Trung Quốc đẩy mạnh chiến tranh pháp lý ở Biển Đông

Bài phân tích của Nguyễn Hồng Thanh
2021.07.21
Trung Quốc đẩy mạnh chiến tranh pháp lý ở Biển Đông Hình minh hoạ. Tàu nạo vét của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn, quần đảo Trường SA hôm 21/5/2015.
Reuters

“Chiến tranh pháp lý” trong “Tam chủng chiến pháp”

Trong "giấc mộng Trung Hoa” của mình, Trung Quốc luôn đặt mục tiêu trở thành cường quốc biển. Biển Đông chính là cửa ngõ để Trung Quốc tiến ra biển và đại dương thế giới.

Vấn đề là Trung Quốc lại không có cơ sở pháp lý nào để có thể hỗ trợ cho tham vọng của họ, thậm chí, cả thế giới cùng lên án cái gọi là “đường lưỡi bò” của họ. Toà trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng tuyên bố bác bỏ yêu sách quyền lịch sử” bên trong “đường lưỡi bò”.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại muốn dùng sức mạnh để có thể biến “đường lưỡi bò” thành thực tế để thoả mãn giấc mộng siêu cường của mình. Nhưng Trung Quốc cũng tránh tiến hành chiến tranh quân sự, vì một cuộc chiến tranh quân sự lúc này sẽ tạo thế bất lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc chủ trương áp dụng “Tam chủng chiến pháp” tức là 3 cuộc chiến ngoài cuộc chiến quân sự, bao gồm “Chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý”.

“Chiến tranh tâm lý” là tác động về mặt tâm lý đến đối tượng, ví dụ như Thời Báo Hoàn Cầu tuyên bố đe doạ sẽ “tấn công và chiếm Việt Nam trong 21 ngày” chẳng hạn, hoặc Trung Quốc luôn đe doạ Đài Loan bằng cách cho nhiều máy bay xâm phạm không phận của đảo quốc này, cùng với các cuộc tập trận rầm rộ ở eo biển Đài Loan. “Chiến tranh truyền thông” là dùng truyền thông để lặp đi lặp lại các luận điệu của Bắc Kinh là “một quốc gia yêu chuộng hoà bình…”

Còn “Chiến tranh pháp lý” thì Trung Quốc tiến hành ra sao? Trong khi về cơ bản Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào trên biển Đông cả.

001_1E2211_JPEG.jpg
Đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. AFP

Cố ý duy trì sự mập mờ

Ngày 7/8/2009 Trung Quốc gửi hai công hàm phản đối Báo cáo thềm lục địa mở rộng riêng Việt Nam và Báo cáo chung tại khu vực chồng lấn của Việt Nam và Malaysia. Trong hai công hàm này có kèm theo bản đồ có hình “đường lưỡi bò” đầy tai tiếng của họ.

Mặc dù vậy, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ giải thích một cách chính thức và rõ ràng đối với thế giới về quy chế pháp lý của “đường lưỡi bò” là gì? Các học giả và quan chức Trung Quốc đưa ra rất nhiều giải thích khác nhau. Một lập luận mà người Trung Quốc hay dùng đó là “quyền lịch sử” đối với tất cả vùng nước bên trong “đường lưỡi bò”, lập luận này bắt đầu từ một học giả gốc Đài Loan là Phó Côn Thành, rồi sau đó được Ngô Sĩ Tồn - một quan chức và học giả danh tiếng của Trung Quốc ra sức quảng bá áp dụng. Lập luận này còn được nhiều học giả Trung Quốc “tung hô”, thậm chí bà Tiết Hán Cần - lúc đó là Thẩm phán Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) cũng đưa ra trong một phát biểu của mình.

Ngoài ra, trong rất nhiều tuyên bố và công hàm của Trung Quốc, họ luôn sử dụng các ngôn từ mập mờ, cố tình gây khó hiểu. Đây chính là một “chiêu” trong “chiến tranh pháp lý” của họ.

Sự mập mờ dường như là “chiến thuật cố ý” của Bắc Kinh. Không chỉ đối với “đường lưỡi bò” mà ngay trong các văn bản nội luật của họ, sự mập mờ này cũng thấy rõ.

Thời gian vừa qua, nhiều học giả đã chỉ ra sự mập mờ, không giải thích rõ đâu là “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” trong Luật Hải cảnh mới thông qua đầu năm nay của họ.

