Vết chàm của Đinh Tiến Dũng trong vụ khủng hoảng cấm xuất khẩu gạo năm 2020

Gió Bấc
2021.04.11
Vết chàm của Đinh Tiến Dũng trong vụ khủng hoảng cấm xuất khẩu gạo năm 2020 Tân Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng thời còn là Bộ trưởng Tài chính trong một phỏng vấn ở London, Anh hôm 4/7/2019
Reuters

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa được thăng tiến làm Bí Thư Hà Nội, vùng trũng mà bao nhiêu tài sản quốc gia đổ dồn về. Chức vụ đó cũng là bậc thang, là cánh cửa trực tiếp để lọt vào Tứ Trụ. Tầm và tài của ông Dũng thế nào? Sự sáng suốt công minh trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chiến lược của Tổng Trọng và tập thể Bộ Chính trị (BCT) có thể nhìn thấy qua vụ khủng hoảng cấm, cho xuất khẩu gạo xảy ra tròn một năm trước.

Đầu năm 2021, truyền thông lề Đảng hả hê công bố thành tích xuất khẩu gạo “năm 2020, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn với giá trị 3,07 tỷ USD, tuy giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng tới 9,3% về giá trị so với năm 2019….

Nhìn lại cả năm 2020, giá lúa, gạo tại thị trường đồng bằng sông Cửu Long biến động theo chiều hướng tăng, với giá lúa thường tăng khoản 1.500 - 2.000 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 1.000 - 1.200 đồng/kg, tùy từng thời điểm và mùa vụ”. (1)

Luồng thông tin một chiều ấy đã bỏ quên một sự thật là do ảnh hưởng COVID-19, trong năm 2020, lượng gạo thế giới tiêu thụ mạnh, giá gạo thế giới tăng cao. Thêm lợi thế gạo ST 25 được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới nên giá gạo Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua gạo Thái Lan. Thế nhưng vào tháng 3-2020, trong khi lúa Đông Xuân ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đang thu hoạch, các doanh nghiệp đang nhộn nhịp xuất khẩu, giá lúa tăng lên 500 đồng/kg sau nhiều năm dậm chân tại chỗ thì ngày 23-2 Văn Phòng Chính Phủ đột ngột ra thông báo 121/TB-VPCP  theo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về ngưng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Có thông tin cho rằng từ đề xuất này là của ông  Trần Tuấn Anh - Bộ Trưởng Bộ Công Thương.

Điều kỳ quặc là chỉ một ngày sau, ông Trần Tuấn Anh lại có công văn đề nghị ngừng thực hiện thông báo 121, có nghĩa là ngừng việc cấm xuất khẩu gạo.

Ngày tiếp theo (25-3), VPCP lại có thông báo mới là tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới, hợp đồng đã ký sẽ xem xét cụ thể, các bộ ngành liên quan kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo để điều chỉnh việc xuất khẩu gạo. (2)

Nhưng thực chất hoạt động thu mua, chế biến xuất khẩu gạo đang vận hành nhộn nhịp bị dừng lại. Nông dân khóc ròng vì giá mới tăng đã giảm lại không bán được vì Tổng cục Hải quan đã có văn bản hỏa tốc gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với mặt hàng gạo từ 0h ngày 24-3.

2017-07-06T110024Z_1897327328_RC11E0C7B070_RTRMADP_3_ASIA-RICE.JPG
Hình minh hoạ. Gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2017. Reuters

Doanh nghiệp hốt hoảng vì lúa gạo đã mua ùn tứ từ kho bải đến các cảng phát sinh chi phí và có nguy cơ bị phạt, bị mất khách hàng vì không giao hàng đúng hợp đồng.

Bộ Trưởng Bộ Công thương hứng bao búa rìu dư luận vì tiền hậu bất nhất. Bộ Công thương lý giải việc tạm dừng là để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp và đề nghị cho tiếp tục xuất là tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp

