Trung Quốc đang tự cô lập mình

Nguyễn Hoài Phong
2020.07.28
ttt Hình minh hoạ. Người biểu tình đốt cờ Trung Quốc và bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên biển tại một cuộc biểu tình ở Manila, Philippines hôm 12/6/2019
AFP

Giấc mộng Trung Hoa hay tham vọng bá chủ

Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc biển”, một thuật ngữ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng như một phần trong luận điệu về công cuộc phục hưng dân tộc. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng hải quân nước sâu có khả năng kiểm soát các vùng biển gần, tác chiến và giành chiến thắng trong các cuộc chiến khu vực, cũng như bảo vệ các tuyến đường biển sống còn cùng nhiều lợi ích kinh tế và chính trị của nước này bên ngoài khu vực Đông Á.

Kể từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từ bỏ đường lối giấu mình chờ thời” dưới thời Đặng Tiểu Bình để chuyển sang chính sách ngoại giao nước lớn đề cao vai trò của Trung Quốc. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho Trung Quốc ngày càng bị cộng đồng quốc tế nghi ngại, tuy nhiên thay vì có chính sách cải thiện quan hệ với các nước thì chính quyền Bắc Kinh lại tiếp tục thúc đẩy chính sách tự cho mình là đúng” và chú trọng vào đối nội hơn kể từ sau khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu.

Trong một cuộc họp với giới doanh nghiệp nước này hôm 21/7, Tập Cận Bình đã phát biểu rằng Trung Quốc là một nước có thị trường với quy mô khổng lồ, do vậy cần phát huy ưu thế này và phải xây dựng cơ cấu phát triển mới lấy nền kinh tế trong nước làm chủ thể. Điều này thể hiện quan điểm rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ cần kinh tế nội địa của Trung Quốc phục hồi là nước ngoài sẽ tự động bị Trung Quốc thu hút, chinh phục.

Gây thù chuốc oán” khắp nơi

Mặc dù đang bị cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Mỹ và châu Âu, quy lỗi trách nhiệm về việc để bùng phát COVID-19 nhưng Trung Quốc không có hành động tích cực để cải thiện quan hệ quốc tế. Ngược lại, Trung Quốc cho thấy một cách lộ liễu rằng họ coi sự hỗn loạn do COVID-19 gây ra là “cơ hội” để đạt được lợi ích cho bản thân. 

Trên thực tế, Trung Quốc liên tục lợi dụng tình thế dịch bệnh hiện nay để có các hành động gia tăng hoạt động trên biển. Tàu chấp pháp Trung Quốc đã đâm va và làm chìm tàu cá Việt Nam hồi tháng 4/2020 trên Biển Đông, Phần lớn những gì Trung Quốc đã làm trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 – trong đó có việc truy đuổi các tàu cá của Việt Nam ra khỏi những vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam, cử các tàu giám sát hoặc tàu cảnh sát biển đi hộ tống các tàu cá của nước này xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác như Indonesia, đe dọa các hoạt động khai thác dầu và khí đốt của các bên tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông, cử các tàu cảnh sát biển xâm nhập vùng biển của đảo Điếu Ngư/Senkaku, cử các tàu và máy bay quân sự vào eo biển Đài Loan – đều đã được họ thực hiện từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, cường độ của những hành động này đã gia tăng khi các nước trong khu vực – trong đó có cả Trung Quốc – đang vật lộn với đại dịch, kèm theo ảnh hưởng về kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra. Sau đó Bắc Kinh tự mình thiết lập khu vực hành chính mới trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Những động thái này khiến các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, ngày càng lo ngại và cảnh giác.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, bởi vì phải đối mặt với sức ép ở trong nước và sự chỉ trích từ bên ngoài, Trung Quốc muốn phô diễn sức mạnh. Các quan chức Trung Quốc lo lắng rằng hành động ôn hòa và kiềm chế có thể là dấu hiệu thể hiện sự kém cỏi trong mắt giới tinh hoa trong nước và các nước bên ngoài.

Hình minh hoạ. Hình tàu hải cảnh của Trung Quốc do tuần duyên Nhật Bản chụp được hôm 22/12/2015 gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông
Hình minh hoạ. Hình tàu hải cảnh của Trung Quốc do tuần duyên Nhật Bản chụp được hôm 22/12/2015 gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông
AFP

Trên Biển Hoa Đông, tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện trên 105 ngày liên tục xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và cũng đòi hỏi chủ quyền, mức thời gian kỷ lục từ trước tới nay. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng nhiều lần xâm phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản, truy đuổi tàu cá Nhật Bản trong vùng biển này. Trong khi đó, tàu khảo sát hải dương Trung Quốc cũng tiến hành khảo sát mà chưa có sự chấp thuận của Tokyo trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Khi có sự can thiệp của tàu chấp pháp Nhật Bản, các tàu Trung Quốc đều không có thái độ hợp tác. Đáng chú ý, tàu Trung Quốc được triển khai tại vùng biển này ngày càng có tải trọng lớn hơn, phần lớn là loại trên 3.000 tấn, và một số còn được trang bị cả súng máy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 21/7 cũng đã phải lên tiếng cảnh báo việc tàu công vụ Trung Quốc đang gia tăng hoạt động cả về số lượng lẫn thời gian xâm phạm vùng biển của Nhật Bản. Điều này cho thấy Bắc Kinh đã chuyển sang giai đoạn mới trong chính sách khiêu khích Tokyo. Còn tại khu vực biên giới giáp với Ấn Độ, hai bên cũng xảy ra đụng độ khiến nhiều binh sĩ hai nước thương vong.

