Liệu ASEAN lại thêm một lần bỏ lỡ cơ hội

Phạm Đình Long
2020.07.16
   Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 16/10/2019: Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông
AFP

Trong tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ về vấn đề biển Đông, Phía Mỹ đã bác bỏ gần như toàn bộ các yêu sách biển và hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Mỹ tiến hành cuộc tập trận của 2 tàu sân bay trên Biển Đông lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, trong lúc Lầu Năm Góc tăng cường hiện diện quân sự để ngăn chặn sự hung hăng ngày một gia tăng của Trung Quốc tại vùng biển này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo rằng thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Hoa Nam là đế chế hàng hải của họ” và rằng Mỹ “đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế”.

Tuyên bố của ông Pompeo được đặt trong bối cảnh lớn hơn đó là sức ép gia tăng của Mỹ với Trung Quốc giờ đây đã mở rộng ra ngoài cuộc chiến thương mại ban đầu và đang tiến triển thành cái mà một số nhà phân tích coi là cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tuyên bố chưa từng có tiền lệ của Mỹ chống lại các hành động trên biển của Trung Quốc đánh dấu một chương mới trong cuộc đối đầu ở Biển Đông. Tuyên bố này cũng báo hiệu khả năng một cuộc can thiệp mạnh mẽ hơn của Lầu Năm Góc nếu trong tương lai Trung Quốc chiếm đóng các thực thể trên biển mà các quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền, bao gồm Philippines - đồng minh ký kết Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) với Mỹ.

Trong tuyên bố của mình, ông Pompeo đã nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông. Phán quyết này - vốn bị Trung Quốc phớt lờ - đặt ra câu hỏi về cơ sở pháp lý của các tuyên bố bành trướng của Trung Quốc theo cái gọi là “Đường 9 đoạn” bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Phán quyết của tòa, được đưa ra hôm 12/7/2016, bác bỏ các yêu sách quyền lịch sử trên biển của Trung Quốc bởi nó không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Hình minh hoạ. Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển
Hình minh hoạ. Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển
AFP

Các nhà phân tích tình hình Biển Đông cho rằng so với trước đây, lập trường được tuyên bố của Mỹ về Biển Đông đã thay đổi rất đáng kể theo chiều hướng cứng rắn và rõ ràng hơn, không chỉ dừng lại ở việc bày tỏ quan ngại chung chung. Nếu trước đây chính sách của Mỹ là nhấn mạnh chung chung rằng tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Biển Đông cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở phán quyết của Toà Trọng tài, thì trong tuyên bố ngày 13/7, Ngoại trưởng Pompeo xác định Mỹ xem tất cả các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển không tuân thủ UNCLOS đều là bất hợp pháp. Cho dù Mỹ vẫn tiếp tục giữ thế trung lập trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhưng thông báo của Ngoại trưởng Pompeo có nghĩa là trên thực tế chính quyền Mỹ sẽ ủng hộ Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, các nước đang bị Trung Quốc áp đặt bằng sức mạnh trên Biển Đông. Mỹ sẽ xem mọi hành vi của Trung Quốc nhằm sách nhiễu tàu cá hay cản trở việc khai thác dầu khí của nước khác ở các vùng này là hành động phi pháp. Trả lời CNN, chuyên gia Gregory Poling - Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington - đã đánh giá rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rất có ý nghĩa. Ông cho biết: “Điều cơ bản mà Mỹ xác định là vẫn tiếp tục đứng trung lập trong vấn đề nước nào có đảo, đá nào ở Biển Đông, nhưng Mỹ sẽ không còn im lặng trước các đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc trên các vùng biển, trái với thái độ khá kín đáo của Mỹ trước đây về vấn đề này. Chuyên gia Poling cho rằng dĩ nhiên nhiều điều còn tùy thuộc” vào việc Mỹ sẽ hành động như thế nào tiếp theo thông báo của ngoại trưởng Pompeo, nhưng rõ ràng là tuyên bố lập trường của Mỹ về Biển Đông ngày 13/7 là một “đòn” mạnh về mặt ngoại giao.

Tuyên bố này của Ngoại trưởng Pompeo đã làm sống lại Phán quyết năm 2016. Chúng ta còn nhớ khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết vào ngày 12/7/2016, đội ngũ pháp lý của Philippines đã nhận được gần như tất cả những gì mà họ yêu cầu. Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Không chỉ Trung Quốc phớt lờ phán quyết mà chính quyền mới được thành lập của Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định gác lại phán quyết này với hy vọng cải thiện kinh tế dưới sự "giúp đỡ" của Trung Quốc.

Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiểu rõ phán quyết, và họ đã để lỡ cơ hội lịch sử để thiết lập một nền tảng nguyên tắc mạnh mẽ nhằm ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp ở Đông Nam Á. Để đánh lạc hướng sự chỉ trích của dư luận quốc tế, rất nhanh sau đó Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy các cuộc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với thái độ nghiêm túc hơn so với thời điểm tiến trình này khởi động vào năm 2013.

Theo phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016, cái gọi là “Đường 9 đoạn” không hề có căn cứ pháp lý và cũng không có bất kỳ thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được xem là đảo, đủ để thiết lập quanh đó các EEZ và thềm lục địa, vì vậy phạm vi các khu vực tranh chấp và có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông đã được thu hẹp đáng kể. Việc tuân thủ phán quyết sẽ củng cố cam kết của các bên đối với UNCLOS, một văn bản luật quốc tế từng nhiều lần được nhấn mạnh trong tiến trình đàm phán COC.