Vì sao Bộ Công Thương đề nghị và chính phủ đột ngột dừng xuất khẩu gạo? Những văn bản qua lại cứ nhấn nhá nỗi lo mất an toàn lương thực trong khi Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng kết sản xuất vụ đông xuân đã khẳng định, với sản lượng lương thực đã có đủ để ăn và dự trữ quốc gia, và vẫn còn dư hơn 6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Ngược dòng thời gian trong vòng tuần lễ trước đó, dư luận báo chí rộ lên thông tin theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2020 đạt 929.000 tấn, gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về giá trị, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD. Nhiều tờ báo đồng loạt giật tít lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 600%. Báo Hải Quan còn nhấn nhá một biểu đồ cao ngất ngưởng về sự chênh lệch lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 và cùng kỳ 2019 làm người ta hốt hoảng về âm mưu Trung Quốc mua gom gạo Việt Nam (2b). Cái luồng dư lận ấy về con số 600% làm các thành viên Chính phủ từ ông Trần Tuấn Anh đến Nguyễn Xuân Phúc tối mặt mà không để ý rằng lượng gạo Trung Quốc mua trong hai tháng chỉ có 62.000 tấn, tức là bằng 1.% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Nhưng có một thông tin khác nghiêm trọng hơn mà thời điểm ấy không ai công bố đó là Tổng Cục Dự trữ (Bộ Tài Chính) đã không thực hiện được kế hoạch mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia. 28 doanh nghiệp được giao thầu bán gạo dự trữ đã “xù” không thực hiện hợp đồng do giá gạo cuối tháng 3 tăng cao hơn giá lúc ký hợp đồng.

Mãi đến giữa tháng 4 mới có thông tin theo thống kê của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, tính đến thời điểm ngày 17/4, có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng toàn bộ số lượng đã trúng thầu là 7.700 tấn. Trong khi  24 doanh nghiệp khác từ chối thương thảo hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng với số lượng 172.100 tấn (3)

Trong văn bản góp ý với Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính cho biết chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 do Thủ tướng giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ thường.

"Trước tình hình nhu cầu xuất khẩu tăng, nên các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho quốc gia khoảng 178.000 tấn có tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng, không thực hiện thương thảo hợp đồng”. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến 15/6 để đảm bảo công tác mua dự trữ quốc gia. Sau khi mua đủ theo kế hoạch được giao sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu linh hoạt, phù hợp với thực tế.

2020-04-16T091732Z_1303327474_RC2L5G9J91MX_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM.JPG
Gạo đóng góp được tập trung để phát cho người nghèo tại các máy phát gạo thời kỳ dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam năm 2020. Reuters

Nhiệm vụ của Tổng Cục dự trữ là vừa bảo đảm an toàn lương thực, vừa góp phần bình ổn giá nhưng giá gạo vừa mới nhích lên thì Bộ Tài chính lại mượn danh mất an toàn lương thực tác động dừng xuất khẩu gạo để bảo đảm kế hoạch thu mua. Chỉ vì 172.000 tấn dự trữ mà phải chặn dòng chảy tự nhiên của hơn 6,5 triệu tấn, chặn đứng cơ hội của hàng triệu nông dân và nền xuất khẩu gạo của quốc gia. Các doanh nghiệp và các nhà quản lý vẫn còn nhớ như in một bài học đau xót phải trả giá trên 10 năm là năm 2009 cũng vì sợ mất an toàn lương thực, cấm xuất khẩu gạo trong lúc thị trường thế giới đang lên giá, Việt Nam đã đánh mất thị trường và giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo Thái Thái Lan cùng loại trên dưới 50 USD/tấn.

Điều đau xót là thông tin từ mạng xã hội đã phát hiện ra những doanh nghiệp thắng thầu cung cấp gạo cho Tổng Cục dự trữ hầu hết là các doanh nghiệp địa bàn miền núi, vùng cao nơi không đủ gạo ăn phải thường xuyên cứu đói.

Tư duy quản lý ngừng xuất khẩu, đè giá gạo để thu mua dự trữ của Bộ Tài chính trong trường hợp này là giết cả đàn trâu để cứu sống một con chuột. Điều đáng nói là sự vô trách nhiệm của Tổng Cục dự trữ và các doanh nghiệp vi phạm được Bộ Tài chính xuê xoa như chuyện bình thường, ngược lại họ còn được tiếp tục ưu đãi trong các công đoạn tiếp theo. Tổng Cục dự trữ được phép tổ chức đấu thầu lần 2 (4)

Ngày 18-5, Cục Dự trữ một số khu vực công bố kết quả đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Đáng chú ý trong danh sách trúng thầu gạo đợt này, có nhiều doanh nghiệp đã "xù" hợp đồng cung cấp gạo đợt đấu thầu đầu lần trước.

