COVID-19: Cú sốc kinh tế và cảnh báo về tâm lý nóng vội tăng trưởng

Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
2021.10.19
COVID-19: Cú sốc kinh tế và cảnh báo về tâm lý nóng vội tăng trưởng Hình minh hoạ: Người dân đạp xe trên đường phố Hà Nội hôm 1/10/2021 sau khi các tỉnh, thành ở Việt Nam dỡ bỏ lệnh giãn cách
Reuters

Cú sốc kinh tế là sự “mất mát” có nguyên nhân chủ quan, nhưng phủ nhận và hơn thế là ngộ nhận về năng lực làm nảy sinh sự nóng vội tăng trưởng.

Trước hết, cú sốc kinh tế ở Việt Nam vừa xảy ra là khá nghiêm trọng. Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) chín tháng đầu năm 2021 ước tăng 1,42%, trong đó GDP quý ba ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất từ những năm đầu Đổi mới đến nay. Sự suy giảm sâu nhanh chóng khiến nhiều người “bất ngờ”, nghĩa là trái với những hình dung, suy luận, dự đoán chủ quan của nhiều người, tạo ra cú sốc mạnh về kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2021 là 6,5-7%. Ngân hàng Thế giới (WB) vào đầu tháng 9 đánh giá tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm do tác động của dịch, nhưng năng lực vẫn vững, nên vẫn dự báo tỷ lệ GDP Việt Nam năm 2021 là 4,8%, tuy nhiên vào tuần đầu tháng 10 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 2-2,5%.

Ngoài chỉ tiêu GDP, sự sụt giảm diễn ra từ cả hai phía cung và cầu, tổng mức bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng sụt giảm mạnh đồng thời với việc giảm sâu chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, trong đó ngành chế biến vốn “dẫn dắt” tăng trưởng giảm mạnh nhất. Các chuyên gia trong nước đưa ra nhận định rằng các trụ cột tăng trưởng đang “lung lay”. Xuất khẩu đã giảm nhanh do tác động của giãn cách xã hội kéo dài tại trung tâm kinh tế phía Nam, cán cân thương mại thâm hụt. Đầu tư công bị “ách tắc” không thể giải ngân vì nhiều lý do hơn là đổ tại cho dịch…

Cú sốc kinh tế đã khiến sức chống chịu của nền kinh tế đã tới hạn. Gần bốn tháng phong toả nghiêm ngặt thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã gây ra sự “tổn thương tới ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế” – như thừa nhận của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên trong cuộc họp với các chuyên gia kinh tế và y tế ngày 17/9.

Trước hết, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ và đang trong tình trạng “ngắc ngoải”. Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây, gần 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tập trung nhiều nhất tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và phần lớn trong số đó không tiên liệu được sẽ phải đóng cửa trong bao lâu. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến cuối tháng 9/2021, có 81.584 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có tới 85.508 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so cùng kỳ năm trước, và trong đó hơn 50% là tạm ngừng kinh doanh, còn lại đang làm thủ tục giải thể hoặc đã hoàn thành thủ tục phá sản.

Đối với khu vực doanh nghiệp FDI, một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và đình trệ sản xuất kéo dài này cũng đang gây ra quan ngại lớn. Theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh vừa được EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) thực hiện, niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, 18% trong tổng số 193 công ty được khảo sát cho biết đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác, trong khi 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc về điều này.

2021-10-01T133555Z_522190744_RC211Q9G6QJT_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM.JPG
Hình minh hoạ: công nhân làm việc trong nhà máy sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ ở Hà Nội hôm 1/10/2021. Reuters

Ngoài ra, thị trường lao động đang bị rối loạn, tỷ lệ thất nghiệp cao, đời sống người lao động, đặc biệt số lao động buộc phải về quê, rất khó khăn, tỷ lệ nghèo tạm thời đã tăng lên từ 10% ở điều kiện bình thường đã lên hơn 33%, và có thể còn tiếp tục tăng theo nhận định của các chuyên gia từ số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, gần 19 triệu người giảm thu nhập, rối loạn dịch chuyển lao động làm đảo lộn sinh hoạt dân cư…

Sau nữa, đến nay phí tổn ngân sách chống dịch đã gần 30,5 nghìn tỷ, trong đó tỷ lệ khá cao dành cho lực lượng vũ trang tham gia, và nếu kể cả tiền hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từ các nguồn khác nhau tổng chi phí ước tính là 6-7 tỷ đô la. Khi nguồn lực quốc gia bị bào mòn, xuất hiện rủi ro cho cân đối kinh tế, nguy cơ lạm phát, đe doạ bất ổn xã hội…

