COVID-19: Các tổ chức nhân quyền quốc tế lo ngại lạm dụng “tình trạng khẩn cấp” để đàn áp nhân quyền

Minh Luật
2020.03.28
  Hình minh hoạ. Công an đứng canh tại một điểm kiểm soát ngoiaf xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc hôm 13/2/2020
AFP

Liên minh Các Tổ chức Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) có trụ sở tại Nam Phi, với 9.000 thành viên trên toàn thế giới nói rằng: “Trong đại dịch COVID-19, các chính phủ không nên coi các biện pháp khẩn cấp là cái cớ để hạn chế quyền công dân”.

Tuyên bố được đưa ra vào hôm 24/3, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng lạm dụng các biện pháp khẩn cấp được gia tăng ở một số quốc gia độc tài toàn trị trong quá trình phong tỏa và cưỡng bức cách ly nhằm phòng chống sự lây lan của virus Corona.

Ban bố về tình trạng khẩn cấp vì lý do sức khỏe và an ninh phải được thực hiện phù hợp với luật pháp: các quốc gia không nên áp dụng luật khẩn cấp như một cái cớ để hạn chế quyền công dân và nhắm vào các nhóm, dân tộc thiểu số và cá nhân cụ thể. Không nên áp dụng luật khẩn cấp để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền”, CIVICUS khuyến cáo.

Theo tổ chức này cho biết, tại Trung Quốc, các nhà hoạt động đã bị quấy rối và đe dọa vì chia sẻ thông tin về dịch bệnh trong khi báo chí lại bị kiểm duyệt. Ở các quốc gia châu Á khác, luật pháp đàn áp đang được triển khai để bắt giữ những người được cho là tuyên truyền sai sự thật về dịch bệnh.

Tuyên bố đã nhắc đến Việt Nam như là một quốc gia “cần đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19” và yêu cầu "phóng thích các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động nhân quyền hiện đang bị giam giữ" nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nhà tù.

Một số tù nhân trong nhà tù Iran đã nhiễm virus. Trong khi chúng tôi khen ngợi chính quyền Iran đã tạm thời thả 85.000 tù nhân, những người bảo vệ nhân quyền - bảo vệ nữ quyền và quyền trẻ vị thành niên - cũng nên được thả ra. Các quốc gia khác đã và đang giam giữ những người bảo vệ nhân quyền và đối lập chính trị, như Ai Cập, Việt Nam và Cameroon, cũng nên làm theo”, CIVICUS kêu gọi.

Liên Hợp Quốc nêu quan ngại tương tự

Hôm 25/3, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng ra lời kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ những người đang bị giam giữ trước sự lây nhiễm bệnh dịch đang lan tràn trong các nhà tù.

Cao Ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cho biết, COVID-19 đã bắt đầu tấn công các nhà tù bởi các cơ sở giam giữ quá đông đúc, điều kiện mất vệ sinh và các dịch vụ y tế không đầy đủ hoặc thậm chí không được cung cấp.

Ngay lúc này, hơn bao giờ hết, các chính phủ nên thả những người bị giam giữ mà không có đủ cơ sở pháp lý, bao gồm các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm phê phán hoặc bất đồng”, người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ nhấn mạnh.

Trước đó vào hôm 16/3, hơn 20 chuyên gia nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc cũng khuyến cáo các quốc gia tránh lạm dụng tình trạng khẩn cấp để đàn áp nhân quyền và dập tắt bất đồng chính kiến.

Theo các chuyên gia, mặc dù nhận thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch, và thừa nhận việc các quốc gia được phép sử dụng quyền hạn khẩn cấp theo luật pháp quốc tế, nhưng mọi ứng phó khẩn cấp trong dịch bệnh cần phải tương xứng, cần thiết và không phân biệt đối xử.

“Các tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của quốc gia không nên sử dụng như một vỏ bọc cho hành động đàn áp dưới chiêu bài bảo vệ sức khỏe và dùng để để bịt miệng công việc của những người bảo vệ nhân quyền”, các chuyên gia nhân quyền LHQ nói.

Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng quyền hạn khẩn cấp của quốc gia cần được tuyên bố công khai và phải thông báo cho các Ủy ban Công ước LHQ biết để giám sát thực thi, khi các quyền cơ bản như quyền tự do đi lại, đời sống gia đình và tự do hội họp bị hạn chế đáng kể.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.