Việc giới chức Trung Quốc đẩy mạnh chính sách ngoại giao cứng rắn là nhằm thúc đẩy tinh thần ái quốc trong dư luận nước này, tuy nhiên chính sách này cũng không tạo được sự đồng thuận trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh. Một quan chức ngoại giao Trung Quốc chỉ ra rằng người dân nước này ngày càng nhận thức rõ về việc Bắc Kinh bằng những chính sách của mình đã tạo ra kẻ địch ở “bốn phương, tám hướng”, đặc biệt là giới doanh nghiệp nước này ngày càng bất mãn với chính sách hiếu chiến của các quan chức ngoại giao.

Chính giới chức Bắc Kinh cũng đang thể hiện thái độ sốt ruột hơn trước các nguy cơ mà Trung Quốc phải đối mặt. Tờ Thời báo Hoàn Cầu thuộc Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài xã luận hôm 27/7 cũng đã thừa nhận rằng việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là phản ứng ngoài sức tưởng tượng của Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo rằng cần chuẩn bị tâm thế cho cuộc Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 21 có thể nghiêm trọng hơn Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20.

Cả thế giới đứng lên chống lại Trung Quốc

Sự tập hợp lực lượng để chia sẻ mối quan ngại ngày càng tăng đối với sự vươn lên về quân sự, tranh chấp lãnh thổ và chiến lược ngoại giao "Chiến Lang" của Trung Quốc dẫn đến sự hồi sinh của nhóm đối thoại an ninh Bộ Tứ (Quad) bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia. Bốn quốc gia này chia sẻ đánh giá chiến lược rằng Trung Quốc là một lực lượng gây rối ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu của Mỹ. Nhật Bản cũng đang cố gắng hết sức để thích nghi với bối cảnh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở châu Á.

Hình minh hoạ. Tàu USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ đi qua Biển Đông hôm 11/4/2017
Hình minh hoạ. Tàu USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ đi qua Biển Đông hôm 11/4/2017
Reuters

Vào ngày 13/7 vừa qua, sau khi phái 2 tàu sân bay tham gia một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong những năm gần đây ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi hành vi của Trung Quốc là bất hợp pháp. Trong một tuyên bố thách thức trực tiếp hiếm hoi đối với Bắc Kinh, ông nói: "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế biển của riêng mình".

Việc Trung Quốc một lần nữa nổi lên như một cường quốc toàn diện làm gia tăng nhiều lo ngại, khiến nhiều quốc gia quay trở lại quan tâm tới Bộ Tứ phiên bản 2.0, trong đó có Ấn Độ. Ấn Độ cảm thấy lo lắng trước Trung Quốc đã thay đổi từ bản sắc lịch sử đất nước như một cường quốc lục địa để hướng tới trở thành một cường quốc biển hiện đại với khả năng triển khai sức mạnh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng. Quốc gia này đã theo đuổi chiến lược "chuỗi ngọc trai" ở Ấn Độ Dương, được hỗ trợ bởi năng lực hải quân ngày càng lớn mạnh nhằm bóp nghẹt vùng duyên hải xung quanh Ấn Độ và kiểm soát Ấn Độ trên đất liền bằng cách thu hút sự ủng hộ của Nepal và đồng minh thân cận Pakistan.

Mới đây, ngày 23/7, Chính phủ Australia đã gửi Công hàm phản đối các yêu sách biển của Trung Quốc ở biển Đông. Với Công hàm này, Australia đã chọn cách đứng về phía Hoa Kỳ để chống lại tham vọng của Trung Quốc, cho dù Trung Quốc đe doạ trả đũa Australia về kinh tế.

Cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc, Geoff Raby, lưu ý: "Một loạt thông báo quan trọng đã thể hiện rõ rằng Chính phủ Australia hiện tại coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và là một cường quốc xét lại phải chống lại".

Ngày 30/6, sau khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng Luật An ninh quốc gia mới đối với Hong Kong, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã gọi động thái này của Bắc Kinh là "ikan" (đáng tiếc)- từ này chỉ xếp ngay sau từ ngữ chỉ trích mạnh mẽ nhất trong từ điển ngoại giao của Nhật Bản là "hinan" (đáng lên án). Trong bối cảnh tình hình ở Hong Kong dần xấu đi, giới chức Nhật Bản đã sử dụng các từ ngữ ngày càng mạnh mẽ- từ chūshi (theo dõi chặt chẽ) tới yūryo (hết sức lo ngại).

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên cũng đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn khác thường đối với Trung Quốc vào ngày 27/6, tái khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở đúng đắn của các quyền và quyền chủ quyền ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.