Phán quyết của Toà trọng tài đảm bảo nền tảng pháp lý để quy định các hoạt động hợp tác trên biển theo bộ quy tắc, bao gồm cả hình thức, phạm vi và địa điểm. Trung Quốc rất tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác hàng  hải và xem đó là mục tiêu then chốt của COC, vì vậy việc tuân thủ phán quyết sẽ giúp đảm bảo rằng các hoạt động này không vi phạm UNCLOS hay ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên thứ ba.

Hơn thế nữa, phán quyết của Toà Trọng tài chắc chắn sẽ giúp COC trở nên đáng tin cậy hơn, đối với cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế, nếu như COC dựa trên tinh thần của phán quyết.

Ngược lại, nếu bỏ qua phán quyết này, các bên tham gia COC sẽ rơi vào tình trạng rối như tơ vò khi phải thảo luận về những vụ xâm phạm EEZ; về việc tàu chiến, tàu tuần duyên hăm dọa các tàu thăm dù hay cản trở hoạt động khoan dầu trong khu vực thuộc chủ quyền của các nước ven biển, nơi được UNCLOS công nhận và bảo vệ. Nếu tôn trọng phán quyết của Toà trọng tài năm 2016, những vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết một cách dễ dàng.

Từ sau khi phán quyết được công bố, Trung Quốc đã thúc đẩy một nhận thức rằng tất cả các bên đều kiềm chế” ở Biển Đông, với 2 nội dung chính: Trước hết là tiến trình đàm phán COC đồng nghĩa với việc không cần Mỹ hay bất kỳ quốc gia bên ngoài nào can thiệp” hay tham dự” vào vấn đề Biển Đông. Và thứ hai, nguồn cơn căng thẳng chính là sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong vùng biển khu vực, và nhất là các chiến dịch tự do hàng hải-hàng không mà nước này tiến hành ở khu vực xung quanh các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tới tháng 11/2018, Trung Quốc đã khiến tất cả bất ngờ khi đảo ngược lập trường lâu nay rằng các bên không nên áp đặt hạn chót” cứng nhắc cho việc hoàn tất bộ quy tắc, mà thay vào đó kêu gọi các bên sớm hoàn thành COC trước cuối năm 2021.

Hình minh hoạ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 26/6/2020
Hình minh hoạ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 26/6/2020
AFP

Bị Trung Quốc lung lạc và đe doạ, ASEAN cũng đồng thuận với nội dung thứ nhất của câu chuyện” mà Trung Quốc đang tô vẽ, cụ thể là tại các hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc năm 2018 và 2019, tuyên bố chung đều nhiệt liệt hoan nghênh mối quan hệ hợp tác tiếp tục được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc, điều được khích lệ bởi tiến trình đàm phán đầy thiết thực nhằm nhanh chóng hoàn tất một bộ quy tắc hiệu quả”. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại phản bội” câu chuyện này. Trong suốt 12 tháng qua, căng thẳng leo thang không ngừng với hàng loạt vụ đụng độ của tàu Trung Quốc với tàu đánh cá các nước khu vực. Tháng 4/2020, Trung Quốc thậm chí còn thành lập hai quận hành chính mới để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa). Và từ khi phán quyết của Toà trọng tài được đưa ra cách đây 4 năm, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, cho phép Bắc Kinh bành trướng quyền lực ngay trung tâm của Đông Nam Á và gia tăng áp lực đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc cũng đã tuyên bố về tiến triển trong quá trình đàm phán COC. Năm 2017, hai bên công bố Khung đàm phán COC, và sau đó là Văn bản đàm phán duy nhất dài hơn 19 trang vào năm 2018, cùng Dự thảo Đầu tiên dài 20 trang trong năm 2019. Tuy nhiên, tất cả những thành quả này đều không đủ để hóa giải những bất đồng song phương. Theo một số quan chức có liên quan tới tiến trình đàm phán, Dự thảo đầu tiên của COC bao gồm một loạt bất đồng, nếu không muốn nói là không thể hòa giải, trong lập trường của Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền trong ASEAN.

Khác biệt ngày càng lớn giữa thực tế trên biển và tiến trình đàm phán COC khiến cộng đồng quốc tế tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của bộ quy tắc trong tương lai. Một số đối tác đối thoại của ASEAN như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, và Mỹ đã kêu gọi các bên xây dựng một bộ quy tắc có ý nghĩa” và “đồng bộ với luật pháp quốc tế”. ASEAN đã thể hiện sự thận trọng và kiên nhẫn nhằm giữ Trung Quốc trong tiến trình đàm phán, đồng thời duy trì uy tín cũng như vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Tuy nhiên, với việc thừa nhận những phát biểu của Trung Quốc rằng Biển Đông yên bình, và khu vực đang rất hòa hợp”, ASEAN có nguy cơ đánh mất mục tiêu mà họ kỳ vọng từ lâu.

Trên thực tế, ASEAN - bị ràng buộc bởi những lợi ích khác nhau của các nước thành viên và áp lực từ Trung Quốc - không thể tự đứng lên bảo vệ phán quyết của Toà trọng tài năm 2016. Tuy nhiên, những kết luận của Toà trọng tài cũng đã tạo dựng những nền tảng nhất định để các nước Đông Nam Á có thể căn cứ và thúc đẩy việc đàm phán COC. ASEAN, với tư cách một khối thống nhất, cần sáng suốt cân nhắc chủ nghĩa hiện thực, và tránh bị sa đà vào sự dẫn dắt của Trung Quốc. ASEAN cần có một COC tốt, thực sự có hiệu quả pháp lý để ngăn chặn những xung đột tiềm tàng và các tranh chấp leo thang, chứ không chỉ thể hiện việc xoa dịu tình hình là quá trình đàm phán COC đang có các tiến triển.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.