Một bài viết trên trang Jamestown (1) cũng chỉ ra, không chỉ Luật Hải cảnh mà ngay cả Luật An toàn Giao thông đường biển của Trung Quốc cũng có sự mập mờ tương tự. Cụ thể, Điều 2 của dự thảo sửa đổi này đầu tiên quy định rằng các hoạt động liên quan đến an toàn giao thông đường biển ở vùng biển ven bờ của CHND Trung Hoa” phải tuân theo luật này. Thuật ngữ “vùng biển ven bờ” được định nghĩa là “nội thủy, lãnh hải và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của CHND Trung Hoa” theo Điều 115. Tuy nhiên, phiên bản mới nhất đã thay thế thuật ngữ “vùng biển ven bờ” bằng vùng biển thuộc quyền tài phán của CHND Trung Hoa”, nhưng luật cũng không đưa ra định nghĩa về thuật ngữ này. Việc Trung Quốc sử dụng các thuật ngữ mập mờ như vậy giúp Trung Quốc linh hoạt trong việc sửa đổi cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền biển của họ ở Biển Đông và biện minh cho các yêu sách biển ngoài các quy định của UNCLOS.

2021-01-27T115656Z_1717293645_RC2BGL9HYWCW_RTRMADP_3_SOUTHCHINASEA-PHILIPPINES-CHINA.JPG
Tàu hải cảnh của Trung Quốc truy đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam ở gần giàn khoan HD 981 gần khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 15/7/2014

Lợi dụng chiêu bài khoa học để tấn công

Sự mập mờ của “đường lưỡi bò” đã bị “đập vỡ” bởi Phán quyết biển Đông năm 2016. Toà trọng tài đã khẳng định rõ yêu sách về “quyền lịch sử” đối với đường lưỡi bò là không có căn cứ pháp lý, và vi phạm các quy định của UNCLOS, đo đó vô giá trị.

Thất bại đau đớn với Phán quyết biển Đông, Trung Quốc tung tiền ra vận động nhiều học giả danh tiếng quốc tế như Stefan Talmon (Giáo sư Luật quốc tế tại Đại học Bonn, Đức) hay Mark Valencia (Mỹ), Same Bateman (Australia)… phối hợp cùng đội ngũ học giả Trung Quốc “tấn công” vào Phán quyết. Đây cũng là một “chiêu” của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý của họ, đó là khi họ thất bại hoặc yếu thế về pháp lý, lợi dụng sự tự do học thuật ở phương Tây, họ sẽ dùng số đông để “tấn công áp đảo” nhằm lấp liếm sự yếu đuối pháp lý của họ.

Sử dụng các “lập luận hai mặt”

Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc thường hay sử dụng các “lập luận hai mặt” để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của họ.

Cụ thể, sau khi Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài, Bắc Kinh đã ban hành bản chính sách "Trung Quốc giữ vững lập trường giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông", trong đó có viết: "Năm 1951, Hội nghị Hòa bình San Francisco đã quyết định rằng Nhật Bản sẽ từ bỏ mọi quyền, tước vị và yêu sách đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa). Năm 1952, chính phủ Nhật Bản chính thức tuyên bố rằng nước này đã từ bỏ tất cả các quyền, tước vị và yêu sách đối với Đài Loan, Penghu, cũng như quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa)”. Chính sách này không đề cập rõ ràng “Hiệp ước Hòa bình San Francisco”năm 1951 hay là “Hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật” năm 1952.

Thực tế, Hiệp ước Hòa bình San Francisco được ký kết giữa Nhật Bản và 48 nước khác vào ngày 8/9/1951. Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình San Francisco thể hiện tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản từ bỏ, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, hiệp ước được ký kết mà không có sự hiện diện của ĐCSTQ hay Quốc Dân Đảng do có sự bất đồng về việc đảng nào có thể đại diện cho chính phủ Trung Quốc.

ĐCSTQ và Quốc Dân Đảng đã có những cách tiếp cận rất khác nhau đối với Hiệp ước Hòa bình San Francisco. ĐCSTQ phủ nhận hoàn toàn tính hợp pháp của Hiệp ước Hòa bình San Francisco với lý do đảng này bị loại khỏi tiến trình đàm phán và cho rằng hiệp ước này là trái phép, không hợp lệ và không thể được công nhận. Ngược lại, Quốc Dân Đảng quyết định ký một hiệp ước riêng với Nhật Bản, gọi là Hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật năm 1952.

Chúng ta có thể thấy rõ sự mâu thuẫn trong thái độ của Trung Quốc: một mặt, phủ nhận tính hợp pháp của những hiệp ước này; mặt khác, tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông một phần dựa vào hai hiệp ước này.

