạ nguồn sông Mekong về các cuộc thử nghiệm của họ tại siêu đập này vào đầu tháng 1/2021, gần một tuần sau khi nước này bắt đầu giảm dòng chảy từ 1.900 m3/giây xuống còn 1.000 m3/giây. Các thử nghiệm của Trung Quốc đã hoàn thành vào ngày 24/1.

Pianporn Deetes, Giám đốc nhóm bảo vệ môi trường toàn cầu International Rivers tại Thái Lan, cho biết: Là một quốc gia ở thượng nguồn, Trung Quốc coi dòng sông này như một con kênh, hay nguồn nước, và có quyền quyết định việc sử dụng dòng sông theo ý của họ”.

Một số người dân phía Bắc Thái Lan có sông Mekong chảy qua, cho hay: Mực nước (ở hạ nguồn sông Mekong) vẫn còn rất thấp. Nhiều đoạn trơ cả cát ra, rất đột ngột, bởi vì Trung Quốc đã giữ nước ở phía trên”. (1)

Trong một báo cáo công bố vào tháng này, Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết dòng chảy (trên sông Mekong) đã giảm xuống mức "đáng lo ngại" (2). Cơ quan liên chính phủ này - đại diện cho Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - quản lý hệ sinh thái lưu vực sông Mekong. Trong báo cáo trên, một quan chức MRC nhận định: "Đã có những đợt tăng và giảm đột ngột mực nước ở hạ lưu đập Cảnh Hồng và xa hơn xuống Viêng Chăn (Lào), điều này đã đặt ra thách thức cho giới chức và cộng đồng trong việc chuẩn bị và ứng phó với những tác động có thể xảy ra".

Cảnh báo của MRC bộc lộ một bất cập về mặt ngoại giao đang gây khó khăn cho Trung Quốc và các nước nằm dọc sông Mekong ở phía Nam của nước này là: sự thiếu hợp tác về nguồn tài nguyên thiên nhiên chung.

Carl Middleton, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói: Hiện vẫn cần tăng cường hợp tác về quản trị nước xuyên biên giới. Mục tiêu là [để] vận hành có trách nhiệm các dự án thủy điện tránh các tác động xã hội và môi trường ở mức độ có thể, trong khi thừa nhận và đền bù cho những tác hại đã tạo ra”.

000_8M53Q.jpg
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 8/3/2016: một cô gái đi bộ trên một kênh khô cạn ở huyện Long Phú, Sóc Trăng thuộc đồng bằng sông Cửu Long. AFP

Trung Quốc, quốc gia gọi sông Mekong là sông Lan Thương, đã nằm trong tầm ngắm của các nhà môi trường khu vực và quốc tế vì quyền năng mà nước này sử dụng để tăng giảm lưu lượng nước. Những người chỉ trích cho rằng Bắc Kinh sử dụng con sông này như chiếc vòi nước được bật hoặc tắt để đáp ứng các yêu cầu về nước sinh hoạt trong nước.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và các cộng đồng ở lưu vực sông Mekong, bùng phát do Trung Quốc xây 11 đập lớn ở thượng nguồn con sông này, đang thử thách mối quan hệ mà cường quốc châu Á này đang tìm cách xây dựng với các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Khi còn giữ ghế Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm ngoái, Việt Nam đã nêu ra các quan ngại về sông Mekong để khối này xem xét.

Một đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra vào năm 2019 đã cho thấy tác động của các con đập ở Trung Quốc và ở các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong khác như Lào đối với các cộng đồng sống dọc theo con sông này. Những khu vực bị ảnh hưởng là những cánh đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và Tonle Sap của Campuchia, một hồ nước khổng lồ cần nguồn nước của sông Mekong để có thể cung cấp nguồn cá dồi dào - thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân địa phương.

David Brown, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, đã phát biểu với báo giới: Người Việt Nam và [người Campuchia] ở hạ lưu sông Mekong đã phát triển các hệ thống nông nghiệp [và hệ thống ngư nghiệp ven sông] phù hợp chặt chẽ với sự lên xuống của mực nước sông. Hiện nay, năng suất nông nghiệp và thủy sản đều bị ảnh hưởng bởi vấn đề biến đổi khí hậu, các đập trên sông Mekong của Trung Quốc và việc ngăn đập trên các nhánh sông Mekong ở Lào và ở một mức độ thấp hơn là ở vùng cao nguyên miền Trung của Việt Nam”.

Một số nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương như ông Niwat Roikaew, ở Thái Lan, cảm thấy rất lo ngại. Ông ta nói: Với tư cách là một cộng đồng Mekong, chúng ta cần phải thảo luận và đi đến một thỏa thuận về lượng nước cần được xả ra [từ các đập của Trung Quốc] để giữ chu kỳ tự nhiên cho nhiều người sống dọc theo con sông này. Trung Quốc không thể đưa ra quyết định này một mình”.

Trung Quốc đã thực hiện cái gọi là “chính trị nguồn nước” (water politics) khi tìm cách kiểm soát vùng cao nguyên Tây Tạng, vốn là khởi nguồn của hầu hết các con sông lớn nhất ở châu Á. Trung Quốc cũng là một trong 3 quốc gia đã bỏ phiếu chống lại việc thông qua Công ước của Liên Hợp Quốc về sử dụng các nguồn nước quốc tế 1997. Trung Quốc cũng là quốc gia không tham gia vào Hiệp định Mekông 1995. Hiệp định này chỉ có 4 quốc gia vùng hạ nguồn Mekong: Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam tham gia.

Việt Nam là thành viên duy nhất có lợi ích sống còn ở cả hai điểm nóng - với tư cách là bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và có Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, đã có ý kiến kêu gọi Việt Nam nên đảm nhận vai trò lãnh đạo và vận động hành lang ủng hộ “Thỏa thuận ASEAN về tương hỗ Biển Đông-Mekong”.

Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam cũng đã có quỹ đạo phát triển đáng chú ý nhất trong số tất cả các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) và đóng vai trò là bên trung gian hòa giải không chính thức giữa 5 nước thành viên sáng lập ASEAN và các nước CLMV.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là Trung Quốc phải có trách nhiệm với cộng đồng dân cư sống dọc con sông, và cho đến nay, ASEAN vẫn chưa tỏ ra quyết liệt với vấn đề này.

Gần đây, Hoa Kỳ đã tích cực thúc đẩy trở lại LMI (Sáng kiến Hạ nguồn Mekông). Việc nâng cấp LMI gần đây cho thấy Washington thừa nhận rằng sông Mekong có liên quan đến Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) có quy mô rộng lớn hơn - nhìn chung, đây là phản ứng trước thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. FOIP của Mỹ nhằm mục đích cạnh tranh mạnh mẽ chống lại các nỗ lực hạn chế quyền tự chủ và tự do lựa chọn của các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, bao gồm cả các nước nhỏ hơn ở khu vực sông Mekong.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
01/03/2021 08:53

TÀU CÔNG LÀ MÔT BON CUOP VÔ LIÊM SI KHO THUONG

Nyn
01/03/2021 09:44

Về lỉnh vực nào tq cũng không có trách nhiệm với cộng đồng,không đáng là thành viên thường trực của ĐHĐLHQ.các nước nên đề nghị LHQ truất phế tư cách thành viên ở LHQ và bầu thành viên mới có trách nhiệm hơn.