Ước tính với việc đấu thầu 182.300 tấn gạo lần 2 so với giá trúng thầu trước đó thì mỗi tấn gạo Nhà nước phải bỏ thêm 1,3 - 2,2 triệu đồng. Tính bình quân là 1,7 triệu đồng/tấn thì Nhà nước phải tốn thêm khoảng 300 tỉ đồng. (5)

Qua áp lực của dư luận, các nhà khoa học, Bộ Nông Nghiệp kiến nghị, chính quyền các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Long An, đến giữa tháng 4, Chính phủ đã cho xuất theo định mức 400.000 tấn. Đến phần mình, Tổng Cục Hải quan đã chơi trò xiếc mới, cho mở cổng đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 vào 0h ngày 12/4 và chỉ trong vài tiếng đồng hồ thì đã làm xong thủ tục thông quan chỉ tiêu 400.000 tấn. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ hụt hẫng do không biết để đăng ký. Có doanh nghiệp được thông quan đến trên 90.000 tấn, chiếm gần 1/4 hạn ngạch cả nước trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác không hề hay biết. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã đưa gạo ra cảng nằm chờ gần một tháng trời lại không được thông quan. Đây là cách làm bất minh tạo ra sự bất công rất lớn mà dư luận cho rằng có hiện tượng sân trước sân sau. (6)

Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp được đăng ký thông quan trong đêm có 4 doanh nghiệp từng xù hợp đồng cung ứng gạo dự trữ là Tổng công ty Lương thực miền Bắc đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn. Công ty cổ phần Mỹ Tường và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn. (7)

Tắc trách trong tổ chức mua lương thực dự trữ không đạt yêu cầu, phải gỡ gạc bằng việc đưa thông tin ảo về việc Trung Quốc để cấm xuất khẩu gạo, dìm giá nông dân là một tội ác. Khi mưu đồ bất thành, phải đấu giá lại, làm ngân sách thiệt hại trên 300 tỉ đồng là sự thiếu trách nhiệm. Tạo ra màn xiếc thông quan điện tử lúc nửa đênh để thủ lợi cho các doanh nghiệp sân sau là hành vi tham nhũng hối mại quyền lực. Tất cả những việc làm thối nát ấy là từ hai cơ quan chủ lực của Bộ Tài Chính có sự tiếp tay trực tiếp của ông Đinh Tiến Dũng qua các văn bản trình đi tấu lại.

Ấy vậy mà khi bị Quốc hội chất vấn, ông Dũng to tiếng đánh bùn sang ao, trút trách nhiệm cho Bộ Công thương và nhận thành tích về mình.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình rằng: “Cơ quan Hải quan cho xuất khẩu gạo tiếp là theo quyết định của Bộ Công thương

Theo quy định, điều 29 luật Hải Quan thì khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan dược khai tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ.

"Tóm lại, Hải quan điện tử và 24/7 được quy định trong luật và nghị định của Chính phủ, cơ quan hải quan phải thực hiện", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Bộ Trưởng Bộ Tài chính nhận định, đây là nỗ lực của cả hệ thống tổ chức trong nước và nước ngoài, được các tổ chức trong nước và nước ngoài đánh giá cao, cũng như góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. (8)

Trên cương vị mới, đứng dầu vùng đất màu mỡ, những thủ thật bao che cho lợi ích nhóm, đàn chuột quanh ông Dũng sẽ cắt xén ngân sách và tiền của người dân thủ đô ra tấm ra miếng. Đó cũng là quy luật chung của thể chế này.

________________

1-https://dangcongsan.vn/thoi-su/xuat-khau-gao-viet-nam-thang-lon-trong-nam-2020-572819.html

2- https://tuoitre.vn/tam-ngung-ky-hop-dong-xuat-khau-gao-moi-hop-dong-da-ky-se-xem-xet-cu-the-20200325124446844.htm

2b-https://vietnambiz.vn/nhu-cau-nhap-khau-gao-tu-trung-quoc-bat-ngo-tang-gan-600-20200320120346064.htm

3-https://tienphong.vn/diem-mat-24-28-doanh-nghiep-xu-trung-thau-gao-du-tru-quoc-gia-post1232668.tpo

4-https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xuat-400000-tan-gao-mo-to-khai-luc-nua-dem-doanh-nghiep-am-uc-20200413173104646.htm

5-https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-tung-xu-hop-dong-van-trung-thau-gao-du-tru-quoc-gia-20200518212127548.htm

6-https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xuat-400000-tan-gao-mo-to-khai-luc-nua-...

7-https://tienphong.vn/diem-mat-24-28-doanh-nghiep-xu-trung-thau-gao-du-tr...

8-https://danviet.vn/bo-truong-dinh-tien-dung-co-quan-hai-quan-cho-xuat-kh...

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
11/04/2021 14:17

Màn diễn này còn dài dài khi thể chế độc tài và lợi ích nhóm còn tồn tại, cấu kết với nhau để trục lợi trên vai gầy guộc và trĩu nặng của người nông dân chân lấm tay bùn. Ôi những kẻ hút máu người, lại tiếp tục hút mãi và hút mãi cho đến khi người dân gục ngã dưới tay đồng loại nhưng đóng kịch rất giỏi là những người vì dân, vì nước. Thương thay cho thân phận người Việt trên chính xứ sở của mình!