Các quốc gia ASEAN nên làm gì?

Các quốc gia ASEAN liên quan trực tiếp đến các tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông có thể làm gì để đối phó với kiểu “chiến tranh pháp lý” này của Trung Quốc?

Điểm yếu rất lớn của Trung Quốc đối với tham vọng biển chính là về mặt pháp lý. Chính vì không có cơ sở pháp lý nên Trung Quốc đã dùng “chiến tranh pháp lý” hòng lấp đi các điểm yếu của mình.

Chính vì vậy, các nước ASEAN có thể “khoét sâu” vào điểm yếu này của Trung Quốc. Một mặt, các quốc gia ASEAN cần tăng cường sức mạnh truyền thông lên quốc tế, tố cáo sự không chính danh này của Trung Quốc, lật mặt các thủ đoạn và các chiêu trò của Trung Quốc trong cái gọi là “chiến tranh pháp lý” này của họ.

Mặt khác, kinh nghiệm từ Philippines đã cho thấy, một biện pháp hữu hiệu để thể hiện tính chính đáng, chống lại các yêu sách phi lý với những lập luận ngạo ngược của Trung Quốc, các nước ASEAN cần học tập Philippines tìm cách khởi kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài như Philippines đã làm, hoặc có thể tìm các giải thích từ các toà khác như Toà án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) hoặc Toà án Công lý Quốc tế (ICJ). Các giải thích của các Toà này sẽ mang lại sức mạnh chính nghĩa rất lớn cho các nước ASEAN, và “đập tan” các lập luận phi lý của Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
23/07/2021 12:36

" Giấc mộng Trung Hoa " sẽ trở thành " Ác mộng Trung Cộng ".
Biển Đông sẽ trở thành " Bạch Đằng Giang " của quân xâm lăng Tàu Cộng, độc đảng, độc tài, độc quyền, độc địa.
Hải quân Tàu Cộng càng dương oai, càng vẫy vùng ở Biển Đông, càng sa lầy, càng vùng vẫy trên " Bạch Đằng Giang ".

Tất cả các cường quốc kinh tế, quân sự, có thể chế chính trị Tự do, Dân chủ, Đa đảng, như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật, Ấn độ ...
vì an ninh và sự sống còn quốc gia sẽ liên minh, liên kết chọc huyết Con Bò mậu dịch, thương mại, kinh tế Tàu Cộng và cắt cái Lưỡi Bò Tàu Cộng tại Biển Đông.

Gió đã đổi chiều, các nước Tự do đã đổi chiêu...

Bo Bun Nem
23/07/2021 15:53

Truoc dây rât lâu rôi, tui co doc duoc ban tin trên mang toàn câu noi rang, Trung Công da cao sua cac tài liêu su sach xua cu cua Trung Công voi nôi dung co loi cho chu quyên cua Trung Công trên biên dông và làm copy thay cac trang sach xua cu do bang nhung trang sach da chinh sua nôi dung co loi cho vân dê chu quyên cua Trung Công ,
Voi tài chuyên môn làm hàng gia, hàng nhai cua Trung Công, thi viêc thay dôi , sua dôi ....cac trang sach cu voi nôi dung co loi cho Trung Công chi là chuyên nho !!!
Cho nên, tât ca nhung tài lieu mà Trung Công xuât trinh dê chung minh chu quyên cua Trung Công o biên dông, hay chung minh bât cu thu quyên nào do cua Trung công thi phai duoc xét nghiêm lai ky luong coi co phai là tài liêu gia hay không ....

Bo Bun Nem
23/07/2021 15:54

Truoc dây rât lâu rôi, tui co doc duoc ban tin trên mang toàn câu noi rang, Trung Công da cao sua cac tài liêu su sach xua cu cua Trung Công voi nôi dung co loi cho chu quyên cua Trung Công trên biên dông và làm copy thay cac trang sach xua cu do bang nhung trang sach da chinh sua nôi dung co loi cho vân dê chu quyên cua Trung Công ,
Voi tài chuyên môn làm hàng gia, hàng nhai cua Trung Công, thi viêc thay dôi , sua dôi ....cac trang sach cu voi nôi dung co loi cho Trung Công chi là chuyên nho !!!
Cho nên, tât ca nhung tài lieu mà Trung Công xuât trinh dê chung minh chu quyên cua Trung Công o biên dông, hay chung minh bât cu thu quyên nào do cua Trung công thi phai duoc xét nghiêm lai ky luong coi co phai là tài liêu gia hay không ....