Tất nhiên, sự phủ nhận có nguyên nhân chủ quan và, hơn thế, là ngộ nhận về năng lực điều hành kinh tế có thể làm nảy sinh sự nóng vội tăng trưởng. Cú sốc kinh tế ở Việt Nam cũng liên quan trực tiếp đến đến đại dịch COVID-19, nhưng nó “khác thường”, khác với nhiều nước nó “đến muộn” hơn về thời điểm và có nguyên nhân chống dịch chủ quan, lúng túng. Đối với toàn nhân loại đại dịch này là “chưa từng xảy ra”, “đột ngột” và “nguy hiểm”. Nó đã khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 và lan rộng ra toàn thế giới với mức độ khác nhau. Là “cái nôi” của dịch, cách phong toả khắc nghiệt hơn 11 triệu dân ở Vũ Hán và các vùng lân cận của tỉnh Hồ Bắc, dù kìm chế được sự lan rộng, nhưng đã để lại bài học chuyên chế gây tranh cãi và mang tính ý thức hệ.

Sự lây lan dịch bệnh từ Trung Quốc sang Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt ở châu Âu diễn ra nhanh chóng do các mối liên hệ rộng mở kinh tế, việc làm, du lịch trong bối cảnh toàn cầu hoá. Tuy nhiên, cách tiếp cận chống dịch của các thể chế dân chủ dựa trên tôn trọng tự do cá nhân, cũng không hẳn là “tối ưu” đối với COVID-19 khi chưa có vắc-xin phòng ngừa. Các quốc gia đã phải chịu cú sốc về y tế và kinh tế ngay trong năm 2020, có nước chứng kiến sự sụt giảm tỷ lệ GDP lên tới hai con số, nhưng đã không mắc vào cái bẫy “Zero COVID”, đã dần trở lại trạng thái bình thường mới khi có vắc-xin và độ bao phủ cao cần thiết. 

Chính phủ Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều về cách tiếp cận “Trung Quốc”, đã chống dịch thành công trong ba đợt dịch đầu trong hơn một năm kể từ đầu năm 2020, nhưng đã chủ quan dẫn đến chính sách đối phó lúng túng vì thiếu nguồn lực và phương tiện y tế khi đợt dịch thứ tư bùng phát dữ dội tại vùng trung tâm kinh tế cả nước, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, từ khoảng giữa năm 2021 đến nay. Sự cộng hưởng với sốc đại dịch khiến cho cú sốc kinh tế trở nên “khác thường” hơn. Phong toả nghiêm ngặt, kéo dài khi chiến lược vắc-xin chậm, bị động và năng lực xét nghiệm vi rút yếu kém; thế mạnh của cơ chế tập trung quyền lực về huy động lực lượng trong tình huống cấp bách không phát huy được; rối loạn chức năng điều hành và phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương; năng lực cán bộ lãnh đạo bộc lộ hạn chế và né tránh trách nhiệm…

Tất cả yếu tố “khác thường” làm tê liệt kinh tế ở vùng trung tâm dịch, gây nên cú sốc kinh tế Việt Nam. Sức ép từ cú sốc kinh tế nghiêm trọng đã biến chiến lược “Zero COVID” của Việt Nam thành ảo tưởng và mục tiêu kép đã chỉ là khẩu hiệu. Các Chỉ thị 15, 16 và 19 của Chính phủ về phòng chống dịch trước đây được thay thế bởi Nghị quyết 128, trong đó quy định bốn cấp độ nguy hiểm với các tiêu chí cụ thể hơn để vận dụng. Tuy nhiên, chung sống với đại dịch thế nào vẫn là thách thức, sức ép từ cú sốc kinh tế, tình trạng “trên bảo dưới chưa nghe”, lao động thiếu và bất an trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp, không đồng đều...

Cú sốc kinh tế hiện nay ở Việt Nam có ý nghĩa cho việc điều hành của chính quyền hơn là để cho tâm lý nóng vội phục hồi vì lý do tăng trưởng để thể hiện năng lực ngộ nhận. Kinh tế không thể bật dậy ngay sau cú sốc do những mất mát và tổn thương không chỉ về kinh tế mà cả xã hội. Trước mắt phải là ưu tiên nhiệm vụ ổn định cuộc sống người dân và doanh nghiệp, an cư lâu dài, sau là những chính sách phục hồi đi đôi với cải cách thể chế. Tâm lý nóng vội tăng trưởng, vì vậy, cần được cảnh báo để Chính phủ tránh hơn là bị cuốn theo, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn và diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Niễn Lú
20/10/2021 01:26

Kinh tế VN tăng trưởng mạnh trong năm 2021, nhờ vào nguồn tiền fhử cô-vít, và tiền phạt vạ người dân ..